Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngTàu cá TQ ăn cướp ở Nam Mỹ

Tàu cá TQ ăn cướp ở Nam Mỹ

Chính phủ Mỹ đã chú ý nhiều hơn đến các đội tàu đánh cá vùng nước sâu trên toàn cầu với số lượng ngày càng tăng của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trung Quốc đánh bắt trái phép quy mô lớn

Theo Axios, một cơ quan tình báo Mỹ đã khuyến nghị Mỹ nên xem xét việc dẫn đầu một liên minh đa phương với các quốc gia Nam Mỹ để đẩy lùi các hoạt động đánh bắt và buôn bán bất hợp pháp của Trung Quốc.

Tài liệu này cho rằng, hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới. Bắc Kinh đã coi việc đánh bắt cá ở vùng nước xa trở thành một ưu tiên địa chính trị, coi các đội tàu đánh cá tư nhân của Trung Quốc là một cách để mở rộng quyền lực ở xa bờ của họ.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ xác nhận với Axios rằng một số cơ quan trong chính phủ đang “xem xét vấn đề này theo các ưu tiên của tổng thống”, bao gồm “tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác về những thách thức mà Mỹ phải đối mặt trong lĩnh vực kinh tế và an ninh quốc gia. “

Gần đây, liên tục có những thông tin về việc một đội tàu khổng lồ gồm hàng trăm tàu của Trung Quốc đã đánh cá trái phép trong lãnh hải của các nước Nam Mỹ, bao gồm cả ngoài khơi quần đảo Galapagos.

Hoạt động này đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ và làm gián đoạn chuỗi thức ăn, bị coi là đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo hoặc không được kiểm soát (IUU).

Các quốc gia Nam Mỹ cho rằng các hạm đội này là một thách thức đối với an ninh kinh tế và môi trường của họ, nhưng hải quân các nước thường thiếu nguồn lực để giám sát và tuần tra hiệu quả vùng biển của họ. Năm ngoái, Chile, Colombia, Ecuador và Peru tuyên bố sẽ hợp lực để bảo vệ lãnh hải của mình trước sự xâm phạm của các tàu Trung Quốc.

“Các nước Nam Mỹ có thể sẽ hoan nghênh nỗ lực của liên minh nhằm gia tăng áp lực thương mại đối với Trung Quốc và thực thi các tiêu chuẩn đánh bắt”, các quan chức từ Văn phòng Phân tích và Tình báo viết trong một tài liệu ngày 5 /2.

“Áp lực đơn phương của Mỹ có thể sẽ dẫn đến việc Trung Quốc thực thi các biện pháp trừng phạt tương tự, giống như Bắc Kinh đã làm bằng cách ban hành luật mới để chống lại các hạn chế của Mỹ đối với các công ty công nghệ” – một cơ quan tình báo thuộc Bộ An ninh Nội địa cho biết. Một số văn phòng và cơ quan đang hợp tác cùng nhau trong nỗ lực này, bao gồm Cảnh sát biển Mỹ, Văn phòng Tình báo Hải quân, Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ – theo tài liệu và các nguồn tin chính phủ.

Nguy cơ và giải pháp tương lai

Tài liệu này đánh giá với “khả năng cao” rằng việc đánh bắt cá của Trung Quốc trong vùng biển Nam Mỹ cũng sẽ “tiếp tục gây ra thiệt hại kinh tế cho ngành đánh bắt cá nội địa của Mỹ do các chiến thuật cạnh tranh không lành mạnh [của Trung Quốc].”

Tài liệu đánh giá với “khả năng trung bình” rằng Trung Quốc có khả năng “tiếp tục các hoạt động đánh bắt khai thác ở vùng biển Nam Mỹ bất chấp các hành động gần đây của các chính phủ và một tổ chức liên chính phủ nhằm hạn chế các hoạt động này.” Có khả năng các nước Nam Mỹ sẽ hoan nghênh một liên minh tăng cường thực thi các tiêu chuẩn đánh bắt.

“Mọi người không hiểu rằng đây là vấn đề toàn cầu, rằng lĩnh vực đánh bắt cá đang khá căng thẳng”, quan chức chính quyền cấp cao nói với Axios.

Chính quyền ông Trump “đã bắt đầu một số công việc liên quan tới vấn đề chống IUU trên toàn cầu và về vai trò của Trung Quốc kể từ khi quốc gia này liên tục bị cáo buộc vì các vấn đề liên quan tới đánh bắt cá trái phép”.

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước đây đã kêu gọi xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải, và vào năm 2013, Quốc vụ viện Trung Quốc đã nâng ngành đánh bắt cá lên tầm một ngành chiến lược.

Chính phủ Trung Quốc cung cấp trợ cấp cho ngành đánh bắt cá, tạo điều kiện để tàu thuyền có thể trang trải chi phí nhiên liệu khi đi đến các bờ biển xa xôi, bao gồm cả Tây Phi và Nam Mỹ.

Tabitha Mallory, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Viện Đại dương Trung Quốc và giáo sư tại Đại học Washington cho biết: “Trung Quốc coi các đội tàu biển xa là một cách để thể hiện sự hiện diện bành trướng trên khắp thế giới.

Mục đích của họ là có mặt trên khắp các đại dương trên thế giới để có thể định hướng kết quả của các thỏa thuận quốc tế về tài nguyên hàng hải, không chỉ bao gồm đánh bắt cá mà còn cả khai thác dưới đáy biển, Bắc Cực và các vấn đề khu vực quan trọng khác.”

Chính phủ Mỹ đã chú ý nhiều hơn đến các đội tàu đánh cá vùng nước sâu trên toàn cầu với số lượng ngày càng tăng của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Đạo luật Thực thi An ninh Hàng hải và Nghề cá (SAFE), được thông qua vào tháng 12/2019, đã thiết lập “cách tiếp cận của toàn chính phủ” để chống đánh bắt IUU.

Vào tháng 5/2020, Tổng thống Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm chống lại việc đánh bắt cá biển sâu bất hợp pháp và giúp thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ trong ngành.

Vào tháng 9/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bổ sung cá do các đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đánh bắt vào danh sách hàng hóa được sản xuất bằng “lao động cưỡng bức”

“Các quốc gia khác cũng cần cân nhắc về những vấn đề này”, Mallory nói. “Bất cứ điều gì mà Mỹ thực hiện đơn phương đều sẽ bị Trung Quốc coi là một phần của cạnh tranh quyền lực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới