Tuesday, April 23, 2024
Trang chủĐàm luậnĐằng sau sự nhún nhường của Bắc Kinh

Đằng sau sự nhún nhường của Bắc Kinh

Những ngày gần đây quân đội Trung Quốc được Trung Nam Hải chỉ đạo phải luôn luôn nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu, dập tắt âm mưu bá chủ của Mỹ trên Biển Đông. Tuy nhiên các lực lượng quân đội nhất là Hải Quân và không quân Trung Quốc được lệnh phải hết sức kiềm chế, không được phép nổ súng trước.

Đây là sự xuống thang, sự điều chỉnh chiến thuật của Bắc Kinh khi Washington ngày càng tỏ rõ sự quyết liệt, không cho phép Trung Quốc bất chấp pháp luật, lấn lướt các nước yếu thế trong khu vực.

Hôm 11/8, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin nội bộ khẳng định: Tất cả các phi công, sĩ quan hải quân Trung Quốc đã nhận được chỉ thị của thượng cấp. Chỉ thị nêu ngắn gọn: Không được nổ súng trước. Kiềm chế hết mức trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ đối đầu căng thẳng trên Biển Đông. Nổ súng là chuyện dễ dàng đối với một lực lượng tinh nhuệ, có vũ khí hiện đại, nhưng cả hai bên sẽ không thể lường trước những gì xảy ra và  được hậu quả của nó.

Qua đây thấy rõ sự “nhún nhường” của Trung Quốc. Bởi trước đó thì không. Quân đội Trung Quốc không bao giờ để quân đội Mỹ coi thường cả về chiến lược quân sự và hành động trên thực địa. Còn nhớ sự kiện cách đây 19 năm. Tháng 4/2001 máy bay trinh sát EP-3 Aries II của Mỹ “va chạm” với tiêm kích J-8 của Trung Quốc ở Biển Đông. Khi ấy, chiếc EP-3 của Mỹ đang trên đường từ đảo Hải Nam quay về căn cứ đảo Okinawa ở Nhật Bản. Bỗng xuất hiện hai chiếc J-8 của Trung Quốc  chặn đường. Một trong hai chiếc J-8 bất ngờ tiến áp sát mạn trái của chiếc EP-3. Hậu quả tiêm kích của Trung Quốc nổ tung trên không trung.

Sự cố ngoài ý muốn này đã khiến cho máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống Hải Nam. Toàn bộ phi hành đoàn bị bắt giữ để điều tra. Lập tức Washington phải gửi thư xin lỗi Trung Quốc. 

Câu chuyện này nếu xảy vào năm 2020 sẽ không có chuyện đó. Trong tháng 7 vừa rồi, Washington đã giỡn mặt Bắc Kinh, cùng lúc triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đến Biển Đông tập trận. Không quân Mỹ còn tiến hành chiến dịch trinh sát trên không vào ban đêm gần các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến những tuần gần đây. Đáp lại, Bắc Kinh cũng đã tiến hành các cuộc tập trận hàng hải, đồng thời điều máy bay quân sự đến các khu vực xung quanh Đài Loan và Biển Đông.

Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đã có vẻ  “hiền lành” hơn. Họ tuyên bố chỉ sử dụng biện pháp mạnh trong trường hợp bất khả kháng, khi mọi thứ không thể cứu vãn nữa. Trung Quốc thông báo với Mỹ rằng, quân đội nước này đã xác lập nhiều cơ chế nhằm giải quyết khủng hoảng nếu xảy ra đụng độ quân sự trên Biển Đông. Dùng biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng là tối thượng.

Việc Bắc Kinh không muốn nổ súng trước ở Biển Đông phần nào phản ánh tâm lý lo sợ của giới lãnh đạo trước khả năng nổ ra một cuộc xung đột với Mỹ, một cường quốc đang muốn phô bày sức mạnh quân sự trên Biển Đông với thái độ ngày càng hiếu chiến. Và nếu xảy ra thì Trung Quốc không nắm chắc phần thắng. Tại cuộc phỏng vấn của tờ Hoàn Cầu thời báo hôm 5/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị mềm mỏng: Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại với Washington để hạ nhiệt căng thẳng, để hiểu biết nhau hơn.

Ông Vương nói: “Trong quan hệ quốc tế hiện nay, đối thoại là giải pháp hợp lý để giải quyết các vấn đề và xây dựng lòng tin. Chúng tôi sẵn sàng tái khởi động các cơ chế đối thoại với phía Mỹ ở mọi cấp độ, về bất kỳ vấn đề gì vào bất kỳ thời điểm nào. Mọi chuyện đều có thể được đưa lên bàn đàm phán”.

Còn trong một bài viết cho hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 9/8, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì nâng vấn đề lên tầm quốc tế. Rằng, hợp tác Mỹ – Trung sẽ đem lại lợi ích cho toàn nhân loại, không chỉ riêng hai nước. Nếu Mỹ và Trung Quốc đối đầu chắc chắn sẽ gây thảm họa cho cả hai nước và các nước trong khu vực.

Xem ra cung cách ứng xử “mềm nắn rắn buông” của Trung Nam Hải đang được vận dụng đúng lúc. Tuyên bố thế nhưng Trung Quốc vẫn liên tục có những hành động gây bão trên Biển Đông. Và phản ứng của Mỹ cũng là “kiềm chế”. Thành ra cuộc đọ sức vẫn theo hướng mèo vờn chuột. Không thể lấy thịt đè người. Ẩn sau những lớp sóng Biển Đông những cái bẫy lớn nhỏ vẫn giương ra chờ đón con mồi.

Ai bẫy ai đây? Chỉ khổ những nước đang có tranh chấp, hoặc đang bị Trung Quốc bắt nạt luôn phải tìm cách đối phó, để khỏi phải sa bẫy của cả hai cường quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới