Monday, September 16, 2024
Trang chủĐiểm tinẤn Độ sẽ tham gia chặn tham vọng của TQ trên biển

Ấn Độ sẽ tham gia chặn tham vọng của TQ trên biển

Ấn Độ đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với cường quốc quân sự số một thế giới và nhiều quốc gia khác để “kiềm chế” tham vọng thống trị châu Á của Trung Quốc.

Tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ

Cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc đang buộc New Delhi phải tìm cách xây dựng biện pháp đối phó phi đối xứng: Tăng cường sức mạnh hải quân và mở rộng hợp tác với các cường quốc khác cùng có chung quan điểm chống lại tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.

Là một trong những lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, Ấn Độ nằm ở vị trí địa lý án ngữ các tuyến đường vận tải biển ở Ấn Độ Dương, kết nối Trung Quốc với các nguồn cung cấp dầu khí chính ở Trung Đông và với các thị trường quan trọng tại châu Âu.

Mặc dù phát triển nhanh nhưng Hải quân Trung Quốc vẫn chỉ có khả năng hoạt động hạn chế ở một khu vực xa bờ biển đất nước và phải đối đầu với Mỹ ngay tại sân sau của mình.

“Ở biên giới phía Bắc, điều tốt nhất chúng tôi có thể hy vọng là duy trì được thế giằng co nhưng trên biển, chúng tôi có lợi thế hơn so với Trung Quốc”, Đô đốc Arun Prakash, cựu lãnh đạo hải quân Ấn Độ chia sẻ.

“Một cuộc phô trương lực lượng trên biển có thể gửi tới Trung Quốc thông điệp rằng họ dễ bị tổn thương đấy, rằng chúng tôi có thể can thiệp vào hoạt động vận tải biển và các nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc. Nền kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng”.

Một mặt, Ấn Độ đang tăng cường các cuộc diễn tập hải quân chung với Mỹ và các đồng minh nhưng mặt khác cũng không ngừng nỗ lực đóng mới nhiều tàu chiến và thiết lập mạng lưới tiền đồn giám sát ven biển, qua đó cho phép New Delhi liên tục theo dõi được giao thông hàng hải trên Ấn Độ Dương.

Trong lịch sử, Quân đội Ấn Độ thường tập trung vào các tuyến biên giới kéo dài trên đất liền với các cường quốc hạt nhân như Pakistan và Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo ở New Delhi đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Ấn Độ Dương khi giao thương gia tăng và nhất là khi Trung Quốc bắt đầu xâm nhập vào các quốc gia Nam Á nhỏ hơn mà New Delhi coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình.

Vai trò của Ấn Độ Dương đối với nền kinh tế toàn cầu là thực tế không thể đánh giá thấp: 3/4 giao dịch thương mại hàng hải trên toàn thế giới và một nửa nguồn cung cấp dầu mỏ của thế giới đi qua vùng biển này.

Các chốt điểm như Eo Malacca ở phía Đông và Eo biển Hormuz và Bab el Mandeb ở phía Tây khiến phần lớn hoạt động vận chuyển sẽ bị gián đoạn nếu xảy ra xung đột quân sự.

Quyết không để Trung Quốc thiết chặt “gọng kìm”

Khi Trung Quốc ngày càng thâm nhập vào Ấn Độ Dương, Ấn Độ đã thay đổi sâu sắc cách nhìn nhận của mình đối với Mỹ và đồng minh trong khu vực. Là thành viên hàng đầu của Phong trào Không liên kết thời Chiến tranh Lạnh, New Delhi từng kêu gọi tất cả các cường quốc bên ngoài loại bỏ các căn cứ quân sự và sự hiện diện của họ khỏi khu vực.

Thế nhưng ngày nay, New Delhi tỏ ra “rất thoải mái” với việc Mỹ duy trì căn cứ chiến lược ở Diego Garcia, một hòn đảo nhỏ thuộc lãnh thổ Anh nằm cách mũi phía Nam của Ấn Độ khoảng 1.100 dặm về phía Tây Nam.

Ấn Độ cũng đang tăng cường hợp tác quân sự và ngoại giao đều đặn với Mỹ, Pháp, Australia và Nhật Bản, tất cả đều có chung mối quan ngại như New Delhi về việc Trung Quốc đang tham vọng tái khẳng định vị thế cường quốc thống trị ở châu Á.

Tháng 7/2020, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz, trong chuyến hành trình thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đã tổ chức các cuộc tập trận chung với tàu chiến Ấn Độ ở gần đảo Andaman và Nicobar, những địa điểm án ngữ lối vào Eo biển Malacca. Đây cũng là cuộc tập trận mới nhất trong một loạt hoạt động song phương dạng này.

Mặc dù Ấn Độ và một số đối tác của họ đều khẳng định mối quan hệ hợp tác trên không nhằm mục đích chống lại Trung Quốc nhưng những luận điệu mang tính dân tộc chủ nghĩa của Bắc Kinh ngày càng gia tăng và hành vi “bắt nạt” các nước láng giềng đã góp phần thúc đẩy các quốc gia này xích lại gần nhau hơn.

Năm 2016, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận hậu cần với Washington để giúp hải quân hai nước thăm các cơ sở hải cảng của nhau và tiến hành các cuộc tập trận chung dễ dàng hơn. Kể từ sau thời điểm đó, New Delhi tiếp tục ký kết các thỏa thuận tương tự với Pháp, Hàn Quốc và Australia, và đầu tháng này lại ký một thỏa thuận nữa với Nhật Bản.

Hải quân Ấn Độ hiện đang vận hành một tàu sân bay và đang đóng mới một tàu sân bay khác, bên cạnh việc sở hữu gần 30 tàu chiến mặt nước cỡ lớn cùng một hạm đội tàu ngầm chiến lược và chiến thuật.

Hải quân Trung Quốc cũng sở hữu khoảng 90 tàu chiến mặt nước cỡ lớn, gồm cả hai tàu sân bay và nước này đang đóng mới các tàu chiến tiên tiến hơn với tốc độ nhanh hơn nhiều. Sự chênh lệch có thể sẽ tăng lên trong những năm tới khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại trong khi kinh tế Ấn Độ, vốn bị tàn phá bởi đại dịch coronavirus, lại bị tác động mạnh.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ có khả năng xây dựng được mối quan hệ với đối tác mới có cùng chí hướng sẽ giúp bù đắp sự mất cân bằng đó.

Minxin Pei, một học giả tại Đại học Claremont McKenna cho biết: “Ấn Độ có điểm yếu về chiến thuật nhưng lại có lợi thế về chiến lược so với Trung Quốc. Ấn Độ đã hành động táo bạo hơn nhiều so với những gì người ta vẫn nghĩ vì New Delhi tin tưởng rằng, về lâu dài, cán cân quyền lực có thể sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho Ấn Độ”.

Tháng 3/2020, lần đầu tiên máy bay trinh sát săn ngầm Boeing P-8I của Ấn Độ do Mỹ cung cấp đã thực hiện các chuyến bay qua Ấn Độ Dương từ đảo Reunion của Pháp.

Nằm trong kế hoạch nâng cao cảnh giới về giao thông hàng hải ở Ấn Độ Dương, Hải quân Ấn Độ cũng đang thiết lập một “trung tâm tổng hợp thông tin” gần New Delhi với sự tham gia của đại diện các quốc gia đối tác.

Trung tâm này nhận được nguồn cấp dữ liệu từ các hệ thống radar giám sát bờ biển mà Ấn Độ đã thiết lập trong những năm gần đây ở Maldives, Sri Lanka, Myanmar, Bangladesh, Mauritius và Seychelles.

Hervé Lemahieu, Giám đốc Chương trình Ngoại giao và Sức mạnh ở châu Á thuộc Viện Lowy ở Sydney bình luận: “Ấn Độ đang cố gắng thiết lập sự thật thực tế ở Ấn Độ Dương trước khi Trung Quốc có thể thực hiện hành động tương tự tại đây”.

“Việc Trung Quốc tìm cách bao vây Ấn Độ không phải là ý kiến của tôi. Không phải họ đang tìm cách bao vây Ấn Độ mà thực tế Ấn Độ đang bị bao vây. Trung Quốc đang siết chặt Ấn Độ về mặt chiến lược. Vì vậy, Ấn Độ sẽ phải tìm cách để đảm bảo có tự do chiến lược và không gian chiến lược ”, Đô đốc Arun Prakash lý giải.

RELATED ARTICLES

Tin mới