Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngĐiều gì đã giúp TQ “cưỡng chiếm” được một số thực thể...

Điều gì đã giúp TQ “cưỡng chiếm” được một số thực thể ở Biển Đông, một góc nhìn từ lịch sử

Theo thống kê, từ khi thành lập nước năm 1949 tới nay, Trung Quốc đã có 23 cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước, trong đó có 6 cuộc đã sử dụng sức mạnh quân sự với 16 lần ra quân. Trên hướng Biển Đông, Trung Quốc cũng dùng sức mạnh quân sự áp đảo, chủ động tiến công, đánh chiếm trái phép các cấu trúc của các nước nhằm thực hiện ý đồ “độc chiếm” vùng biển quan trọng này. Và hiện nay, trong bối cảnh quyết tâm thực hiện tham vọng “giấc mộng Trung Hoa”, Bắc Kinh đang có nhiều hành động chủ động, lấn lướt hơn ở Biển Đông, nên không loại trừ khả năng nước này sẽ sử dụng sức mạnh để chiếm mới các thực thể tại vùng biển này khi có các điều kiện thuận lợi.

Vậy những điều kiện thuận lợi nào cho phép Trung Quốc hành động? Để làm rõ hơn nhận định này, chúng ta cùng nhìn lại những trận chiến mà Trung Quốc gây ra ở Biển Đông như cuộc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974; lấn chiếm một số bãi đá ở Trường Sa năm 1988; xâm lấn Đá Vành Khăn năm 1995 và cưỡng đoạt bãi cạn Scarborough năm 2012.

Trước hết, về khách quan, Bắc Kinh đã tập trung khai thác, lợi dụng được một số yếu tố thuận lợi sau để “động thủ”:

Một là, không có sự can thiệp của các nước lớn, các tổ chức đa phương khu vực hoặc quốc tế, trong đó, các nước lớn là chủ thể mà Trung Quốc đặc biệt lưu tâm.
Nhìn lại cuộc hải chiến mà Trung Quốc gây ra ở Hoàng Sa năm 1974, cả Mỹ và Liên Xô đã không có sự can thiệp. Hai “siêu cường” khi đó đã bước vào thời kỳ “hòa dịu” tạm thời sau vụ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Cả hai đều đang tập trung vào việc giải quyết các khó khăn nội bộ. Hơn thế, giữa Mỹ và Trung Quốc đã có sự thỏa thuận, mua bán, đổi chác lợi ích sau lưng Việt Nam qua Thông cáo chung Thượng Hải sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ R.Nixon năm 1972. Chính từ thỏa thuận này nên khi Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam cuối năm đó, Trung Quốc không can thiệp, đổi lại, Mỹ đã làm ngơ khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Còn trong sự kiện Đá Vành Khăn, lúc này cả Mỹ và Nga đều giảm hiện diện quân sự ở khu vực, thờ ơ với vấn đề Biển Đông. Đến tận năm 2012, Mỹ mặc dù cam kết tôn trọng Hiệp ước phòng thủ chung ký với Philippines năm 1951, nhưng Washington cũng chẳng nêu rõ bãi cạn Scarborough có nằm trong phạm vi bảo vệ của Mỹ hay không. Thêm vào đó, vẫn duy trì lập trường trung lập đối với các yêu sách về chủ quyền của các bên, trong đó có Philippines. Chính vì thái độ ấy đã giúp Bắc Kinh “dám” chủ động cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough.

Ngoài ra, cùng với việc Mỹ, Nga tỏ ra “bình chân như vại”, thì một số nước lớn trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ vẫn còn nhiều mối bận tâm khác sát sườn hơn vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên phản ứng của ASEAN cũng hầu như chưa có và nếu có thì khá dè dặt, không đủ độ. Ví dụ, trong sự kiện Trường Sa năm 1988, lúc đó Việt Nam vẫn đang trong tình trạng bị bao vây, cô lập mặc dù đã rút quân khỏi Campuchia từ năm 1986. Trung Quốc đã tranh thủ khi quan hệ Việt Nam – ASEAN chưa giảm căng thẳng hẳn, đã đánh chiếm đá Cô Lin, đá Len Đao và đá Gạc Ma nhằm “đi trước” sự phản đối của các nước trong khu vực.

Hai là, sự lơ là, thiếu quan tâm, chú ý của dư luận quốc tế. Trước khi hành động, Trung Quốc đã nghiên cứu, tính toán xem điểm nóng nào, vấn đề nổi cộm nào đang là tâm điểm chú ý của quốc tế; các điểm nóng, các vấn đề nổi cộm đó có đủ nghiêm trọng, đủ sức “lấn át” tính nghiêm trọng của vấn đề Trung Quốc đánh chiếm các thực thể ở Biển Đông hay không trong khi họ cố gắng âm thầm hành động để không gây sự chú ý. Mục đích chính của việc làm này là tránh sự chú ý của dư luận quốc tế, bảo toàn hình ảnh và uy tín của một nước Trung Hoa “có văn hóa, yêu chuộng hòa bình”; hoặc cùng lắm là các hành động của họ chỉ là để “phòng thủ”, “tự vệ” chứ không phải là bành trướng, xâm lược. Quả nhiên là năm 1985, Bắc Kinh lợi dụng lúc dư luận quốc tế đang tập trung chú ý nhất vào sự kiện “chấn động địa cầu” là sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu để đánh chiếm Đá Vành Khăn và họ “thoát” được sự lên án của dư luận quốc tế.

Ba là, sự sơ hở và tình thế bất lợi của đối phương để ra tay hành động. Trước khi khởi sự, Trung Quốc tiến hành lượng định sức mạnh của đối phương trên cả phương diện chiến thuật và chiến lược: Đối phương đang gặp những khó khăn gì về nội bộ, vũ khí trang bị ra sao; quan hệ của đối phương với các nước như thế nào (có bị bao vây, cô lập không, có đồng minh không, nếu có thì đồng minh có chắc chắn giúp đỡ không); nếu khởi sự thì khả năng phản công của đối phương đến đâu; đối phương có mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào, có lơ là cảnh giác với Trung Quốc hay không… Nắm chắc những tình thế này giúp Bắc Kinh tìm ra chiến thuật để hành động chớp nhoáng, gây bất ngờ cho đối phương, từ đó chiếm được các thực thể nhanh chóng mà không làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín quốc tế của mình. Năm 1974, Trung Quốc lợi dụng lúc cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa đang có những ưu tiên và khó khăn riêng để đánh chiếm Hoàng Sa. Đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang giành ưu tiên cao cho mục tiêu giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, đang dốc toàn lực cho sự nghiệp giải phóng. Trong khi Việt Nam Cộng hòa đang rơi vào tình thế bất lợi, lực lượng quân đội suy yếu, bị đồng minh Mỹ từng bước bỏ rơi, không đủ sức chiến đấu trên thực địa với Hải quân Trung Quốc. Năm 1995, Bắc Kinh đã khai thác những yếu tố bất lợi của Philippines để đánh chiếm Đá Vành Khăn. Đó là sự bị động và yếu thế hơn cả về kinh tế và quân sự của Philippines. Quân đội Philippines lúc đó vẫn còn yếu kém và không có sự trợ giúp đáng kể của các cường quốc khác. Manila hoàn toàn lệ thuộc vào chiếc ô bảo hộ an ninh của Mỹ nên không tập trung đầu tư phát triển quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa bên ngoài. Thay vào đó, quân đội lại được sử dụng để đối phó với các lực lượng nổi dậy và các phong trào ly khai trong nước. Do đó, hải quân và không quân hầu như không đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền trên biển trước sức mạnh của Trung Quốc. Trong sự kiện bãi cạn Scarborough, cũng giống thời kỳ xảy ra sự kiện Đá Vành Khăn, hải quân Philippines vẫn thuộc hàng yếu kém nhất trong khu vực; lực lượng không quân không đủ năng lực tuần tra và giám sát lãnh hải rộng lớn của nước này. Vì thế, khi Bắc Kinh điều thêm tàu đến và kiểm soát thực tế bãi cạn này, Manila không đủ khả năng bảo vệ.

Bốn là, các yếu tố thuộc về tự nhiên, con người không thể quyết định được như thời tiết, các cơn bão trên biển. Tuy yếu tố trên ảnh hưởng đến tất cả các bên, nhưng do chủ động nên Trung Quốc đã tận dụng triệt để yếu tố tự nhiên để gây bất ngờ và đánh lừa đối phương, giúp họ đánh chiếm thành công các thực thể ở Biển Đông. Ví dụ, nhân lúc có bão trên biển, khi Hải quân Philippines buộc phải rời Đá Vành Khăn để tránh bão vào năm 1994, Trung Quốc đã tiếp cận và chiếm đóng đá này. Sau khi trở lại, Hải quân Philippines đã hoàn toàn bất ngờ trước sự hiện diện của Trung Quốc tại đây và bị đặt vào tình thế của “sự đã rồi”.

Tiếp theo, về chủ quan, Trung Quốc đã tập trung khai thác các yếu tố sau:

Một là, xem xét các ưu thế sẵn có của họ khi so sánh với đối phương trên cả hai phương diện là chiến lược và chiến thuật để khởi sự. Về chiến lược, Bắc Kinh xem xét sức mạnh kinh tế và quân sự, đặc biệt là sức mạnh hải quân của mình đã khiến đối phương phải sợ hãi, giúp họ “không đánh mà thắng”. Về chiến thuật, Bắc Kinh chú ý đến ưu thế về khoảng cách địa lý từ nơi  đóng quân đến các thực thể là mục tiêu đánh chiếm tiếp theo ở Biển Đông.

Hai là, quan tâm xem có vấn đề chính trị, nội bộ nào ở trong nước đang làm suy giảm lòng tin của người dân về sự cầm quyền của Trung Nam Hải hay không, từ đó cần phải huy động tinh thần dân tộc, lòng yêu nước để hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra bên ngoài hay không. Nói cách khác là tìm cách đẩy mâu thuẫn, sự chú ý của dư luận trong nước ra bên ngoài để rảnh tay giải quyết vấn đề nội bộ. Bên cạnh đó, thái độ và hành động cứng rắn hơn trong các vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng là phương cách “khôn ngoan” để các nhà lãnh đạo Trung Quốc củng cố quyền lực. Ví như, vào thời điểm đánh chiếm Hoàng Sa, Trung Quốc gặp nhiều khó khăn về vấn đề khí đốt do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng dầu khí ở Trung Đông, lại còn vấp phải những hậu quả nặng nề của “cách mạng văn hóa” do Mao Trạch Đông phát động, làm trầm trọng thêm mâu thuẫn vốn đã sâu sắc trong nội bộ Bắc Kinh. Thập kỷ 70 cũng là giai đoạn Đặng Tiểu Bình chuẩn bị lên thay Mao Trạch Đông để tiếp quản mọi việc và tập trung xây dựng thế lực. Đặng Tiểu Bình cũng phải kế thừa cả tham vọng đang dang dở của Mao để lại khi mới chiếm được phía Đông Hoàng Sa vào năm 1956. Bối cảnh nội bộ rắc rối như trên đòi hỏi Bắc Kinh vừa phải tìm nguồn dầu khí mới vừa hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra bên ngoài thông qua “con bài” kích động chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước bằng chiến tranh.

Còn trong giai đoạn 1984 – 1991, công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định với các cuộc đấu đá nội bộ quyết liệt giữa hai phe bảo thủ và cải cách trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để cải thiện uy tín và tính chính danh cầm quyền của Đảng trong lòng người dân, Bắc Kinh cần thành công trong một cuộc chiến về lãnh thổ chủ quyền và lựa chọn lúc đó là cuộc tấn công ở Trường Sa. Hay như trong sự kiện Đá Vành Khăn, để củng cố quyền lực của mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã nỗ lực giành sự ủng hộ của quân đội Trung Quốc và các phe phái bảo thủ trong chính quyền bằng cách theo đuổi chính sách cứng rắn hơn đối với các vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có vấn đề Biển Đông, Đài Loan…

Ba là, tìm cách hành động làm sao để chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy rằng, Trung Quốc chỉ đang “tự vệ” trước sự hung hăng, khiêu khích của đối phương, chứ không phải là xâm chiếm lãnh thổ của các nước. Trong sự kiện bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã cố gắng hành động theo kiểu “tự vệ” nhằm “khoe” với cộng đồng quốc tế rằng, Trung Quốc không phải là một nước lớn bắt nạt các nước vừa và nhỏ, nhằm tránh phản ứng gay gắt của dư luận thế giới và sức ép từ các cường quốc. Vì thế, Bắc Kinh đã khiêu khích Philippines để không phải là bên tấn công trước, sử dụng lực lượng dân sự trong hành pháp hàng hải, không dùng hải quân. Ngay cả khi điều tàu đến bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh còn tuyên bố đó là hành động “hỗ trợ người dân rút đi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt”.

Như vậy, từ cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974 cho đến sự kiện bãi cạn Scarborough năm 2012 cho thấy, Trung Quốc đã triệt để lợi dụng các yếu tố, điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi để đánh chiếm các thực thể ở Biển Đông. Trong các yếu tố khách quan, Bắc Kinh rất chú ý đến hai yếu tố, đó là sự không can thiệp của các chủ thể bên ngoài, nhất là sự can thiệp của các nước lớn và tình thế bất lợi, sơ hở của đối phương, vì hai yếu tố này có vai trò then chốt giúp Trung Quốc thành công. Yếu tố thứ nhất là điều kiện tiên quyết, bởi sự can thiệp của các nước lớn là cản trở lớn nhất quyết định sự tự tin trong hành sự của Bắc Kinh. Ngay cả đến thời điểm hiện nay, Bắc Kinh luôn cho rằng, mọi diễn biến phức tạp ở Biển Đông là do sự can thiệp của bên ngoài, cụ thể là Mỹ, vì thế khi bàn về các giải pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), họ luôn tìm mọi cách để loại trừ sự tham gia của các bên ngoài khu vực, thực chất là muốn loại trừ Mỹ.

Nhìn xa hơn một chút vào lịch sử, từ năm 221 trước Công nguyên, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, không có triều đại nào mà Trung Quốc không đưa quân sang quấy nhiễu hoặc tìm cách xâm chiếm Việt Nam. Kể cả từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, mục tiêu chiến lược của họ cho đến nay vẫn không hề thay đổi, đó là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc lãnh đạo thế giới. Tư tưởng bành trướng từ xa xưa của người Hán đã không mất đi mà còn được phục hồi mạnh mẽ dưới cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa”. Chính vì giấc mộng này mà họ ra sức bảo vệ, giữ gìn và cố thực hiện bằng được tuyên bố “đường chín khúc” trên Biển Đông hòng “độc chiếm” vùng biển này, bỏ qua sự tồn tại của các dân tộc khác, cũng như lịch sử đi lại, giao thương trên biển của chính họ trong hàng nghìn năm qua.

Trở về hiện tại, mới đây ngày 25/5/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã viết trên tài khoản Twitter rằng: “Dù có đường biên giới dài hơn, nhiều láng giềng hơn và có lịch sử phức tạp hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, song Trung Quốc đã thiết lập ranh giới với 12 trong số 14 quốc gia láng giềng trên đất liền thông qua đàm phán hòa bình… Trong hơn 70 năm kể từ khi thành lập nước, Trung Quốc chưa bao giờ gây chiến hay xâm phạm một tấc đất nào của nước ngoài”. Bà này hình như trước khi làm phát ngôn viên, không học lịch sử nên mới nói vậy. Bà Hoa còn bị đãng trí nữa nên không nhớ Trung Quốc đã 2 lần gây chiến tranh lớn với 2 láng giềng lớn là Ấn Độ (năm 1962), Liên Xô (năm 1969) và 1 lần với láng giềng nhỏ yếu hơn là Việt Nam (năm 1979). Cả ba cuộc chiến tranh này Bắc Kinh đều ra tay trước nhằm “tiên thủ hạ vi cường”. Mong rằng, bàn dân thiên hạ, nhất là các chủ thể bên ngoài như đã nói ở phần trên hãy “xem những gì Trung Quốc làm, chứ không nên nghe những gì Trung Quốc nói”.

RELATED ARTICLES

Tin mới