Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngNỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Biển...

Nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Biển Đông

Trong những ngày qua, đã có nhiều bài viết về dấu ấn đối ngoại trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, nhất là trên vấn đề Biển Đông. Cùng với chính sách cứng rắn, kiềm chế Trung Quốc chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thi hành chính sách mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trên vấn đề Biển Đông.

Theo đó, chính sách Biển Đông của chính quyền Trump dựa trên ba trụ cột chính: một là, rõ ràng về pháp lý, chính thức đưa ra lập trường pháp lý bác bỏ các yêu sách ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đề cao giá trị phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc; hai là, can dự ngày càng sâu rộng trên thực địa với sự tham gia của nhiều lực lượng (hải quân, không quân và lực lượng tuần duyên); ba là, kéo các đồng minh, đối tác cùng tham gia vào các hoạt động kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cả trên lĩnh vực pháp lý và hoạt động trên thực địa.

Mặc dù thất thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 03/11 vừa qua và phải bận rộn với cuộc chiến pháp lý liên quan đến kết quả bầu cử Tổng thống, song chính quyền Trump không sao nhãng đối thủ tiềm tàng Trung Quốc, tiếp tục tìm cách củng cố sự phối hợp của nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn) trong kiềm chế Trung Quốc và tranh thủ các nước Đông Nam Á để ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông.

Đầu tháng 10 (trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ một tháng), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thăm Nhật Bản và tham dự cuộc họp lần thứ hai cấp Bộ trưởng Ngoại giao nhóm “Bộ Tứ” nhằm củng cố hợp tác với Nhật, Úc, Ấn, thúc đẩy triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Cuối tháng 10 ngay trước thềm cuộc bầu cử, Ngoại trưởng Pompeo cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đến Ấn Độ tham dự cuộc đối thoại chiến lược thường niên giữa Mỹ – Ấn Độ và ký Hiệp định Hợp tác và Trao đổi cơ bản (BECA) – được coi là một thỏa thuận quân sự cho phép Ấn Độ truy cập dữ liệu bản đồ và vệ tinh tiên tiến của Mỹ, giúp tên lửa và máy bay không người lái của Ấn Độ đạt độ chính xác cao hơn. Sau cuộc đối thoại, hai bên ra tuyên bố tái khẳng định “cam kết về việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở, tự do và thịnh vượng dành cho mọi quốc gia dựa trên trật tự các quy tắc quốc tế, được củng cố bởi lập trường trung lập của ASEAN, quy tắc pháp luật, đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững và minh bạch, tự do hàng hải và hàng không, sự tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình”. Rõ ràng, đây là những nội dung nhắm vào Bắc Kinh.

Tiếp theo đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thăm 4 nước Sri Lanka, Maldives, Indonesia và Việt Nam nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước này trong khu vực trước ảnh hưởng ngày một lớn từ Trung Quốc. Tại Indonesia và Việt Nam, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã trao đổi về Biển Đông, trong đó nhấn mạnh các giá trị của luật pháp quốc tế.

Giới quan sát nhận định, chuyến thăm 5 nước Châu Á của ông Pompeo có ý nghĩa quan trọng củng cố di sản của Tổng thống Donald Trump trong chính sách đối ngoại với trọng tâm là chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đặc biệt, qua chuyến thăm bất ngờ đến Việt Nam, Ngoại trưởng Pompeo muốn gửi thông điệp về chính sách đối ngoại không thay đổi của Mỹ đối với khu vực, trước thềm Hội nghị Đông Á và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 mà Việt Nam là nước chủ trì với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.   

Nửa tháng sau bầu cử ở Mỹ, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien công du đến Việt Nam và Philippines – 2 nước có khúc mắc lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông. Tại Hà Nội, ông Robert O’Brien đã gặp gỡ trao đổi về các vấn đề an ninh khu vực với Thủ tướng Việt Nam và người đứng đầu các cơ quan Ngoại giao, Quốc phòng, Công an. Các nội dung cụ thể không được tiết lộ, song một số chuyên gia nhận định rằng chắc chắn hai bên trao đổi các vấn đề nhạy cảm liên quan đến Biển Đông.

Trong khi đó, phát biểu trước các sinh viên tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, ông Robert O’Brien khẳng định: “Chúng tôi (Mỹ) chia sẻ cam kết sâu sắc đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên các quy tắc tôn trọng, công bằng và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như chủ quyền và tự do hàng hải”; nhấn mạnh Mỹ phản đối quan điểm “chân lý thuộc về kẻ mạnh” và “đó chính là lý do vì sao Mỹ có một lập trường vững chắc phản đối sự cưỡng ép, bắt nạt tại Biển Đông và các mối đe dọa an ninh trong khu vực Mê Công”.

Trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo Philippines khi thăm Manila, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nhấn mạnh “Chúng tôi (Mỹ) hoan nghênh những tuyên bố gần đây của Tổng thống Duterte và Ngoại trưởng Locsin tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và Hội nghị cấp cao Đông Á mà tôi đã tham dự, là kêu gọi tất cả quốc gia, kể cả một quốc gia lớn trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông”. Ông O’Brien trao tặng Philippines gói vũ khí trị giá 18 triệu USD và tái khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung được ký vào năm 1951 áp dụng cho bất kỳ cuộc tấn công nhắm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu Philippines ở Biển Đông.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các cuộc họp song phương hay đa phương thường được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, song mật độ công du các nước Châu Á, bao gồm một số nước Đông Nam Á của lãnh đạo, quan chức cấp cao Mỹ vẫn dày đặc thể hiện rõ tính chất quan trọng của các cuộc gặp gỡ trực tiếp mà ở đó hai bên có thể trao đổi nhiều vấn đề quan trọng vì trên thực tế, việc hội đàm trực tuyến vẫn có rủi ro bị tin tặc do thám, nhiều nội dung quan trọng có thể bị rò rỉ thông tin.

Bắc Kinh thông qua các cơ quan đại diện của họ ở Việt Nam và Philippines đưa phản ứng về chuyến thăm Việt Nam và Philippines của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien. Trên trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Manila cũng như của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh đã có bài viết thể hiện thái độ hằn học, vu cáo ông Robert O’Brien “công kích” Trung Quốc, có những phát ngôn “ác ý làm nóng vấn đề Nam Hải (Biển Đông) và sông Mê Công”. Đáng chú ý là trang Facebook của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh còn đưa ra lời bình luận khá hằn học, khiếm nhã, không phù hợp với những ngôn từ ngoại giao: “Sắp mất chức lại xúi bẩy gây chuyện khắp nơi, về nước chuẩn bị chuyển giao công việc cho cố vấn an ninh kế nhiệm đi”, nhưng sau đó đã bị xóa đi, có lẽ do họ thấy quá thiếu văn hóa khi có những lời lẽ bất nhã như vậy.

Giới quan sát nhận định chuyến thăm Việt Nam và Philippines của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien mang ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với quan hệ song phương mà cả với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; các chuyến thăm các nước Châu Á dồn dập của lãnh đạo cấp cao Mỹ vào những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ là nhằm củng cố di sản của Tổng thống Donald Trump trong chính sách đối ngoại với trọng tâm là chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Biển Đông được xác định là vấn đề then chốt.

Bên cạnh các chuyến thăm, Washington tiếp tục gia tăng sức ép lên Bắc Kinh trên vấn đề thương mại và vấn đề Đài Loan. Nhiều chuyên gia cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump có thể áp dụng thêm những biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc trên vấn đề kinh tế trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống. Ngay sau bầu cử, hôm 12/11 Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp ngăn chặn các khoản đầu tư từ Mỹ chảy vào các những công ty có liên quan đến quân đội và các cơ quan an ninh Trung Quốc (đã có 31 công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen). Mới đây nhất, Washington tiếp tục đưa 4 doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có nhà sản xuất vi mạch hàng đầu Trung Quốc SMIC và Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc CNOOC vào danh sách đen. Tờ The Wall Street Journal ngày 24/11 tiết lộ chính quyền của Tổng thống Trump đang vận động thành lập một liên minh không chính thức về thương mại để chống trả các hành động cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc. Theo đó, khi Trung Quốc tẩy chay hàng nhập khẩu, các quốc gia đồng minh sẽ đồng ý mua hàng hóa hoặc bù đắp thiệt hại. Ngoài ra, nhóm có thể cùng đồng ý áp thuế quan đối với Trung Quốc để bù đắp thiệt hại.

Với Đài Loan Mỹ có hàng loạt động thái đáng chú ý. Sau khi thông qua quyết định bán nhiều vũ khí hiện đại trị giá háng tỉ đô la cho Đài Loan, Mỹ đưa các đặc nhiệm của Thủy quân lục chiến đến Đài Loan huấn luyện cho binh sĩ quân đội Đài Loan. Đáng chú ý nhất là việc ngày 22/11/2020, Chuẩn đô đốc Michael Studerman, Chỉ huy trưởng đơn vị tình báo J2 Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đã đến thăm Đài Loan để kiểm tra trang thiết bị và công tác trao đổi, phối hợp tình báo giữa Đài Loan và Mỹ khiến Bắc Kinh hết sức tức tối. Trong lĩnh vực dân sự, sau khi Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Keith Krach thăm Đài Loan, Đối thoại Đối tác phồn thịnh kinh tế (EPP) Mỹ-Đài Loan lần đầu tiên được tổ chức ở Washington D.C và hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) hôm 20/11 đặt nền tảng cho việc thắt chặt hợp tác kinh tế toàn diện giữa Mỹ và Đài Loan. Hai bên còn thảo luận về hợp tác về y khoa, năng lượng và chuỗi cung ứng công nghệ trọng yếu khác như mạng 5G và sản xuất chíp điện tử. Giới quan sát cho rằng sự kiện này thể hiện sự gia tăng hoạt động của Mỹ hướng tới Đài Loan dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Có thể thấy trong 4 năm cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã tạo ra những bước ngoặt trên các vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc từ thương mại đến vấn đề Biển Đông hay Đài Loan với mục tiêu ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc. Hiện chính quyền Trump đang tiếp tục tạo ra những dấu ấn mới đưa quan hệ Mỹ – Trung bước vào thời kỳ đối đầu toàn diện về quân sự, chính trị, kinh tế và công nghệ, và xu hướng này không thể đảo ngược cho dù người đứng đầu Nhà Trắng là ai.

Các nhà nghiên cứu quốc tế và khu vực cho rằng, ông Trump đang làm tất cả để chính quyền mới ở Mỹ không thể thay đổi được những chính sách mà ông đã thực hiện trong nhiệm kỳ 4 năm qua. Một khi ông Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, chính sách cứng rắn của Washington với Trung Quốc trên các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông sẽ không thay đổi về nội dung mà có chăng chỉ là sự điều chỉnh về cách tiếp cận linh hoạt hơn theo hướng đa phương, có hệ thống nhằm thúc đẩy quan hệ với đồng minh cũng như các đối tác quan trọng trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới