Tuesday, April 16, 2024
Trang chủThâm cung bí sửTrường Sa trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông của TQ

Trường Sa trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông của TQ

Cách đây 33 năm, ngày 14/3/1988 đã xảy ra sự kiện đẫm máu Gạc Ma, khi hải quân Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa. Nhân sự kiện đau thương này, chúng ta cùng đánh giá những tính toán của giới cầm quyền Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa nhằm thực hiện mưu đồ khống chế, độc chiếm Biển Đông.

1. Trước năm 1988, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoàn toàn không có mặt ở quần đảo Trường Sa và không có bất cứ hành động nào thể hiện cái gọi là “thực hiện chủ quyền của Trung Quốc” ở Trường Sa.
Các nhà nước Việt Nam đã thực hiện quyền quản lý đối với quần đảo Trường Sa từ thời phong kiến. Đầu những năm 30 của thế kỷ 20, Pháp cho quân trú đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa. Đến năm 1933, Pháp tuyên bố sáp nhập thêm 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa bằng việc Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Các hoạt động này đã được công bố trong Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 26/7/1933. Như vậy, với tư cách bảo hộ cho chính quyền phong kiến Việt Nam, thay mặt chính phủ Việt Nam, Pháp đã chính thức tuyên bố chủ quyền đối với 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Ba Bình, Thị Tứ…) theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế đương thời.

Tại hội nghị quốc tế San Francisco, Mỹ từ ngày 05 đến 08/9/1951, Đại diện cho Việt Nam tham dự hội nghị, ông Trần Văn Hữu – Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng chính quyền quốc gia Việt Nam lúc bấy giờ đã tuyên bố trước đại biểu của 51 quốc gia tham gia Hội nghị: “Cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những quần đảo này luôn luôn thuộc về Việt Nam”. Tuyên bố này không gặp phải sự bảo lưu hay phản đối nào của đại diện các quốc gia tham dự Hội nghị, đồng nghĩa với việc chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã được các nước tham dự Hội nghị thừa nhận.

Hiệp định Geneve năm 1954 về Đông Dương đã quy định chính quyền Bắc Việt quản lý phần lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 lên phía Bắc, chính quyền miền Nam Việt Nam (tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa) quản lý toàn bộ vùng lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở xuống phía Nam. Theo đó, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Thực hiện Hiệp định Geneve, khi rút khỏi Đông Dương, năm 1956 Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa và chính quyền này đã cho quân ra tiếp quản và thực thi chủ quyền tại hai quần đảo này như tổ chức về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng…

Điều đáng nhấn mạnh ở đây là tháng 1/1973, với tư cách một bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam và đã ký Hiệp định Paris, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, đương nhiên bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, tháng 1/1974, lợi dụng tình thế chính quyền Việt Nam Cộng hòa gặp khó khăn, Bắc Kinh đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.

30/4/1975, nước Việt Nam thống nhất và quân đội Bắc Việt đã tiếp quản quần đảo Trường Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền của nước Việt Nam thống nhất ở Hà Nội tiếp tục thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa từ đó.

2. Nhà cầm quyền Bắc Kinh dùng vũ lực đánh chiếm một số đá ở Trường Sa

Quần đảo Trường Sa có một vị trí chiến lược, nằm ngay giữa Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới qua lại. Muốn khống chế Biển Đông cần có chỗ đứng tại quần đảo Trường Sa. Do vậy, ý đồ đánh chiếm Trường Sa luôn nằm trong tính toán của Bắc Kinh nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Sau khi dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 thì mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc là hiện diện trên thực tế ở quần đảo Trường Sa. Các cấu trúc mà Trung Quốc nhắm tới là các bãi lúc nổi lúc chìm chưa có người ở bởi Bắc Kinh tính toán rằng nếu đánh vào các đảo lớn đã có các nước chiếm đóng có thể sẽ gây ra chiến tranh lớn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế, vả lại hải quân Trung Quốc vào thời điểm đó cũng chưa đủ lực để tiến hành một cuộc chiến tranh lớn đánh chiếm vào các đảo đã có quân đội các nước đóng giữ.

Tình hình quốc tế và khu vực cuối những năm 80 của Thế kỷ 20 diễn biến hết sức phức tạp. Dư luận quốc tế đang tập trung vào vấn đề Campuchia; Việt Nam đang bị bao vây cấm vận và kinh tế trong nước trì trệ; chỗ dựa lớn nhất của chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ là Liên Xô đang gặp phải nhiều khó khăn và trên đà tan rã. Trong bối cảnh đó, tháng 3/1988, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cho lực lượng hải quân đánh chiếm một số đá thuộc quần đảo Trường Sa. Lính Trung Quốc nổ súng, đổ bộ lên đá Gạc Ma, đồng thời pháo trên chiến hạm của Trung Quốc bắn vào tàu vận tải của hải quân Việt Nam, gây ra cuộc chiến đẫm máu trên đá Gạc Ma ngày 14/3/1988. Tiếp đó, hải quân Trung Quốc đánh chiếm các đá Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Huy-gơ, Xu Bi. Năm 1995, Trung Quốc gây đụng độ với Philippines để đánh chiếm bãi cạn Vành Khăn.

Từ chỗ không có mặt tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm 7 đá để từng bước củng cố chỗ đứng trên quần đảo này. Hành vi của nhà cầm quyền Bắc Kinh dùng lực lượng quân sự đánh chiếm 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc về việc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Do vậy, sự hiện diện của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa là hoàn toàn bất hợp pháp.

3. Trung Quốc biến 7 cấu trúc mà họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa thành các tiền đồn quân sự để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông

Năm 2012, Bắc Kinh đưa ra chiến lược biển với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển, theo đó hoạt động của lực lượng hải quân Trung Quốc không chỉ bó hẹp ở các vùng biển gần mà cần vươn tới chiếm lĩnh biển xa. Nhằm thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc cần khống chế được Biển Đông và biển Hoa Đông để mở đường tiến ra biển xa. Biển Hoa Đông án ngữ bởi Nhật Bản, một cường quốc kinh tế và đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ, do vậy giới cầm quyền Bắc Kinh chọn Biển Đông là nơi đột phá, mở đường ra biển xa.

Bắc Kinh cho rằng các quốc gia ven Biển Đông đều là những nước nhỏ, tiềm lực kinh tế, quân sự hạn chế, đương nhiên kém xa Trung Quốc. Mặt khác, các nước ven Biển Đông lại có lợi ích khác nhau trong quan hệ với Trung Quốc, không dễ để có được sự thống nhất trong các hành động đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Do vậy, sau khi đánh chiếm 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc dấn thêm một bước trong việc biến các cấu trúc này thành những căn cứ quân sự phục vụ cho tham vọng bá quyền của Bắc Kinh, tạo sự việc đã rồi và lấy đó làm căn cứ để đòi các vùng biển cho các cấu trúc này.

Tranh thủ lúc Tòa Trọng tài đang tiến hành các trình tự, thủ tục và xem xét hồ sơ vụ Philippines kiện, Trung Quốc gấp rút tiến hành cải tạo mở rộng diện tích quy mô lớn 6 bãi đá ngầm, gồm đá Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Đến tháng 2/2015 hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tiếp tục được mở rộng sang cả khu vực bãi đá ngầm Xu Bi. Mưu toan của Trung Quốc biến các cấu trúc này thành đảo nhân tạo là nhằm đối phó với vụ kiện của Philippines, ngăn cản Tòa Trọng tài ra phán quyết.

Tuy nhiên việc làm của Trung Quốc không che mắt được Tòa Trọng tài bởi Điều 60 của UNCLOS đã quy định rất rõ ràng như sau: “các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”.

Bất chấp Phán quyết của Tòa Trọng tài đưa ra năm 2016, Trung Quốc vẫn tiếp tục và đã hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, xây dựng các đường băng lớn đủ để các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể hạ, cất cánh, các hầm chứa máy bay cỡ lớn và các cầu cảng lớn làm nơi neo đậu cho các tàu chiến và tàu hải cảnh cỡ lớn của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn bố trí các tên lửa, các thiết bị quân sự và các trạm rada, các kho chứa nhiên liệu cỡ lớn, biến các cấu trúc này thành các tiền đồn quân sự phục vụ cho các hoạt động xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng.

Nếu như trước đây hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở phía Nam Biển Đông còn bị hạn chế bởi khu vực này cách xa bờ biển lục địa Trung Quốc tới 700-800 hải lý, tàu Trung Quốc không đủ nhiên liệu để hoạt động dài ngày ở khu vực phía Nam Biển Đông thì các công trình mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên các cấu trúc mà họ chiếm đóng ở Trường Sa đã giúp Bắc Kinh giải quyết vấn đề này.

Từ tháng 7 đến tháng 10/2019, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 và các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã sử dụng đá Chữ Thập như một căn cứ tiếp nhiên liệu để liên tục xâm nhập và quấy phá vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cuối năm 2019, đầu năm 2020, các tàu hải cảnh của Trung Quốc xuất phát từ đá Chữ Thập để hỗ trợ tàu cá của nước này xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Trong năm 2020, tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên sử dụng các căn cứ mà Bắc Kinh quân sự hóa ở Trường Sa để nhiều lần xâm phạm, quấy rối hoạt động dầu khí của Malaysia (tháng 4, tháng 5). Thậm chí, Malaysia phải cho tàu hải quân ra theo dõi hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc (tháng 11, tháng 12). Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng thường xuyên xuất phát từ đá Vành Khăn xâm nhập vùng biển của Philippines và cản trở các tàu Philippines tiếp tế ra bãi Cỏ Mây trên thềm lục địa Philippines.

4. Quốc tế lên án những việc làm của Trung Quốc đối với quần đảo Trường trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông

Như vậy là từ chỗ không có sự hiện diện hay bất cứ hoạt động nào thể hiện việc quản lý đối với quần đảo Trường Sa trước năm 1988 thì sau 33 năm thực hiện chiến lược “gặm nhấm dần” theo kiểu “gấu gửi tay” Bắc Kinh đã thiết lập được 7 căn cứ quân sự trên quần đảo Trường Sa để phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, tất cả những việc làm của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa đều không có giá trị về mặt pháp lý và bị quốc tế lên án.

Hành vi đánh chiếm 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa từ năm 1988 đến 1995 là hành vi xâm lược hoàn toàn không thể mang lại cho Bắc Kinh danh nghĩa về “chủ quyền” đối với quần đảo Trường Sa. Hành vi xâm lược của Trung Quốc cũng đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Mặc dù đã 33 năm trôi qua, nhưng cứ đến tháng 3 hàng năm, lại xuất hiện nhiều bài viết lên án hành vi dã man của Bắc Kinh gây ra “cuộc chiến đẫm máu Gạc Ma” năm ấy.

Các hoạt động bồi đắp, mở rộng, quân sự hóa 7 cấu trúc ở Trường Sa của Trung Quốc cũng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước trong và ngoài khu vực. Một số nhà quan sát cho rằng năm 2014 Bắc Kinh cố tình gây ra vụ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam để đánh lạc hướng dư luận, khiến quốc tế không quan tâm đến việc Trung Quốc bồi đắp các cấu trúc ở Trường Sa. Tuy nhiên, tính toán và việc làm của Trung Quốc đã không che mắt được dư luận. Ngay tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ngày 24/9/2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã lên tiếng tố cáo hành động cải tạo các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Tiếp theo đó nhiều chính khách và học giả, chuyên gia quốc tế đã phê phán mạnh mẽ việc làm của Trung Quốc gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông và phá hoại môi trường biển.

Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng là một “cái tát” vào giới cầm quyền ở Bắc Kinh. Phán quyết xác định tất cả các cấu trúc trong quần đảo Trường Sa đều không thể có vùng đặc quyền kinh tế thêm lục địa riêng, nhấn mạnh nhiều đá do Trung Quốc chiếm là các thực thể lúc nổi lúc chìm chứ không phải là đảo. Theo đó, các thực thể này không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền trừ phi các thực thể này nằm trong 12 hải lý lãnh hải của một đảo, và các thực thể này cũng không được phép có bất cứ một vùng biển nào của riêng nó. Điều này đồng nghĩa với việc yêu sách về các vùng biển của Trung Quốc tính từ các cấu trúc này hoàn toàn bị bác bỏ về mặt pháp lý.
Như vậy, những việc Trung Quốc đã làm đối với quần đảo Trường Sa trong 33 năm qua đều là bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế. Những việc làm đó hoàn toàn không giúp cho Trung Quốc có được danh nghĩa về chủ quyền đối với Trường Sa hay quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển xung quanh Trường Sa mà chỉ càng làm cho cộng động quốc tế thấy rõ bản chất hiếu chiến, bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới