Tuesday, April 16, 2024
Trang chủĐiểm tinTham vọng băng cháy của TQ

Tham vọng băng cháy của TQ

Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin, các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã hoàn tất dự án khoan biển sâu, thu được lõi trầm tích dài 231 mét từ độ sâu 2.060 mét dưới biển Đông nhờ hệ thống khoan Sea Bull II mà nước này tự phát triển.

Thiết bị khoan Sea Bull II lấy mẫu trầm tích hôm 7/4.

Trước thông tin từ báo chí đăng tải về việc Trung Quốc công bố đã khoan thành công lấy mẫu trầm tích ở độ sâu 2.060 mét dưới biển Đông, chúng ta cần làm rõ xem việc khoan là ở vị trí nào, có thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hay ở các vùng biển sâu ngoài hải phận quốc tế.

Nếu Trung Quốc tiến hành hoạt động khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không được sự đồng ý của Việt Nam thì điều đó trái với Công ước về Luật biển năm 1982.

Nếu hoạt động đó có thật, Trung Quốc đã khoan ở độ sâu như thế, cho dù cả bên ngoài hay bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào thì đều không phải là hành động ngẫu hứng mà hành động được tính toán theo chiến lược biển của nước này được công bố công khai từ trước.

Trung Quốc đã công bố công khai 4 trụ cột để thực hiện chiến lược biển mang mục tiêu phấn đấu đến năm 2035, đưa thu nhập từ biển chiếm khoảng 35% GDP. Trụ cột thứ nhất là hoàn thiện về hệ thống pháp lý và chuẩn bị tư tưởng cho nhân dân họ. Thứ hai là phát triển mạnh lực lượng Hải quân và các lực lượng tham gia khai thác kinh tế trên biển. Thứ ba là tiến hành phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế biển. Thứ tư là phát triển mạnh về khoa học biển.

Như vậy, việc khoan thăm dò lấy mẫu trầm tích ở độ sâu khoảng 2.000 mét ở Biển Đông nói trên là một bằng chứng về nỗ lực của Trung Quốc trong việc thực hiện các tham vọng phát triển khoa học biển. Tất cả các nước ASEAN đều đã nắm rõ được các tham vọng chiến lược của Trung Quốc.

Đây có thể coi là hành động nằm trong lộ trình Trung Quốc thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Ở đây không phải chỉ là câu chuyện về tài nguyên băng cháy, mà còn thể hiện rõ tham vọng sâu xa hơn của Trung Quốc là bằng mọi cách độc chiếm, biến khu vực biển Đông thành “ao nhà” của họ.

Quan điểm này được nói rõ qua tư tưởng Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc sẽ gác lại các tranh chấp cùng nhau khai thác các nguồn lợi biển nhưng với điều kiện Trung Quốc phải là người đến trước và là người thể hiện vai trò làm chủ, ai muốn khai thác chung thì phải thỏa thuận với họ.

Có thể nói, việc khoan lấy mẫu trầm tích của Trung Quốc không phải là điều bất ngờ. Đây là hoạt động một lần nữa cho thấy âm mưu nhất quán của Trung Quốc tìm mọi cách chiếm hữu khu vực biển Đông nằm trong “đường lưỡi bò” phi pháp mà họ đã công bố.

Việc Trung Quốc xây dựng mục tiêu khai thác băng cháy là phục vụ chiến lược quốc gia.

Về góc độ an ninh năng lượng quốc gia, băng cháy và giá sản phẩm từ băng cháy tuy có đắt đỏ nhưng sẽ là phương án dự phòng chiến lược của họ. Trong tương lai, dầu mỏ cũng sẽ cạn kiệt, các nguồn năng lượng khác như năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân cũng có những mặt hạn chế… thì phải chăng băng cháy được Trung Quốc lựa chọn là một trong những giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng của họ? -Là cách mà giúp họ giữ thế chủ động cho đất nước họ tương tự như Mỹ đã cho khởi động ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến để đối phó với những bất lợi từ chính sách của các nước thuộc nhóm OPEC.

Như vậy ngoài ý đồ gặm nhấm để tiến tới độc chiếm biển Đông, việc thúc đẩy phát triển nghiên cứu băng cháy thực sự là một toan tính chiến lược, nhằm đa dạng nguồn cung cấp để bảo đảm an ninh năng lượng.

Hành động của Trung Quốc núp bóng khoa học sẽ gây nên quan ngại trên Biển Đông trong thời gian tới. Việc Trung Quốc thực hiện những việc thăm dò trên Biển Đông và thể hiện công khai điều đó cho thấy rõ việc họ muốn độc chiếm, biến biển thành ao nhà và ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải và tự do hàng không của các nước khác, làm phức tạp thêm tình hình.

Cũng cần đặt câu hỏi, vì sao Trung Quốc lại công bố thông tin về việc khoan thăm dò lấy mẫu trầm tích vào lúc này? Có thể Trung Quốc thử phản ứng của những nước có nằng lực lớn về Hải quân và các công cụ có thể gây tác động lên nước khác như trừng phạt kinh tế mà trong đó là Mỹ đứng đầu.

Nước Mỹ vừa trải qua sự chuyển giao quyền lực trong khi Tổng thống mới vừa nhậm chức đã đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19, kinh tế trì trệ, vấn đề nhâp cư, phân biệt chủng tộc…

Trong bối cảnh Mỹ chịu các vấn đề nóng như thế, Trung Quốc có thể coi đây là cơ hội để thử phản ứng về thái độ của Chính quyền mới ở Washington với khu vực biển Đông và cả thái độ từ các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực. Nếu mọi phản ứng chỉ ở mức mờ nhạt, Trung Quốc hoàn toàn có thể thực hiện ý đồ từng bước hiện thực hóa mục tiêu độc chiếm biển Đông của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới