Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHiệu ứng dư luận sau việc Mỹ gửi công hàm lên Liên...

Hiệu ứng dư luận sau việc Mỹ gửi công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối tuyên bố chủ quyền của TQ trên Biển Đông

Ngay sau khi Mỹ công bố công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, chuyên gia học giả và dư luận các nước đã quan tâm chú ý đến động thái này của Washington.

Theo công hàm do Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft ký tên, đã nêu rõ rằng liên quan Công hàm số CML/14/2019 ngày 12/12/2019 do Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc nhằm phản hồi đệ trình cùng ngày của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa cùng ngày 12/12/2019, thì phía Mỹ khẳng định: Nước này bác bỏ yêu sách của Trung Quốc vì không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Mỹ yêu cầu gửi công hàm phản đối trên đến tất cả thành viên của Liên hợp quốc, đồng thời đăng tải công khai trên website của văn phòng pháp chế Liên hợp quốc.

Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Theo thông lệ ngoại giao của Mỹ, khi nước này gửi công hàm phản đối một vấn đề lên Liên hợp quốc, nếu bên bị phản đối không tuân thủ, thì Washington sẽ có động thái trừng phạt. Nên việc Mỹ gửi công hàm phản đối lên Liên hợp quốc là diễn biến mang tính bước ngoặt trong chính sách của nước này đối với vấn đề Biển Đông”. Tiến sỹ Satoru Nagao đặt ra khả năng biện pháp trừng phạt về kinh tế, hoặc thậm chí là quân sự. “Trung Quốc đừng nên đánh giá thấp ý chí của Mỹ. Có thể Washington sẽ sớm đặt ra hình thức chế tài bằng kinh tế. Và về quân sự, Mỹ có thể yêu cầu Trung Quốc rút các lực lượng quân sự, vũ khí ra khỏi các đảo, bãi cạn mà Bắc Kinh đang chiếm giữ phi pháp ở Biển Đông”, Tiến sỹ Satoru Nagao nhận định và nhấn mạnh rằng việc gửi công hàm lên Liên hợp quốc là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ can thiệp mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông.

Thực tế, thời gian qua, Mỹ liên tục phản ứng tuyên bố chủ quyền cũng như hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Tháng 11/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành báo cáo “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung”. Trong đó, Washington khẳng định Mỹ hợp tác cùng các nước trong khu vực để duy trì tự do hàng hải và tận dụng nhiều biện pháp khác nhau để tất cả các quốc gia có thể cùng chia sẻ lợi ích từ biển. Washington kêu gọi các nước liên quan cần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng những biện pháp hòa bình, không cưỡng ép và phải dựa trên luật pháp quốc tế.

Báo cáo trên cũng khẳng định chủ quyền dựa theo bản đồ “đường chín đoạn” (hay “đường lưỡi bò”) mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông đã được chứng minh là vô căn cứ, phi pháp và bất hợp lý. Washington lên án Bắc Kinh có nhiều hành động khiêu khích nhằm củng cố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý, “dọa nạt” các nước trong khu vực bằng sự bất ổn và nguy cơ xung đột. Trước đó, trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 17/10/2019, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương, khẳng định tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên là “vô lý và phi pháp”. Vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Quốc phòng nước này cũng đã lên tiếng phản đối việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa lúc rạng sáng 02/4//2020.

Giới quan sát cho rằng không chỉ phản ứng bằng các thông điệp mạnh mẽ, Washington gần đây điều động một lực lượng quân sự hùng hậu để thách thức các hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông. Từ cuối tháng 4 đến nay, máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1 Lancer của không quân Mỹ liên tục hoạt động ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ còn điều động nhiều loại tàu chiến như tàu tác chiến cận bờ, tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu đổ bộ tấn công mang chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35, tàu đổ bộ vận tải… cho đến tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân hoạt động tại Biển Đông. Gần đây, hải quân Mỹ lần lượt tổ chức tập trận chung cùng hải quân Australia và hải quân Singapore trên Biển Đông.

Trước công hàm của Mỹ, Ngày 26/5, phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên hợp quốc cũng đã gửi một công hàm số 126/POL-703/V/20 lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres để phản đối một loạt công hàm có liên quan tới yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Loạt tài liệu này bao gồm các công hàm của Bắc Kinh phản đối đơn yêu cầu xác định vùng thềm lục địa mở rộng (bao gồm vùng biển ở Nam Biển Đông) của Malaysia, phản đối các tuyên bố chủ quyền hợp pháp của Việt Nam và phản đối tuyên bố chủ quyền của Philippines ở biển Đông. Indonesia nhắc lại rằng yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Ông Evan A. Laksmana, nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về các vấn đề quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta, cho biết đây không phải là lần đầu tiên Indonesia tuyên bố lập trường của mình nhưng lần này, từ ngữ có vẻ mạnh mẽ hơn. Chuyên gia Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định định Indonesia lần này đã công khai ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bằng công hàm. “Các quan chức ở Jakarta đã thúc đẩy điều này trong 4 năm và dường như họ đã vượt qua được những nỗi lo chính trị về Trung Quốc”. Trong khi đó, hãng truyền thông ABS-CBN của Philippines gọi động thái này của Indonesia là “bom tấn ngoại giao”. Tuy nhiên, ông Evan A. Laksmana không cho diễn biến này là “cuộc đại tu” liên quan đến chính sách của Indonesia về biển Đông. Công hàm của Indonesia chỉ là phản ứng mới nhất trong số những công hàm của các quốc gia ASEAN và Trung Quốc gửi cho Liên hợp quốc sau công hàm của Malaysia hồi tháng 12/2019 về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với thềm lục địa trên biển Đông.

Như vậy đến nay đã có 4 nước trong khu vực Đông Nam Á là Malaysia, Việt Nam, Philippines, Indonesia và một nước bên ngoài khu vực là Mỹ gửi các công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là minh chứng cho thấy dư luận cộng đồng quốc tế đang cùng lên án mạnh mẽ chính sách, hành động của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới