Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngCanada và vấn đề Biển Đông

Canada và vấn đề Biển Đông

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp do việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông (xây dựng các căn cứ quân sự trên các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp, mở rộng trái phép ở Biển Đông) và gia tăng các hoạt động gây hấn, cưỡng ép với các nước láng giềng ven Biển Đông, đe dọa an ninh an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, Canada đã từng bước có sự điều chỉnh chính sách của mình trên vấn đề Biển Đông từ chỗ chỉ khẳng định quan điểm chung chung ủng hộ luật pháp quốc tế đến việc có những hành động cụ thể trên Biển Đông.

Trước những hành vi hung hăng, bắt nạt láng giềng của Bắc Kinh, năm 2016, Ông Ngô Thanh Hải, Thượng nghị sĩ gốc Việt của đảng Bảo thủ Canada, đã đệ trình một khuyến nghị lên Thượng viện Canada đề nghị áp dụng lập trường “có nguyên tắc hơn” đối với chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc tại Biển Đông. Với sự vận động quyết liệt trên chính trường Canada, tháng 4/2018, bản khuyến nghị của ông Ngô Thanh Hải được Thượng viện Canada thông qua, đánh dấu bước chuyển trong chính sách của Canada trên vấn đề Biển Đông.

Bản khuyến nghị của ông Ngô Thanh Hải không mang tính ràng buộc, song những đề xuất trọng tâm của bản khuyến nghị này đang từng bước được hiện thực hóa thành chính sách của Canada trên vấn đề Biển Đông, với những biểu hiện cụ thể: Thứ nhất, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã thay đổi thái độ rõ rệt khi trực tiếp đưa ra những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, qua đó đánh dấu việc từ bỏ giọng điệu chung chung kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế. Thứ hai, các hoạt động của Hải quân Hoàng gia Canada trong vùng biển này và tiến gần các hòn đảo đang tranh chấp đang cho thấy một Canada ngày càng quyết tâm hơn trong việc phản đối Trung Quốc.

Bất chấp những phản ứng từ Bắc Kinh, Việc Hải quân Hoàng gia Canada nhiều lần cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và Biển Đông càng khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Một ví dụ gần đây nhất là vào ngày 29-30/3/2021, tàu khu trục HMCS Calgary của Hải quân Canada đã đi qua quần đảo Trường Sa trong hành trình từ Brunei đến Việt Nam. Ngay cả khi Canada không tham gia các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ, song sự hiện diện của hải quân nước này ở Biển Đông cũng có tần suất cao hơn trông thấy so với những năm trước. Những người hiểu biết chính sách ngoại giao của Canada cũng đều nắm được tầm quan trọng của việc duy trì một sự tách biệt rõ ràng khỏi chính sách của Mỹ, vì vậy không nên quá bất ngờ khi thấy Canada đang lựa chọn một lối đi riêng trong việc thể hiện sự quyết đoán trước chủ nghĩa phiêu lưu, bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực.

Một điểm đáng chú ý là bất chấp sự tức tối của Bắc Kinh, Ottawa thường xuyên công khai về các hoạt động của mình ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Một tài liệu của chính phủ đã mô tả hành trình của tàu HMCS Ottawa của Hải quân Canada trên Biển Đông năm 2020 là “sự thể hiện thái độ ủng hộ của Canada với các đối tác và đồng minh thân thiết nhất của chúng ta (Canada), cũng như với an ninh khu vực và trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc”. Các hành trình của Hải quân Canada tại Biển Đông đều được giới chức cấp cao nhất trong Bộ các Vấn đề Toàn cầu và  Bộ Quốc phòng nước này thông qua trước khi triển khai.

Hiện Canada đang nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia ven Biển Đông và thể chế khu vực như ASEAN. Tháng 12/2020, ông Harjit Sajjan – Bộ trưởng Quốc phòng Canada cũng đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Đặc biệt vào đầu tháng 11/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan đã tham dự Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 12 tại Hà Nội dưới hình thức trực tuyến và phát biểu rằng “Canada phản đối những hành động đơn phương  làm leo thang căng thẳng trong khu vực này và hủy hoại sự ổn định tại Biển Đông. Canada phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cải tạo đất quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn trên các thực thể đang tranh chấp và lợi dụng chúng phục vụ các mục đích quân sự trên biển”. Đây là quan chức cao nhất đang đương nhiệm tham dự và phát biểu tại Hội thảo, phản ánh sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Ottawa đối với tình hình Biển Đông.
Trước đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng bị chỉ trích vì luôn né tránh vấn đề Biển Đông. Chẳng hạn như, phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi năm 2016, Thủ tướng Trudeau đã công khai nhấn mạnh những sáng kiến nhân đạo chung với Nhật Bản, song lại “né tránh” vấn đề Biển Đông. Trudeau cũng rất thận trọng không chỉ đích danh “thủ phạm” nào trong các tranh chấp khi phát biểu trước báo giới tại Hội nghị các lãnh đạo APEC 2015 ở Philippines.

Giờ đây, thái độ này của Ottawa đã có thay đổi lớn. Phát biểu trước Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc thuộc Hạ viện Canada hồi tháng 4/2021, Ngoại trưởng Canada Sajjan đã tuyên bố: “Canada phản đối các kế hoạch cải tạo đất và xây dựng các tiền đồn tại các khu vực tranh chấp phục vụ những mục đích quân sự”. Trước đó, khi quân đội Philippines tố cáo Trung Quốc cho trên 240 tàu dân quân biển tụ tập ở đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, Đại sứ quán Canada đã lên án hành vi của Bắc Kinh, ủng hộ quan điểm của Philippines. Viết trên mạng xã hội Twitter ngày 24/3, Đại sứ Canada tại Philippines Peter Mac Arthur nhấn mạnh rằng, Canada “phản đối những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó gồm cả những hành động ở ngoài khơi bờ biển của Philippines”.

Vậy những yếu tố nào đã khiến chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau của Canada điều chỉnh chính sách trên vấn đề Biển Đông, giới phân tích đã chỉ ra một số điểm sau:

Một là, tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông được coi là nhộn nhịp thứ 2 thế giới với khoảng trên 300 tàu vận tải qua lại mỗi ngày; mỗi năm giá trị hàng hóa được vận chuyển qua Biển Đông khoảng trên 5300 tỷ USD. Canada có lợi ích trong việc duy trì tự do, an ninh hàng hải trên Biển Đông. Mưu toan độc chiếm Biển Đông, khống chế tuyến đường hàng hải qua Biển Đông đe dọa các lợi ích kinh tế của Canada trong quan hệ với các nước khu vực.
Sự quyết đoán, hung hăng của Trung Quốc ngày càng lộ rõ khiến thế giới lo ngại về sự phát triển của Trung Quốc. Việc Canada tỏ thái độ mạnh mẽ trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc là thuận theo xu thế chung của các nước trong việc ngăn chặn Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông. Mặt khác, Canada là nước đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật nên Ottawa thấy cần có trách nhiệm trong việc cùng với các nước trong và ngoài khu vực bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

Hai là, Thủ tướng Canada Justin Trudeau là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm ngay trong ngày nhậm chức 20/01/2021, phản ánh mối quan hệ đồng minh đặc biệt giữa Mỹ và Canada. Canada cần có trách nhiệm tham gia cùng Mỹ ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, phá vỡ mưu toan của Trung Quốc gạt các nước ra khỏi Biển Đông. Mặt khác, sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thi hành một chính sách coi trọng việc củng cố quan hệ với các đồng minh, phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trên các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có việc đối phó với các thách thức từ Trung Quốc.

Sự xuống cấp trong mối quan hệ Trung Quốc-Canada trong các lĩnh vực khác cũng là một nhân tố thúc đẩy Canada can dự nhiều hơn vào khu vực Biển Đông. Những tranh chấp xung quanh vụ bắt giữ và dẫn độ Mạnh Vãn Châu – Giám đốc tài chính Tập đoàn Hoa Vi (Huawei) và sự trả đũa của Trung Quốc bằng cách bắt giữ 2 công dân Canada đang thúc đẩy một chính sách quyết đoán hơn của Chính phủ Trudeau đối với Trung Quốc.

Giống như nhiều quốc gia phương Tây khác, Canada cũng xung đột với Trung Quốc về “các lợi ích cốt lõi” như: Ottawa phản đối luật an ninh quốc gia Hong Kong tại Liên hợp quốc; ủng hộ phong trào do Mỹ dẫn đầu để Đài Loan được hưởng quy chế quan sát viên tại Tổ chức Y tế Thế giới; tiếp tục lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Và đương nhiên, chính quyền Canada phải phản ánh ý nguyện của người dân nước mình. Một cuộc khảo sát về thái độ toàn cầu vào mùa Hè năm 2020 cho thấy 36% người Canada có quan điểm “không mấy thiện cảm” với Trung Quốc, và 37% “rất không thiện cảm” với Trung Quốc.

Kết thúc cuộc họp thượng đỉnh G7 hôm 13/6/2021, các nhà lãnh đạo G7 đã ra Tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kiên quyết phản đối bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng”. Trong khi đó, Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh NATO hôm 14/6  nhấn mạnh “tham vọng và hành vi quyết đoán của Trung Quốc đặt ra những thách thức có hệ thống với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”; khẳng định sẽ hợp sức chống lại những “thách thức mang tính hệ thống” từ các chính sách của Trung Quốc. Canada là thành viên G7 và NATO nên sự điều chỉnh chính sách của Canada trên vấn đề Biển Đông cũng phản ánh sự đồng thuận cao trong các nước G7 và NATO trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ba là, lợi ích chủ quyền ở Bắc Cực của Canada là nhân tố khiến chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Trong bản khuyến nghị đệ trình Thượng viện Canada ông Ngô Thanh Hải đã nhấn mạnh “Năm 2016, Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc đã xuất bản một cuốn sách hướng dẫn chi tiết các tàu di chuyển đến Hành lang Tây Bắc”. Tháng 9/2017, Tân Hoa Xã đưa tin rằng tàu phá băng Tuyết Long “đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để các tàu thuyền của Trung Quốc có thể đi qua Hành lang Tây Bắc trong tương lai”. Hành lang Tây Bắc là một tuyến đường thủy sầm uất đi qua khu vực Bắc Cực mà Ottawa tuyên bố là tuyến đường nội thủy của Canada.

Rõ ràng với những thông tin nêu trong bản khuyến nghị thì Bắc Kinh đang ráo riết chuẩn bị cho việc sẵn sàng tiến vào tuyến hàng hải chật hẹp và chằng chịt Hành lang Tây Bắc thì tại sao Trung Quốc lại tức tối khi tàu của Canada đi vào tuyến đường hàng hải mở trên Biển Đông. Với cách nhìn đó, Ottawa cho rằng Hải quân Hoàng gia Canada không việc gì phải do dự khi vào Biển Đông hoặc đi qua eo biển Đài Loan. Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng có thể Ottawa đang lấy vấn đề Biển Đông làm đối trọng với những vẫn đề liên quan đến lợi ích chủ quyền ở Bắc Cực của Canada.

Có thể nói, Canada đã có sự điều chỉnh lớn qua các phát biểu cũng như trong hành động trên thực địa ở Biển Đông. Nhưng cũng còn những vấn đề cần theo dõi để đánh giá liệu chính sách đối với Biển Đông của Canada có hoàn toàn đồng hành với đồng minh Mỹ cũng như các nước G7 hay không. Bởi vì, hiện nay, Canada là một trong hai nước của G7 chưa có công hàm gửi Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” và khẳng định giá trị của Phán quyết 2016 và chưa tham gia các chiến dịch FONOP cũng như các cuộc diễn tập chung do Mỹ dẫn đầu ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Thái độ im lặng hiện nay của Canada trong cuộc chiến pháp lý và các hoạt động của hải quân do Mỹ dẫn đầu có thể liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Bắc Cực của Canada, nơi có tuyến đường thủy sầm uất Hành lang Tây Bắc đi qua. Mặc dù là đồng minh, song giữa Mỹ và Canada có bất đồng xung quanh tuyến đường biển Hành lang Tây Bắc ở Bắc Cực. Ottawa có mối quan ngại rằng vấn đề pháp lý hay các hoạt động diễn tập quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Biển Đông có thể tạo một tiền lệ cho sự tranh chấp Canada-Mỹ xung quanh Hành lang Tây Bắc ở khu vực Bắc Cực mà Canada coi thuộc chủ quyền của mình còn Mỹ vẫn coi là một tuyến đường quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới