Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếBắc Kinh - Kẻ hủy hoại môi trường sinh thái ở Biển...

Bắc Kinh – Kẻ hủy hoại môi trường sinh thái ở Biển Đông

Biển Đông là một trong những khu vực biển giàu tài nguyên nhất trên thế giới, với khoảng 190.000 tỷ feet khối khí tự nhiên và 11 tỷ thùng dầu dự trữ. Vị trí, địa lý và khí hậu đặc biệt đã tạo cho vùng Biển Đông sự đa dạng sinh học cao so với các khu vực khác trên thế giới.

Ảnh minh họa

Cho đến nay, trong vùng biển này đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình. Trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, trên 100 loài cá kinh tế, hơn 300 loài san hô cứng, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển và 5 loài rùa biển. Biển Đông “giàu có” là vậy, nhưng lại đang đứng trước những mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng xuất phát từ hoạt động khai thác quá mức các nguồn lợi hải sản, sự gia tăng các hành vi hủy hoại môi trường, hệ sinh thái trong và lân cận các rạn san hô ở ngoài khơi Biển Đông…

Thời gian qua, vấn đề Biển Đông luôn gây sự chú ý của dư luận do các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển này và những hoạt động ngày càng hung hăng của chủ nghĩa bành trướng quân sự của Trung Quốc.Tuy nhiên, mối quan tâm chủ yếu tập trung vào khía cạnh an ninh, hòa bình, ổn định trên Biển Đông, còn tác động đến môi trường từ các hoạt động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông vẫn chưa được đề cập nhiều.

Là một trong những tuyến đường vận chuyển quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới, môi trường hệ sinh thái của Biển Đông đang bị tổn hại nghiêm trọng trong bối cảnh Trung Quốc đánh bắt quá mức; nạo vét, bồi đắp, mở rộng các cấu trúc san hô để xây dựng các đảo nhân tạo và khai thác dầu khí bằng công nghệ nứt vỡ thủy lực. Mặc dù những nước ven Biển Đông khác cũng thực hiện các hoạt động gây tổn hại đến môi trường trong vùng biển này, nhưng quy mô các hoạt động của Trung Quốc là rất lớn, sử dụng các phương tiện hiện đại, tiên tiến và gây ra những tổn hại rõ ràng nhất.

Thứ nhất, là vấn đề đánh bắt cá. Nguồn tài nguyên sinh vật phong phú ở Biển Đông đã mang đến những ưu thế cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh. Trữ lượng hải sản đánh bắt khoảng 3 – 3,5 triệu tấn, cơ cấu hải sản rất phong phú, có giá trị kinh tế cao có thể khai thác được hàng năm. Nghề cá trên Biển Đông được coi là một nghề truyền thống của người dân các nước ven biển và là nguồn cung cấp an ninh lương thực và việc làm quan trọng cho hàng triệu người. Tuy nhiên, việc đánh bắt không suy giảm kéo dài hàng thập kỷ khiến trữ lượng cá sụt giảm. Trung Quốc đã mất một nửa vùng đất ngập nước ven biển, 57% rừng ngập mặn của họ. Ở Biển Đông, nơi chiếm khoảng 12% sản lượng khai thác toàn cầu mỗi năm, trữ lượng cá đã giảm 1/3 trong 30 năm qua và sẽ giảm thêm 59% vào năm 2045. Điều này đe dọa an ninh lương thực ở khu vực đông dân cư.

Khi nguồn cá gần các khu vực ven biển cạn kiệt và sản lượng đánh bắt giảm mạnh, ngư dân đang tiến ra biển sâu ngoài khơi và sử dụng kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, các tàu cá của Trung Quốc đều là các tàu cỡ lớn lại được chính quyền Trung Quốc trợ cấp xăng dầu đã đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng đánh bắt bất hợp pháp, thậm chí không ngại va chạm với các lực lượng chức năng trên biển của các nước này. Để tăng cường sản lượng đánh bắt, các tàu cá Trung Quốc đã đánh bắt một cách hủy diệt như đánh bắt bằng chất nổ, gây ra thiệt hại thêm cho hệ sinh thái biển. Khi mà nguồn thủy sản ở Biển Đông bị cạn kiệt, Trung Quốc mở rộng các đội tàu đánh cá vươn xa tới các EEZ của Argentina, Somalia và Hàn Quốc. Các ngư dân Trung Quốc đã thường xuyên bị cáo buộc khai thác trái phép san hô, rùa biển, trai, cá mập, cá chình và các động vật biển khác từ vùng biển của các nước khác.

Phán quyết ngày 12/7/2016 của Toà Trọng tài chỉ ra rằng nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rặng san hô) và đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này.

Biển Đông là một trong ba “tâm chấn” được cho là sẽ chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nhiệt độ nước biển tăng. Nhiệt độ bề mặt đại dương tăng sẽ buộc lượng cá di cư xa hơn về phía Bắc hướng tới Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản, khiến việc đánh bắt cá khó khăn hơn đối với các quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines vốn thiếu nguồn lực để đánh bắt ở các vùng biển xa. Trong bối cảnh Trung Quốc sử dụng các tàu dân quân biển, tàu hải cảnh hỗ trợ cho các tàu cá của họ và nhất là sau khi Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực thì các nguy cơ đang rình rập đối với tàu cá, ngư dân các nước ven Biển Đông càng lớn hơn gấp bội.

Để lấp liếm cho những việc làm sai của mình hủy hoại môi trường Biển Đông, Trung Quốc đơn phương đưa ra cái gọi là “Lệnh cấm đánh bắt cá” ở Biển Đông từ 01/5 đến 16/8 hàng năm. Vấn đề là ở chỗ, theo UNCLOS 1982, Trung Quốc hoàn toàn không có quyền chủ quyền, quyền tài phán ở những vùng biển này. Là kẻ hủy hoại môi trường Biển Đông, nhưng Trung Quốc đã mượn danh bảo tồn nguồn lợi biển để biến vùng biển của các nước Việt Nam và Philippines được xác định theo UNCLOS hoàn toàn không có tranh chấp thành vùng biển tranh chấp để thực hiện tham vọng bành trướng ở Biển Đông. Do vậy, nhiều học giả đã gọi Bắc Kinh là kẻ “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

Thứ hai, là về vấn đề nạo vét và xây dựng. Kể từ năm 2015, Trung Quốc đã đẩy mạnh cải tạo đất ở các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn”, bằng cách bồi đắp, mở rộng các bãi đá ngầm, rạn san hô biến chúng thành các đảo nhân tạo. Tiếp đó, Trung Quốc đã xây dựng trên đó các cơ sở quân sự và các cầu cảng phục vụ các tàu chiến cỡ lớn, đường băng cỡ lớn cho các máy bay quân sự hạng nặng. Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và hệ thống radar trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và trên đá Chữ Thập, bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Việc nạo vét trên biển để xây dựng những cấu trúc này là nguyên nhân chính dẫn đến việc phá hủy các rạn san hô và các bãi đá ngầm, những nơi duy trì toàn bộ hệ sinh thái biển.

Trong quá trình bồi đắp đảo nhân tạo, Trung Quốc đã hủy hoại rất nhiều rạn san hô và khi hủy hoại những rạn san hô này tức là hủy hoại các loài sinh vật sinh sống trong những rạn san hô đó và khiến cuộc sống của những loài cá lớn hơn bị đe dọa nghiêm trọng. Việc Trung Quốc sử dụng xi-măng để xây dựng các công trình trên các đảo mà nước này cải tạo trái phép khiến các rạn san hô bị hủy hoại hoàn toàn và không còn có thể khôi phục lại được nữa.

Vấn đề nạo vét, bồi lấp các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc đã và đang đặt ra hai thách thức chính với an ninh môi trường ở Biển Đông: một là, các hoạt động này gây mất mát hệ sinh thái. Nó phá hoại mặt bằng rạn, lấp các vũng tự nhiên. Đây là hai yếu tố cấu thành các rạn san hô; hai là, khi Trung Quốc nạo vét để đắp đảo thì trầm tích sẽ lan ra xung quanh và hủy hoại các vùng rạn san hô khác, không chỉ là diện tích tính toán được qua ảnh vệ tinh. Sẽ còn nhiều diện tích xung quanh chịu tác động của suy thoái hệ sinh thái. Tác động này lớn và phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nhìn thấy.

Tòa Trọng tài năm 2016 đã làm rõ rằng các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc là vi phạm nghĩa vụ của nước này về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, bao gồm nghĩa vụ phải tiến hành đánh giá ảnh hưởng đến môi trường cho các hoạt động đã được lên kế hoạch phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và phải công bố kết quả của việc đánh giá đó.

Phán quyết ngày 12/7/2016 nhấn mạnh: Tòa xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa thời gian qua, và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương, khiến môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị huỷ diệt; việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNCLOS 1982 trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc đang có tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông.

Thứ ba, là về vấn đề thăm dò dầu khí bằng công nghệ nứt vỡ thủy lực. Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực, trong đó có rất nhiều hoạt động khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, thậm chí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép (điển hình là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung Việt Nam năm 2014, gây phẫn nộ trong người dân Việt Nam).
Theo các cuộc khảo sát địa chấn sơ bộ, việc lắp đặt giàn khoan và khoan thăm dò, sản xuất hydrocacbon và vận chuyển dầu và khí tự nhiên gây ra thiệt hại cho tầng đáy biển. Các cuộc khảo sát địa chấn gây ra tiếng ồn, khí thải và chất thải gây hại môi trường. Hoạt động khoan đào thải bùn bao gồm bùn, nước rửa, thoát nước và nước thải ra đại dương. Chúng cũng gây ra khí thải độc hại với việc thường xuyên rò rỉ và rơi vãi hydrocacbon đã chiết xuất. Các hoạt động này của Bắc Kinh đã gây ô nhiễm, hủy hoại nghiêm trọng môi trường ở Biển Đông, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của sinh vật và thực vật trên biển.

Cuối tháng 5/2021, Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết giàn khoan “Biển sâu số 1” nửa chìm nửa nổi đầu tiên lớn nhất thế giới sẽ được đưa ra hoạt động ở Biển Đông. Từ sau vụ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014, CNOOC đã không ngừng phát triển các giàn khai thác, thiết bị mới để phục vụ việc khai thác dầu khí ở Biển Đông. Nếu như giàn khoan Hải Dương 981 nặng 30.000 tấn thì giàn khoan “Biển sâu số 1” lớn gấp 3 lần, mỗi năm có thể khai thác 3 tỉ m3 khí tự nhiên. Theo thông báo của CNOOC, giàn khoan “Biển sâu số 1” được đưa tới khu vực Lăng Thủy, cách Hải Nam 150 hải lý trong vùng biển của Trung Quốc, song hoạt động của giàn khoan này với công suất khai thác 3 tỉ m3 khí tự nhiên một năm thì sự ô nhiễm môi trường mà nó gây ra với Biển Đông sẽ là hết sức lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến giới khoa học lo ngại về nguy cơ hủy hoại môi trường sinh thái biển do các hoạt động dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông.

Điều 194 của UNCLOS 1982 mà Trung Quốc đã phê chuẩn, quy định rằng các quốc gia thành viên không được tiến hành các hoạt động gây ô nhiễm môi trường cho các quốc gia khác. Các quốc gia cũng có trách nhiệm bảo vệ “các hệ sinh thái quý hiếm” của các loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng. Trung Quốc cũng đã phê chuẩn Công ước về Đa dạng sinh học, trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên đảm bảo các hoạt động của họ không gây tổn hại đến môi trường nằm ngoài quyền tài phán quốc gia của họ.

Trong khi đó, các hoạt động của các tàu cá, tàu dân quân biển và tàu Hải cảnh, tàu khảo sát hay giàn khoan Trung Quốc ở Biển Đông hầu hết nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các nước khác ven Biển Đông. Tòa Trọng tài năm 2016 đã xem xét tác động của các hành vi của Trung Quốc đối với môi trường biển. Phán quyết của Tòa đã quy trách nhiệm cho Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của UNCLOS 1982, gây thiệt hại đáng kể cho rạn san hô và các loài có nguy cơ tuyệt chủng, làm sụt giảm nguồn đánh bắt cá và xáo trộn tính toàn vẹn cấu trúc của các đảo và rạn san hô trong khu vực. Đồng thời, Phán quyết chỉ trích việc sử dụng chất nổ của các tàu đánh cá Trung Quốc.

Mặc dù, Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã thực hiện các hoạt động xây dựng đảo của mình với sự “đánh giá dựa trên cơ sở khoa học” và tuân theo tất cả các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường quốc tế, nhưng họ không đưa ra được các bằng chứng để chứng minh cho những tuyên bố này. Những hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông đã và đang làm gia tăng nguy cơ đối đầu, va chạm trên biển, tác động tiêu cực đến môi trường an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, môi trường an ninh căng thẳng có thể được hạ nhiệt hoặc phục hồi ngay khi các bên có hành động xuống thang, đạt được sự đồng thuận nào đó, còn hậu quả từ việc môi trường sinh thái ở Biển Đông bị hủy hoại do Bắc Kinh thực hiện tham vọng bá quyền là cực kỳ nghiêm trọng, để lại những hệ quả không thể cứu vãn cho toàn nhân loại.

RELATED ARTICLES

Tin mới