Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐàm luậnBốn năm sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế: Kẻ...

Bốn năm sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế: Kẻ gieo gió ắt gặt bão!

Cách đây bốn năm, ngày 12/7/2016 Tòa Trọng tài quốc tế của Liên hợp quốc tại Lahaye đã ra phán quyết bác bỏ hoàn toàn những yêu sách vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Thế nhưng trong những năm qua, Trung Quốc không những phớt lờ phán quyết này mà ngày càng tỏ ra hung hăng hơn.

Chẳng lẽ nước đứng ra khởi kiện và các nước có liên quan, nhất là Việt Nam, Malaysia chịu khoanh tay đứng nhìn những hành động hiếu chiến của Bắc Kinh? Trên thực tế, các nước trong khu vực đã liên tục lên tiếng phản đối Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế, đồng thời có những đối sách quyết liệt để ngăn chặn “chiến lược bắp cải” hòng gặm nhấm Biển Đông của nước này.

Đúng vào ngày 12/7/2020, ông Teodoro Locsin Jr. – Ngoại trưởng Philippines – đã  khẳng định thái độ trước sau như một của Philippines: Tuyên bố phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài Quốc tế phải được thực hiện nghiêm túc.  Philippines cương quyết không thỏa hiệp. Manila kỷ niệm ngày Tòa án Quốc tế ra phán quyết như một cách để đề cao pháp quyền trong việc giải quyết tranh chấp, đồng thời chỉ rõ bên nào sẽ là bên sai khi khăng khăng với những yêu sách đi ngược lại phán quyết.

Chúng tôi xin nêu lại vắn tắt những điểm chính trong phán quyết của: Tòa trọng tài: Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với Biển Đông; “Đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển; không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc; Trung Quốc không được phép can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, nhất là ở bãi cạn Scarborough; Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo…

Trong Tuyên bố hôm 12/7, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. nhấn mạnh: Phán quyết của Tòa án Quốc tế đã “giải quyết triệt để vấn đề về quyền lịch sử và các quyền hàng hải ở Biển Đông dựa trên Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Phán quyết này không thể thỏa hiệp. Tòa đã phán quyết rằng các đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển… hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.”

Theo các nhà bình luận quốc tế, đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất mà Manila đưa ra nhằm vào dịp kỷ niệm bốn năm nước này “chiến thắng” trong vụ kiện. Thế nhưng, kể từ đó Trung Quốc vẫn cố tình chây ỳ, “ném” phán quyết của Tòa án quốc tế vào sọt rác, từ chối tham gia tranh tụng với chính quyền của Tổng thống Philippines ở thời điểm đó.

Đồng thời, Trung Quốc gia tăng các hành động khiêu khích với các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đó là Việt Nam, Philippines,  Malaysia…

Ngoại trưởng Philippines Locsin cho rằng,  Tòa Trọng tài trong phán quyết nêu rõ những hành động sai trái của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, nghiêm trọng nhất là đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines.  Hành vi vi phạm đáng lên án củaTrung Quốc là việc cải tạo quy mô lớn và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Tháng 4/2020 Philippines đã trao hai công hàm ngoại giao phản đối và lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế ở Biển Đông  (Manila gọi là Biển Tây Philippines). Tổng thống Rodrigo Duterte mặc dù đã cố gắng thúc đẩy quan hệ thân thiết với Bắc Kinh nhưng đã thẳng thắn nói với Chủ tịch Tập Cận Bình,  yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm phán quyết của Tòa Trọng tài.  Thế nhưng ông Tập đã thẳng thừng nói: “Chúng tôi sẽ không thay đổi”.

Cùng với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng đã đưa ra yêu sách đối với vùng biển này, yêu cầu Trung quốc phải chấm dứt ngay những hành động gia tăng quân sự, gây mất ổn định trên Biển Đông. Còn Mỹ, với tư cách một cường quốc, không có tuyên bố chủ quyền tại đây, thế nhưng Wasinghton đã có nhiều động thái tích cực nhằm làm lạnh cái đầu bốc lửa ở Trung Nam Hải. Quân đội Mỹ đã triển khai nhiều tàu chiến và máy bay để tuần tra, tập trận chung  và thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không tại đây.

Từ đầu năm đến nay Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh yêu sách chủ quyền ở Biển Đông bằng cách thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cảu Việt Nam. Những hành động đó đã đi ngược lại tinh thần tuyên bố DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán COC (bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông) hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Trong bối dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó Mỹ là quốc gia thiệt hại nặng nề nhất, Trung Quốc đang tính toán “mượn gió bẻ măng”, tranh thủ lấn tới trên Biển Đông. Nhưng sự thật thì Mỹ đã tỏ thái độ rõ ràng bằng việc gần đây nhất đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Regan và USS Nimitz  tới biển Đông. Mỹ tuyên bố rất “khách quan”: Mục đích của cuộc tập trận là cải thiện năng lực phòng không và các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa. Thế  nhưng ai cũng hiểu, đây là đòn  Wasinghton nhằm vào Bắc Kinh.

Còn các nước trong khu vực, kể cả những nước trước đây vốn mềm mỏng với Trung Quốc, như Malaysia, Philippines, Indonesia nay cũng có những tiếng nói phản đối mạnh mẽ Trung Quốc và bày tỏ sự ủng hộ lập trường của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi Trung Quốc, kẻ thua cuộc trong vụ kiện tại Tòa trọng tại Quốc tế Lahaye-2016, hãy thượng tôn pháp luật!  Nếu Bắc Kinh tiếp tục các hành động trắng trợn vi phạm chủ quyền các nước khác trên Biển Đông thì nhân loại sẽ không để yên.  Kẻ gieo gió trước sau cũng gặt bão!

                                                                                                                                                                          H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới