Friday, March 29, 2024
Trang chủĐiểm tinDấu hiệu lo ngại về Đảng viên bỏ Đảng ở VN

Dấu hiệu lo ngại về Đảng viên bỏ Đảng ở VN

Tình trạng đảng viên về hưu, thôi việc là nghỉ hẳn sinh hoạt Đảng đang diễn ra tại một số tỉnh miền núi Tây Bắc.

Ông Phạm Toàn Thắng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai nêu ý kiến.

Qua tìm hiểu việc chấp hành chế độ sinh hoạt đảng tại các thành phố thuộc 4 tỉnh miền núi Tây Bắc là: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu, thực tế cho thấy sau thời gian công tác, nhìn chung đội ngũ đảng viên hưu trí vẫn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, nhiều người còn tham gia các chức danh bán chuyên trách ở các thôn, bản, tổ dân phố, luôn đi trước dẫn đầu,“nghỉ hưu không nghỉ việc”, tạo thêm sức mạnh và vai trò của Đảng tại cơ sở. Song cũng có một thực trạng đáng quan tâm hiện nay có không ít đảng viên khi về nghỉ hưu hoặc nghỉ việc không chuyển sinh hoạt; có chuyển nhưng đem hồ sơ về “cất tủ” hoặc viện lý do sức khỏe; đi làm ăn xa để được miễn, giảm công tác và sinh hoạt đảng.

Đây cũng là biểu hiện suy thoái về tư tưởng của một bộ phận đảng viên, một kẽ hở mà bộ phận đảng viên đó tìm cơ hội để trốn tránh trách nhiệm của mình. Qua đó cũng cho thấy trách nhiệm của chi bộ khi giải quyết cho đảng viên được miễn sinh hoạt đảng không đúng đối tượng, không đúng quy trình quy định….dẫn đến phải xóa tên nhiều đảng viên.

Nguyên là Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La, về nghỉ hưu được hơn chục năm nay, ông Nguyễn Hùng Tuyền được các đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ tổ 14, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La 3 khóa liên tiếp. 72 tuổi, cũng có thể thảnh thơi nhàn nhã bên con cháu, nhưng ông Tuyền vẫn luôn tâm huyết cho mọi hoạt động ở địa phương. Không chỉ công việc ở chi bộ, “ thượng vàng hạ cám” ở khu phố đều có bóng dáng của ông Tuyền. Từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai đến mâu thuẫn gia đình ông đều có mặt,  giải quyết ổn thỏa.

Bà Nguyễn Thu Lan, nguyên đại tá công an về nghỉ hưu đã 8 năm nay luôn có suy nghĩ phải luôn làm tròn trách nhiệm của người Đảng viên, dù đang công tác hay nghỉ hưu nhưng khi Đảng cử, dân tín nhiệm thì phải luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Làm Bí thư chi bộ Trần Đăng Ninh 1, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai đã 2 khóa, bà Lan luôn đi sâu, đi sát cơ sở nắm bắt tình hình, cuộc sống của bà con nơi khu phố, vận động và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để cán bộ hưu trí tham gia. Mỗi hoạt động, bà Lan bàn bạc với cấp ủy chi bộ giao cho từng đảng viên theo thế mạnh của từng người. Vì vậy ai cũng hào hứng tham gia.

“Mong muốn của tôi là sức mình còn đến đâu mình còn phục vụ Đảng , Nhà nước và nhân dân, khi nào ốm  yếu mới thôi. Ở chi bộ cơ sở rất nhiều việc phải làm và bản thân mình luôn phải gương mẫu trước thì nhân dân và đảng viên mới theo” – bà Lan chia sẻ.

Trong khi nhiều đảng viên hưu trí thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng, trước dân, nghỉ hưu không nghỉ việc thì vẫn còn một số đảng viên sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu đã viện đủ mọi cớ để nghỉ sinh hoạt đảng. Đây là hiện tượng không bình thường.

Nghỉ hưu chưa đầy 2 tháng, ông H.V.H ở thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu chuyển về Hà Nội sinh sống. Ông H cho biết, ngay khi nghỉ hưu ông xin miễn giảm sinh hoạt với lý do sức khỏe, có giấy xác nhận của Bệnh viện. Theo quy định của điều lệ Đảng, nếu do sức khỏe yếu là được miễn, giảm sinh hoạt Đảng. Mà về nghỉ hưu là sức khỏe yếu rồi, nên tôi xin được dừng sinh hoạt. Không sinh hoạt nhưng tôi vẫn đóng đảng phí đều đặn. Ông H lý giải.

Còn  bà V.T.B.T, ở phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai sau khi nghỉ việc vào năm 2018 đã không nộp hồ sơ, không làm thủ tục chuyển sinh hoạt và tự ý bỏ sinh hoạt Đảng.

Theo báo cáo của Thành ủy thuộc các tỉnh miền  núi  khu vực Tây Bắc, những năm gần đây, ở nhiều chi bộ tổ dân phố trên địa bàn, số đảng viên xin miễn sinh hoạt đảng chiếm tỷ lệ khá cao và đáng quan tâm. Theo ông Đỗ Trường Sơn, Bí thư Thành ủy Lào Cai, tỉnh Lào Cai, đó là biểu hiện rõ nhất của bệnh cơ hội.

Ông Sơn cho biết: “Nếu đồng chí nào khi nghỉ hưu nghỉ luôn sinh hoạt đảng có 2 hướng, một là ngay từ đầu đảng viên này đã là người cơ hội, vào đảng chỉ vì chức vụ quyền hạn, chỉ phục vụ công việc của mình. Khi hết chức vụ quyền hạn xin nghỉ. Còn hướng thứ 2, có thể khi nghỉ hưu cũng thấy sức khỏe yếu, mệt mỏi rồi cũng phát sinh tư tưởng xin miễn sinh hoạt. Song đây cũng là một biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị. Bởi vì khi chúng ta vào đảng và theo mục đích, tôn chỉ của Đảng là suốt đời hy sinh phấn đấu đến hơi thở cuối cùng, có nghĩa đến khi chết mới xa rời Đảng, còn khi nghỉ hưu mà đã xa rời đảng cũng là biểu hiện về suy thoái chính trị, dù là ở mức độ nhẹ.”

Đảng bộ phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La có 1.310 đảng viên, trong đó có 200 đảng viên được miễn, giảm sinh hoạt.

Theo bà Đoàn Thị Hiên, Phó Bí thư Đảng ủy phường Quyết Thắng, thời gian vừa qua, có những chi bộ của Phường tỷ lệ đảng viên miễn sinh hoạt tăng đến 30%, như chi bộ 6, chi bộ 13 và 15. Số đảng viên được miễn, giảm cũng có người đi làm kinh tế ở xa hoặc cao tuổi, ốm đau, bệnh tật thật, nhưng có không ít trường hợp đảng viên làm ăn ngay trong thành phố và không ốm đau nhưng cố tình viết đơn xin được miễn, giảm sinh hoạt.

Qua tăng cường công tác kiểm tra, rà soát lại các trường hợp đảng viên xin miễn sinh hoạt và tạm miễn sinh hoạt theo hướng dẫn số 12 của Ban thường vụ Thành ủy Sơn La, Đảng ủy phường Quyết Thắng đã phát hiện ra 5 trường hợp miễn, giảm sinh hoạt không đúng quy định, trong đó có 4 đảng viên với lý do đi làm ăn xa nhưng lại làm việc ngay trong thành phố Sơn La; 01 trường hợp đảng viên thuộc chi bộ tổ 1 được miễn sinh hoạt song nhiều năm liền không nộp đảng phí mà vẫn được đề nghị xét tặng danh hiệu 30 năm tuổi Đảng. Bà Đoàn Thị Hiên thông tin.

Bà Đào Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai cho biết, việc đảng viên nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mang hồ sơ Đảng về “cất tủ” như bà V. T. B T ở chi bộ Sơn Đạo thuộc phường Cốc Lếu không phải là hiếm. Điều đáng tiếc là cấp ủy chi bộ Sơn Đạo, nơi cư trú và giữ mối liên hệ đảng viên của bà Tuyết do nể nang, không kiểm tra và báo cáo kịp thời lên Đảng ủy cấp trên về việc đảng viên tự nghỉ sinh hoạt.

Tại điểm c, mục 6.3, Điều 6 Quy định 29-QD/TW về thi hành Điều lệ Đảng quy định trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng với chi ủy nơi chuyển đến để được sinh hoạt Đảng. Nếu quá thời hạn trên, đảng viên hoặc tổ chức Đảng vi phạm phải báo cáo lý do cụ thể để cấp ủy có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Do thời hạn nghỉ từ 2018 nên bà Võ Thị Bạch Tuyết đã bị xóa tên đảng viên.

Từ việc này Đảng ủy phường phải rút kinh nghiệm, phải thực hiện tốt quy định về giữ mối liên hệ với đảng viên nơi cư trú. Giữa đảng bộ các huyện, thành phố trong quá trình cắt chuyển, giới thiệu sinh hoạt Đảng cần có sự trao đổi thông tin kịp thời với đảng ủy các phường, xã để nắm được số đảng viên chuyển đi và đến, bà Đào Thị Thu Hằng chia sẻ.

Thực tế đang diễn ra tại Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và Lai Châu, việc ngày càng có nhiều đảng viên viện cớ vì lý do sức khỏe, vì bận đi làm ăn xa, bận chăm ông bà, con cháu để xin miễn, giảm sinh hoạt đảng, thoái thác trách nhiệm tại khu dân cư đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở khu dân cư, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Theo ông Phạm Toàn Thắng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai, việc miễn, giảm sinh hoạt đối với đảng viên tuổi cao, sức yếu và với đảng viên đi làm ăn xa là chủ trương đúng và rất nhân văn, song có không ít đảng viên đang “ lách khe” của Điều lệ Đảng để xin miễn, giảm sinh hoạt Đảng.

Ông Phạm Toàn Thắng cho hay: “Thực tế ở tỉnh Lào Cai hiện nay, tỷ lệ đảng viên miễn sinh hoạt Đảng ở thành phố cao hơn rất nhiều so với các huyện. Qua đó cũng cho thấy trong quá trình triển khai thực hiện miễn, giảm sinh hoạt Đảng cũng còn bất cập đó là, Đảng viên miễn sinh hoạt đảng do tuổi cao, sức yếu không thể tham gia sinh hoạt đảng được quy định tại Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 05/6/2017 phải có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền là khó thực hiện, vì hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể để cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận cho đảng viên tuổi cao sức yếu không thể tham gia sinh hoạt đảng để làm căn cứ cho chi bộ xem xét, ra nghị quyết cho đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng.  

Đối với đảng viên miễn công tác và sinh hoạt không vì lý do tuổi cao sức yếu thẩm quyền quyết định do cấp ủy cơ sở quyết định, nhưng trong thực tế vẫn còn một số chi bộ không báo cáo đề nghị cấp ủy cơ sở cho đảng viên miễn sinh hoạt; hoặc vẫn còn một số đảng viên chưa được cấp ủy cơ sở đồng ý đã không tham gia sinh hoạt đảng”.

“Tôi rất mong Trung ương cần quy định chặt chẽ lại việc đảng viên được giảm, miễn công tác và sinh hoạt đảng. Ban hành hướng dẫn cụ thể để cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận cho đảng viên tuổi cao sức yếu không thể tham gia sinh hoạt đảng làm cơ sở cho các tổ chức cơ sở đảng báo cáo và cho phép đảng viên miễn sinh hoạt đảng, tránh trường hợp cũng lợi dụng các quy định này để không tham gia sinh hoạt hoặc bỏ sinh hoạt hoặc hợp pháp hóa việc không phải sinh hoạt bằng giấy khám sức khỏe đó” – ông Phạm Toàn Thắng nêu ý kiến.

Đồng tình với những ý kiến mà ông Phạm Toàn Thắng vừa nêu, ông Phạm Ngọc Võ, Thủ trưởng cơ quan Tổ chức- Nội vụ thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái còn cho biết, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tiếp tục chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ việc xét, miễn công tác và sinh hoạt đảng theo đúng quy định. Theo đó nếu đảng viên chưa được cấp ủy cơ sở đồng ý cho miễn công tác và sinh hoạt mà không tham gia sinh hoạt ba tháng trong năm thì xem xét xóa tên khỏi danh sách đảng viên; Tổ chức đảng không báo cáo lên cấp ủy cơ sở thì xử lý tổ chức đảng.

Năm 2019, Đảng bộ Thành phố Sơn La đã xóa tên 9 đảng viên do không nộp hồ sơ đảng. Để sớm khắc phục tình trạng này, bà Lò Thị Thủy, Phó Bí thư Thành ủy Sơn La cho rằng, Đảng cần quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp không phải là đảng viên tuổi cao, sức khỏe yếu xin giảm, miễn sinh hoạt đảng, có thể quy định những trường hợp đi làm xa hoặc thăm thân từ 3 tháng trở lên phải chuyển sinh hoạt tạm thời về chi bộ địa phương nơi tạm trú để sinh hoạt. Bên cạnh đó quy định về thời hạn được giảm hoặc tạm miễn sinh hoạt đảng có thời hạn chặt chẽ hơn, định kỳ đảng viên phải báo cáo về việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống về cấp ủy chi bộ nơi sinh hoạt nắm bắt, quản lý đảng viên.

“Chúng tôi rất mong muốn Trung ương quy định thống nhất thẩm quyền xem xét, quyết định cho đảng viên được miễn, giảm sinh hoạt đảng và trở lại sinh hoạt đảng là cấp ủy tổ chức cơ sở đảng. Điều này vừa giúp cấp ủy ở cơ sở thực hiện chặt chẽ về quy trình, thủ tục, vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên, vừa đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý đảng viên của chi bộ trực thuộc và của cấp ủy tổ chức cơ sở đảng”, bà Thủy nói.

Trở lại với trường hợp  đảng viên ở chi bộ tổ 1, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, dù miễn sinh hoạt và có tới 4 năm không đóng đảng phí nhưng vẫn được xét tặng danh hiệu 30 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Hùng Tuyền, Bí thư chi bộ tổ 14, phường Quyết Thắng thành phố Sơn La cho rằng, nhận huy hiệu đảng là phần thưởng rất cao quý, vì vậy tổ chức đảng cơ sở phải tham mưu, đối với, những người phải đang sinh hoạt, đang cống hiến mới được trao danh hiệu 30-40-50 năm tuổi đảng, xứng đáng là tấm gương cho các đảng viên trẻ học tập, bởi lẽ đảng viên khác với quần chúng ở nhận thức và trách nhiệm, tính đảng. Từ tham mưu đó, Đảng nên  xem xét từng góc độ để đảm bảo nâng giá trị của việc trao huy hiệu Đảng cho đảng viên.

Theo ông Đỗ Trường Sơn, Bí thư Thành ủy Lào Cai, tỉnh Lào Cai, điều quan trọng nhất chính là quá trình chỉnh đốn của Đảng. Nếu Đảng tự chỉnh đốn tốt, quyết tâm đưa ra khỏi đảng những phần tử thoái hóa biến chất cơ hội về chính trị, về phẩm chất đạo đức, lối sống, uy tín của Đảng sẽ được nâng lên và hiện tượng đảng viên xin miễn, giảm sinh hoạt đảng sẽ giảm.

“Nói chỉnh đốn đảng thì Trung ương cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất phải từ các chi bộ. Mỗi một đảng viên, mỗi cấp ủy ở các cấp mà tốt, quan  tâm đến công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng  chắc chắn tổ chức Đảng sẽ vững mạnh. Khi tổ chức Đảng vững mạnh uy tín của người đảng viên trước quần chúng được nâng cao, như vậy không ai đang có uy tín trước quần chúng lại xin ra khỏi đảng hoặc xin miễn hoãn sinh hoạt đảng. Cuối cùng vẫn là chất lượng của tổ chức Đảng của chúng ta, nếu chúng ta thực sự chỉnh đốn tốt, vì đất nước, vì nhân dân thì nhân dân sẽ tin tưởng, đảng viên sẽ có uy tín”.-  Ông Sơn khẳng định.

Các cấp ủy Đảng cần xác định vai trò, trách nhiệm trong giáo dục, động viên, hướng dẫn đối với đảng viên chuẩn bị nghỉ công tác. Tuy nhiên, đây cũng là biểu hiện mầm mống của “ tự diễn biến” mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nêu ra. Hiện tượng này là không bình thường trong đời sống chính trị của đảng viên và tổ chức Đảng.

Để Đảng mạnh, tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương cần khảo sát, đánh giá thực trạng và quy định lại việc miễn, giảm sinh hoạt đảng cho chặt chẽ; kỷ luật nghiêm túc nhằm chấn chỉnh, củng cố sức chiến đấu của Đảng và của mỗi đảng viên. Điều quan trọng tiên quyết là mỗi đảng viên cần nêu cao tính tự giác, gương mẫu, làm tròn trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

RELATED ARTICLES

Tin mới