Friday, April 19, 2024
Trang chủNước Việt đẹpBí mật ở chùa Mía

Bí mật ở chùa Mía

Sùng Nghiêm Tự (chùa Mía) là một ngôi chùa cổ, lớn nhất và đẹp nổi tiếng xứ Đoài, cách Hà nội 45km về phía Tây.

Tam quan chùa Mía

Chùa được xây dựng trên một vùng đồi giữa làng Đông Sàng nơi không chỉ có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, mà còn là một vùng đất bình yên với cây đa, bến nước, sân đình, những ngôi nhà được xây bằng đá ong kiên cố, như chưa hề có vết tích của thời gian.

Làng cổ Đường Lâm nằm bên hữu ngạn sông Hồng, là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được trao bằng di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia. Là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng như: Ngô Quyền, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, đây cũng là quê ngoại của Hai Bà Trưng và một người không thể không nhắc đến đó là Bà Chúa Mía….

Sùng Nghiêm Tự ẩn mình trong sương sớm, dưới tán cây đa cổ thụ hơn 400 năm tuổi, khi tiếng chuông chùa ngân vang, càng làm cho ngôi chùa thêm cổ kính và trang nghiêm. Chùa không chỉ là một điểm sáng về văn hóa tâm linh, mà còn là một điểm nhấn đặc biệt về nghệ thuật ở nơi xứ Đoài mây trắng này. Nơi đây mọi suy tư được đánh thức, làm cho con người tạm quên đi cuộc sống ồn ào, vội vã nơi phồn hoa đô thị, trở lại với cuộc hành trình trong tâm khảm của chính mình.

Đúng như câu nhận xét của người xưa:

“Chùa cổ thâm nghiêm, chỉ tiếp khói mây làm lữ khách
Vườn rừng rộng rãi, chỉ nương hoa cỏ biết xuân thu.”

Ngụ ý: Ngoài kia họp chợ đông vui là thế, trong này cảnh Thiền u huyền là thế.
Thật là chỉ cách một bước chân là xa hẳn chốn hồng trần.

Không có bất kỳ ghi chép, dấu ấn cụ thể nào nói về khoảng thời gian chùa được xây dựng. Nhưng vào thế kỷ 17, đã được Thánh Mẫu Nguyễn Thị Ngọc Dong tu sửa. Bà có tên cúng cơm là Ngô Thị Ngọc Diệu, là phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng. Năm 1632 trong lần về thăm quê, nhìn thấy cảnh chùa chiền hoang phế, tiêu điều. Bà đã dùng tiền của mình cùng cha mẹ và người dân trong làng thuộc Tổng Cam Giá (Tổng Mía) cùng nhau tôn tạo lại. Nhân dân trong vùng mến mộ gọi bà là “Bà Chúa Mía” đồng thời tạc tượng đưa vào phối thờ trong chùa Mía và có một đền thờ riêng.

Cổng Tam quan đơn giản, mộc mạc được tán cây đa cổ thụ chở che. Sự giản dị của chùa bắt gặp ngay từ cái nhìn đầu tiên mà chẳng mấy nơi có được. Tam Quan chùa có ba gian làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Các góc mái đều gắn đao triện. Sàn được làm bằng gỗ, ở tầng gác có hàng lan can tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm trang trí đề tài hoa lá. Có một tấm bia dưới Tam quan ghi năm Vĩnh Tộ thứ ba (1621) nói về việc lập ngôi chùa này, một tấm khác được ghi năm 1750, có thể đó là thời gian trùng tu lại chùa. Tầng trên Tam quan treo một quả chuông cổ lớn được đúc năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) đời Lê, và một chiếc Khánh đồng được đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đời Nguyễn.

“Trải bao thế kỷ dầm mưa nắng
Vẫn đứng an nhiên gác cửa Thiền”

Gần Tam quan là cây đa cổ thụ có tới chục người ôm không hết, rễ cây nổi lên trên mặt đất như những con trăn lớn.mĐối diện với ngọn cây đa là tòa tháp Cửu phẩm Liên Hoa, được xây dựng gần đây để thờ Xá Lợi đức Phật, đây cũng là ngọn bút, kính thiên bổ túc và chấn giữ được những người dân xây dựng gửi gắm ước muốn được gìn giữ mạch văn, an bình và phát triển nét văn hóa làng quê nơi này.

Cấu trúc chùa Mía gồm các tòa tam quan, chính điện, thượng điện, nhà tổ, hành lang san sát, nối kề nhau theo hình chữ Mục. Trong chùa có 287 pho tượng lớn nhỏ, trong đó 6 pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng bằng đất được luyện sơn son thếp vàng. Các pho tượng này dù được đúc, nặn, hay được chạm khắc cũng đều thể hiện tính nghệ thuật cao qua sự giỏi giang, khéo léo, tài hoa của những người thợ xưa. Có những pho tượng được coi là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình.

Đi vào bên trong là khu nội điện gồm tiền đường, đại hùng, bảo điện, thượng điện… được cấu trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc” rất bề thế. Không phô trương nhưng đủ uy nghi chốn Phật đường, bên ngoài Tiền đường thoáng đãng, là nơi để các phật tử soạn lễ, chỉnh trang trước khi lên Chính Điện chiêm bái Tam Bảo. Phía trái Tiền đường có một tấm bia lớn đặt trên lưng rùa tấm bia cao 1,6m, rộng 1,2m đây là tấm bia có kích cỡ rất lớn, có niên đại cổ nhất ở khu vực chùa trên bia ghi rõ niên đại Đức Long thứ 6 (1632) đời Lê. Phía trên có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt, phía dưới là đài sen rực rỡ. trên bia đá có một vài vết nứt dọc ngang, lớp chữ trên bia bị thời gian bào mòn càng tăng thêm vẻ uy nghi cho những hàng chữ Hán, Bên trong là tòa Đại Hùng Bảo Điện các Tượng thờ được bài trí trang nghiêm, mùi khói hương hòa quyện với tiếng chuông chùa đã làm cho mọi người có thể hình dung được phần nào quang cảnh Tây Thiên Linh Thứu. Trong cùng là Tòa Thượng Điện, nơi đặt Tòa Kim Cương của Tam Thế Phật, hai bên là tả hữu hành lang thờ Thập Bát La Hán.

Chùa Trung và chùa Hạ có nhiều khối điêu khắc tinh xảo bằng gỗ được làm từ thế kỷ 17 trải qua thời gian hàng trăm năm, những khối điêu khắc những nét đẹp vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều bức được chạm khắc công phu như hình tứ linh, hình hoa lá tinh tế huyền diệu, không thể không kể đến tượng Quan Âm Tống Tử (tượng cao 76cm) nhân dân thường gọi là tượng Bà Thị Kính. Tượng này diễn tả một người phụ nữ thùy mị, duyên dáng, vẻ mặt đượm buồn trông hiền từ, nhân hậu, trên tay bà ẵm một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh. Đường nét được chạm khắc mềm mại, trau truốt.

Người làng Mía có câu ca dao như sau:

“Nổi danh chùa Mía làng ta
Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm”

Chùa Trung có hai pho tượng Hộ pháp lớn và 8 pho tượng Kim Cương. Mỗi pho tượng là hình một võ tướng đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu trừ yêu ma tà đạo, bảo vệ Phật pháp, bố cục vững chắc, đường nét hiên ngang hào hiệp, thể hiện con mắt và bàn tay tinh sảo của những nghệ nhân xưa.

Tại chùa Thượng, người ta còn thấy một số động được đắp bằng đất. Trong động và xung quanh có rất nhiều pho tượng, có cả tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Tuyết Sơn… điển hình nhất là bộ tám pho tượng Bát Bộ Kim Cương được làm bằng đất luyện.

Không chỉ có nhiều pho tượng phật nghệ thuật, chùa Mía là một di tích đặc biệt quan trọng mang theo suốt quá trình lịch sử những hiện vật giá trị. Chùa Mía đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới