Monday, September 16, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao Vietjet, Bamboo cũng xin hỗ trợ?

Vì sao Vietjet, Bamboo cũng xin hỗ trợ?

Bây giờ, tiền ít nhưng ai cũng muốn xin, nếu ai xin cũng cho, cứ xé nhỏ mỗi nơi một ít như vậy, cuối cùng ai cũng được nhưng ai cũng thiếu.

Sau VNA, đến lượt Vietjet, Bamboo xin hỗ trợ. Ảnh minh họa

Sau khi Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines được Quốc hội thống nhất cho phép vay 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất, hai hãng còn lại là Vietjet Air và Bamboo Airways cũng xin hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên,  ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng Vietjet, Bamboo không thể so bì với VNA.

“VNA là thương hiệu quốc gia, đóng góp lớn cho ngân sách cũng đồng thời vẫn đang thực hiện những nhiệm vụ chính trị như ngoại giao. Vì lý do này, cơ chế hỗ trợ cho VNA cũng phải khác.

Vietjet, Bamboo là doanh nghiệp hàng không nhưng cũng giống như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế khác, đều gặp khó khăn và cũng cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cho Vietjet hay Bamboo chỉ thực hiện theo cơ chế hỗ trợ chung giống như các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác, không thể đòi hỏi hỗ trợ như VNA được”, vị đại biểu nêu quan điểm.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Hoàng Giang – nguyên Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình nói thẳng không đồng tình với quan điểm phải hỗ trợ cho Vietjet, Bamboo và khẳng định: chính sách hỗ trợ cần phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên.

Ông Giang nói rõ, chính sách hỗ trợ mỗi quốc gia sẽ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện ngân sách cũng như đặc điểm khó khăn từng ngành, không lấy lý do “Thái Lan, Trung Quốc đều hỗ trợ các hãng hàng không của họ. Tại Việt Nam, Vietnam Airlines cũng đã được phê duyệt phương án hỗ trợ, vì thế, các hãng hàng không khác cũng cần được hưởng chính sách hỗ trợ tương tự để giải quyết khó khăn” để đòi cơ chế.

Nguyên Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ không thể dàn trải, xé nhỏ, không món nào ra món nào. Hơn nữa, đối tượng hỗ trợ phải có thứ tự ưu tiên.

Đây là lý do vì sao Chính phủ phải xây dựng thứ tự ưu tiên khi thực hiện chính sách hộ trợ trong các gói hỗ trợ. Theo đó, nhóm đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ đầu tiên là những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, tiếp theo là người lao động thất nghiệp rồi thứ ba mới tới doanh nghiệp.

Trong các nhóm hỗ trợ cũng không phải đối tượng nào, doanh nghiệp nào cũng được hỗ trợ. Ví dụ, đối với nhóm doanh nghiệp thì có nhóm hỗ trợ vay vốn bằng 0%, có nhóm hỗ trợ trả lương cho lao động thất nghiệp, bị mất việc làm từ 1 tháng trở lên.

Đối với lĩnh vực hàng không cũng vậy, VNA ngoài đơn vị kinh doanh còn thực hiện nhiệm vụ chính trị quốc gia, vì thế, chính sách mới ưu tiên hỗ trợ.

Chưa nói, VNA là hãng hàng không được thành lập từ lâu đời, đóng góp của hãng này cho nền kinh tế, ngân sách quốc gia rất lớn, trong khi những hãng hàng không tư nhân như Vietjet, Bamboo đều mới thành lập, những đóng góp không thể so sánh.

Mặt khác, Bamboo là hãng hàng không mới, chưa có nhiều đóng góp cho ngân sách, trong khi khó khăn như Vietjet so với các thành phần kinh tế khác chưa đáng kể.

“Chính sách hỗ trợ của nhà nước không bao giờ bỏ sót ai, tuy nhiên, khi đồng tiền có hạn, việc chi tiêu, sử dụng phải tính toán hết sức hợp lý và hiệu quả. Nếu ai cũng kêu khó, ai cũng cần hỗ trợ thì không cần phải đặt ra tiêu chí ưu tiên nữa, mà hỗ trợ chia đều. Như thế, ngân sách phải rất giàu mới làm được. Bây giờ, tiền ít nhưng ai cũng muốn xin, nếu ai xin cũng cho, cứ xé nhỏ mỗi nơi một ít như vậy, cuối cùng ai cũng được nhưng ai cũng thiếu.

Tôi chỉ lấy ví dụ, trong gia đình có 5 đứa con, chia đều 50 triệu cho 5 người, mỗi người được 10 triệu nhưng 10 triệu đó sẽ không giúp giải quyết được gì hết. Ngược lại, nếu tập trung cả 50 triệu đó cho một người, có thể sẽ giúp được một người xây được cái nhà, mở được cửa hàng, rồi từ đó sẽ cứu những đứa em cùng đi lên”, ông Giang nói.

Phân tích kỹ hơn với lĩnh vực hàng không, ông Giang lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh thế giới vẫn đang rất phức tạp hiện nay, nhu cầu bay thấp. Trong hoàn cảnh đó, nếu có hỗ trợ cũng không thể vực dậy được lĩnh vực này mà chỉ giúp các hãng hàng không có nguồn chi trả lương cho nhân viên.

Dịch bệnh là khó khăn chung, rất nhiều lĩnh vực kinh tế, sản xuất trong nước đang gặp khó khăn và cần được hỗ trợ thực sự để vực dậy nền sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập, tạo nguồn thu cho nhà nước cần được ưu tiên hỗ trợ, nhà nước nên tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực sản xuất. Bởi, chỉ sản xuất phát triển, doanh nghiệp có nguồn thu, người lao động có thu nhập, đời sống được cải thiện, nhu cầu đi lại tăng lên, khi đó, ngành hàng không sẽ tự sống lại.

Do đó, giải pháp hỗ trợ phải đi từ gốc, đó chính là hỗ trợ cho sản xuất, vực dậy nền kinh tế, tạo ra nguồn thu, từ đó kích thích nhu cầu đi lại, ăn chơi, du lịch của người dân, đó chính là cách kích cầu, hỗ trợ hiệu quả nhất cho ngành hàng không.

Theo ông Giang, ngành hàng không cũng giống như ngành du lịch, đúng là bị ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn, tuy nhiên để phát triển bền vững, cả hai lĩnh vực này đều phải coi đây là cơ hội tái cơ cấu lại sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút dòng khách nội, thay vì ngồi chờ cơ chế hỗ trợ.

Cụ thể, với ngành du lịch cần tái cơ cấu lại thị trường, cải thiện sản phẩm du lịch trong nước khuyến khích khách trong nước đi du lịch trong nước.

Khi dịch bệnh trên thế giới vẫn đang rất phức tạp, để khôi phục được các đường bay quốc tế có lẽ phải mất thêm thời gian rất dài nữa, vì vậy, nếu khai thác tốt các đường bay nội địa, thu hút nguồn khách trong nước không những cứu được ngành du lịch trong nước và cứu ngành hàng không mà còn tạo ra nguồn thu bền vững cho ngân sách trong nước.

Về phía ngành hàng không cần học theo bài học kinh doanh của Bạch Thái Bưởi, đó là khi ông quyết định thuê lại 3 chiếc tàu (Phi Phụng, Phi Long, Khoái Tử Long), mở 2 tuyến chở khách là Nam Định – Hà Nội, Nam Định – Bến Thủy cạnh tranh với những tàu nước ngoài khác.

Từ khi thuê lại tàu, Bạch Thái Bưởi đã hạ giá tàu, mời nước chè, trải chiếu hoa cho khách ngồi…

Cùng với việc cho người tới các bến tàu, xuống tận tàu để diễn thuyết, cổ vũ cho tinh thần đồng bang, tương thân tương ái. Ông cho đặt hòm lạc quyên trên tàu để vận động ủng hộ vùng này lũ lụt, vùng kia mất mùa. Nhờ thế, người đi tàu của ông ngày một đông, thậm chí họ còn gọi đi lại trên đường sông là đi “tàu Bưởi”.

“Thế thì, ngành hàng không cũng phải như vậy, phải giảm giá, nâng dịch vụ, hút khách trong nước đi tàu bay của mình. Tuy nhiên, giảm giá vé đồng thời phải nâng chất lượng chứ không phải giảm giá vé đồng thời giảm luôn cả dịch vụ”, ông Trần Hoàng Giang phân tích.

RELATED ARTICLES

Tin mới