Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ tăng nguồn lực quân sự cho Ấn Độ-Thái Bình Dương đối...

Mỹ tăng nguồn lực quân sự cho Ấn Độ-Thái Bình Dương đối phó Nga – Trung

Mỹ đang hoạch định lại lực lượng quân đội nước này trên thế giới để tập trung nhiều hơn vào hai đối trọng là Trung Quốc và Nga, trong khi vẫn không lơ là mối đe dọa an ninh từ các khu vực khác.

Tăng nguồn lực cho Thái Bình Dương

Theo giới quan sát, Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch rút quân và chuyển dịch các hệ thống phòng thủ tên lửa khỏi khu vực Trung Đông, giảm gánh nặng cho ngân sách quốc phòng nước này, đồng thời đối phó tốt hơn các vấn đề đối nội. Mỹ cũng dự định tăng cường lực lượng ở Thái Bình Dương để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tiến sĩ Timothy Heath, chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Tổ chức RAND, Mỹ, chỉ ra rằng: “Việc Mỹ chuyển các hệ thống phòng thủ tên lửa từ Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương cho thấy Washington đánh giá Bắc Kinh là mối đe dọa cấp bách, bởi thực tế Bắc Kinh đã tăng cường kho dự trữ lớn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo có thể đe dọa quân đội Mỹ”.

Ông Heath phân tích thêm: “Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ sẽ giúp cân bằng sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc đang đe dọa thống trị các vùng biển châu Á. Nếu được thông qua, kết quả này có thể đồng nghĩa với việc chuyển nhiều khí tài hải quân hơn tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và gia tăng các hoạt động nhằm đối phó Trung Quốc”.

Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, cho rằng Nga là một mối đe dọa lớn với Mỹ ở châu Âu nhưng giờ đây không phải là nguy cơ lớn như Trung Quốc. Ngoài ra, lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc đang ngày càng phát triển về số lượng và cả khả năng tấn công nên việc tái triển khai lực lượng để đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Kinh là cần thiết. Với những yếu tố đó, ông cho rằng việc phân bổ lại các nguồn lực cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là hoàn toàn hợp lý.

Tương tự, Giáo sư Yoichiro Sato chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Ritsumeikan Asia Pacific (Nhật Bản) cho rằng lâu nay khu vực Trung Đông có tác động phức tạp trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. “Nhưng việc Mỹ chuyển dịch nguồn lực từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương là hợp lý với bối cảnh của nước này”, ông nói.

Để thực hiện tái cơ cấu lực lượng quân sự phù hợp với chiến lược của Mỹ, Tổng thống Biden quyết định hoàn tất việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11/9. Tiến độ rút quân khỏi Afghanistan đã hoàn thành được 50%. Cùng với đó, Mỹ đã đưa 8 khẩu đội tên lửa phòng không Patriot và một số khí tài khác, trong đó có một tàu sân bay và các hệ thống do thám của nước này ra khỏi Iraq, Kuwait, Jordan và Saudi Arabia và một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ra khỏi Ả rập Xê út.

Tại khu vực Thái Bình Dương, Politico hồi tháng 6 cho biết, ít nhất 2 sáng kiến phân bổ nguồn lực và đối phó Trung Quốc đang được Lầu Năm Góc hoàn thiện, bao gồm cả sáng kiến tạo ra lực lượng hải quân thường trực ở Thái Bình Dương, theo mô hình của Lực lượng hải quân thường trực Đại Tây Dương (STANAVFORLANT). Đây là lực lượng có thể phản ứng nhanh đối với một cuộc khủng hoảng và sẽ dành phần lớn thời gian trong khu vực, tham gia các cuộc tập trận và thực hiện các chuyến thăm thiện chí đến nước khác.

Nhà phân tích Jerry Hendrix, thuộc công ty tư vấn Telemus Group, dự đoán lực lượng Thái Bình Dương sẽ bao gồm các tàu chiến của Nhật Bản và Australia. Anh và Pháp, hai quốc gia châu Âu cũng có thể tham gia xây dựng lực lượng hải quân thường trực ở Thái Bình Dương. Lầu Năm Góc cũng đang xem xét lập một chiến dịch quân sự ở Thái Bình Dương, qua đó cho phép bộ trưởng quốc phòng Mỹ phân bổ thêm tiền và nguồn lực.

Mỹ đã đạt được thỏa thuận về chi phí cho binh sĩ Mỹ đồn trú tại các nước đồng minh Đông Bắc Á nhằm tăng thêm nguồn lực cho khu vực. Trong đó, Hàn Quốc đã đồng ý tăng mức chia sẻ chi phí 1.180 tỉ won (1,03 tỉ USD) trong năm 2021 cho binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây. Mỹ cũng đạt được thỏa thuận tương tự về chia sẻ chi phí với Nhật Bản ở mức 201,7 tỉ yen (1,9 tỉ USD) trong năm nay.

Vẫn là bài toán khó

Không ít nhân tố tác động khiến Mỹ gặp khó khăn, thách thức trong việc tái cơ cấu lực lượng quân sự. Tại Afghanistan, tổ chức khủng bố al-Qaeda tuyên bố sẽ chiến đấu chống Mỹ trên mọi mặt trận và sẽ hợp tác với Taliban sau khi quân Mỹ rời khỏi nước này. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Afghanistan Deborah Lyons, ngày 22/6 cho biết, Taliban đã chiếm hơn 50 trong số 370 quận, huyện ở nước này kể từ tháng 5 đến nay. Theo bà Lyons, Taliban đang bố trí lực lượng tại các cứ điểm riêng hòng tìm cách chiếm những thủ phủ này sau khi các lực lượng nước ngoài rút hoàn toàn khỏi Afghanistan.

Tại Yemen, lực lượng phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn đang thúc đẩy một cuộc tấn công sau khi ông Biden chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ đối với chiến dịch quân sự do Ả rập Xê út dẫn đầu. Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Tom Cotton cho rằng động thái của Tổng thống Biden “đã vô tình khuyến khích hành vi gây hấn của Houthi và đây là một bài học mà chính quyền cần phải nhớ”.

Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mặc dù Mỹ liên tục điều động và tăng cường hoạt động của các tàu chiến, máy bay chiến đấu ở nhiều cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, theo Giáo sư Sato, quá trình này còn nhiều thách thức. Điển hình là việc đối phó với các mối đe dọa tên lửa Trung Quốc ngày càng tăng ở Đông Á thực tế phức tạp hơn nhiều, chứ không đơn giản chỉ là điều động các hệ thống phòng tên lửa từ Trung Đông sang Đông Á.

Việc xây dựng lực lượng thường trực Thái Bình Dương mặc dù đã có ý tưởng, nhưng đòi hỏi làm rõ nhiều vấn đề. Chẳng hạn, lực lượng Thái Bình Dương chỉ có các tàu chiến của Mỹ hay bao gồm tàu của những đồng minh khác trong khu vực. Hạm đội 7 của Mỹ có khoảng 50 chiến hạm đồn trú tại Nhật Bản, cho nên nó không khác gì một lực lượng thường trực. Thậm chí, lực lượng này còn mạnh mẽ hơn lực lượng thường trực Đại Tây Dương của NATO.

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng chi quốc phòng năm 2021 lên 6,8% so với năm 2020 để đối phó Mỹ. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm, Trung Quốc sẽ tập trung cho các dự án trọng điểm trong 5 năm tới nhằm giúp quân đội nước này bắt kịp Mỹ, “chiến đấu và chiến thắng” trong môi trường chiến tranh hiện đại.

Theo các nhà phân tích, Mỹ đang gặp khó khăn trong việc hoạch định lại lực lượng quân đội nước này trên thế giới, các sáng kiến của Lầu Năm Góc cho tới nay chưa phải là “viên đạn bạc” để giải quyết các thách thức từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những ý tưởng này là một tín hiệu tích cực cho thấy Mỹ cam kết chuyển dần nguồn lực khỏi Trung Đông và tập trung nhiều hơn vào châu Á – Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới