Friday, April 19, 2024
Trang chủĐàm luậnChiến lược A2/AD có phải là cứu cánh cho Trung Quốc?

Chiến lược A2/AD có phải là cứu cánh cho Trung Quốc?

Trung Quốc đang ráo riết thực hiện Chiến lược chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập (A2/AD) tại Biển Đông, biển Hoa Đông và khu vực xung quanh eo biển Đài Loan. Mục tiêu mà nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm tới là, phá hoại quyền tự do hàng hải của Hải quân Mỹ và các nước đồng minh khác. Họ còn muốn gây nên những rủi ro chocác tàu chiến của Mỹ và đồng minh hoạt động tại các vùng biển này.

Chiến lược A2/AD của Trung Quốc cũng nhằm làm cho các đồng minh Thái Bình Dương của Mỹ nghi ngờ về khả năng của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (USPACOM) trong việc đối phó với các quan ngại an ninh. Trong thập niên vừa qua Trung Quốc đã mở rộng phạm vi hoạt động trên Biển Đông. Họ đãthiết lập một loạt cơ sở hạ tầng quân sự mới dưới dạng các đảo nhân tạo được trang bị đường băng, hầm chứa tàu ngầm và các cơ sở neo đậu. Các cơ sở hạ tầng quân sự này nhằm hỗ trợ hậu cần cho các đội tàu.

Mô hình cơ sở hạ tầng A2/AD được phát triển trên các đảo ở Biển Đông là bằng chứng cho thấy Trung Quốc nhận chuyển giao công nghệ từ Nga. Các nhà khoa học quân sự Bắc Kinh đã sao chép “chiến lược pháo đài” vốn được Moskva sử dụng tại các vùng biển của mình.

Một trong những yếu tố chính đảm bảo hiệu quả của chiến lược A2/AD là việc sở hữu một hệ thống phòng không tầm xa hiện đại nhằm hỗ trợ thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Quân độiTrung Quốc cùng máy bay chiến đấu chống ngầm và trinh sát điện tử Y-9 dường như sẽ đóng vai trò chính trong việc cung cấp thông tin cảnh báo sớm, được coi là chìa khóa đảm bảo thành công tại Biển Đông.

Quân đội Trung Quốc còn được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21/DF-26 cho các đảo, nhằm chống lại mối đe dọa từ các tàu mặt nước của Mỹ, trong đó có các tàu sân bay Nimitz và Ford. Sắp tới Trung Quốc cũng sẽ đưa vào sử dụng tàu khu trục Type 055. Phiên bản mới nhất này được phương Tây xếp loại là tàu tuần dương do kích thước và hệ thống vũ khí hiện đại của nó.

Tàu ngầm có khả năng trở thành nhân tố chính trong chiến lược A2/AD của Bắc Kinh tại Biển Đông. Các căn cứ hải quân của quân đội Trung Quốc tại Đại lục có thể che giấu ngầm hạt nhân. Việc triển khai tàu ngầm đến các đảo trên Biển Đông sẽ mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc, bởi các đảo này giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển, tạo điều kiện triển khai nhanh dựa trên các kịch bản chiến thuật.

Nằm gần lục địa Trung Quốc và là địa điểm đặt căn cứ hải quân Ngọc Lâm, đảo Hải Nam sẽ là một tài sản trên biển quan trọng trong việc triển khai chiến lược A2/AD. Căn cứ có thể che giấu nhiều tàu ngầm hạt nhân chiến lược và sở hữu một bến cảng lớn có thể cùng lúc neo đậu hai nhóm tác chiến tàu sân bay hoặc tàu tấn công đổ bộ.

Một căn cứ tàu ngầm khác đặt tại Long Ba, ở phía Đông Nam đảo Hải Nam. Đây là một cảng nước sâu với các cầu tàu dành cho tàu ngầm và một cơ sở ngầm với các lối vào đường hầm. Long Ba cũng có các cầu tàu dành cho các tàu chiến mặt nước, biến nơi đây trở thành một căn cứ đa năng quan trọng của Hải quân Trung Quốc. Các cơ sở tàu ngầm và tàu chiến mặt nước tại đảo Hải Nam cho thấy hòn đảo này sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược A2/AD của Trung Quốc.

Trên biển Đông, các đảo tiền đồn như Hải Nam, Phú Lâm mang lại cho Trung Quốc ưu thế quyết định trước mọi thách thức trên Biển Đông. Không chỉ phục vụ việc triển khai nhiệm vụ quân sự, các đảo này còn có nhiệm vụ tích hợp thông tin tình báo thu thập được vào hệ thống chỉ huy đầu não của quân đội ở cấp độ chiến lược.

Việcxây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo khẳng định tầm nhìn chiến lược là phát triển các không gian biển thành “sân sau” của quân đội Trung Quốc. Còn các cơ sở thông tin liên lạc trên các đảo này bao gồm các tuyến cáp quang dưới biển, hệ thống liên lạc vệ tinh đa băng tần, dải cao tần băng thông rộng, và các ra-đa vi sóng vượt đường chân trời.

Trung Quốc huênh hoang tuyên bố: Họ có đủ khả năng ngăn chặn lực lượng thù địch tiếp cận thông tin, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin tình báo của chính quân đội nước này theo thời gian thực tại Biển Đông. Không dừng ở đó, các tiền đồn quân sự có thể chỉ huy và kiểm soát lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.

Chiến lược A2/AD tuyphù hợp với đặc điểm địa lý của Biển Đông nhưng cũng có những rủi ro lớn trongquá trình thực thi. Khả năng của Trung Quốc và các loại vũ khí của quân đội chưa được chứng minh trong thực tếchiến đấu. Sĩ quan và binh lính trong quân đội Trung Quốc lại ít kinh nghiệm chiến đấu, ngoài việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chưa sẵn sàng đối mặt với một đối tượng tác chiến có kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến như Mỹ.

Biển Đông ngày càng căng thẳng. Các tranh chấp trên biển đã khiến các nước trong khu vực không còn chút niền tin nào đối với Trung Quốc. Bắc Kinh cần biết, mục tiêu chi phối khu vực mà không cần can dự ngoại giao với các nước sẽ không đạt được những kết quả mà họ mong muốn. Chiến lược A2/AD không thể thay thế cho một chính sách ngoại giao khu vực hiệu quả.

Cho dù Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược A2/AD cũng không làm nhụt chí của các quốc gia láng giềng trong việc kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.Trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp, các quốc gia trong khu vực có thể nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ và đồng minh. Khi đó, Trung Quốc có nguy cơ bị cô lập và bị coi là kẻ xâm lược.

Bắc Kinh chỉ có một con đường: Dừng lại ngay những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, bắt nạt các nước yếu thế hơn, gây căng thẳng trên biển Đông; kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược với các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời thiết lập các liên minh mạnh mẽ trong khu vực. Có như vậy chiến lược A2/AD mới có thể hỗ trợ, tăng cường sức mạnh của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới