Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Dân binh biển” TQ tay dài đến đâu?

“Dân binh biển” TQ tay dài đến đâu?

Dân binh biển Trung Quốc chính là lực lượng vũ trang trá hình. Nó giúp chính quyền Bắc Kinh thực thi trái phép các yêu sách chủ quyền, xong lại được “núp bóng” dưới tấm bình phong “tàu cá dân sự”.

Thực tế là thế, nhưng trong các văn bản chính thức, Trung Quốc chưa khi nào thừa nhận có sự hiện diện của lực lượng dân binh biển. Nghiên cứu kỹ các văn kiện, tài liệu chính thống của các cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ làm rõ vấn đề này.

Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc từ trước năm 2010 chỉ nhắc đến lực lượng dân binh theo nghĩa “dân quân tự vệ”. Lực lượng này được thành lập và làm nghĩa vụ ở các địa phương. Từ năm 2010 đến nay, Sách trắng mới đặt ra nhiệm vụ “tập trung tăng cường xây dựng lực lượng dân binh phòng thủ biên giới và vùng biển”.  

Vậy là các văn kiện chính thức của Trung Quốc không đả động gì đến lực lượng mang tên “dân binh biển”, mà chỉ có lực lượng “dân binh” nói chung, hay lực lượng “dân binh làm nhiệm vụ phòng thủ biên giới đất liền và biển”. Rốt cuộc, “dân binh biển” chỉ là lực lượng “dân thường” giống như dân quân tự vệ “sao vuông” ở Việt Nam, tham gia sản xuất, đánh bắt cá, góp sức bảo vệ chính quyền, bảo vệ tài sản công.

Đấy là điều mà Trung Quốc công khai. Nghiên cứu của các học giả phương Tây lại trái ngược hoàn toàn. Họ cho rằng, cái gọi là dân binh biển Trung Quốc là một tổ chức vũ trang lớn, bao gồm ngư dân và những người đi biển thuộc khu vực kinh tế dân sự, được huấn luyện và được điều động để phòng thủ, hoặc nâng cao khả năng bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Dân binh biển sẽ hỗ trợ đắc lực cho hải quân khi xảy ra chiến tranh.

Báo cáo của Conor Kennedy và Andrew Erickson – hai chuyên gia quân sự hàng đầu của Mỹ – đánh giá: “Dân binh biển Trung Quốc là một lực lượng được nhà nước tổ chức, phát triển và kiểm soát, hoạt động theo một chuỗi chỉ huy quân sự trực tiếp để tiến hành các hoạt động do nhà nước Trung Quốc bảo trợ”. Lực lượng dân binh biển Trung Quốc không hề … đánh cá. Họ được trang bị vũ khí tự động trên tàu và thân tàu bằng vỏ thép được gia cố chắc chắn, nên rất nguy hiểm khi ở cự ly gần.  

Lực lượng dân binh của Trung Quốc hiện có khoảng 8 triệu người. Tuy không được quy định trong các văn kiện chính thức, song khi trả lời báo chí, Trung tướng Thịnh Bân, Bộ trưởng Bộ Động viên Quốc phòng Trung Quốc nói: Lực lượng dân binh biển của Trung Quốc được chia ra thành 4 loại, có quyền hạn và chức năng từ thấp đến cao gồm: Dân binh biển phổ thông; dân binh phòng vệ biên giới và biển; dân binh ứng phó tình huống khẩn cấp; dân binh dự bị kiểu mới.

Thật là giấu đầu hở đuôi, “treo đầu dê bán thịt chó”. Nghiên cứu từ các học giả phương Tây cho thấy, lực lượng dân binh biển Trung Quốc đóng vai trò chèn ép, cưỡng bức các nước láng giềng để đạt được các mục tiêu chính trị của nhà cầm quyền Bắc Kinh mà không cần chiến tranh. Đây là một trong những công cụ quan trọng trong chiến lược cải bắp (cabbage strategy) của Bắc Kinh. Mỗi khi có vụ việc  xảy ra, dân binh biển và ngư dân sẽ được triển khai ở vòng trong cùng và là lớp thứ nhất, cảnh sát biển là lớp thứ hai, hải quân là lớp ngoài cùng.

Nhiều vụ việc đã cho thấy sự tham gia một cách có hệ thống của lực lượng dân binh biển Trung Quốc vào nhiều sự cố trên  Biển Đông và Biển Hoa Đông. Năm 2014, hàng trăm tàu dân binh đã phong tỏa bãi cạn Cỏ Mây mà Philippines đang chiếm đóng. Cũng vào thời điểm đó, dân binh Trung Quốc ráo riết ngăn cản các tàu Cảnh sát biển và Ngư chính của Việt Nam cản phá Giàn khoan HD-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Hiện tại là gần 200 tàu dân binh Trung Quốc cố tình vây hãm chung quanh khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cái kim trong giẻ lâu ngày cũng tòi ra, huống hồ đây lại là một lực lượng khổng lồ trên biển. Cái tổ chức ma quái này ngày càng rõ hình hài. Ở cấp tỉnh, huyện, xã Trung Quốc đều thành lập các Ban điều động phối hợp với Quân khu và chính quyền địa phương các cấp để điều phối hoạt động của dân binh. Đối với các sự vụ cụ thể, lực lượng dân binh sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy tạm thời của lực lượng quân cảnh, hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc.

Rõ ràng, những “người đánh cá” đặc biệt này luôn sẵn sàng nổ súng trong các vụ tranh chấp, đối đầu trên biển. Họ chứng tỏ là cánh tay nối dài của Trung Nam Hải khi cần tác chiến trên Biển Đông. Thật đúng với một câu phương ngôn của người Trung Quốc: “Nếu thật sự muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị thật kỹ cho chiến tranh”.

Dù là dân binh hay cảnh sát biển, hải quân hay không quân cũng đều nhằm mục đích bành trướng trên biển, thực thi yêu sách trái phép ở Biển Đông. Đặc biệt, Trung Quốc có thể sử dụng dân binh để kiểm soát thêm các thực thể có giá trị chiến lược ở Biển Đông mà không cần phải chiếm đóng.

Hàng loạt hành động tương tự chỉ làm gia tăng tính chất phức tạp của cạnh tranh, xung đột trên biển. Nguy cơ đụng độ, đối đầu cũng như các va chạm không mong muốn cũng sẽ tăng cao. Để đối phó với chiến thuật vùng xám, các nước trong khu vực cần có các bước đi mới, chiến thuật mới.

Philippines mới đây kêu gọi phải xây dựng các tiền đồn ở Biển Đông để bảo vệ chủ quyền, nhất là sau vụ Đá Ba Đầu. Mỹ tuyên bố sẽ đối xử với tàu dân binh Trung Quốc như tàu hải quân trong các tình huống xung đột. Malaysia chơi rắn với Trung Quốc, không chịu “im lặng” như trước đây. Các nước như Mỹ, Nhật… sẽ gia tăng các hoạt động hợp tác tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên để đối phó với dân binh Trung Quốc ở cả Hoa Đông và Biển Đông.

Mặc dù trên các diễn đàn quốc tế Bắc Kinh luôn muốn thân thiện, muốn “dang rộng vòng tay hòa bình hữu nghị với bạn bè”, nhưng thực chất thì ngược lại hoàn toàn.

Câu chuyện “dân binh biển” chỉ là một trong những thí dụ về chính sách ngoại giao đổi màu của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới