Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngTranh chấp biển Natuna giữa Indonesia và TQ gần đây, lý do...

Tranh chấp biển Natuna giữa Indonesia và TQ gần đây, lý do và tác động

Nằm ở phía Bắc Kalimantan, một phần của đảo Borneo thuộc Indonesia, biển Natuna được chính phủ Indonesia tuyên bố là khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, thế nhưng Trung Quốc lại cho rằng, họ có “quyền lịch sử” đối với vùng biển này, và đây là khu vực thuộc “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc. Tranh chấp giữa hai nước tại vùng biển này gần đây lại khiến dư luận không khỏi lo ngại.

Còn nhớ vào năm 2017, khi Jakarta đổi tên vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Natuna thành biển Bắc Natuna nhằm khẳng định rõ ràng hơn nữa chủ quyền của Indonesia, Trung Quốc đã không có phản ứng gì. Điều đó chứng tỏ Bắc Kinh không bác bỏ chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna. Giới quan sát khu vực cho rằng, so với tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước khác ở Biển Đông, bất đồng về chủ quyền biển Natuna ít gay gắt hơn nhiều, khi xét về mức độ nhạy cảm chính trị lẫn khả năng đối đầu, cho dù trước đây, giữa Indonesia và Trung Quốc từng đã có tranh chấp về hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển này vào những năm 1980 và 1990. Song gần đây, bất đồng đã gia tăng khi cả hai quốc gia đều tìm cách khai thác các nguồn tài nguyên ở biển trong bối cảnh dân số và tăng trưởng kinh tế ở mỗi quốc gia đều gia tăng. Đến mức, các phương tiện truyền thông và các lực lượng nội bộ khác ở mỗi nước đã biến bất đồng về quyền đánh cá thành một cuộc chiến địa chính trị mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa.

Bắt đầu từ nửa cuối tháng 12/2019 đến nửa đầu tháng 01/2021, căng thẳng giữa Jakarta và Bắc Kinh đã leo thang. Cụ thể là, từ ngày 19 đến 24/12/2019, có ít nhất 63 tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực biển Natuna, trong đó có hàng chục tàu tuần duyên đi theo hộ tống và đây không phải là lần đầu tàu cá Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển này theo như Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (Bakamla) cho biết.

Phía Indonesia đã phản ứng lại một cách rất quyết liệt và mạnh mẽ bằng việc triệu tập Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối, đồng thời điều tàu chiến và máy bay chiến đấu F-16 tiến hành tuần tra trong khu vực nói trên. Một tháng sau đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ không thỏa hiệp về chủ quyền lãnh thổ của Indonesia và đích thân thực hiện chuyến thăm tới quần đảo này. Tuy nhiên, các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Tháng 9/2020, một tàu tuần tra của Trung Quốc đã tiến vào EEZ của Indonesia ở khu vực ngoài khơi quần đảo Riau và luẩn quẩn ở đó trong 2 ngày. Jakarta đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và chỉ tới khi sau một hồi “đấu khẩu” quyết liệt với nhau qua thiết bị liên lạc radio, tàu Trung Quốc mới được một tàu tuần tra của Indonesia hộ tống ra khỏi khu vực.

Tiếp đó, tháng 01/2021, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 03 của Trung Quốc lại bị Bakamla phát hiện đang hoạt động trong vùng biển của Indonesia và cơ quan này cho hay, con tàu này có thể đang tiến hành các hoạt động trái phép ở eo biển Sunda sau khi tắt hệ thống nhận dạng tự động ba lần. Đến khi bị Bakamla phát hiện và yêu cầu trả lời, tàu Hướng Dương Hồng 03 mới thông báo với phía Indonesia qua sóng radio rằng, hệ thống nhận dạng tự động của họ bị “trục trặc”.

Sau các vụ tàu Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển của Indonesia nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại cho rằng, Trung Quốc có “chủ quyền” đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận, do đó cả Trung Quốc và Indonesia đều có hoạt động đánh bắt cá “bình thường” tại khu vực biển Natuna. Bắc Kinh lập luận rằng, vùng biển xung quanh Natuna là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc và có sự “chồng lấn” giữa vùng đặc quyền kinh tế quanh Natuna với “đường chín khúc” của Bắc Kinh. Như vậy có thể hiểu, việc Bắc Kinh đưa ngư dân vào vùng biển này đánh bắt cá đâu chỉ dừng lại ở hoạt động đó, mà nước này đang có bước đi trong ý đồ “độc chiếm” Biển Đông theo yêu sách “đường chín khúc”. Trước thực trạng hoạt động trên của Trung Quốc, dư luận báo chí khu vực, trong đó có cả một số tờ báo của Trung Quốc xuất bản trong thời gian gần đây đều cho rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện các vụ xâm nhập vào vùng biển Natuna, thì đây không chỉ đơn thuần là hoạt động đánh bắt cá như Bắc Kinh khẳng định, mà nó thực sự là mối đe dọa đối với chủ quyền của Indonesia.

Xem xét sâu hơn vấn đề, người ta có thể nhận ra lý do cho sự đe dọa trên đến từ phía Bắc Kinh xuất phát từ mấy khía cạnh sau:

Thứ nhất, Trung Quốc đang từng bước hiện thực hóa yêu sách chủ quyền theo “đường chín khúc” bằng việc thực hiện sách lược “cờ vây”, lấy việc kiểm soát thực tế trên Biển Đông làm mục tiêu cốt lõi, các tuyên bố về mặt ngoại giao chủ yếu là để tung hỏa mù, che giấu ý đồ thật. Vì vậy, không chỉ xâm phạm vào khu vực EEZ của Indonesia ở vùng biển Natuna, mà trước đó Trung Quốc cũng xâm phạm vào khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam, cũng như các hoạt động xâm phạm khác vào vùng biển của Malaysia và Philippines. Việc hiện thực hóa “đường chín khúc” bằng cách tạo ra các tranh chấp tại các vùng biển nằm trong phạm vi “đường chín khúc”, thậm chí là vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác đã được Trung Quốc tính toán từ lâu.

Nhìn vào tình hình chung khu vực Biển Đông hiện nay, so với khi xảy ra sự kiện tranh chấp bãi Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines (năm 2012) thì thấy, năng lực kiểm soát thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông đã mạnh hơn và “đường chín khúc” đang dần được thực hiện từ ảo sang thực.

Thứ hai, động thái liên tiếp đưa tàu vào vùng biển Indonesia là nhằm thăm dò phản ứng của Jakarta đối với Bắc Kinh trong bối cảnh sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc tại Indonesia ngày càng gia tăng. Kể từ khi hai nước tái thiết lập quan hệ song phương vào năm 1990, Trung Quốc đã nổi lên là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư lớn thứ hai của Indonesia, với kim ngạch thương mại song phương nửa đầu năm 2020 đạt 35,53 tỷ USD. Năm 2020, nhập khẩu của Trung Quốc từ Indonesia tăng 9%, trong khi đó đầu tư của nước này vào Indonesia tăng tới 172%. Các dự án quan trọng giữa hai nước bao gồm tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung trị giá 6 tỷ USD và nhà máy thủy điện Batang Toru ở tỉnh Bắc Sumatra. Những tưởng nhờ có mối quan hệ kinh tế lớn như vậy, Jakarta sẽ “làm ngơ” trước các hành động có vẻ như “vô tình” của  Trung Quốc. Bắc Kinh không ngờ rằng, Indonesia lại phản ứng mạnh mẽ và thể hiện sự không khoan nhượng, bằng thông điệp rất rõ ràng là không đánh đổi chủ quyền trước các hành động của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Natuna.

Thứ ba, bằng hành động của mình, Bắc Kinh biểu thị sự phản ứng và đáp trả trước việc Indonesia kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Natuna trước đó. Sau việc Trung Quốc đưa hơn 60 tàu cá xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực biển Natuna tháng 12/2019, Jakarta dường như cũng đã cảm nhận được sức nóng của vấn đề an ninh quốc gia đến từ biển và sức ép nặng nề từ ông bạn láng giềng phương Bắc nên có thể buộc phải tìm đến “người bạn lớn” nào đó như một phương cách nhằm kiềm chế Trung Quốc và củng cố các yêu sách hàng hải của mình. Chưa thấy Indonesia có một chương trình hợp tác lớn nào với Mỹ, nhưng đầu tháng 01/2020, Jakarta đã kêu gọi Tokyo trợ giúp phát triển ngành thủy sản và năng lượng ở quần đảo Natuna. Động thái này của Jakarta đã khiến Bắc Kinh tức giận vì họ cho rằng, mỗi khi có tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông, lại thấy thấp thoáng đâu đó sự hiện diện của Nhật Bản. Bắc Kinh hiểu rằng, sự can thiệp lâu dài của Nhật Bản tại khu vực vừa nhằm kiềm chế Trung Quốc, vừa góp phần “chia lửa” giảm bớt áp lực từ các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Hoa Đông – khu vực mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Lâu nay, Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết vấn đề Biển Đông với từng nước, nay lại có “kẻ thứ ba” bên ngoài muốn “chen chân” vào thì làm gì mà chẳng nổi cáu mà gây sự. Việc chính quyền Jakarta nỗ lực mời gọi đầu tư nước ngoài vào quần đảo Natuna có nguy cơ khiến cho Bắc Kinh sẽ phải đương đầu với nhiều “đối thủ” về lợi ích tại vùng biển Natuna, khu vực Indonesia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Bốn là, hành động của Trung Quốc xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại khu vực quần đảo Natuna còn nhằm mục tiêu “tạo ra sự tranh chấp” đối với khu vực nằm trong “đường chín khúc”, bởi chỉ khi các quốc gia xung quanh khu vực Biển Đông thừa nhận có tranh chấp trong khu vực mặt nước mà “đường chín khúc” do Trung Quốc vạch ra thì lúc đó “đường chín khúc” mới có cơ được thừa nhận có tính pháp lý. Tính toán của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là “biến” vùng biển không có tranh chấp thành có tranh chấp; “biến” vùng biển từ có tranh chấp thành có chủ quyền một phần, “biến” vùng biển từ có chủ quyền một phần thành có chủ quyền toàn bộ. Tính toán này đang được áp dụng với vùng biển Natuna của Indonesia.

Thứ năm, nói gì thì nói, Trung Quốc khó mà bỏ qua nhân tố Mỹ trong vấn đề của khu vực cũng như Biển Đông. Có nghĩa là những động thái trên của Trung Quốc đối với Indonesia là nhằm thử phản ứng của Mỹ hiện nay đối với vấn đề Biển Đông. Thời điểm Trung Quốc đưa tàu cá với nhiều tàu hộ tống vào vùng biển Natuna là nhằm lợi dụng việc Mỹ đang vướng vào cuộc bầu cử trong nước vào năm 2020, do đó sẽ giảm bớt sự quan tâm đối với các vấn đề bên ngoài lãnh thổ. Mặt khác, từ cuối năm 2019, Mỹ thể hiện sự suy giảm mức độ quan tâm đối với các diễn đàn đa phương ở khu vực, tạo điều kiện cho Trung Quốc gia tăng sự hiện diện về mặt chính trị – ngoại giao ở khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ lại đang sa lầy với Iran, điều này cũng khiến cho Washington giảm bớt mức độ quan tâm đến diễn biến các vấn đề an ninh ở khu vực khác, trong đó có Biển Đông. Bắc Kinh rất muốn biết người Mỹ sẽ hành động gì ở đây khi mà Washington có chính quyền mới sau cuộc bầu cử.

Tóm lại, những gì Trung Quốc “hành xử” ở vùng biển Natuna không chỉ đơn thuần là chuyện con tôm, con cá, mà với việc Bắc Kinh tuyên bố rằng, vùng biển xung quanh Natuna là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc và có sự “chồng lấn” giữa vùng đặc quyền kinh tế xung quanh Natuna với “đường chín khúc” của Bắc Kinh, thì đây rõ ràng là một trong những cách thức, bước đi để Bắc Kinh thực hiện tham vọng to lớn hơn ở Biển Đông.

Hành động mà Trung Quốc thực hiện đối với Indonesia tại khu vực quần đảo Natuna trong thời gian qua đã và sẽ có những tác động rất lớn đến cục diện khu vực hiện nay, thể hiện ở những khía cạnh sau:

Một là, làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực đối với Trung Quốc. Động thái trên của Trung Quốc tiếp nối hàng loạt các động thái gia tăng yêu sách chủ quyền ở Biển Đông trước đó đều nằm trong chiến lược dài hạn của Bắc Kinh là từng bước kiểm soát Biển Đông. Điều này sẽ làm gia tăng sự lo ngại và cảnh giác của các nước đối với ý đồ thực sự của Bắc Kinh đối với khu vực, nhất là đối với Biển Đông.

Hai là, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình đàm phán COC. Mặc dù phía Trung Quốc luôn tuyên bố thúc đẩy tiến trình đàm phán COC và sẽ đến đích vào năm 2021. Tuy nhiên, hành động thực tế lại đi ngược lại với những tuyên bố của Bắc Kinh, do đó nó làm suy giảm lòng tin của các quốc gia ASEAN, cũng như cộng đồng quốc tế đối với tiến trình đàm phán COC. Điều này báo hiệu nguy cơ bất ổn luôn thường trực ở Biển Đông, cũng như tác động đến cục diện an ninh khu vực. Những hành vi xâm phạm lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển, cản trở các hoạt động kinh tế bình thường đã có từ lâu, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, trái với tinh thần của DOC, ảnh hưởng đến môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.

Ba là, những việc làm như thế này của Trung Quốc có thể thúc đẩy quá trình chạy đua vũ trang ở khu vực. Những năm gần đây, do lo ngại sự trỗi dậy không bình thường của Trung Quốc, nên các nước trong khu vực không ngừng mua sắm vũ khí, trang bị, hiện đại hóa quốc phòng, quân sự, nhất là hải quân, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng – an ninh với các đối tác bên ngoài, nhất là với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Thùng thuốc súng ở khu vực Đông Nam Á đang ngày càng to ra.

Bốn là, thúc đẩy các nước ASEAN cần có những hành động ứng phó thống nhất. Phản ứng của Indonesia có ý nghĩa lớn, vì nó không chỉ vì Indonesia là một quốc gia đang ngày càng lớn mạnh cả ở Đông Nam Á và ngoài khu vực, mà vì bất kỳ sự phản kháng nào của Indonesia chống lại Trung Quốc về mặt ngoại giao và chiến lược đều có lợi trong việc áp đặt các giới hạn hơn nữa đối với sức mạnh của Trung Quốc. Đồng thời, phản ứng của Indonesia cũng góp phần thúc đẩy các quốc gia khác xung quanh Biển Đông, cũng như ASEAN ngày càng có tiếng nói chung thống nhất hơn trong việc ứng phó với các nguy cơ an ninh đến từ Trung Quốc.

Năm là, nó sẽ thúc đẩy các quốc gia có tranh chấp với Bắc Kinh ở khu vực này xích lại gần với các đối thủ của Trung Quốc hơn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… Việc Indonesia kêu gọi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tư vào quần đảo Natuna nhằm ứng phó với các hành động của Trung Quốc là một trong những minh chứng rất rõ cho điều này. Một ngày nào đó, xuất hiện một, hai liên minh tại khu vực gồm nhiều nước thì không có gì đáng ngạc nhiên và lúc ấy, Trung Quốc chỉ nên biết tự trách mình mà thôi.

Cách hành xử của Trung Quốc tại quần đảo Natuna của Indonesia, cũng như đối với vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia trước đó đã bộc lộ chiến thuật mà Bắc Kinh đang sử dụng trong việc gia tăng kiểm soát tại Biển Đông. Trước thực trạng đó, thời gian tới, các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông chắc chắn cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng về đối sách; đoàn kết gắn bó, thống nhất hơn trong đối phó với tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới