Monday, October 14, 2024

Trách ai?

Ngày càng nhiều nước thể hiện sự cảnh giác, thiếu tin tưởng với Trung Quốc. Đó là điều không chỉ cảm nhận, mà còn thực chứng. Trung Quốc trách ai trong câu chuyện này, nếu không là tự trách chính mình?

Ngoại trưởng Trung Quốc “dằn mặt” Mỹ về vấn đề Biển Đông

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEA) có trụ sở tại Singapore vừa công bố khảo sát hàng năm mới nhất về “tình hình Đông Nam Á”. Đối tượng khảo sát bao gồm các nhà hoạch định chính sách và chiến lược ở Đông Nam Á. Theo đó, sự hoài nghi đối với Trung Quốc đang có xu hướng tăng lên. Con số cụ thể là từ 60,4% năm 2020 lên 63% trong năm 2021.

Trong khi đó, cũng kết quả khảo sát trên cho thấy, các cường quốc Châu Âu và Nhật Bản được trả lời là “những nước tiên phong, đối tác chiến lược tin cậy của khối ASEAN trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung”. Đối thủ của Trung Quốc là Mỹ, tỷ lệ tín nhiệm ở khu vực cũng tăng lên18%.

Trung Quốc hẳn tức tối trước kết quả khảo sát này. Gì thì gì, khảo sát được thực hiện bởi một cơ quan nghiên cứu quốc tế uy tín. Thế nên, nó không thể không thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và dư luận. Trung Quốc dương dương tự đắc là “cường quốc trỗi dậy hòa bình”; hãnh diện là chủ nhân sáng kiến “vành đai con đường” với tham vọng kiến tạo mạng lưới kinh tế, thương mại bao trùm khu vực rộng lớn có dân số 4,4 tỷ người, kết nối hơn 20 nước có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 21 nghìn tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ. Chưa hết, cũng Trung Quốc, nhiều năm nay, đã vung hàng đống tiền, vàng viện trợ nhằm ve vãn, thu phục “tình cảm” nhiều nước, vậy mà thiên hạ vẫn không chịu lóa mắt, vẫn nhìn Trung Quốc với con mắt hoài nghi. Tức không cơ chứ!

Tuy nhiên, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Đừng nên cho mình là nạn nhân của sự nghi kỵ, Trung Quốc, tốt nhất, nên tự hỏi: Tại sao ra nông nỗi này?

Thực ra, câu trả lời đâu có quá khó. Nếu như Trung Quốc thực sự chân thành, thực sự “trỗi dậy hòa bình” – như họ đã và đang ưỡn ngực phô trương, sự thể đã không thế.

Nhưng không. Hành xử của họ ngược lại. Trung Nam Hải ngày càng chứng tỏ rằng: Họ đang và chỉ muốn trỗi dậy bằng cơ bắp. Bằng vào những việc làm có tính hệ thống, chẳng chút khó khăn để chứng minh cho nhận định trên, trong đó, câu chuyện Biển Đông là điển hình.

Biển Đông vốn phức tạp. Có đến 5 nước, 6 bên cùng yêu sách chủ quyền các quần đảo trong vùng biển rộng lớn và giàu có này, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Đài Loan, Brunei.

Tranh chấp biển, đảo, lãnh thổ không là câu chuyện đơn lẻ. Từng có trường hợp, các bên tranh chấp hành xử, giải quyết các xung đột một cách văn minh và thành công, dựa trên luật pháp.

Nhưng câu chuyện Biển Đông lại khác. Trong khi các bên liên quan cơ bản tỏ ra ôn hòa, cầu thị, đề cao cơ sở pháp lý và lịch sử, thì Trung Quốc lại kẻ cả, đơn phương đưa ra cái gọi là “đường 9 đoạn” đòi hỏi 90% diện tích.

Trên thực địa, cũng chính Trung Quốc liên tục quấy nhiễu các nước láng giềng trong hoạt động khai thác dầu khí, hải sản. Ngang đến mức, ngay cả khi Tòa trọng tài (PCA) bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn”, là thành viên của Unclos 1982, Trung Quốc không chỉ phủ định mà còn gia tăng sự gây hấn ngang ngược hơn với các nước láng giềng. Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa, “dằn mặt” Mỹ và  các nước Tây Âu khác khi các cường quốc này cùng với phê phán, bác bỏ đòi hỏi vô lý của Trung Quốc, đã và đang tăng cường đưa lực lượng hải quân vào Biển Đông thực hiện quyền “tự do hàng hải”…

Thế nên, cộng đồng quốc tế dẫu có ngờ vực Trung Quốc hơn thế, cũng đâu có gì lạ?

RELATED ARTICLES

Tin mới