Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi Tổng thống Philippines “phang” thẳng cánh TQ

Khi Tổng thống Philippines “phang” thẳng cánh TQ

Giới quan sát khá bất ngờ khi mới đây Tổng thống Philippines bỗng dưng thẳng cánh “phang” Trung Quốc về những tráo trở trên Biển Đông. Bởi ông từng tuyên bố: tạm gác chiến thắng pháp lý quốc tế mà Manila giành được trên vấn đề Biển Đông để đánh đổi lấy tài trợ từ Trung Quốc.

Gió đã xoay chiều. Hôm 22/9, phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra sức bảo vệ cho bản phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Liên hợp quốc tại Lahaye. Ông tuyên bố, Manila “đại diện cho chiến thắng của lẽ phải trước sự thiếu suy nghĩ, của luật pháp trước sự vô trật tự, của tình thân hữu trước tham vọng”.

Ngài Tổng thống cũng nói thẳng băng rằng, “kiên quyết phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết”.  Rõ ràng kẻ phá hoại không ai khác chính là Trung Quốc. Là bên thua kiện, Bắc Kinh vẫn trơ tráo phủ nhận giá trị của bản phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.  Đây là khẳng định táo bạo của Tổng thống Philippines.

Nói là táo bạo bởi vì, suốt mấy năm qua, mặc dù thắng kiện nhưng Duterte chỉ đôi lần nhắc đến phán quyết của Tòa. Khi tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Duterte luôn né tránh không đụng đến các vấn đề tranh chấp trên biển. Lần này Duterte tuyên bố dõng dạc: “Phán quyết này giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài mọi thỏa hiệp và vượt ra ngoài tầm với của các chính phủ khác nhau để có thể bị xóa mờ, giảm thiểu giá trị hay từ bỏ… Chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết này”.

Như chiếc lò xo bị nén chặt đã lâu nay là lúc bật lên. Philippines đã cố chịu đựng trước việc Trung Quốc liên tục hù dọa và bắt nạt ngư dân cũng như tàu và máy bay quân sự của Philippines ở Biển Đông. Thêm vào đó, dù cố nhẫn nhục, thậm chí sẵn sàng chịu mất một phần lãnh hải để đổi lấy ngoại tệ, xong Manila đã vô cùng thất vọng trước khi các chính sách thân thiện với Trung Quốc không dẫn đến việc cung cấp các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh đã hứa. Giờ là lúc không cho phép “gã khổng lồ Châu Á” lấn lướt , tự cho mình cái “quyền” quân sự hóa Biển Đông. Không chỉ đau điếng vì ngón đòn của Philippines tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Bắc Kinh còn dính một ngón đòn khác đến từ ba nước Châu Âu rất xa Biển Đông, đó là Anh, Đức và Pháp.

Trong một công hàm chung gửi đến Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc (CLCS), ba cường quốc Châu Âu (được gọi chung là nhóm E3) đã vạch mặt Trung Quốc. Công hàm nêu: Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là “khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương”; tính toàn vẹn của Công ước cần được duy trì. Vì vậy E3 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông.

Công hàm chung của nhóm E3 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó báo hiệu rằng ba trong số các quốc gia quan trọng nhất ở Châu Âu, (trong đó có hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc), có lợi ích quốc gia trong việc dấn thân cùng các nước vào vùng Ấn Thái Dương để bảo đảm tương lai kinh tế của Châu Âu.

Biển Đông là trung tâm địa-chiến lược của khu vực hàng hải, đó do tầm quan trọng của các tuyến hàng hải phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu nối liền Châu Âu với các nền kinh tế lớn của vùng Ấn Thái Dương, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và ASEAN.

Phản ứng của Trung Quốc trước công hàm chung của nhóm E3 không giống như phản ứng trước đó đối với công hàm do các quốc gia Đông Nam Á, Hoa Kỳ và Úc đệ trình. Bởi các nước E3 đặt ra những vấn đề pháp lý khác. Cho nên thái độ của Bắc Kinh cũng rất gay gắt, họ lần lượt “cãi” từng điểm một, với những chứng cứ khá mơ hồ.

Thí dụ, Bắc Kinh “cãi” rằng: “Chúng tôi phản đối việc sử dụng UNCLOS như một công cụ chính trị để tấn công các nước khác. UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề về trật tự trên biển”. Lại nữa: “Mọi hình thức giải thích và áp dụng một cách thiên vị UNCLOS đều bất công, bất hợp pháp và có động cơ mờ ám”.  Trung Nam Hải tuyên bố ráo hoảnh: “Chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi hàng hải của Trung Quốc  ở Biển Đông trong mọi trường hợp, sẽ không bị Phán quyết vô lối của Tòa Trọng tài gây tổn hại”.

Không chỉ cãi tòa khi hầu tòa. Nay lẽ ra đang ở thời kỳ thi hành án và khắc phục hậu quả, nhưng Trung Quốc vẫn khư khư những lập luận, chứng cứ cũ rích. Điều này làm nảy sinh những diễn biến phức tạp trong ngoại giao quốc tế và khiến cho tình hình Biển Đông càng căng thẳng.

Cuộc chiến công hàm và thái độ quay ngoắt 180 độ của Tổng thống Philippines là  những ngọn lửa đang bùng cháy. Và Bắc Kinh đang loay hoay tìm cách hạ nhiệt, vẫn theo cách cũ, vừa la lối om sòm vừa áp dụng con bài đàm phán song phương, lẳng lặng đi đêm và mặc cả.

RELATED ARTICLES

Tin mới