Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông 2020: Căng thẳng leo thang!

Biển Đông 2020: Căng thẳng leo thang!

Thế giới đã bước vào ngày cuối cùng của năm 2020, một năm chứng kiến sự căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục leo thang. Và điều này chắc chắn sẽ tiếp tục vào năm 2021.

Trong những tháng cuối năm 2020, sau những căng thẳng pháp lý của “cuộc chiến công hàm”, cùng việc Trung Quốc tiếp tục có những hành động quân sự hóa các đảo, đẩy tới một bước leo thang mới. Trong tình hình ấy, Bắc Kinh bất ngờ công bố việc thăm dò dư luận cho Dự thảo Luật cảnh sát biển (sửa đổi).

Theo Dự thảo, khi xảy ra các “vụ bạo lực hàng hải nghiêm trọng”, cho phép cảnh sát biển dùng vũ khí cầm tay, thậm chí vũ khí trên tàu hoặc trên không. Trong khi các vụ bạo lực  hàng hải nghiêm trọng là khái niệm hết sức mù mờ. Vì vậy các nước xung quanh vùng biển Hoa Đông và Biển Đông hết sức lo ngại. Đó cũng là lý do nhiều nước có bước đi pháp lý ngăn chặn Trung Quốc “làm luật” trên biển.

Không chỉ có cụm từ này mà toàn bộ Luật hàng hải của Trung Quốc được viết một cách mơ hồ, áp dụng với “những vùng biển trong quyền tài phán” vốn dĩ là thuật ngữ chẳng có ý nghĩa gì về mặt pháp lý.

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh có nói bao nhiêu điều hay ho về việc họ tôn trọng chủ quyền trên biển, nhưng chỉ với Dự thảo Luật sửa đổi đã đủ kết luận, Trung Quốc chính là đối tượng và nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng căng thẳng và khả năng bạo lực trên Biển Đông.

Những hành động ngang ngược của Trung Quốc trong năm 2020 càng khiến dư luận quốc tế tin rằng, Bắc Kinh không bao giờ “trỗi dậy” một cách hòa bình.

Năm 2020 chính phủ các nước như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và châu Âu đề quan tâm nhiều hơn tới tình hình Biển Đông. Các quyết định của lãnh đạo các nước liên quan tới vấn đề pháp lý về Biển Đông được đưa ra nhanh chóng, hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ.

Các thành viên ASEAN cũng đã cân nhắc việc công nhận các khuôn khổ điều chỉnh hành vi trên biển như Bộ quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREG) 1972, Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) 1974 hay Công ước về trấn áp các hành vi bất hợp pháp xâm phạm an toàn hành trình hàng hải (SUA) 1988. Các bộ quy tắc, chuẩn mực quốc tế này được xem xét mở rộng phạm vi ảnh hưởng không chỉ với tàu quân sự mà cả tàu dân sự.

Thái độ của Việt Nam trong năm 2020 đối với Trung Quốc về các vấn đề chủ quyền Biển Đông tỏ ra mạnh mẽ, cứng rắn hơn. Cũng không thể đòi hỏi Hà Nội nhiều hơn, bởi Trung Quốc có tiềm lực quốc phòng, kinh tế vượt trội. Về chiến lược bành trướng của họ cũng rất bài bản, linh hoạt, theo cách tạo nên các “vùng xám”, theo cách “tằm ăn dâu”, hướng đến mục tiêu cuối cùng là thâu tóm toàn bộ Biển Đông.

Trong tình hình đó, Hà Nội đã có những bước đi khôn khéo, mềm dẻo, tranh thủ được sự ủng hộ, hợp tác của quốc tế. Mặc dù thực trạng trên Biển Đông diễn ra phức tạp và có nhiều những yếu tố làm cho tình hình bất ổn định, có thời kỳ rất căng thẳng, nhưng Việt Nam đã cố gắng duy trì được môi trường ổn định, thông qua nhiều biện pháp. Trong các biện pháp đó, biện pháp hàng đầu là duy trì quan hệ song phương với các nước.

Hà Nội đã bám rất chắc “chiếc phao” giữ gìn sự ổn định ấy. Cụ thể, trong tất cả các cuộc trao đổi của lãnh đạo cấp cao với các nước, trong các cuộc tiếp xúc các cấp, vấn đề Biển Đông luôn luôn được nêu với mục tiêu, yêu cầu là phải đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Hà Nội đã tận dụng được cơ hội lớn trong năm Chủ tịch ASEAN. Việt Nam mạnh mẽ nêu các quan điểm của mình và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong ASEAN, cũng như các nước trên thế giới. Thành công đáng kể nhất trong vấn đề Biển Đông là Việt Nam nhận được sự đồng thuận, tuân thủ luật pháp quốc tế, “cái phao” Công ước UNCLOS 1982 là cứu cánh cho quyền và lợi ích hợp pháp của các nước.

Không chỉ lo chuẩn bị cho chiến tranh, Hà Nội đã có bước đi khôn ngoan,vừa bảo vệ chủ quyền trên biển vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Các hoạt động kinh tế trên những vùng biển hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế vẫn diễn ra một cách bình thường.

Bước sang năm 2021, tình hình Biển Đông sẽ vẫn là chủ đề nóng trong các hoạt động ngoại giao quốc tế và trên thực địa. Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tranh giành ảnh hưởng của mình. “Con đường tơ lụa” trên biển của Bắc Kinh vẫn đáng lo ngại trước “cây kéo” khổng lồ của Washington.

Giữa hai làn đạn, các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo như Việt Nam, Philippines, Malaysia… đủ tỉnh táo để hợp sức đấu tranh chống chủ nghĩa bành trướng, bảo vệ vững chắc từng tấc đất, từng sải biển của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới