Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển ĐôngVấn đề Biển Đông được thể hiện mạnh mẽ hơn trong Tuyên...

Vấn đề Biển Đông được thể hiện mạnh mẽ hơn trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 36

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngày 26/6/2020, Thủ tướng Việt Nam đã cùng các Lãnh đạo ASEAN tiến hành Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 bằng hình thức trực tuyến. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian gần đây, vấn đề Biển Đông trở thành nội dung quan trọng được các lãnh đạo ASEAN trao đổi và được đưa vào Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị thể hiện quan ngại của các nhà lãnh đạo ASEAN trước hành động lợi dụng đại dịch Covid-19 để gây hấn ở Biển Đông.

Đại biểu quốc tế dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội.

Trước đó, ngày 24/6, tại Hội nghị Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN lần thứ 21 dưới hình thức trực tuyến, các Bộ trưởng cũng nhận định ASEAN tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức an ninh phức tạp, trong đó có tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, vấn đề Biển Đông được đặc biệt quan tâm và được dành một thời lượng khá lớn trong phần “Các vấn đề trong khu vực và quốc tế “. Theo đó, các nhà lãnh đạo “tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không qua Biển Đông và ghi nhận lợi ích của việc giữ Biển Đông là vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng”; bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo, những diễn biến gần đây, trong đó có những hành động và vụ việc hết sức nghiêm trọng làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hoàn bình, an ninh và ổn định trong khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và kiềm chế mọi hoạt động của các bên có liên quan và các quốc gia khác, bao gồm cả những nước được đề cập trong DOC, có thể tiếp tục gây phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Tuyên bố khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy xây dựng niềm tin chung, kêu gọi các bên kiềm chế không có hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định cũng như tránh những hành động có thể tiếp tục làm phức tạp tình hình và theo đuổi các giải pháp giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận trên toàn cầu, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Đặc biệt, Tuyên bố khẳng định UNCLOS là nền tảng cơ bản nhằm xác định các thực thể trên biển, chủ quyền hợp pháp và những lợi ích hợp pháp tại các vùng biển và UNCLOS đã tạo ra những khuôn khổ pháp lý cho toàn bộ các hoạt động tại các đại dương và vùng biển. Đây được coi là lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh đến khía cạnh pháp lý trên vấn đề Biển Đông.

Ngay sau khi được công bố, Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã gây được sự chú ý của các quan chức, học giả, nhà nghiên cứu quốc tế và truyền thông thế giới. Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dẫn lại Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được các lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 ngày 26/6/2020; đồng thời, khẳng định: “Mỹ hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ sớm thảo luận thêm về chủ đề này”.

Hãng tin Reuters  dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đánh giá: “Ngay cả khi các nước trong khu vực nỗ lực để kiềm chế Covid-19, nhiều diễn biến đáng báo động vẫn đang diễn ra ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế không làm leo thang căng thẳng và thực thi trách nhiệm của mình theo đúng luật pháp quốc tế” trong bài viết “Trong dịch bệnh, các quốc gia Đông Nam Á cảnh báo về những diễn biến “đáng báo động” ở Biển Đông”.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha trong bài viết có tiêu đề “Lãnh đạo các nước ASEAN cảnh báo về căng thẳng ở Biển Đông” kêu gọi các nước ASEAN cần hợp tác nhằm “tăng cường đoàn kết khu vực, tránh bị ép phải chọn phe cũng như trở thành bàn đạp cho các cường quốc gây áp lực với các quốc gia nội khối”.

Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, vấn đề Biển Đông được nêu trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 “là một phản ứng mạnh mẽ trước những yêu sách của Trung Quốc”, bản Tuyên bố này cho thấy “sự thay đổi đáng kể về quan điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông”. Vì sao ASEAN có sự chuyển biến theo hướng mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông được các nhà quan sát quốc tế hết sức quan tâm và đưa ra những nhận định ban đầu, trong đó có một số điểm đáng chú ý sau:

Trước hết, Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 36 thể hiện sự đồng thuận cao hơn của các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông với một quan điểm mạnh mẽ hơn, trong đó đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS. Trả lời câu hỏi của hãng AP, ba nhà ngoại giao Đông Nam Á giấu tên cho rằng toàn khối rõ ràng là đã có lập trường cứng rắn đáng kể trong việc khẳng định yêu cầu tôn trọng luật lệ quốc tế ở Biển Đông.

Có ý kiến còn cho rằng nội dung trong Tuyên bố thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng khi nhấn mạnh UNCLOS là nền tảng cơ bản nhằm xác định các thực thể trên biển, chủ quyền hợp pháp và những lợi ích hợp pháp tại các vùng biển và UNCLOS đã tạo ra những khuôn khổ pháp lý cho toàn bộ các hoạt động tại các đại dương và vùng biển. Thực chất đây là tinh thần của phán quyết 12/7/2016, theo đó phán quyết đã dựa trên các quy định của UNCLOS để bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc và khẳng định các cấu trúc thuộc Trường Sa hoàn toàn không đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng mà chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý.

Thứ hai, việc các lãnh đạo ASEAN tỏ thái độ mạnh mẽ hơn, có ý kiến cho rằng nội dung về Biển Đông trong Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN lần này thể hiện thái độ cứng rắn nhất của ASEAN đối với những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Nguyên nhân là do các nước càng hiểu rõ thêm bản chất bá quyền, bành trướng của Bắc Kinh qua việc họ lợi dụng đại dịch Covid-19 để gia tăng các hành động gây hấn với các nước láng giềng nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Trước những hành động hung hăng dồn dập của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước ASEAN thấy cần củng cố sự đoàn kết để phát huy vai trò trong việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Thứ ba, những động thái của Mỹ khẳng định những cam kết bằng cả lời nói (thông qua các phát biểu của chính quyền và Nghị sĩ Mỹ) và hành động cụ thể (sự hiện diện thường xuyên của hải quân, không quân Mỹ ở Biển Đông bất chấp những khó khăn của dịch bệnh Covid-19) đối với khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng có ý nghĩa quan trọng, khuyến khích các nước ASEAN đoàn kết, nhất trí hơn trên vấn đề Biển Đông.

Trong các hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, Lầu Năm góc luôn khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông và đặc biệt hôm 01/6/2020, Mỹ còn chính thức gửi công thư lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS và phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Đây là yếu tố hết sức quan trọng thôi thúc các nhà lãnh đạo ASEAN đề cao khía cạnh pháp lý trong Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN 36. Các nước ASEAN còn tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ khi Washington ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh lập trường của ASEAN về Biển Đông ngay sau khi Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN được công bố.

Thứ tư, có được sự nhất trí cao hơn trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông phải kể đến vai trò của chủ nhà Việt Nam. Là nước chịu sức ép lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông, Hà Nội hiểu Bắc Kinh hơn ai hết nên đã chủ động tích cực phát huy vai trò của nước Chủ tịch ASEAN để đưa được một cách khá đầy đủ toàn diện quan điểm dựa trên luật pháp quốc tế của các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị cấp cao ASEAN 36.

Nhiều hãng truyền thông quốc tế đã trích dẫn phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 36 của Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh “trong khi cả thế giới đang đấu tranh chống lại dịch bệnh thì các hành động thiếu trách nhiệm, vi phạm luật pháp quốc tế và đặt ra các mối đe dọa đối với an ninh và ổn định khu vực đã diễn ra tại một số khu vực, trong đó có cả các khu vực thuộc Việt Nam”. Các nhà quan sát cho rằng mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, song nội dung phát biểu này chính là lời lên án mạnh mẽ việc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch để gây hấn ở Biển Đông. Việt Nam đã phát huy tốt vai trò Chủ tịch của mình trong việc tạo đồng thuận cao hơn trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông.

Truyền thông Trung Quốc tỏ thái độ hằn học trước kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN 36. Mặc dù phải thừa nhận nội dung Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN lần này thể hiện sự quyết đoán hơn so với các Tuyên bố trước đây, song họ tìm cách vu cáo cho “sự can thiệp từ bên ngoài” mà không tự nhận thấy rằng nguyên nhân là do cách hành xử hung hăng, hiếu chiến của Bắc Kinh.

Giới cầm quyền Bắc Kinh cần phải hiểu rằng, hành động hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế của họ ở Biển Đông đã buộc Mỹ phải tăng cường sự hiện diện ở khu vực và trên Biển Đông cho dù đang phải đối mặt với các thách thức từ đại dịch Covid-19. Rõ ràng điều này thúc đẩy sự tự tin của ASEAN vào việc củng cố sự quyết đoán của cả khối liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Dù tức tối, song Bắc Kinh vẫn phải tìm cách ve vãn ASEAN khi nói rằng vấn đề Biển Đông sẽ không trở thành rào cản trong việc duy trì quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và khối ASEAN. Tuy nhiên, có thể thấy Bắc Kinh luôn thi hành chính sách “cây gậy và củ cà rốt” trong quan hệ với ASEAN qua những lời lẽ theo kiểu “vừa đấm, vừa xoa”: “là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Quý I/2020, các nước thành viên ASEAN cũng hiểu rằng việc làm xói mòn mối quan hệ song phương là gây hại cho các lợi ích của họ”.

Rõ ràng Bắc Kinh tỏ lo ngại trước việc ASEAN có sự nhất trí cao hơn trên vấn đề Biển Đông thể hiện qua việc truyền thông Trung Quốc đã đặt câu hỏi: “Liệu Trung Quốc sẽ đối phó ra sao với sự quyết đoán mạnh mẽ hơn của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông?”. Do vậy, không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những hành động phiêu lưu mới ở Biển Đông để trả đũa trong thời gian tới, cần hết sức cảnh giác.

RELATED ARTICLES

Tin mới