Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐàm luậnNgoại giao theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”

Ngoại giao theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”

Một cuộc tập trận mới của quân đội Trung Quốc kéo dài trong chín ngày ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, từ 25/7 đến 2/8/2020) đã diễn ra. Điều đó chứng tỏ thái độ bất nhất của Bắc Kinh. Bởi trước đó trong hội nghị trực tuyến của Ủy Ban chỉ đạo, hợp tác song phương Việt –Trung, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã quay ngoắt 360 độ, nhấn mạnh tình hữu nghị, bày tỏ sự thân thiết với Việt Nam và các nước ASEAN.

Bắc Kinh luôn luôn tuyên bố các hoạt động của quân đội trên Biển Đông là bình thường. Nhưng điều đó không một quốc gia nào có thể tin được. Bởi với một tư duy quân sự thông thường ai cũng hiểu âm mưu sâu xa, tác động của các cuộc tập trận ở khu vực và trên Biển Đông. Mục tiêu gần nhất của Trung Nam Hải là, cảnh báo đối với các thế lực quân sự nước ngoài, rằng Trung Quốc có nền quốc phòng mạnh cả phòng thủ và tấn công.

Về địa điểm tập trận lần này ở vị trí gần Biển Đông và gần Việt Nam, chưa rõ “ông bạn vàng” Trung Quốc có hàm ý gì đối với Hà Nội?.

Đợt tập trận nối tháng 7 sang tháng 8 của quân đội Trung Quốc bao gồm các hạng mục: bắn đạn thật có sức công phá lớn, trong đó có pháo tên lửa và tên lửa. Lực lượng không quân Trung Quốc cũng tập bắn đạn thật (không đối biển và không đối không) ở phía Tây bán đảo Lôi Châu, cận kề Biển Đông.

Xin bạn đọc lưu ý, mới đây sau thái độ cứng rắn của Mỹ và một số quốc gia khác, chính phủ Úc cũng đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông và khu vực. Vậy là thêm tiếng nói ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền, an ninh trên Biển Đông, dằn mặt Trung Quốc. Một câu hỏi đặt ra: Úc quyết định đệ đơn lên Liên hợp quốc vào lúc này liệu có bị Bắc Kinh sờ gáy?

Đại diện chính quyền Úc cho hay: Mặc dù Trung Nam Hải đã lập tức phản ứng, đe dọa sẽ có các hành động trừng phạt đối với Úc. Tuy nhiên nước này không hề “sợ” bất kỳ sự đe dọa nào từ phía Trung Quốc. Nước Úc chỉ hướng tới duy nhất quan điểm thượng tôn pháp luật quốc tế và hết sức ủng hộ quan điểm thượng tôn pháp luật quốc tế liên quan đến Biển Đông của Mỹ.

Việc quân đội Trung Quốc liên tục tổ chức tập trận cũng do tình hình Biển Đông thời gian qua nóng bỏng. Cùng với thái độ kiên quyết của Việt Nam, Philippines, Malaysia đã tỏ rõ thái độ phản đối mạnh mẽ hành động gia tăng quân sự, lấn lướt của Trung Quốc trong khu vực. Mới đây, Indonesia đã tổ chức tập trận ở khu vực quần đảo Natuna. Đây là thái độ kiên quyết, bất hợp tác với Trung Quốc. Bởi trước đó, vào tháng 5/2020, Bắc Kinh đã đề nghị Indonesia đàm phán song phương để xử lý một “tranh chấp”. Cái lý đòi “ngồi lại” là vì, đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền có một phần chồng lấn với Natuna Besar của Indonesia.

Mặc dù các nước trong khu vực phản ứng mạnh mẽ, với những hành động cụ thể,   nhưng điều khiến Bắc Kinh đau đầu nhất vẫn là hành động mà Trung Quốc lu loa rằng Mỹ dùng sức mạnh cơ bắp để ứng xử với các nước khác. Mỹ đã triển khai chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng. Chiến lược này được công bố từ cuối năm 2017, cụ thể hóa đường lối và chính sách quan hệ với Trung Quốc. Với chiến lược này Mỹ bày tỏ thái độ rõ ràng: Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược số một của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng tuyên bố, Mỹ cần bỏ chính sách mà Nixon đã khởi xướng đối với Trung Quốc từ cuối thập niên 1960. Chính sách đó là, Mỹ ủng hộ Trung Quốc giàu mạnh, dân chủ hóa. Tiếc rằng, Trung Quốc đã làm ngược lại, từ chối dân chủ hóa. Bắc Kinh cũng đang làm thay đổi trật tự quốc tế bằng những hành động bất chấp luật pháp trên biển.

Khi các nước đều tỏ thái độ dứt khoát thì Việt Nam cũngkhông thể đứng ngoài. Tranh chấp lớn nhất là giữa Trung Quốc và Việt Nam, nói chính xác hơn là Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa cướp đảo, cướp biển nhiều nhất.

Đối đầu với một “đồng chí” nhưng thực chất là một đối phương, cái khó của Hà Nội là chỗ đó. Con đường gần nhất của Việt Nam chỉ có thể là, đứng về phía pháp luật quốc tế. Việt Nam thẳng thắn tuyên bố rằng, quốc gia nào tuân thủ luật pháp quốc tế thì chúng tôi sẽ hợp tác với quốc gia đó, vì mục tiêu hòa bình, ổn định trong khu vực và trên Biển Đông.

Về vấn đề an ninh vốn là điều khó khăn lớn nhất trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Không chỉ có vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các vấn đề Biển Đông, an ninh còn là các vấn đề liên quan đến lưu vực sông Mekong. Điều này đòi hỏi Hà Nội phải có những ứng xử khôn khéo, phù hợp, tránh để bị ép, bị thua thiệt quá nặng nề về kinh tế, nhất là trong các hợp tác về khai thác dầu khí trên biển.

Là một quốc gia có chủ quyền hợp pháp ở EEZ và thềm lục địa, Việt Nam không bị thể chịu khuất phục trước bất kỳ sức ép nào từ bên ngoài. Dù nhiều khi sức ép ấy biến tướng thành những động thái ngoại giao rất tinh vi, như mới đây ông Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã “khuyên rằng”: Việt Nam đừng có nghe Mỹ mà mất tình bạn tốt với Trung Quốc. Việt Nam không thể đi con đường lên chủ nghĩa xã hội mà thiếu Trung Quốc bên cạnh (!). Ngoại giao theo kiểu “cả vú lấp miệng em”, “cá lớn nuốt cá bé”, đấy là Trung Quốc.

                                                                                                                                                                            H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới