Thursday, March 28, 2024
Trang chủThâm cung bí sửLiên Xô đã che đậy vụ nổ hạt nhân gần Moscow năm...

Liên Xô đã che đậy vụ nổ hạt nhân gần Moscow năm 1971 như thế nào?

Vụ tai nạn “Ivanovo Hiroshima” có thể dẫn tới nguy cơ một trong những nguồn nước quan trọng nhất của Liên Xô – sông Volga bị nhiễm phóng xạ. Nhưng rất may, điều này đã không xảy ra.

Liên Xô tiến hành vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên ở Bãi thử Semipalatinsk, Kazakhstan.

Vào ngày 19/9/1971, một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất đã làm rung chuyển khu vực bên bờ sông Shacha ở Vùng Ivanovo của Liên Xô. Suốt gần 3 tuần liền, các mạch nước và khí gas kèm theo các chất phóng xạ liên tục phun trào từ dưới lòng đất lên mặt đất xung quanh. Khu vực xảy ra tai nạn chỉ cách Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow 363km.

Căn nguyên vụ “tai nạn”

Các mạch nước và khí từ dưới lòng đất phun lên do vụ nổ hạt nhân xảy ra gần thủ đô Moscow về bản chất không phải là tai nạn. Từ năm 1965, Liên Xô đã bắt đầu tiến hành chương trình “Các vụ nổ hạt nhân vì nền kinh tế quốc gia”. Mục đích của chương trình này là tạo các hồ, kênh đào nhân tạo nhằm kết nối các con sông cũng như để tìm kiếm và phát triển các nguồn tài nguyên dưới lòng đất.

Người ta cho rằng, việc kích nổ hạt nhân dưới lòng đất có thể ngăn chặn phóng xạ thoát lên bề mặt và gây nhiễm xạ cho môi trường. Tuy nhiên, vụ nổ ở Vùng Ivanovo, còn được gọi là Globus-1, đã dẫn tới một thảm họa ngoài ý muốn.

Ban đầu, mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Một khối nổ hạt nhân 2,3 kiloton (chỉ bằng 1/6 sức nổ của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima của Nhật Bản năm 1945) được đặt dưới đáy giếng khoan sâu 610 mét dưới lòng đất, sau đó được lấp đầy bằng xi măng.

Vụ nổ được tiến hành theo đúng kế hoạch vào lúc 16h15 ngày 19/9/1971 nhưng 18 phút sau đó, cách giếng khoảng 1 mét, một mạch nước phun lên mang theo nước ngầm, khí ga, cát và bùn nhiễm xạ trào lên mặt đất. Sau này người ta mới phát hiện ra rằng, khối xi măng để lấp giếng đã được thực hiện không phù hợp.

Kết quả là các đợt phun trào từ dưới lòng đất diễn ra suốt 20 ngày, khiến khu vực rộng 10.000 mét vuôg bị nhiễm xạ. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, các “điểm nóng” tồi tệ nhất đã được khử nhiễm, trong khi một số thiết bị phải bị bỏ lại tại chỗ.

Thảm họa bị che đậy

Người dân làng Galkino, cách khu vực xảy ra vụ tai nạn 4km, được thông báo rằng người ta đang tiến hành các vụ nổ dưới lòng đất để thăm dò dầu mỏ, nhưng họ hoàn toàn không biết gì về việc có phóng xạ hay thảm họa hạt nhân.

“Khu vực cấm, bán kính 450m”, chỉ có một biển báo như vậy được đặt ở nơi xảy ra vụ tai nạn. Tất nhiên, nó không thể ngăn các thanh thiếu niên sống gần đó đi “thám hiểm” khu vực này.

Hai nam thiếu niên đã đi vào khu vực miệng giếng nơi xảy ra vụ nổ. Cả 2 đều nhanh chóng đổ bệnh và tử vong không lâu sau đó. Nguyên nhân tử vong chính thức được ghi nhận là viêm màng não.

Người dân địa phương vẫn tiếp tục tới Globus-1 thường xuyên, thu nhặt các thiết bị mà các nhà khoa học bỏ lại, chăn thả gia súc và hái nấm, quả mọng ở các khu vực gần đó.

Trong khi đó, ở các quận tiếp giáp vùng Ivanovo, các trường hợp mắc bệnh ung thư bắt đầu tăng nhanh chóng, trẻ em bị sinh non và tình trạng sảy thai trở nên thường gặp.

‘Ivanovo Hiroshima’, điều mà người ta thường nhắc tới là một tai nạn, đã ảnh hưởng không chỉ người dân địa phương, mà còn cả các nhà khoa học từng làm việc ở đó. Năm 1975, nhà địa chấn học 44 tuổi V. Fedorov, người từng phụ trách khâu chuẩn bị cho vụ nổ và tiến hành kích nổ, đã bị mù hoàn toàn.

Khắc phục hậu quả

Tai nạn Globus-1 không chỉ đặt các ngôi làng ở Ivanovo vào nguy hiểm, mà còn cả các khu thành phố lớn. Nếu như sông Shacha đã thay đổi dòng chảy và đi qua khu vực giếng khoan nơi thực hiện vụ nổ hạt nhân, nó có thể ngay lập tức bị phơi nhiễm phóng xạ quy mô lớn.

Với việc Shacha là nhánh phụ của một trong những con sông quan trọng nhất của Liên Xô, sông Volga, tính mạng và sức khỏe của hàng nghìn người có thể sẽ bị đe dọa.

Giới chức Liên Xô, sau này là Nga, đã liên tục giám sát các khu vực nhiễm xạ, vốn nằm gần Moscow, và đã tiến hành các biện pháp khử nhiễm xạ cần thiết. Ngoài ra, sông Shacha đã được chuyển hướng theo một con kênh khác, tránh xa vị trí nguy hiểm.

Ngày nay, Globus-1 vẫn là một khu vực nguy hiểm. Mức độ bức xạ trung bình 600microroentgen/h chỉ cho phép con người ở đó trong thời gian rất ngắn. Ở một số khu vực nhất định, mức độ bức xạ lên tới hơn 3.000 microroentgen. Trong khi mức độ bức xạ được xem là bình thường với con người chỉ tối đa 50 microroentgen/h.

Nhận thức rõ về mối đe dọa, cư dân bắt đầu lần lượt rời khỏi làng Galkino. Ngày nay, không còn ai sinh sống ở đó nữa và Galkino trở thành ngôi làng ma. Tuy nhiên, phải mất tới hàng chục nghìn năm, Globus-1 mới có thể trở lại là một khu vực an toàn.

RELATED ARTICLES

Tin mới