Thursday, April 25, 2024
Trang chủThâm cung bí sửBài học lịch sử 'đắt giá': Vì sao đây lại là điều...

Bài học lịch sử ‘đắt giá’: Vì sao đây lại là điều muôn đời không cũ của Nhật Bản và Israel?

Nếu cần tìm ra hai quốc gia tiêu biểu bậc nhất về việc nhờ có tri thức đã vươn lên hùng cường thì Nhật Bản và Israel chính là đáp án. Vậy bí quyết nằm ở đâu?

Triết lý về dạy con cách chi tiêu của người Do Thái nổi tiếng khắp thế giới.

Chiến lược giáo dục tạo nên sức mạnh tối thượng cho quốc gia

Có câu: “Tri thức là sức mạnh”. Tất nhiên, với bất kỳ ai, tri thức cũng cần phải được chọn lọc, có giá trị vững bền và hợp với thời đại. Vì thế, đối với một quốc gia, tri thức chỉ có thể chuyển thành sức mạnh tối thượng của quốc gia đó khi có một CHIẾN LƯỢC GIÁO DỤC đúng đắn và toàn diện, để đưa tri thức vào xây dựng phẩm chất và cung cấp kiến thức chuyên môn vừa đa ngành vừa chuyên sâu cho thế hệ trẻ. Và sau đây là câu chuyện điển hình của dân tộc Israel và Nhật Bản – khi họ đã biết biến tri thức thành “thanh gươm sức mạnh” đưa đất nước tiến lên.

Sức mạnh nền tảng của ISRAEL: Giáo dục trong gia đình

Điển hình của việc biến TRI THỨC thành sức mạnh nội lực chúng ta không thể không nhắc tới Israel, họ đang là quốc gia khởi nghiệp kiểu mẫu của nhân loại. Chỉ riêng thành tích trong lĩnh vực khoa học, người Israel cũng đủ khiến thế giới phải ngưỡng mộ. Hiện nay, Israel có 12 nhà khoa học đoạt giải Nobel trong dân số 9 triệu người. Nếu tính riêng dân tộc Do Thái, đã có 193 người đoạt giải này, chiếm tổng số 22% giải thưởng Nobel, mặc dù dân số của người Do Thái chỉ chiếm 0.2 % so với nhân loại. Rất nhiều phát minh công nghệ đến từ Israel. Các phát minh này thường đi liền với sự tạo lập doanh nghiệp, đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế. Nhờ có công nghệ, Israel đã cải thiện đáng kể môi trường sống khắc nghiệt, phát triển đất nước về mọi mặt.

Thành tựu đó bắt nguồn từ nền tảng giáo dục trong gia đình. Người Israel rất chú ý đến việc giáo dục con từ sớm. Ngay khi mang thai, những việc như nghe nhạc, chơi đàn, hát, kể chuyện, làm toán… đã là điều không thể thiếu với thai phụ. Hệ thống sàng lọc trước và sau sinh của họ cũng rất tốt. Công nghệ cho phép chỉ với một vài xét nghiệm sau sinh, những đứa trẻ có vấn đề về phát triển trí tuệ hoặc thể chất sẽ sớm nhận được chế độ chăm sóc, giáo dục rất đặc biệt.

Cha mẹ Israel đặc biệt quan tâm và chú ý dạy con 3 việc mà theo họ là vô cùng quan trọng: Cách làm việc nhà, quản lý tiền bạc và đọc sách.

Họ thường nói cho con biết về một thực tế đáng bận tâm, đó là theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của những đứa trẻ không biết làm việc nhà cao gấp 15 lần những đưa trẻ biết làm việc nhà. Những người biết làm việc nhà cũng có thu nhập bình quân cao hơn gấp 20 lần những người không biết làm việc nhà. Đây không phải một lời dọa dẫm mà là nghiên cứu được công bố bởi Tạp chí Giáo dục Gia đình nổi tiếng nhất ở Israel.

Người Do Thái có câu nói nổi tiếng: “Bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con” để tự nhắc nhở: dù có yêu thương con cỡ nào cũng đừng quá bao bọc và làm thay con mọi việc. Độc lập trong sinh hoạt cá nhân từ khi còn nhỏ cũng giúp trẻ sau này lớn lên sẽ luôn có suy nghĩ tự mình giải quyết các vấn đề của bản thân, tự mình đưa ra quyết định, ít bị phụ thuộc vào ý kiến của người khác. Hơn nữa, một đứa trẻ biết san sẻ việc nhà sẽ hiểu được những khó khăn của gia đình, biết sống trách nhiệm và yêu thương gia đình nhiều hơn.

Bước thứ hai trong việc dạy cho con cách sinh tồn là trang bị cho chúng tri thức về quản lý tài chính. Trẻ em Israel 3 tuổi đã được dạy cách phân biệt tiền, 4 tuổi được bố mẹ đưa tiền để mua sắm những đồ đơn giản, 5 tuổi hiểu phải kiếm tiền bằng lao động chân chính, 10 tuổi trở lên sẽ có một tài khoản riêng. Người Israel tin rằng: Không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu tiền, quan trọng là bạn giữ được nó trong bao lâu. Vì vậy, tri thức về quản lý tài chính là điều đặc biệt quan trọng trong cuộc sống, giúp con người làm chủ đồng tiền và có cuộc sống thoải mái.

Trẻ em Israel cũng được dạy rằng, muốn kiếm tiền, không gì hơn là phải có tri thức. Muốn có tri thức, không gì hơn việc đọc sách. Hiện nay, Israel là nước đứng đầu thế giới về dân số từ 14 tuổi đọc sách. Tuy nhiên, cha mẹ Israel cũng luôn nhắc nhở con mình rằng, đọc sách là để ứng dụng. Nếu chỉ đọc để biết, tri thức có được cũng chỉ là kiến thức chết, không giá trị.

Ngoài việc chú trọng đặc biệt đến ba vấn đề trên, để giúp con sinh tồn ở đất nước luôn có chiến sự, cha mẹ Israel còn khuyến khích con cái có tinh thần sẵn sàng đối mặt với thử thách, chịu được áp lực, tránh tâm lý vỏ trứng (thứ rất dễ vỡ nếu bị tác động). Họ cũng dạy con cách suy nghĩ, hành động độc lập, dám nói lên và bảo vệ chính kiến của mình. Trẻ em Israel sớm học được cách hoài nghi, đặt câu hỏi và không ngừng sáng tạo. Dựa vào vốn hiểu biết của mình, các bé có thể lập luận và thuyết phục người khác cũng như khám phá ra chân lý mới.

Muốn con phát triển các phẩm cách này, phụ huynh Israel cũng phải tự rèn luyện mình. Họ đặt ra mục tiêu ba không: không thỏa mãn trước, không thỏa mãn tức thì và không thỏa mãn quá mức. Có nghĩa là cha mẹ Israel sẽ cố gắng không áp đặt, không tự phụ để luôn có sự động viên, khích lệ con cái ở mức chừng mực, đúng đắn. Họ sẽ giấu đi 20% tình yêu thương của mình để nhường chỗ cho lý trí.

Đại sứ Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar, từng chia sẻ: Trong thế giới thay đổi chóng mặt này, người làm cha mẹ đôi khi không bắt kịp sự phát triển của trẻ. Vì vậy, cha mẹ chỉ nên giữ vững vị trí là người hướng dẫn. Còn trẻ em có thể đưa ra ý kiến vượt ra ngoài những khuôn mẫu thông thường, thậm chí tranh luận với người lớn. “Phải để trẻ thử điều mới, phải biết liều lĩnh, để trẻ hiểu rằng không phải mọi điều đều thành công. Khi con làm sai, không phán xét trẻ, để trẻ học hỏi từ thất bại của chính mình và tìm ra cách có thể làm khác vào lần sau”, bà Meirav Eilon Shahar nói.

Giáo dục ở trường học tại Israel cũng vô cùng ưu việt. Trường học ở Israel không cần sách giáo khoa. Họ dạy học theo dự án. Trường phổ thông dạy học sinh theo kiểu đại học, trong khi đó, giáo dục đại học lại đặc biệt đề cao dân chủ phản biện.

Ở cấp phổ thông, Israel có 4 kiểu trường học: Trường công của nhà nước (Mamlachti), trường tôn giáo công cũng do nhà nước quản lý (Mamlachti dati), trường độc lập (Chinuch Atzmai) của nhóm Do Thái Giáo Haredi và trường Ả-rập. Mỗi trường sẽ có mục tiêu giáo dục riêng. Một số trường tôn giáo thậm chí chỉ chú trọng giảng dạy trí tuệ của đạo Do Thái hoặc kinh Koran. Đối với người Israel, tôn giáo là môi trường đào tạo đặc biệt hiệu quả.

Một môi trường giáo dục đặc biệt khác ở Israel là quân đội. Hầu hết người Israel học đại học sau khi xuất ngũ hoặc đã kết hôn. Quá trình học hỏi và thực hành trực tiếp trong quân đội đã giúp người trẻ Israel tích lũy được rất nhiều kiến thức, tôi rèn thể lực và các phẩm chất cần thiết. Vì thế, sau khi tốt nghiệp ĐH, thanh niên Israel đã đứng ở vị trí rất khác so với nhiều thanh niên khác cùng trình độ trên thế giới.

Nói về giáo dục Israel, GS Võ Tòng Xuân từng chia sẻ, sở dĩ nước họ có nhiều giải Nobel như vậy là vì có các nhà khoa học rất tận tâm. “Ví dụ như ông Daniel Shechtman (giải Nobel Hóa học 2011). Mỗi năm khi người ta công bố giải Nobel, ông lại xin tài liệu về các đề tài đoạt giải. Ông nghiên cứu và dịch ra tiếng Herbrew, in ra và gửi xuống tất cả các trường trung học. Học sinh trung học có khiếu về Hóa học, Vật lý, Sinh học, Y học, Văn học sẽ đọc các bài nghiên cứu thuộc ngành mình để có khái niệm ứng dụng vào thực tế như thế nào”.

Ở Israel, việc học tập không phụ thuộc vào tuổi tác, thân phận giàu nghèo. Họ tin rằng, kiến thức và trí tuệ là mục đích hướng tới. Theo GS Võ Tòng Xuân: “Điều đáng quý ở Israel là đất nước đó luôn bị đẩy vào nghịch cảnh có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào. Thế nên ở xứ Do Thái này, tâm niệm của từng người dân là phải học thật giỏi… Muốn bảo vệ đất nước, họ buộc phải chiến thắng nhờ những sáng tạo và phát minh vượt bậc”.

Nền giáo dục tôi rèn phẩm chất vượt bậc cho người Nhật

Thành quả mà nước Nhật có trong hiện tại được đóng góp rất lớn từ nền tảng tri thức toàn dân tộc. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 – 2014 thực hiện với 148 nước, ở hạng mục giáo dục, Nhật Bản đứng thứ 3 (sau Anh, Mỹ). Bảng xếp hạng của OECD (Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển), xác định mức độ giáo dục người trưởng thành của mỗi quốc gia xét trên đối tượng từ 25 tới 64 tuổi đã hoàn thành các cấp đại học, cao đẳng với thời gian 2 năm, 4 năm hoặc các chương trình giáo dục dạy nghề, thì Nhật Bản đứng thứ 2 sau Canada.

Về tư tưởng giáo dục khai phóng của người Nhật, chúng tôi cũng đã có dịp phân tích kỹ qua loạt bài về cuốn sách Khuyến học. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu thêm một điểm đặc biệt trong giáo dục của Nhật Bản, đó là tinh thần thượng tôn tri thức và nền giáo dục tôi rèn những phẩm chất vượt bậc cho người dân đất nước mắt trời mọc.

Không phải bỗng nhiên, người Nhật Bản lại có nhiều phẩm chất tốt, ý chí, khát vọng mạnh mẽ khiến thế giới ngưỡng mộ như vậy. Từ nhỏ, học sinh Nhật Bản đã được giáo dục về đức tin, khát vọng lớn đưa Nhật Bản trở thành cường quốc thần kỳ. Vì thế, họ ý thức rất rõ về trách nhiệm cống hiến của mình đối với quốc gia dân tộc. Nói như GS Võ Tòng Xuân: “Người học sinh tiểu học bên đó cũng đã được dạy rằng đất nước mình phần lớn là núi rừng, thảm họa thiên tai xảy ra nhiều… Học sinh chỉ còn con đường phải học giỏi”.

Nền giáo dục Nhật Bản ưu tiên không dạy chữ viết cho trẻ từ mẫu giáo đến lớp 3. Do chữ viết Nhật khá khó, học sinh phải học hết lớp 12 mới đọc được hết 1 tờ báo. Thời gian đầu, học sinh học chữ Kansai trước, đó là 1 loại chữ được Latinh hóa, rất dễ học để học sinh có thể tiếp cận sách giáo khoa, truyện tranh.

Đến tận lớp 4, học sinh Nhật mới bắt đầu có bài kiểm tra. Người Nhật tin rằng 3 năm đầu cấp 1 không phải là thời điểm để đánh giá trình độ kiến thức. Thay vào đó, đây là khoảng thời gian tuyệt vời để trẻ nhỏ rèn luyện nhân cách, xây dựng những đức tính tốt và phát triển con người theo hướng toàn diện. Hãy cùng tìm hiểu xem, cách giáo dục này đã giúp tôi rèn cho người Nhật những phẩm chất đặc biệt gì?

Tinh thần độc lập

Tất cả trẻ em ở Nhật Bản đều tự đi học mà không có ai đưa đón. Những em nhỏ 6 tuổi ở đất nước này đã có thể tự đi bộ suốt 90 phút để bắt xe buýt, tàu điện ngầm tới trường. Các em nhỏ cũng tự tay chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi lên lớp mà không có sự trợ giúp của cha mẹ. Ngoài ra, các em còn tự sắp xếp đồng phục thể dục, giày mũ… Mỗi tối, chính họ sẽ chọn những món đồ cần thiết và cho vào cặp sách, chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Trong quá trình học tập, học sinh không cần ai nhắc nhở. Các em tự theo dõi, sắp xếp việc học của mình bằng bảng danh sách bài tập về nhà, sơ đồ tư duy những việc cần ghi nhớ. Lên lớp 6, học sinh đã có thể tự chọn đề tài để nghiên cứu.

Trên lớp, giáo viên không can thiệp mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ khi cần thiết, kích thích sự tò mò, sáng tạo và ham học của học sinh. Dưới sự chỉ đạo của giáo viên, học sinh phải dần dần thích ứng với phương pháp tự học: tự giác ngộ mục đích học tập, tự giác trong học tập, có ý thức trách nhiệm về kết quả học tập của mình và kết quả chung của lớp, biết tự học và tranh thủ học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi cách, phát triển các loại hình tư duy biện chứng, lô-gíc, hình tượng, tư duy kĩ thuật, tư duy kinh tế…

Khi gặp xung đột, học sinh phải tự tìm cách xử lý. Giáo viên chỉ can thiệp khi có xâm phạm về thể chất hoặc ảnh hưởng lớn đến tinh thần. Học sinh phải tự học cách hòa nhập và trở thành một thành viên của lớp học.

Nền giáo dục Nhật Bản cũng rất nghiêm khắc vì họ tin vào câu nói: Kết quả là chân lý. Có nghĩa, từ rất nhỏ học sinh đã phải hiểu rằng: Nếu kết quả không đúng, tức là cách làm đã sai. Trong trường hợp này, không còn cách nào khác là phải nhìn nhận thất bại, chấp nhận nó và bắt đầu làm lại. Người Nhật sớm học được tinh thần đương đầu với nghịch cảnh theo cách: thất bại ở đâu, hãy tự mình đứng lên ở đó.

Ở trường học Nhật Bản không có lao công. Học sinh sẽ phải tự làm hết mọi việc: dọn dẹp lớp học, khuôn viên nhà trường, giữ gìn vệ sinh chung. Điều này giúp các em không có tinh thần ỷ lại và biết quan tâm, bảo vệ môi trường nhiều hơn.

Rèn luyện tính tiết kiệm

Học Nhật Bản được yêu cầu phải ăn hết những thứ được phục vụ trong bữa trưa, trừ khi bị dị ứng. Việc này nhằm giáo dục tính tiết kiệm, tránh lãng phí và tôn trọng người nấu ăn.

Hầu hết các trường học ở Nhật Bản đều yêu cầu mặc đồng phục nhằm tránh tâm lý phân biệt giàu nghèo. Đa số trang phục đồng phục đều chú ý sự đơn giản, tiết kiệm. Học sinh ở nhiều trường không được khuyến khích việc trang điểm, nhuộm tóc sặc sỡ khi tới lớp.

Tinh thần đoàn kết và ý thức sống trách nhiệm

Từ mà bất cứ học sinh nào ở Nhật cũng được dạy và biết đến là “rentai”, có nghĩa là tình đoàn kết. Người Nhật luôn được dạy rằng, dù được sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh như thế nào, mỗi người đều là con cháu của Nữ thần Mặt trời. Vì thế, gốc tích, vị thế mỗi người là như nhau.

Ở trường học, các bài học theo nhóm được tổ chức nhiều, giúp học sinh sớm thích ứng với việc phải làm việc chung với người khác.

Những việc như quên đồ dùng học tập, đi trễ… của cá nhân học sinh cũng thường được giáo viên đặt câu hỏi rằng: “Em có biết việc này gây ảnh hưởng như thế nào đến người khác không”. Học sinh Nhật Bản luôn được dạy, vì là một phần của tập thể, nên tất cả những gì họ nói và làm đều có thể gây ảnh hưởng đến người khác.

 Tính nhẫn nại

Học bơi là một môn thể thao bắt buộc ở trường học Nhật Bản, giúp trẻ có thêm kỹ năng sinh tồn cần thiết và giáo dục tính nhẫn nại. Các trường tiểu học ở Tokyo yêu cầu học sinh hoàn thành chặng bơi 1-2 km trước khi tốt nghiệp.

Ở Nhật Bản, cấp Tiểu học dài 6 năm. Nhưng mới chỉ 12 tuổi mà có thể bơi 1-2km là điều không hề dễ dàng, cần sự quyết tâm và luyện tập rất bền bỉ.

 Học đi đôi với hành

Giáo dục Nhật Bản chú trọng thực hành hơn lý thuyết. Chẳng hạn, dạy học sinh về làm nông thì nhà trường cho học sinh được ra đồng và hướng dẫn trồng lúa, trồng rau, tiếp thu kiến thức thực tế. Khi học sinh tìm hiểu về Chiến tranh Thế giới lần 2, nhiều em được cha mẹ, thầy cô đưa đến căn cứ quân sự để quan sát, trải nghiệm.

Đến bậc đại học và sau đại học, sinh viên luôn được tiếp thu cái mới, các công nghệ khoa học mới nhất, có ích và được thực hành ngay tại trường cũng như thực tập tác các công ty, tổ chức….

 Tinh thần thượng tôn tri thức

Từ thời duy tân Minh Trị, Nhật Bản đã phổ cập giáo dục trên toàn quốc, tiến hành chính sách giáo dục cưỡng chế, tài trợ học phí để tất cả người dân, nam hay nữ đều được đi học.

Nhờ có chính sách đó, người dân Nhật Bản dần được khai sáng cả về trí tuệ và kiến thức. Tinh thần thượng tôn tri thức này càng rõ ràng hơn khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, khắp nước Nhật tràn ngập không khí “tất cả mọi người đều học tập”. Chế độ giáo dục được cải cách và phát triển một cách rõ rệt vì người Nhật tin tưởng: Sự nỗ lực trong học tập sẽ mang lại tất cả.

Giáo dục đã từng một lần đưa Nhật Bản từ đất nước yếu thế vươn thành cường quốc thời Minh Trị, và sau Thế chiến thứ 2, một lần nữa, nó lại trở thành thứ vũ khí tối tân.

Để trang bị “vũ khí” tri thức cho tất cả người dân, Nhật Bản đã xây dựng các trường đại học quốc lập mới trên tất cả các tỉnh thành. Sau chiến tranh, Nhật Bản nghèo khó về mặt vật chất nhưng các trường học không ngớt được đầu tư xây dựng. Đến năm 1970, toàn bộ học sinh trong độ tuổi đi học đều tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhờ học tập mà người dân Nhật Bản đã xây dựng lại đất nước, tổ chức các phong trào tự nguyện để thực hiện một xã hội dân chủ.

Ham mê tri thức, đề cao vai trò của học vấn nhưng đồng thời, người Nhật cũng có tư tưởng rất rõ ràng về mục đích học tập. Từ hàng trăm năm trước, nhà tư tưởng vĩ đại của nước Nhật, Fukuzawa Ykichi đã viết trong cuốn Khuyến học: “Học vấn là việc tiếp thu tri thức có ích trực tiếp cho cuộc sống…”.

Bất kể sự học nào, dù là học cân đo đong đếm, nấu ăn, rèn luyện đạo đức… giúp ích được cho cuộc sống, người Nhật đều coi là tri thức. Tinh thần thượng tôn tri thức của người Nhật chính là ở chỗ luôn có tinh thần cầu thị, học hỏi suốt đời, bất kể mọi lúc mọi nơi.

RELATED ARTICLES

Tin mới