Thursday, April 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBộ trưởng Công Thương VN giải thích về thủy điện

Bộ trưởng Công Thương VN giải thích về thủy điện

Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, thủy điện xả nước gây lũ chỉ là cách nói trên truyền thông, thực tế, thủy điện có chức năng cắt lũ, điều tiết nước…

Chỉ là cách nói trên truyền thông?

Sáng 2/11, sau khi nghe Tờ trình về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hỗ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và dự án hồ chức nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, các Đoàn đại biểu đã thảo luận tổ về một số nội dung; trong đó, an toàn hồ đập thuỷ điện, trồng bù rừng cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Tại buổi thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, chúng ta chứng kiến nhiều cơn bão đổ bộ vào miền Trung với tần suất cao, mức độ mưa và thời gian lưu bão rất lớn tại các địa phương.

Câu chuyện ứng phó với biến đổi thiên tai khí hậu trên cơ sở bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, hồ chức nước, hồ thuỷ lợi… rất quan trọng, nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành bởi đây vấn đề lớn.

Theo Bộ trưởng Công thương, hiện nay, cả nước có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác với dung tích khoảng 56 tỉ m3, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước trên cả nước.

Về quy định pháp luật, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện đã có đầy đủ quy định quản lý nhà nước trong đảm bảo công tác an toàn hồ đập thủy điện cũng như vận hành công trình hồ thủy điện cả liên hồ, đơn hồ.

Cũng theo Bộ trưởng, các bộ, ngành đã có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc quản lý công tác an toàn hồ, đập cũng như vận hành công trình hồ thủy điện.

“Hiện có 401/401 – đạt tỷ lệ 100% được chủ đập thực hiện đúng quy định báo cáo hiện trạng an toàn hồ đập, cũng như bảo trì, kiểm tra, sửa chữa. Hồ đập do các Bộ, ngành quản lý cũng đã có kiểm tra thường xuyên.

Đợt bão lũ vừa qua, ngành chức năng cũng đã có đoàn kiểm tra tại các địa phương như Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Kết quả kiểm tra tất cả hồ đập thuỷ điện cho thấy đều bảo đảm an toàn hồ đập; vận hành hồ, thực hiện quy trình xả lũ đơn hồ, liên hồ theo đúng quy định pháp luật…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Theo ông Bộ trưởng, một số thông tin nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xảy lũ gây ngập lụt chỉ là “cách viết trên thông tin truyền thông”.

Qua số liệu quan trắc và khí tượng thuỷ văn, tại Quảng Nam, hồ thuỷ điện Đắk Mi 4 có lưu lượng lớn với những thời điểm đỉnh lũ 28/10, nước về hồ lên đến 17.000 m3/s. Nhưng nhờ dung tích hồ có khả năng điều tiết cắt lũ và trữ nước cắt lũ nên đã giúp cắt lũ hơn 55%. Nếu không, đỉnh lũ về sẽ ngập trắng hạ lưu.

Việc xả lũ tiếp tục kéo dài trong các ngày 29 và 30/10. Lượng xả nước mức độ thấp nên chống lũ hiệu quả cho hạ lưu, mặc dù vẫn có một số điểm ngập lụt.

Cùng đó, thời tiết cũng bộc lộ tính dị thường cực đoan với mức độ mưa và lượng mưa quá lớn. Có khu vực miền trung đạt đỉnh 2000-3.000 mm với lượng lưu bão lâu và mưa lớn liên tục tại khắp khu vực miền Trung. Do đó, những khu vực điạ chất yếu xảy ra hiện tượng đất lở gây hậu quả thương tâm như Rào Trăng 3, Trà Leng… làm thiệt hại lớn cả về người và tài sản.

Còn nếu nói nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường từ hoạt động kinh tế xã hội thì vẫn cần phải đánh giá kỹ hơn về các công trình giao thông, thủy điện, công cộng, dân sinh… Cần khẳng định, tính dị thường cực đoan của thời tiết  cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến môi trường đến địa phương và thiên tại, lũ lụt.

Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo trước mắt về an toàn hồ thuỷ điện và các vấn đề thuỷ điện; phối hợp với các cơ quan để kiểm tra công trình lớn theo đoàn kiểm tra liên ngành.

Những phát ngôn mâu thuẫn…

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra chỉ cách đó ít ngày sau khi Bộ này cũng đã có nhiều phát ngôn khác nhau.

Trước đó, sáng 17/8, tại Hà Nội, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”, tại đây, thay mặt Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời một số chất vấn của ĐBQH về việc hồ chứa thủy điện xả nước gây ngập lụt, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã cho rằng “trong một số trường hợp phải chấp nhận”.

Cụ thể, ông Vượng cho biết, trên phạm vi cả nước có 429 công trình thủy điện, tổng dung tích trữ nước các hồ chứa thủy điện là 56 tỉ m3/70 tỉ m3 nước ở các hồ chứa (chiếm khoảng 86%). Điều đó cho thấy việc xây dựng, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện có vai trò rất quan trọng.

Về mặt tích cực, nếu chúng ta vận hành tốt các hồ chứa thủy điện này thì sẽ giúp cắt giảm lũ trong mùa mưa lũ và bảo đảm nguồn nước trong mùa hạn. Tuy nhiên, nếu chúng ta vận hành không tốt thì sẽ nảy sinh những rủi ro rất lớn cho an toàn vùng hạ du. “Tuy nhiên, vẫn có trường hợp do mưa lớn, lũ về nhiều nên để đảm bảo an toàn hồ đập, việc xả lũ đã gây ra ngập lụt phía hạ du, điều này trong một số trường hợp chúng ta phải chấp nhận”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Thứ trưởng Vượng lý giải khi thiết kế dự án xây dựng hồ chứa thủy điện, phải chấp nhận các tình huống khi có mưa lớn với tần suất hàng trăm năm xảy ra một lần chẳng hạn. “Để đảm bảo an toàn công trình, chúng ta vẫn phải xả nước, do đó xảy ra ngập lụt phía hạ du”.

Còn tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ Công thương, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết thủy điện nhỏ miền Trung không có khả năng cắt lũ, nước tràn tự do.

Cụ thể Bộ Công thương cho biết, khu vực miền Trung có địa hình dốc, mỏng. Trong khi đó đa số là các hồ nhỏ, đập tràn tự do và không có dung tích phòng lũ. Còn các hồ lớn như: Sông Tranh, Quảng Trị, A Vương, A Lưới… đều có dung tích phòng lũ từ 30-150 triệu m3; được quy định mức đón lũ. Các hồ này hiện đều duy trì mức đón lũ để làm chậm, giảm lũ hạ du.

Theo ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, chỉ đạo các địa phương, ứng phó thiên tai để đảm bảo chủ động, lường được các tình huống có thể xảy ra. Bộ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ chứa để giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện.

Về các dự án thủy điện, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, liên quan đến lũ lụt do thủy điện vừa qua, về quy hoạch, phía Bộ đã rà soát và xuống các tỉnh, địa phương rà soát, loại bỏ các dự án ảnh hưởng môi trường, chiếm đất rừng…

RELATED ARTICLES

Tin mới