Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVài suy nghĩ về Cán cân lực lượng thế giới hậu Covid-19

Vài suy nghĩ về Cán cân lực lượng thế giới hậu Covid-19

Trong lịch sử thế giới, các cuộc khủng hoảng thường tạo ra những bước ngoặt quan trọng. Chiến tranh Thế giới thứ hai chấm dứt đã khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới với những thể chế an ninh, tài chính và tiền tệ được thiết lập trong và ngay sau cuộc chiến.

Trung Quốc gửi trang thiết bị y tế sang Italia để chống Covid-19

Cuộc khủng hoảng y tế – Đại dịch Covid-19 chưa từng có trong tiền lệ vẫn đang tàn phá nhiều quốc gia, nhưng cũng đã bắt đầu có một số dấu hiệu khả quan của cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu. Bên cạnh những chủ đề liên quan đến tái thiết kinh tế, một loạt câu hỏi cũng đang được đặt ra là liệu thế giới sẽ thay đổi thế nào và sẽ đi về đâu sau cuộc khủng hoảng này? Vai trò của các nước lớn sẽ như thế nào? Liệu Mỹ có mất vai trò “lãnh đạo thế giới”? Liệu Trung Quốc có đủ khả năng “nổi lên” để giữ vai trò chủ đạo trong trật tự thế giới mới? Nga sẽ ứng xử như thế nào? Điều quan trọng không kém là vai trò của các cường quốc khu vực sẽ như thế nào? Vai trò của các tổ chức quốc tế sẽ ra sao?

Không dễ để đưa ra một câu trả lời hoàn chỉnh vào thời điểm này. Tuy nhiên, từ những diễn biến tình hình và phương cách ứng xử của một số cường quốc trong thời gian qua đã gợi mở cho chúng ta một vài suy nghĩ:

Vai trò của Mỹ ngày càng suy giảm: Trái với mong đợi của nhiều đồng minh, Mỹ đã không chủ động tập hợp họ trong cuộc chiến chống Covid. Mỹ không huy động thế giới để có những hành động chung. Đồng minh của Mỹ cũng như các nước khác đều đã phải tự mình lo lấy mình hoặc trông cậy vào các nước đã có những thành công nhất định trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu có nhận xét rằng, đây không phải là xu hướng mới. Chúng ta cùng nhìn lại và thấy, cách đây một thập kỷ, Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan tháng 7 năm 2011 và rút toàn bộ quân khỏi Iraq tháng 10 cùng năm. Từ khi Donald Trump lên làm Tổng thống với chính sách “nước Mỹ trên hết”, xu hướng này ngày càng bộc lộ rõ rệt. Mỹ thông báo chấm dứt sự có mặt ở Syria tháng 10 năm 2019 và hiện đang rút quân khỏi Afghanistan. Quan trọng hơn cả là cường quốc này hầu như không quan tâm đến xây dựng liên minh hay duy trì vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu hay thương mại toàn cầu. Hơn nữa ông Trump lại phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, tăng thuế quan với nhiều mặt hàng nhập từ các nước đồng minh như Liên minh châu Âu và Nhật Bản… Lý giải cho những quyết định này, ông Trump cho rằng một nước Mỹ đặt quyền lợi của chính mình lên cao nhất sẽ là nước Mỹ mạnh và giàu có hơn. Sâu thẳm trong các quyết định này là “chính sách đối ngoại của Mỹ từ trước đến nay là phí phạm, không cần thiết và không có liên quan gì đến phát triển kinh tế của đất nước”. Đại dịch Covid-19 đã khẳng định thêm suy nghĩ này của nước Mỹ. Họ chưa và không coi Covid-19 là đại dịch và là mối đe dọa toàn cầu và thế giới chưa cần phải có hành động chung!

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, Mỹ đã luôn trong tình trạng kẹt về chính trị, chậm tăng trưởng kinh tế và số lượng súng ống quá nhiều trong dân dễ dẫn đến bạo động vũ trang. Phản ứng chậm, không nhất quán và thiếu hữu hiệu của Mỹ khi đối phó với đại dịch càng làm cho nhiều nước tin rằng mô hình Mỹ không còn hữu hiệu nữa. Mỹ đã gần như mất đi hình ảnh “dẫn dắt và lãnh đạo” toàn cầu.

Trung Quốc vươn lên để có vai trò lãnh đạo thế giới: Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế đứng thứ ba trên thế giới. Trung Quốc đã chi ra 588 tỷ đô la (4.000 tỷ Nhân dân tệ) để giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Năm 2013, Trung Quốc khởi xướng sáng kiến “Một vành đai và một con đường” (nay gọi là Vành đai và Con đường), đánh dấu bước chuyển từ phòng thủ quốc tế sang thái độ quyết đoán và hành động. Trung Quốc đã bỏ chính sách “chờ thời”, bởi họ cho rằng hệ thống do Mỹ lãnh đạo đã sụp đổ. Trung Quốc kỳ vọng sẽ có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế và thay thế dần Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc đang gặp phải những hạn chế. Thứ nhất là sức mạnh của Trung Quốc có giới hạn. Tuy GDP đứng thứ ba thế giới, Trung Quốc vẫn là nước thu nhập trung bình, có GDP tính theo đầu người chỉ bằng Mexico. Quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm tác chiến. Hơn thế nữa, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Trung Quốc vẫn phần nào phụ thuộc vào Mỹ.

Giữa đại dịch Covid-19, Trung Quốc, sau khi đã phần nào kiềm chế được dịch bệnh ở nước mình, đã tiến hành một loạt những hoạt động ngoại giao mới nhằm nâng cao hình ảnh của mình. Trung Quốc đã cử 170 đoàn bác sĩ sang I-ta-lia, Tây Ban Nha và nhiều nước châu Phi để giúp các nước này ngăn chặn dịch, đồng thời đã bán trang thiết bị y tế cho hơn 90 nước. Cuộc vận động ngoại giao hiện tại của Trung Quốc nhằm “viết lại lịch sử” hay “đổi cách kể chuyện” đang gặp phải những chỉ trích mạnh mẽ. Nhiều nước nghi ngờ động cơ các hoạt động của Bắc Kinh. Thay vì hợp tác hai bên cùng thắng, Bắc Kinh tìm cách áp đặt với các nước nhỏ. Các nước bị ép nhận đặt mạng 5G để nhận được khẩu trang, máy thở. Chưa nói đến việc nhiều khẩu trang, máy thở và kít xét nghiệm của Trung Quốc kém chất lượng, và đã bị nhiều nước trả lại. Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ quá quen thuộc với việc nhận những lời chỉ trích. Thế giới cũng đã từng phê phán gay gắt Trung Quốc về sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như cố gắng của Trung Quốc nhằm kiểm soát các tổ chức chuyên ngành Liên Hiệp Quốc (người Trung Quốc đứng đầu ICAO, ITU, FAO và UNIDO).

Mâu thuẫn giữa các nước lớn thêm sâu sắc: Trước hết phải nói đến mâu thuẫn Mỹ – Trung. Trong những năm vừa qua, mâu thuẫn này không chỉ thể hiện ở cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên mà còn lan rộng sang lĩnh vực công nghệ, tài chính – tiền tệ, an ninh. Mỹ và Trung Quốc đang ở trong “bẫy Thucydides” như cách gọi của Graham Allisson, giáo sư trường Harvard! Đây là cuộc đấu tranh giữa một cường quốc đang rút khỏi trường quốc tế do chính chính sách của mình và một cường quốc đang nổi lên tìm cách có vị trí ít nhất cũng tương xứng với tiềm lực kinh tế của mình!

Trong trò chơi này, Trung Quốc có vẻ như đang phải tìm cách đối phó và nhượng bộ. Khi đại dịch Covid-19 lên cao, mâu thuẫn này càng trở nên gay gắt. Trung Quốc và Mỹ chơi trò đổ lỗi cho nhau về nguyên cơ của con vi rút nhỏ bé nhưng vô cùng nguy hiểm. Hai bên còn đối đầu với nhau trong cuộc chiến thông tin với đỉnh cao là việc Trung Quốc và Mỹ trục xuất các nhà báo của nhau. Căng thẳng hai bên lên đến mức cao nhất kể từ khi hai bên thiết lâp quan hệ ngoại giao năm 1979. Nhưng cả hai bên đều không muốn phá vỡ quan hệ hiện có và tránh được điều tất yếu của bẫy Thucydides là chiến tranh. Do vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “đợt dịch bệnh chỉ làm gia tăng và củng cố thêm xu hướng đã tồn tại từ lâu nay”.

Quan hệ Mỹ – Nga căng thẳng trong những tháng cuối năm 2019 với tâm điểm là vấn đề kiểm soát vũ khí chiến lược. Hai bên không có tiếng nói chung trong vấn đề Ucraine và Syria. Xu hướng này không giảm trong những ngày đại dịch nhưng cũng không tăng thêm. Quan hệ Nga – Trung mang tính hợp tác chặt chẽ và bao gồm nhiều lĩnh vực hơn. Hai nước khánh thành đường ống dẫn dầu xuyên Xi-be-ri đầu tháng 12 năm 2019 và cuối tháng đó hai nước đã tổ chức tập trận chung ở Ấn Độ Dương. Năm 2019 đánh dấu quan hệ hợp tác giữa hai nước sau hơn 100 năm căng thẳng và xung đột. Trung Quốc và Nga đều cần quan hệ hợp tác để chống lại “mối lo sợ chung” là Mỹ. Hơn nữa, Nga cần đầu tư của Trung Quốc để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. Nhân tố thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ không mất đi sau đại dịch. Một yếu tố đáng chú ý nữa là Địa bàn cạnh tranh giữa các nước lớn cũng đã chuyển dịch sang châu Á- Thái Bình Dương. Đây là khu vực Mỹ và Trung Quốc cọ xát khốc liệt nhất. Ngoài ra, Mỹ còn tập trung cạnh tranh với Trung Quốc ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á do trên thực tế Mỹ đang rút dần khỏi Trung Đông, có khó khăn trong quan hệ với EU và NATO.

Tập hợp lực lượng giữa các nước lớn vẫn sẽ chia thành hai cực rõ rệt. Một bên là Mỹ còn bên kia là Nga – Trung hợp tác với nhau. Trong tình hình như vậy, các nước vừa và nhỏ không còn liên kết lâu dài với các nước lớn mà có xu thế tập hợp theo từng “chủ đề và mặt hàng” tuỳ theo lợi ích. Hơn bao giờ hết “lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu” như huân tước Palmerston (Cố Thủ tướng Anh) đã từng nói. Trung Đông là một ví dụ, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là ba nước trong thời gian đại dịch đã có những hành động chứng tỏ sức mạnh của mình. Ả-rập Xê-út tăng sản lượng dầu của mình nhưng lại bị gậy mình đập mình. Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công Syria vào giữa đại dịch, chỉ để trực tiếp đối đầu với chính phủ Syria và bị kéo vào cuộc chiến với Nga. Iran phóng vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo, thách thức với Mỹ ở vịnh Ba Tư. Tuy nhiên tất cả những hành động trên không thay đổi được tập hợp lực lượng xoay quanh các nước lớn. Chính vì thế mà khu vực ảnh hưởng vẫn còn được duy trì và không thể không đề cập đến vai trò của Mỹ. Mấu chốt của chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn là ngăn chặn không cho các cường quốc cạnh tranh thành lập khu vực ảnh hưởng của mình. Từ cuối thế kỷ 19, Mỹ ngăn cản các cường quốc châu Âu thiết lập chỗ đứng ở Bắc Mỹ, và trung và nam châu Mỹ. Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới Thứ nhất để ngăn Đức thiết lập khu vực ảnh hưởng và Chiến tranh Thế giới thứ hai để ngăn Nhật Bản thành lập khu vực ảnh hưởng ở Thái Bình Dương và ngăn Đức mở rộng khu vực ảnh hưởng ra toàn thế giới. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ không bao giờ chấp nhận Đông Âu là khu vực ảnh hưởng của Liên Xô. Những hành động này phù hợp với chính sách đối ngoại của Mỹ là tìm cách (1) bảo vệ lợi ích của mình tốt nhất là ngăn không cho nước khác có khu vực ảnh hưởng; (2) Mỹ có vai trò thúc đẩy quyền tự do và tự do thương mại giữa các nước; và (3) Mỹ theo đuổi mối quan hệ quốc tế dựa trên dân chủ và nhân đạo. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục cho dù đại dịch có xảy ra hay không.

Vậy một câu hỏi được đặt ở đây là vai trò của các cường quốc khu vực là như thế nào. Nhiều nhận xét cho rằng, Liên minh châu Âu vẫn co cụm, ít thống nhất trong phản ứng với các vấn đề quốc tế. Anh trong những năm vừa qua không lo gì được ngoài BREXIT. Tuy là đầu tầu kinh tế ở châu Âu, Đức chỉ hạn chế vai trò của mình ở châu Âu. Nhật Bản không vượt qua được những hạn chế của một Hiến pháp lỗi thời, ngay cả trong khi dịch bệnh đang hoành hành. Không có dấu hiệu gì tình hình này sẽ được cải thiện trong và sau đại dịch.

Vai trò của các tổ chức quốc tế giảm: Sau hơn hai tháng thảo luận, Hội đồng Bảo An Liên Hợp quốc cho đến nay vẫn không ra được nghị quyết về Covid-19. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ngày 2 tháng Tư thông qua nghị quyết về đại dịch, tuy nhiên nghị quyết này lại không có giá trị ràng buộc. Đây là tình hình chung tại Liên Hợp quốc do bất đồng giữa các nước lớn. WHO đã chậm ra cảnh báo về đại dịch, có những cảnh báo không phù hợp với tình hình, làm mất uy tín của tổ chức. Đây cũng là xu hướng chung của các tổ chức quốc tế trong thời gian vừa qua.

Có những ý kiến cho rằng kết thúc đại dịch cũng sẽ là kết thúc hai thế kỷ phương Tây áp đảo phương Đông và là bình minh của châu Á. Liệu có quá sớm hay không? Trong những năm 1990, nhiều học giả cho rằng với tốc độ phát triển kinh tế cao, thế kỷ thứ 21 sẽ là thế kỷ của châu Á. Tuy nhiên, điều này đã không trở thành hiện thực. Không có lý do gì để điều này lại trở thành hiện thực sau đại dịch. Điều trở nên hiện thực là các nước phương Tây sẽ phải nhìn các nước châu Á, đặc biệt Đông Nam Á dưới một lăng kính khác. Phải chăng đó là sự kính nể do nhiều nước đã thành công trong dập đại dịch Covid-19 và ASEAN đã chứng minh rằng họ là một khối nước có sự gắn kết chặt chẽ, chủ động và đoàn kết, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và sẵn sàng cùng hành động vì mục đích chung.

Thông thường giữa cuộc khủng hoảng chúng ta thường để ý phân tích những sự kiện trước mắt mà sao nhãng những dòng chảy chính tác động đến thế giới. Đại dịch Covid-19 cũng đã và đang làm đảo lộn nhiều nhận thức. Tuy nhiên khi phân tích và đặt những sự kiện trước mắt vào những dòng chảy chính chi phối các mối quan hệ quốc tế chúng ta có thể nhận thấy cán cân lực lượng trong quan hệ quốc tế hiện chưa có đủ các yếu tố để kết luận rằng nó sẽ thay đổi một cách sâu sắc sau đại dịch. Những bài học rút ra trong cơn đại dịch sẽ làm cho chúng ta trân quý và ý thức một cách sâu sắc hơn những giá trị tốt đẹp vĩnh hằng của con người, của tình cảm gia đình và đồng loại. Chính chúng ta sẽ phải học cách biết trân trọng và yêu thương nhau hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới