Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines: khi “quan võ” làm ngoại giao

Philippines: khi “quan võ” làm ngoại giao

Philippines là thế, “sớm nắng, chiều mưa” về ngoại giao. Tuy nhiên, trong sự thất thường đó, tinh ý, người ta vẫn có thể đọc ra tính toán của Manila trong vấn đề Biển Đông hiện nay.

Khinh hạm BRP Conrado Yap của Philippines từng bị tàu chiến Trung Quốc chĩa pháo đe dọa

Ông Duterte thì khỏi phải bàn, vì đã quá nổi tiếng với với những phát ngôn và động thái ngoại giao kiểu “tiền hậu bất nhất” trong vấn đề Biển Đông liên quan đến các bên, nhất là Trung Quốc và Mỹ.

Ngồi vào chiếc ghế tổng thống đúng thời điểm Philippines được thế, có thể làm căng với Trung Quốc sau phán quyết của Tòa trọng tài LHQ (PCA) tháng 7/2016 (với phần thắng thuộc về Philippines), vậy mà không, nhà lãnh đạo này đã lờ tịt, khiến nỗ lực theo kiện 3 năm ròng với bao công phu, tốn kém coi như gần bằng không.

Không những thế, ông Duterte còn cầu thân với Bắc Kinh qua những chuyến qua lại thăm nhau giữa ông Tập Cận Bình (tới Manila) và ông Duterte (tới Bắc Kinh). Công bằng mà xét, trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 8 năm 2019, trước sức ép của dư luận trong nước sau “vụ Cỏ Rong” – tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm và bỏ mặc ngày (9/6), sát Ngày Độc lập của Philippines (12/6), cũng như một số vụ việc khác – ông Duterte có đề cập việc thực thi phán quyết của PCA.

Chỉ có điều, sự nhỏ nhẹ của ông dường như lập tức chìm nghỉm trong tiếng gầm giận dữ của ông Tập Cận Bình ngay tại Trung Nam Hải (Dĩ nhiên, “gầm” là một cách bình, đánh giá cho thêm phần sinh động của dư luận, chứ giữa nơi khánh tiết, nghi thức quốc gia, ông Tập có thể cả giận, chứ không làm thế). Vậy là, có nói đến phán quyết mà coi cũng như không. Đã thế, ngay sau đó, như chuộc lỗi với người đồng cấp Trung Quốc, ông Duterte cực kỳ sốt sắng với dự án khai thác chung, chủ yếu là dầu khí, với Trung Quốc trên Biển Đông, bất chấp nhiều nhiều những lời cảnh báo của giới chuyên môn và phản ứng của các chính trị gia đối lập trong nước.

Tháng 2 năm 2020, cũng ông Duterte, thình lình thể hiện sự “giận dỗi” người đồng minh chiến lược Mỹ qua thông báo  hủy VFA (Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng với Mỹ), dù biết thừa, VFA quan trọng thế nào trong việc kìm bớt sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Và cũng chính ông, sau đó 4 tháng, vào 4/6/2020, lại bắn tin lấy lòng Washington bằng quyết định “ngừng rút thỏa thuận này”. Chú SAM hẳn tức lắm, biết ông bạn đồng minh Đông Nam Á mặn mà trở lại với mình chỉ  sau những cú bị Trung Quốc gây hấn, dằn mặt, nổi bật là việc hệ thống kiểm soát pháo của khinh hạm Trung Quốc nhắm vào khinh hạm Philippines trên Biển Đông vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, bản chất thực dụng, thấy rõ tầm quan trọng của VFA đối với lợi ích của mình, nên chú SAM giả vờ “thế nào cũng được”, trong khi thực chất là “ngậm miệng ăn tiền”.

Mới đây, giữa tháng Mười vừa qua, cái sự thiếu nhất quán của Manila lại tái lặp. Chỉ có điều, nó không phải từ người đứng đầu, là ông Duterte, mà từ phát ngôn của hai ông tướng.

Cụ thể, chỉ một ngày sau phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, rằng: mối đe dọa lớn nhất của Philippines không phải là Trung Quốc , mà là phiến quân và khủng bố: “Chúng ta có thể tập trung chú ý nhiều hơn vào các mối đe dọa nội bộ của mình, mặc dù quân đội và cảnh sát đã tuyên bố rằng họ đã tiêu diệt lực lượng của cả hai mối đe dọa”, thì, trước báo giới trong và ngoài nước qua cuộc họp báo trực tuyến, Tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines (AFP), Tướng Gilbert Gapay, lại nói: “Tình hình ở Biển Đông vẫn còn nhiều biến động và không chắc chắn. Chúng tôi đã chứng kiến những hành động hung hăng của Trung Quốc  để giành lấy khu vực. Họ triển khai các tàu chiến ở đó, các lực lượng hải cảnh xuất hiện ngang nhiên trong khu vực, trong khi lực lượng dân quân biển của họ cũng gia tăng hoạt động”.

Thậm chí, tướng  Gapay còn cho rằng tình hình Biển Đông sẽ “trở nên căng thẳng hơn” vì Trung Quốc đang triển khai nhiều hoạt động, thậm chí còn phóng tên lửa ở Biển Đông.

Không khó để nhận thấy, trong phát biểu của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines, Trung Quốc hiển nhiên là vô can trong những diễn biến phức tạp và căng thẳng trên Biển Đông hiện nay, trong khi, với người đứng đầu lực lượng vũ trang, Trung Quốc bị bêu rếu, quy trách nhiệm trực tiếp.

Điều gì đang xảy ra vậy, khi chỉ ngày trước, ngày sau, ông tướng này đã phát biểu “vênh” ông tướng kia.

Mà có phải “dạng vừa đâu”. Một người là bộ trưởng quốc phòng, một người là tư lệnh lực lượng vũ trang. Nghĩa là toàn tướng to, đứng đầu vị cả.

Nói cho cùng, Philippines vẫn thế. Chỉ khác, liên quan vấn đề đại sự Biển Đông, lần này, để thể hiện lập trường ngoại giao nước đôi: vừa lấy lòng, vừa phản ứng Trung Quốc ngang ngược, vẻ như nhà lãnh đạo Philippines Duterte “giao nhiệm vụ” cho thuộc cấp, chứ không tự mình trực tiếp thực thi nữa.

Đó cũng là một cách. Để mà còn có nước lùi vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới