Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngVai trò của quốc tế hóa Biển Đông trong quản lý và...

Vai trò của quốc tế hóa Biển Đông trong quản lý và ngăn ngừa xung đột (Kỳ 3)

Các nhà quan sát của ASEAN về tranh chấp Biển Đông thường mặc định rằng, yêu sách mở rộng của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực là có thể đàm phán được rằng, Trung Quốc sẽ chấp nhận một hiệp định khu vực có lợi, trong đó các yêu sách lãnh thổ sẽ được điều chỉnh và việc tiếp cận dầu và các trữ lượng sẽ được chia sẻ.

Ảnh minh họa

Yếu tố chiến lược

Trên cơ sở này, ASEAN đã tham gia vào các cuộc đối thoại định kỳ cùng Trung Quốc với hy vọng rằng, lãnh đạo của nước này có thể sẽ được thuyết phục bởi giá trị của một thể chế gồm các quy tắc để điều chỉnh hành vi ở Biển Đông. ASEAN thường thận trọng và tránh có hành động đáp lại tương ứng, và cách mà ASEAN khuyến khích sự nhất trí qua hình thức đồng thuận sẽ sớm được Trung Quốc chấp nhận. Nếu như cuộc tranh chấp chỉ liên quan đến các yêu sách lãnh thổ trên biển, thì có lẽ Trung Quốc đã chấp nhận, cách giải quyết mà ASEAN kỳ vọng, và qua đó làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong tổ chức này và tăng cường chiến lược ngoại giao Đông Á của mình.

Sự tranh giành quyền tiếp cận các trữ lượng dầu khí đã khiến cho việc giải quyết vấn đề này trở nên khó khăn hơn, nhưng không phải không thực hiện được; việc phát triển chung, như Trung Quốc vẫn thường đề xuất, có thể là một khả năng, với điều kiện là Trung Quốc không tìm thấy cách nào khác để khai thác tài nguyên ở đó. Điều gây cản trở mọi khả năng giải quyết tranh chấp vào thời điểm hiện tại là một yếu tố mới. Chính giá trị chiến lược của Biển Đông đã khiến cho Trung Quốc trở nên ngày càng kiên quyết để đảm bảo quyền kiểm soát trên khu vực, khi mà chiến lược và việc triển khai hải quân đã có tác động ngày càng lớn lên chính sách nước này.

Chính sách hải quân của Trung Quốc có hai mục tiêu. Một là, ngăn Đài Loan tuyên bố độc lập và ngăn Mỹ hỗ trợ cho Đài Loan bằng cách huy động lực lượng hải quân trong trường hợp xung đột xảy ra. Hai là, để bảo vệ các tuyến thương mại và nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca – với ước tính là 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được đi qua đây. Với mục tiêu thứ hai, Trung Quốc cần phải có lực lượng hải quân hướng tới đại dương, bao gồm các tàu chở máy bay. Tháng 4/2019, Tổng Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã tiết lộ tham vọng của Trung Quốc nhằm phát triển một lực lượng hải quân hướng ra biển và tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ thiết lập một “hệ thống phòng thủ trên biển” để bảo vệ “an ninh biển và phát triển kinh tế của mình”.

Theo logic, nơi duy nhất dọc bờ biển của Trung Quốc mà năng lực hải quân này có thể được triển khai là ở khu vực Hải Nam. Nếu dịch về phía Bắc thì sẽ mất lợi thế khoảng cách với eo Malacca và sẽ yếu thế với sự ngăn chặn của Mỹ từ biển cả. Vì mục đích này Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các căn cứ ngầm ở Sanya trên đảo Hải Nam, để làm căn cứ cho các loại tàu ngầm mới chở tên lửa đạn đạo hạt nhân [SSBN], và các tàu sân bay cùng các tàu hộ tống khi chúng được triển khai. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là chiếc Varyag của Xô Viết cũ, sau đó được đổi tên thành Shi Lang, và có nhiều khả năng tàu này sẽ được đặt tại căn cứ Hải Nam khi nó được hoàn thiện. Tháng 10/2010, hai tàu ngầm hạng Shang đã có mặt ở Sanya, và số lượng của nó được kỳ vọng là sẽ còn tăng nữa. Khi Hải Nam được phát triển thành một căn cứ hải quân thì quần đảo Hoàng Sa về phía Nam của nó lại có vai trò quan trọng trong việc cung cấp tầm bao quát trên không cho Hải Nam và cung cấp tin tình báo về hoạt động của hải quân Mỹ. Việc này lý giải cho sự nhảy cảm của Trung Quốc đối với các tàu thăm dò của Mỹ và cũng là lý do vì sao Trung Quốc lại đối đầu với tàu USNS Impeccable khi tàu này tới quá gần đảo Hải Nam vào tháng 3/2009.

Biển Đông đã trở thành một phần không tách rời trong sự đối đầu giữa hải quân Trung Quốc và Mỹ. Theo quan điểm của Trung Quốc, sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ ngăn cản sự tái thống nhất của Đài Loan với Đại lục và khuyến khích các nước yêu sách ở ASEAN ở Biển Đông chống đối với Trung Quốc. Mỹ bị coi là đã cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc và đã phải nhận sự oán giận từ các thành phần dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc. Vì lý do này nên Trung Quốc cần phải khẩn trương phát triển khả năng ngăn ngừa hải quân Mỹ hỗ trợ Đài Loan khi có xung đột và ngăn cản việc Mỹ hỗ trợ các quốc gia ASEAN có yêu sách đối với vấn đề Biển Đông. Các năng lực hải quân mới đã được sử dụng cho mục đích này trong suốt những năm 1997-2007 khi bốn tàu chiến Sovremenny của Nga được đưa vào sử dụng, và tám chiếc khác được đặt hàng.

Trung Quốc vẫn đang phát triển năng lực tàu ngầm của mình và đã huy động 12 chiếc hạng Kilo của Nga, hai chiếc SSN tân công hạt nhân hạng Shang, mười tàu ngầm diện diesel hạng Song để thay thế các hạng Romeo và Ming đã quá cũ kỹ; 2 chiếc tàu ngầm điện diesel hạng Yuan mới nhất được hoàn thiện. Đáng lo ngại nhất cho Hải quân Mỹ là việc Trung Quốc đã huy động DF-21D, vốn được mô tả là loại tên lửa đạn đạo chống tàu [ASBM] và có khả năng tấn công các tàu sân bay và các tàu có mặt bằng lớn hơn của Mỹ. Đô đốc CINPAC Robert F.Willard đã phát biểu với tờ Asahi Shinbun rằng, kết hợp với những chiếc tàu ngầm của Trung Quốc, loại tên lửa này có thể tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hải quân Mỹ, và thậm chí có thể “vô hiệu hóa” sức mạnh quân sự của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, loại tên lửa này, với khả năng định vị địa lý và theo dấu mục tiêu một cách hiệu quả, có thể mang lại rủi ro cho tàu thuyền Hải quân Mỹ trong phạm vi 1.500-2.000km của nó. Lầu Năm Góc đã tuyên bố rằng, đây là một phần nằm trong chiến lược “chống xâm nhập” và “từ chối khu vực” hay “phòng thủ xa bờ” để chống lại việc Mỹ tiếp cận các khu vực quanh Đài Loan và Biển Đông.

Trung Quốc đang gây áp lực để đòi sự công nhận về các phạm vi ảnh hưởng ở Tây Thái Bình Dương, với Đài Loan và Biển Đông nằm gọn trong phạm vi của Trung Quốc. Ý tưởng tạo điều kiện cho một thế lực đang trỗi dậy và làm giảm đi các mối hận thù có thể tạo ra sự xung đột với Mỹ là điều khó thực hiện, mặc dù nghe có vẻ hấp dẫn. Những cam kết và lợi ích của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương vượt qua ngoài sự chia rẽ đó, và bất kỳ một sự chấp nhận nào cũng sẽ gây hại tới các cam kết với Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ sẽ đánh mất vị thế của mình ở Bán đảo Triều Tiên, còn ASEAN sẽ bị chia rẽ và các nỗ lực nhằm xây dựng chủ nghĩa khu vực với phạm vi rộng hơn cho Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó bao gồm các vùng xung đột, sẽ chấm dứt.

Chiến lược của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị phân mảnh và Mỹ sẽ chỉ có được một vị thế ngoài khơi với tầm ảnh hưởng hết sức hạn chế đối với khu vực. Để ngăn ngừa khả năng này, Chính quyền Obama đã chống lại sức ép từ phía Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương bằng cách áp dụng một chính sách quyết liệt hơn đối với Biển Đông, và cụ thể là tăng cường quan hệ với các đồng minh và các nước ủng hộ. Lợi ích của Trung Quốc đối với các khu vực ảnh hưởng có thể thấy trong quá trình chuẩn bị cho Diễn đàn ARF tại Hà Nội vào tháng 7/2010; Đại Sứ quán Trung Quốc tại Washington đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu vấn đề Biển Đông với hy vọng rằng, người Mỹ sẽ đồng ý. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã phát biểu một lập trường khá rõ ràng tại diễn đàn để tập hợp các quốc gia yêu sách thuộc ASEAN vốn đã chịu ảnh hưởng từ áp lực của Trung Quốc.

Bà khẳng định lợi ích của Mỹ ở Biển Đông, qua đó thách thức vị thế của Trung Quốc đối với Biển Đông. Bà nhấn mạnh rằng, các bên yêu sách cần phải theo đuổi các yêu sách lãnh thổ của mình một cách phù hợp với Công ước UNCLOS, điều sẽ thách thức lập trường của Trung Quốc như là yêu sách đường lưỡi bò chưa được định nghĩa rõ ràng và không được hình thành dựa trên các thực thể đất liền như vùng thềm lục địa hay sự chiếm hữu bất kỳ một vùng đảo nào mà chỉ đơn thuần dựa vào lịch sử. Bà cũng ủng hộ “một tiến trình ngoại giao mang tính công tác giữa các bên yêu sách”, trong khi Trung Quốc vẫn theo đuổi con đường đàm phán song phương với các nước yêu sách trong ASEAN, và các bên thứ ba không nên tham gia. Bà Clinton nhắc đến sự cần thiết phải có “cấu trúc thể chế” ở Châu Á – Thái Bình Dương để làm cơ sở cho tiến trình ngoại giao hợp tác này, điều này cũng đi ngược lại với nỗ lực của Trung Quốc nhằm đối phó với các nước yêu sách một cách song phương.

Mỹ đã có những động thái nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với các quốc gia ASEAN như Indonesia, một quốc gia cùng chung mối quan ngại về Trung Quốc với Mỹ. Mỹ đã hủy lệnh cấm quan hệ với Lực lượng Đặc biệt của Indonesia (Kopassus) vào ngày 23/7/2010. Lệnh cấm này được ban hành vào năm 1998 và nghiêm cấm Mỹ không được có liên lạc với các đơn vị quân sự có tiền sử vi phạm quyền con người.

Đáng chú ý là vào tháng 9, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natelagawa đã phản đối quan điểm của Trung Quốc rằng, Mỹ không nên tham gia vào tranh chấp Biển Đông, qua đó thể hiện thái độ thận trọng bấy lâu nay của Indonesia đối với Trung Quốc. Philippines cũng đã tăng cường quan hệ với Mỹ để đáp lại áp lực từ Trung Quốc, bất chấp quan hệ không mấy tốt đẹp với đế chế đô hộ cũ của mình. Những đòi hỏi từ công chúng nhằm tăng cường sự độc lập với Mỹ đã xung đột với các nhu cầu thực tế về an ninh. Kể từ năm 1995, khi Trung Quốc xâm phạm vào khu vực yêu sách của mình, quân đội Philippines đã có những nỗ lực để đưa Mỹ quay trở lại, nếu như không phải bằng hình thức các căn cứ quân sự thường trực thì là qua các cuộc thăm cảng và tập huấn chung mang tính ra hiệu cho sự cam kết của Mỹ đối với nền quốc phòng nước này. Ngoại trưởng Albert Del Rosario đã tố cáo “hành động xâm lược của Trung Quốc” và tới thăm Washington vào tháng 6/2011 để có được sự bảo đảm về hỗ trợ từ Mỹ. Trong chuyến thăm này ông đã đề nghị Mỹ làm rõ quan điểm đối với Điều ước Quốc phòng Chung [MDT] năm 1951.

Philippines cho rằng, MDT bao quát cả vấn đề Biển Đông, trong khi đó Mỹ lại không đồng ý, cho rằng, yêu sách của Philippines phát sinh sau khi hau bên ký kết điều ước này, và rằng, Mỹ chỉ có cam kết về mặt pháp lý đối với nền quốc phòng của Philippines theo như định nghĩa tại Hiệp ước Paris năm 1898, trong đó không bao gồm yêu sách đối với Kalayaan. Bà Hillary Cliton phát biểu rằng, Mỹ cảm thấy “nhức nhối” vì những sự kiện gần đây trong khu vực và gọi Philippines là “đồng minh hiệp ước của chúng tôi”, như một cách để né tránh vấn đề. Ý nghĩa của nó là Mỹ sẽ không cam kết để bảo vệ yêu sách của Philippines nhưng sẽ hỗ trợ nước này nếu có xung đột xảy ra. Tuy nhiên, Mỹ cũng đã có sự hỗ trợ về mặt vật chất trong bối cảnh mà Philippines yêu cầu sự viện trợ cho lực lượng hải quân yếu kém của mình. Ông Del Rosario kêu gọi thành lập một hệ thống vay mượn mà theo đó Philippines có thể thuê trang thiết bị từ Mỹ. Mỹ cũng đã đồng ý mở rộng phạm vi chia sẻ tình báo với Philippines để tăng cường được ý thức về biển cũng như năng lực tuần tra của mình.

Quan hệ Mỹ – Việt Nam đã được cải thiện và trở thành mối quan hệ an ninh đầy tiềm năng. Việt Nam coi Mỹ là đối trọng quan trọng với Trung Quốc, nhưng khoảng cách quá gần với gã khổng lồ ở phía Bắc lại khiến nước này phải thận trọng. Hải quân Mỹ đã để mắt tới căn cứ quân sự cũ của Liên Xô ở Vịnh Cam Ranh từ những năm 1990 và coi đó như một căn cứ hữu hiệu trong trường hợp xung đột ở Đài Loan xảy ra.

Nhiều cuộc viếng thăm quan trọng đã diễn ra, qua đó thể hiện rằng cả hai bên đã duy trì sự quan tâm đối với một mối quan hệ gần gũi hơn mà không phải vượt qua những lo ngại của Việt Nam đối với sự nhạy cảm trong quan hệ Việt – Trung. Ba vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đến thăm Việt Nam, William Cohen vào tháng 3/2000, Donald Rumsfeld vào tháng 6/2006 và Robert Gates vào năm 2010; Tổng thống Bill Clinton đã có chuyến thăm đáng chú ý tới Việt Nam vào tháng 11/2000, đây cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Tổng thống Mỹ. Hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã tới thăm Washington, ông Phạm Văn Trà vào năm 2003, và ông Phùng Quang Thanh trong giai đoạn 2009-2010; Tàu quân vận USNS Richard E.Byrd của Mỹ đã được sửa chữa ở Vân Phong, một địa điểm gần Vịnh Cam Ranh. Động thái này được hải quân Mỹ coi là một bước hướng tới xây dựng năng lực sửa chữa tàu thuyền trong trường hợp khẩn cấp và cho các chuyến du hành. Mỹ tiếp tục tìm kiếm sự thỏa thuận để bảo dưỡng và hỗ trợ tàu thuyền của mình và để tiếp cận với các cảng của Việt Nam, trong đó có Vịnh Cam Ranh.

Vào tháng 8/2010 tàu sân bay USS George Washington của Mỹ đã đi dọc bờ biển Việt Nam và đón các cuộc viếng thăm từ các quan chức quốc phòng cấp cao của Việt Nam. Tháng 10/2010 Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã tới thăm Hà Nội để dự lễ khai mạc cuộc Họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+. Ngày 01/8/2011 Mỹ và Việt Nam đã ký kết cái được coi là Hiệp định về quân sự đầu tiên giữa hai nước kể từ Chiến tranh Việt Nam đến nay; dù chỉ giới hạn ở các hợp tác về y tế và nghiên cứu y học quân sự, nhưng hiệp định này rất có thể sẽ mở cánh cửa cho các hiệp định rộng hơn. Quan hệ của Mỹ với Việt Nam, một nước đang hiện đại hóa nên quốc phòng một cách nhanh chóng, có thể sẽ là sự kết hợp đáng nể.

Năm 2009, Việt Nam trở thành khách hàng vũ trang lớn nhất của Nga; trong tháng 4 năm đó Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm hạng Dự án 636 Class Kilo và 12 tàu chiến SU-30MKK từ Nga qua một hợp đồng trị giá khoảng 2,4 tỷ USD. Nga cũng đã ký kết hợp đồng để xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam. Nga đã sẵn có hợp đồng để xây lắp hai chiếc tàu khu trục hạng Gepard 3.9 cho Hải quân Việt Nam vào năm 2006, và đã giao hàng lần lượt vào tháng 3 và tháng 8 năm 2011.

RELATED ARTICLES

Tin mới