Friday, April 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiGạo Việt xuất vào EU bằng 1/10 Myanmar: Thay đổi có dễ?

Gạo Việt xuất vào EU bằng 1/10 Myanmar: Thay đổi có dễ?

Chúng ta đã có thời gian quá lâu đi theo con đường chọn dễ, khó bỏ mà thường nhận thua thiệt, tư duy này phải thay đổi.

Cần thay đổi chiến lược xuất khẩu gạo theo hướng nâng cao chất lượng thay vì chạy theo số lượng như trước đây.

Thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) mới đây cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đi châu Âu đạt trên 10,05 triệu USD tăng 23,49% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn gạo/năm với giá trị là 1,4 tỷ Euro năm 2019. So với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myanmar, 1/4 Campuchia.

Bình luận về thông tin trên, TS Dương Văn Chín – Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) nhận định, sự thua kém về sản lượng gạo Việt Nam xuất vào thị trường châu Âu còn thấp so với các nước trong khu vực một phần do thời điểm trước gạo Việt Nam vẫn phải chịu thuế quan cao hơn, nên xuất khẩu gạo khó cạnh tranh hơn.

Từ bây giờ, Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực, gạo Việt Nam vào thị trường EU sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất bằng 0% trong 3- 5 năm, với hạn ngạch lên tới 80.000 tấn gạo/năm, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu gạo vào thị trường các nước này.

Đường đi đã rộng mở, gạo Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với gạo các nước Thái Lan, Campuchia, Myanmar… tại thị trường châu Âu, vấn đề còn lại theo vị chuyên gia chỉ là phụ thuộc vào các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

“Đầu tiên là phải thay đổi chiến lược xuất khẩu gạo, chuyển từ xuất khẩu lấy số lượng sang xuất khẩu về chất lượng. Việc này không hề dễ, do thói quen “ăn xổi ở thì” của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước mà chọn dễ, khó bỏ, chạy theo số lượng, lựa chọn các thị trường dễ tính như Trung Quốc, Philippines… chứ không chú trọng nâng cao chất lượng.

Đó là chưa nói những doanh nghiệp làm ăn kiểu “chụp giật”, không xây dựng thương hiệu, không có vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu mua lúa gạo của thương lái rồi bán sang tay kiếm lợi. Từ chỗ chạy theo cái lợi trước mắt, doanh nghiệp thu mua tạp nham, không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao khiến gạo bán ra với số lượng lớn nhưng giá trị thu về lại rất thấp. Nghiêm trọng hơn, việc này còn gây ảnh hưởng rất lớn tới uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp nói riêng cũng như các sản phẩm gạo Việt Nam nói chung.

Vì thế, về lâu dài, tư duy này phải thay đổi, xuất khẩu ít nhưng hàm lượng giá trị cao thì doanh nghiệp và người trồng lúa mới có lợi.

Muốn làm được như vậy phải tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, phải có quy trình sản xuất khép kín và có người kiểm soát chặt chẽ quy trình đó và phải lấy mẫu phân tích thường xuyên; các chỉ số phân tích phải đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của châu Âu, gạo mới vào được thị trường châu Âu.

Chỉ khi tạo ra được sản phẩm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn châu Âu, nhất là kiểm soát chặt chẽ các vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, không lẫn tạp, pha trộn mới có thể cạnh tranh được với gạo của các quốc gia khác”, TS Dương Văn Chín chỉ rõ.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, không chỉ riêng với gạo mà các sản phẩm nông sản khác cũng vậy, muốn vào được thị trường khó tính, tạo dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế, bắt buộc phải nắm chắc những thông tin yêu cầu của các nước, tổ chức sản xuất bài bản, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, các chỉ số thành phần hóa học, đặc biệt về hàm lượng thuốc trừ sâu phải bảo đảm an toàn, có như vậy các sản phẩm nông sản của Việt Nam mới mong đứng vững được trên thị trường toàn cầu.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, không phải đợi đến khi vào thị trường châu Âu hay các thị trường khó tính khác yêu cầu thay đổi mới được đặt ra, trên thực tế, các sản phẩm nông sản của Việt Nam tới đây muốn trụ vững tại thị trường Trung Quốc hay Philippines cũng phải thay đổi mới cạnh tranh được. Ông cho biết, những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng siết chặt quy định nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Việt Nam, điều này cho thấy những thói quen làm ăn dễ dãi, “chụp giật” trước đây phải thay đổi, nếu không bản thân các doanh nghiệp này sẽ bị chính thị trường đào thải.

Điều ông lo ngại là để xây dựng được các vùng nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất hiện đại, khoa học… rất khó, tốn kém, đầu tư nhiều nhưng không thu được lợi ngay, điều này đã khiến các doanh nghiệp thấy nản mà không làm. 

“Việc xây dựng vùng nguyên liệu, hay xây dựng các mẫu thuốc bảo vệ thực vật an toàn phải rất kỳ công, tốn kém, do phải thử các mẫu thuốc rồi mới xây dựng được bộ thuốc bảo vệ thực vật cho phù hợp.

Để xây dựng được bộ thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp phải thử nghiệm, lấy mẫu, phân tích, rất tốn kém, mất thời gian. Mỗi một mẫu phân tích tốn hàng triệu đồng, chưa nói, mỗi thị trường có một tiêu chuẩn, yêu cầu riêng nên các mẫu phân tích của từng thị trường cũng khác nhau, rất tốn kém. Vì điều này mà nhiều doanh nghiệp ngại, không muốn làm.

Số doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất khép kín, bảo đảm không nhiều và phải rất bản lĩnh, kiên trì mới có thể làm được. Đây mới là vấn đề đáng lo”, vị chuyên gia nói.

Dù vậy, vị TS cũng khẳng định, trong xu hướng mọi hàng rào kỹ thuật đang bị siết lại, yêu cầu chất lượng sản phẩm phải nâng lên, doanh nghiệp muốn tồn tại buộc phải thay đổi.

Những tiêu chí rẻ, ngon không còn là tiêu chí hàng đầu mà các thị trường tiêu thụ lựa chọn, kể cả thị trường dễ tính như Trung Quốc, thay vào đó, ngon còn phải an toàn nữa.

“Nếu cứ giữ tư duy cũ, cách làm cũ thì sẽ không bao giờ hội nhập được với thị trường thế giới.

Điều quan trọng hơn, doanh nghiệp cần thay đổi thói quen chọn dễ, khó bỏ hướng tới chiến lược phát triển bài bản, dài hơi, phải có tầm nhìn cho cả vài chục năm sau chứ không chỉ chăm chăm nhìn vào lợi nhuận trong 1 – 2 năm tới.

Khi doanh nghiệp đưa được các sản phẩm vào thị trường khó tính, bán được giá cao, doanh nghiệp sẽ được lợi nhuận nhiều. Đến khi đó, giá trị thương hiệu được khẳng định thì vị trí của doanh nghiệp trên các thị trường quốc tế mới được đón nhận. Đây mới là giá trị doanh nghiệp cần hướng đến”, vị chuyên gia nói thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới