Friday, March 29, 2024
Trang chủĐàm luậnMột giai đoạn mới ở Biển Đông sau Tuyên bố của Mỹ

Một giai đoạn mới ở Biển Đông sau Tuyên bố của Mỹ

Rạng sáng ngày 14/7 Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lập trường của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Washington bác bỏ các yêu sách này một cách cụ thể và chính thức. Thái độ cứng rắn của Mỹ được các quốc gia quan tâm vấn đề Biển Đông rất hoan nghênh. Đương nhiên, Trung Quốc là nước phản ứng dữ dội nhất.

Lập trường mới của Mỹ thể hiện ở chỗ: Từ trước đến nay Bắc Kinh không đưa ra một yêu sách biển hợp pháp, chặt chẽ ở Biển Đông, do vậy Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý xuất phát từ các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách biển của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam); cụm bãi cạn Lucon (Malaysia; vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn (Indonesia). Theo đó, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này, hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương, đều là phi pháp.

Nói thẳng ra rằng, Mỹ đã bác bỏ hầu hết yêu sách biển của Trung Quốc ở phía nam Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa. Mỹ hoàn toàn ủng hộ Việt Nam trước những hành động gây hấn của Trung Quốc, cụ thể là hoạt động nghề cá và khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam ở khu vực này. Thái độ kiên quyết của Wasinghton đã đập tan luận điệu của Trung Quốc leo lẻo nói rằng Bãi Tư Chính là khu vực đang có tranh chấp.

Tuy nhiên, Mỹ không tỏ rõ thái độ về những “tranh chấp lãnh thổ”, không sa lầy vào việc xác định nước nào mới có chủ quyền thật sự đối với các thực thể có thể yêu sách chủ quyền ở khu vực. Điều đó thể hiện Mỹ không giữ vị thế trung lập, tôn trọng luật pháp quốc tế, cụ thể là tôn trọng luật Biển và phán quyết của tòa trọng tài quốc tế (Lahaye-2016).

Theo các nhà bình luận quốc thế, hành động mới nhất này của Mỹ là chỉ dấu mở đường cho việc trừng phạt Trung Quốc khi đã xác định chính xác giới hạn hành động hợp pháp và phi pháp. Từ đây Mỹ hoàn toàn có quyền trừng phạt các cá nhân và tổ chức tham gia vào việc quấy phá hoạt động nghề cá, thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của nước khác, hoặc đơn phương thực hiện các hành động phi pháp như thăm dò, khai thác dầu khí.

Chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lập trường của mình, Trung Quốc đã điên cuồng đáp trả.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngụy biện: “Tuyên bố của Mỹ về Biển Đông tiếp tục là một bằng chứng nữa cho thấy Wasinghton đang cố gắng gieo rắc sự bất hòa giữa Trung Quốc và các nước ven Biển Đông. Trung Quốc chưa bao giờ chính thức tuyên bố yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông vào năm 2009 như Mỹ nói. Bản đồ Biển Đông đầu tiên có những đường đứt đoạn được công bố vào năm 1948 bởi chính phủ ở Trung Quốc và được truyền lại cho chính phủ kế tiếp mà không có sự tranh chấp của nước nào” (!)

Thật là một trò lố. Bởi luận điệu này đã được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần, một luận điệu phi khoa học và phi lịch sử.

Chúng ta có thể thấy, lập trường cứng rắn của Mỹ sẽ mở ra một giai đoạn mới ở Biển Đông. Tuyên bố của Mỹ cũng ngầm nói lên một điều: Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực.

Vào tối qua, 14/7, tại một cuộc Hội thảo về Biển Đông lần thứ 10, do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ tổ chức đã có những phân tích, bình luận sâu hơn về vấn đề này.  Theo đó, lập trường của Mỹ không chỉ là sự dịch chuyển về chính trị, mà là tiền đề quan trọng cho cơ sở pháp lý của việc sử dụng vũ lực chống lại Trung Quốc ở những vùng biển mà yêu sách của Trung Quốc đã bị Mỹ bác bỏ một cách chính thức.

Từ đây Mỹ hoàn toàn có thể sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á  trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Mỹ sẽ sát cánh với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do biển cả, tôn trọng chủ quyền và bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hay khu vực rộng lớn hơn.

Tất nhiên, nếu như có ai đó hy vọng Mỹ sẽ ” xả thân” cứu giúp các quốc gia đang bị Trung Quốc bắt nạt,chi phối và đàn áp… thì đó là điều không tưởng. Người Mỹ là sống ” duy lý” – Cho nên, họ chỉ ra tay khi mà lợi ích và vị trí của họ bị xâm hại, hoặc có nguy cơ bị xâm hại. Và với Mỹ, không có lợi ích nào ngoài lợi ích kinh tế.

Tuyên bố dứt khoát như vậy nhưng không có nghĩa đến một lúc nào đó Mỹ sẽ gây chiến với Trung Quốc ở các vùng biển nêu trên. Mỹ cũng không có thể ra tay bảo vệ về mặt quân sự đối với một quốc gia bị Trung Quốc tấn công ở các vùng biển này. Thay vào đó, Mỹ có trách nhiệm góp phần xác lập “nguyên nhân chính đáng” có thể tấn công hoặc phản công Trung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.

Và một điều cực kỳ quan trọng là Mỹ đã nhìn thấy ” bản chất thật” của chính quyền Trung Quốc, và đã bắt đầu ” rất cảnh giác”.

                                                                                                                                                                        H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới