Friday, April 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThông tin mới về Dự án Cá Voi Xanh

Thông tin mới về Dự án Cá Voi Xanh

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho biết: Trong thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đôn đốc Tập đoàn Dầu khí Exxon Mobil (Hoa Kỳ) khẩn trương hoàn thành Kế hoạch phát triển mỏ (FDP) của dự án phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 3 năm 2020.

Cạnh đó là quyết liệt thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hạ nguồn bảo đảm đồng bộ với tiến độ của dự án thượng nguồn và hoàn thành phương án thu xếp đủ vốn cho các dự án thành phần của Chuỗi dự án…

Cụ thể, về thượng nguồn, Người điều hành (NĐH) đã gửi PVN dự thảo báo cáo Phát triển mỏ phiên bản B (FDP Rev. B) từ tháng 3/2020. Tuy nhiên, NĐH cho rằng, hiện vẫn còn các vướng mắc về quy định pháp lý trong việc triển khai dự án, do đó, bản chính thức FDP (FDP Rev.C) sẽ được trình cơ quan thẩm quyền khi có hướng dẫn rõ ràng.

Hiện tại, NĐH đang tích cực làm việc với các cơ quan liên quan để làm rõ và nhận được các hướng dẫn cụ thể về quy trình triển khai dự án (EPC) sau khi quyết định đầu tư (FID).

Về tiến độ giải phóng mặt bằng cho tuyến đường ống, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải tại công văn số 8162/BGTVT-KCHT ngày 19/8/2020, PVN đã cùng Exxon Mobil làm việc với Cục Hàng không và các đơn vị, cơ quan liên quan để xử lý các vấn đề liên quan tới việc xây dựng, lắp đặt tuyến ống chạy dọc Cảng hàng không Chu Lai. Tiếp đến, ngày 16/9/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo và kiến nghị về phương án tuyến ống, trong đó đề xuất đưa tuyến ống ra ngoài hàng rào (hoặc điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không dịch hàng rào về phía Tây) và yêu cầu NĐH thực hiện khảo sát thực địa để đảm bảo tuyến ống không vi phạm hành lang an toàn của đường băng (dự kiến trong Quy hoạch Cảng Hàng không).

Liên quan đến mặt bằng cho tuyến đường ống, Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 6834/BCT-DKT ngày 15/9/2020 đôn đốc NĐH và PVN khẩn trương thực hiện các yêu cầu của cơ quan hữu quan và kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam hỗ trợ xử lý nội dung này.

Về các dự án hạ nguồn, Ban Chủ đạo cho biết, trong thời gian qua, PVN đã quyết liệt thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án Nhà máy điện miền Trung 1 và 2, bảo đảm đồng bộ với tiến độ của dự án thượng nguồn. Mặt khác, khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi theo ý kiến góp ý của cấp thẩm quyền và làm việc với các bên liên quan để đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt.

Đặc biệt là PVN đã phối hợp chặt chẽ với khâu thượng nguồn, xây dựng kế hoạch, tiến độ tổng thể dự án Nhà máy điện miền Trung 1 và 2 làm đảm bảo đồng bộ tiến độ với cả chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh.

Về phương án thu xếp đủ vốn cho các dự án thành phần của Chuỗi dự án hiện đang được PVN khẩn trương hoàn thành để báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp trong quý 3 năm 2020. Cùng với đó là báo cáo HĐTV về kế hoạch lựa chọn các ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho dự án Cá Voi Xanh, dự kiến cuối năm 2020.

Ngoài ra, PVN đã chủ động phối hợp với Exxon Mobil và các nhà đầu tư hạ nguồn (nhà máy điện) khẩn trương đàm phán, thống nhất phương án phân bổ khí cho các nhà máy điện và các dự thảo thỏa thuận thương mại mua bán khí – điện, đảm bảo tính đồng bộ về kỹ thuật, cũng như tiến độ tổng thể của toàn Chuỗi dự án.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc đàm phán, thống nhất khối lượng khí cam kết của các hộ tiêu thụ sử dụng khí Cá Voi Xanh, PVN và EVN đã tổ chức họp xem xét các tính toán số liệu liên quan đến thời gian vận hành các nhà máy điện, khối lượng khí tiêu thụ, khối lượng khí có thể cam kết để điều chỉnh phù hợp với mục tiêu thu hẹp khoảng cách các khác biệt còn tồn tại về việc điều động nhà máy điện, cũng như lượng khí cấp, tiến tới thống nhất các điều kiện cho thỏa thuận mua bán khí.

Theo đó, bên cung cấp khí thượng nguồn (Exxon Mobil, PVN, PVEP) sẽ nghiên cứu, xem xét, đánh giá khả năng tăng và cam kết lượng khí cấp tối đa ngày (MDQ) trên cơ sở thiết kế FEED hiện nay.

Tiếp đến, bên tiêu thụ khí (EVN, PVN) sẽ nghiên cứu, xem xét tính khả thi của việc tăng thời gian vận hành trong năm của các nhà máy điện tiêu thụ khí Cá Voi Xanh (tại mức tải để tiêu thụ hết lượng khí cấp tối đa theo ngày), đảm bảo tiêu thụ hết lượng khí bao tiêu như đề xuất.

Cuối cùng, bên tiêu thụ khí (EVN, PVN) cùng tính toán, xem xét nhằm lựa chọn được dải công suất cho các nhà máy điện lớn hơn 750 MW để phù hợp với các gam máy của nhà sản xuất trên thị trường hiện nay.

Theo kế hoạch, dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Dung Quất sẽ được khởi công vào tháng 12/2020 và các dự án Nhà máy điện Dung Quất 1, 3 (2×750 MW/nhà máy sẽ được khởi công trong năm 2022 và hoàn thành vào năm 2025.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, hiện các bên (Exxon Mobile, PVN, EVN) chưa thống nhất được các vấn đề về lượng khí tiêu thụ, lượng khí cam kết ngày, khả năng thực hiện bao tiêu do giới hạn số giờ vận hành và khả năng giao động cung cấp khí; cũng như các quy định về chuyển giao bao tiêu khí từ Hợp đồng mua khí (GSA) sang cam kết huy động phát điện trong Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Do đó, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực đã đề nghị sớm phê duyệt cơ chế giá điện, cơ chế tham gia thị trường điện của các nhà máy điện sử dụng khí hoá lỏng (LNG). Đặc biệt là sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách để thúc đẩy tiến độ nguồn khí Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện.

RELATED ARTICLES

Tin mới