Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhả năng sẽ có " NATO" châu Á

Khả năng sẽ có ” NATO” châu Á

Liên kết quốc phòng không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ – vốn được biết đến với tên gọi “Bộ tứ kim cương”  – có thể là sự khởi đầu của liên minh kiểu NATO ở châu Á.

Tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan tham gia tập trận cùng các tàu của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và Hải quân quân Australia, tháng 7/2020

 
Manh nha về một liên minh kiểu NATO ở châu Á

Sức mạnh quân sự ngày càng tăng, đi kèm với chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng, Trung Quốc đã khơi gợi những cuộc thảo luận giữa các quan chức Mỹ và đối tác về việc tạo ra một “NATO châu Á” gồm các nước lớn trong khu vực để kiềm chế tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Có một thực tế mà Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nói, đó là “chuyển dịch cơ bản cán cân quyền lực toàn cầu” theo những cách nào đó sẽ thúc đẩy chính NATO “trở nên toàn cầu hơn”.

Âm thầm và lặng lẽ, các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến xa hơn. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen E. Biegun gần đây gợi ý rằng liên kết quốc phòng không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ – vốn được biết đến với tên gọi “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) – có thể là sự khởi đầu của một liên minh kiểu NATO ở châu Á.

“Đó là điều mà tôi nghĩ đến trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Trump hoặc nếu đương kim Tổng thống không giành chiến thắng thì trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống tiếp theo, nó có thể là điều rất đáng để khám phá”, ông Biegun nói tại đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn ngày 31/8.

Báo chí Ấn Độ đưa tin, hôm 25/9, các quan chức Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ – tất cả gần đây đều có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc đã có cuộc họp trực tuyến. Tại đó, bốn quốc gia này đã kêu gọi xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do, rộng mở, thịnh vượng và hòa nhập” dựa trên sự chia sẻ các giá trị và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tháng trước, ông Biegun nói rằng NATO châu Á sẽ không chỉ đơn giản là chống lại Trung Quốc mà có thể sẽ tập trung vào việc phối hợp rộng rãi giữa quân đội và nền kinh tế của các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực xung quanh một hệ thống giá trị dựa trên quy tắc.

Điểm đáng chú ý là nhóm QUAD trong khi đẩy mạnh tập trận quân sự chung những năm gần đây thì vẫn còn có sự do dự khi có thành viên trong nhóm e ngại rằng hình thành một NATO châu Á chính thức hơn sẽ chọc giận Trung Quốc và dẫn đến việc Bắc Kinh tung ra đòn trừng phạt kinh tế. Nhưng trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng phô diễn sức mạnh cơ bắp, nỗi sợ hãi đó có thể phai mờ dần.

Michael Kugelman, Phó Giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson cho biết: “Nước này hay nước khác, lúc này hay lúc khác đều có lo lắng về việc chống lại Trung Quốc”.

“Ngày càng có sự đồng thuận giữa các thành viên trong nhóm QUAD, cũng như giữa các quốc gia khác trong khu vực, rằng hoạt động của Trung Quốc ở đó không chỉ hung hăng mà còn ngày càng đe dọa đến sự ổn định toàn cầu”, ông Kugelman lập luận. Ngoài việc xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông, việc Trung Quốc sử dụng cái gọi là ngoại giao chiến lang trong những năm gần đây đã khiến các nước láng giềng tức giận và bất bình.

Khó khăn và thách thức

Tuy nhiên, theo ông Kugelman, Washington vẫn có thể gặp phải những thách thức khi cố gắng xây dựng một liên minh an ninh tập thể chính thức kiểu NATO ở châu Á. Điều đó đúng, mặc dù Ấn Độ – một nhân tố chính trong ý tưởng của liên minh đã và đang vướng vào xung đột chết người với Trung Quốc ở khu vực biên giới giữa hai nước.

New Delhi theo truyền thống phản đối việc tham gia vào các liên minh chính thức kiểu như vậy, ngay cả với một cường quốc có cùng chí hướng như Mỹ. Ông Kugelman nói: “Mỹ và Ấn Độ có quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ, nhưng người Ấn Độ muốn tiếp tục đóng vai trò chủ thể độc lập trong chiến lược này”.

Daniel S. Markey, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins nhận định: “Các nhà hoạch định chính sách Mỹ hiện đã nhận thức rõ rằng khái niệm ‘đồng minh’ không được New Delhi đón nhận tốt, vì vậy biến QUAD thành một tổ chức mới giống như NATO, ít nhất trong tương lai gần là điều không khả thi”.

Trong khi đó, một số người vẫn hoài nghi về độ nghiêm túc của chính quyền Trump, thúc đẩy loại chủ nghĩa đa phương mà nỗ lực mở rộng của nhóm QUAD có thể đòi hỏi. Điều này xuất phát từ chính mối quan hệ nhạy cảm của ông Trump với NATO, liên quan đến phàn nàn của ông về việc các đồng minh châu Âu không chia sẻ công bằng chi phí quốc phòng cho mục đích bảo vệ an ninh của tập thể.

Nhà nghiên cứu Patrick Cronin thuộc Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) nhận xét: “Tôi thấy thương hiệu ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump không có lợi cho việc thúc đẩy hợp tác nghiêm túc. Tăng cường nhóm Bộ tứ bằng cách tìm kiếm thêm đối tác liên minh cho các nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như nhận thức tình huống trên biển hoặc an ninh mạng, có vẻ như là bước tiếp theo hợp lý để thúc đẩy hợp tác”.

David Maxwell, một thành viên cấp cao của Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ cho rằng, “hành vi gây hấn” của Trung Quốc có thể thúc đẩy các cuộc thảo luận về một NATO châu Á, nhưng chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump đang giảm dần động lực.

“Bất chấp những bình luận gần đây của ông Biegun, việc chính quyền Trump chuyển từ triết lý liên minh dựa trên lợi ích, giá trị và chiến lược sang nền tảng giao dịch sẽ làm suy yếu uy tín của Mỹ. Thời điểm đã chín muồi [thúc đẩy một ‘NATO châu Á’ – ND] nhưng chúng tôi có thể đã bỏ lỡ cơ hội vì quan điểm về kinh tế và liên minh hiện tại của chính quyền”, ông Maxwell nói.

Nói về NATO châu Á, một số người đã nói về cái gọi là nhóm Bộ tứ mở rộng (QUAD Plus) tập trung vào các sáng kiến phi quân sự như hỗ trợ tài chính cho xây dựng cơ sở hạ tầng với sự hỗ trợ từ Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước khác nhằm mục tiêu chống lại tham vọng to lớn thông qua chương trình đầu tư ra nước ngoài mang tên “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Mạng lưới Điểm Xanh (Blue Dot Network) mà Mỹ, Nhật Bản và Australia công bố hồi năm ngoái hay Mạng lưới Kinh tế Thịnh vượng (Economic Prosperity Network) được chính quyền Trump thúc đẩy sau đại dịch Covid-19 nhằm giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng toàn cầu vào Trung Quốc, cũng có thể là nền tảng để mở rộng nhóm Bộ tứ theo hướng phi quân sự.

Theo chuyên gia Kugelman, câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để “đắp da, đắp thịt” vào bộ khung sẵn có của nhóm Bộ tứ, theo cách có thể thu hút sự ủng hộ của các quốc gia nhỏ hơn, đặc biệt ở Đông Nam Á?

“Các nước Đông Nam Á hiện đang ở thế khó, bởi vì mặc dù họ lo ngại về sự ức hiếp của Trung Quốc nhưng vẫn muốn có thể tìm đến Bắc Kinh trong hỗ trợ kinh tế, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, đồng thời cũng muốn Mỹ đảm bảo an ninh khu vực. Nếu Mỹ có thể phối hợp trong các hành động, thúc đẩy mọi thứ như một người chơi lớn trong trò chơi cơ sở hạ tầng, các nước trong khu vực có thể sẵn sàng tham gia vào một thứ gì đó giống như QUAD mở rộng”, ông Kugelman nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới