Tuesday, April 23, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ khiến ASEAN đoàn kết

TQ khiến ASEAN đoàn kết

Trung Quốc gia tăng những hành động gây hấn ngang ngược trên Biển Đông khiến các nước ASEAN thấy rõ hơn dã tâm của quốc gia tự xưng là “trỗi dậy hòa bình” này, từ đó, xích lại gần nhau hơn trong cuộc đấu tranh chống lại đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc.

Ảnh. Quân đội Trung Quốc ngụy trang thành ngư dân Biển Đông

“Các nước ASEAN ngày một gần nhau hơn, nhờ Trung Quốc”; “Sự hung hăng của Trung Quốc “giúp” Việt Nam thực hiện tốt hơn vai trò Chủ tịch ASEAN 2020”.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia về Biển Đông trong thời điểm hiện nay.

Trước đây khoảng một năm, ý kiến đó có thể bị cho là ngớ ngẩn. Vì chia rẽ ASEAN, nhất là Malaysia, Philippines, Việt Nam – những bên có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông – luôn là mục tiêu của  Bắc Kinh. Một ASEAN phân tán, Trung Quốc có thể dễ bề “đàm phán song phương” với từng nước và dùng sức mạnh tài chính, sức mạnh cơ bắp chi phối, áp đặt đòi hỏi chủ quyền vô lý.

Bắc Kinh từng thành công xúi Campuchia không đồng ý đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc ở biển Đông vào tuyên bố chung, khiến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45  do Campuchia đăng cai tổ chức năm 2012 thất bại – điều chưa từng có trong lịch sử ASEAN. Campuchia phá đám lần đó vì là đồng minh gần gũi với Trung Quốc, được Trung Quốc hào phóng viện trợ tài chính từ nhiều năm.

Năm 2016, thất bại tương tự lặp lại tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49. Tổ chức tại Lào, nhưng với con bài cũ, Trung Quốc đã tác động, chi phối để Campuchia phủ quyết mọi điều liên quan đến việc Toà trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, đưa ra trong dự thảo Tuyên bố chung.

Thời điểm này, diễn biến đã và đang cho thấy chiều hướng mới.

Thứ nhất, Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 đã thành công, ra được Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng”. Đặc biệt, dư luận đánh giá cao nội dung Tuyên bố thể hiện rõ  quan điểm, thái độ về vấn đề Biển Đông, khẳng định quyết tâm xây dựng Biển Đông thành khu vực biển hợp tác, phát triển, an ninh và an toàn; thực hiện tốt Công ước về Luật Biển năm 1982…

Sự kiện thành công, vai trò chủ trì nước chủ nhà Việt Nam là rất lớn. Nhưng ai cũng biết: nếu ASEAN tiếp tục phân tán, bị Trung Quốc tác động, chi phối, thì việc đề cập vấn đề Biển Đông một cách rõ ràng, mạnh mẽ như Tuyên bố là điều không thể. Do vậy, thành công của Hội nghị chứng tỏ với vai trò cùng sự khéo léo và cứng rắn của Việt Nam, những lá bài cũ của Bắc Kinh như Campuchia, phần nào nữa là Lào, đã bị bắt sống và vô hiệu hóa.

Thứ hai, Từ đầu năm đến nay, người ta đã chứng kiến các động thái thể hiện khuynh hướng thay đổi quan điểm của các nước trong khu vực với Trung Quốc.

Philippines là điển hình, cần nhắc đến đầu tiên. Nước này đã thông qua hành động ngừng việc chấm dứt Hiệp định lực lượng viếng thăm với Mỹ. Điều này cho thấy, chỉ sau vài tháng, chính quyền của Tổng thống Philippines Duterte đã phải vội vã trở lại đường lối đối ngoại duy trì quan hệ liên minh với Mỹ. Nó đồng nghĩa với Philippines ngãng ra, hoặc chậm lại quá trình điều chỉnh quan hệ thân thiện với Trung Quốc để “nghe ngóng”. Nói cách khác, sự ngang ngược, lá mặt, lá trái của Trung Nam Hải đã khiến Manila cảnh giác.

 Malaysia cũng bị Trung Quốc cho tàu quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng thềm lục địa. Vốn thiên về chủ trương “ngoại giao thầm lặng”, không làm ầm, quyết liệt như Việt Nam trong “Vụ Tư Chính”, nhưng hẳn Kuala Lumpur không thể không phẫn nộ và cay cú.

Còn Indonesia thì ai cũng biết họ từng khó chịu như thế nào trước yêu sách của Trung Quốc với vùng biển gần quần đảo Natuna. Đến mức, Tổng thống nước này, ông Widodo nổi nóng, tuyên bố như ném vào mặt Bắc Kinh rằng: “Natuna là một phần lãnh thổ của Indonesia, không có gì phải bàn cãi, nghi ngờ về điều này. Không có chuyện thương lượng về chủ quyền của chúng tôi”.

Hệ thống lại, còn có thể việc cuối năm 2019, Malaysia gửi lên Uỷ ban ranh giới thềm lục địa LHQ Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía bắc biển Đông. Sau các công hàm phản bác vụng về của Trung Quốc, liên tiếp các tháng vừa qua, cứ như có sự bàn bạc, dàn dựng kịch bản, Phippines, Việt Nam, Indonesia lần lượt gửi công hàm tới LHQ phản đối công hàm của Trung Quốc. Đến mức, nhiều chuyên gia nhận định rằng, đã có một cuộc chiến công hàm về vấn đề Biển Đông giữa hai phe: một bên là các nước ASEAN, một bên là Trung Quốc.  

Tóm lại, điều tưởng như phi lý đã và đang xảy ra: những động thái gây hấn ngang ngược ngày càng tăng trên Biển Đông của Trung Quốc đã khiến các nước ASEAN thấy rõ hơn dã tâm của Bắc Kinh. Từ đó, họ đoàn kết hơn, có tiếng nói thống nhất hơn trong cuộc đấu bảo vệ chủ quyền, lợi ích của mình. Bởi các nước này biết rằng, một cuộc đấu tay đôi với gã côn đồ, khổng lồ như Trung Quốc khó khăn như thế nào.

                                                                                                                                                                                                    Đ.T

RELATED ARTICLES

Tin mới