Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Gặp thời thế thế thời phải thế”

“Gặp thời thế thế thời phải thế”

Làm ngoại giao chưa khi nào khó như bây giờ. Đó là lời tâm sự của một quan chức ngoại giao Việt Nam. Nói cụ thể hơn Hà Nội vẫn đang phải “đu dây” giữa Washington và Bắc Kinh. Việc Hà Nội đề ra chính sách “bốn không” chính là cái phép nhằm hóa giải cho mối quan hệ trung dung của mình.

Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, các nhà bình luận quốc tế cho rằng, Việt Nam tỏ ra khá là thân thiện, “nồng nhiệt” với Mỹ, một “đế quốc sừng sỏ” từng xâm lược Việt Nam suốt mấy chục năm. Từ Chủ tịch nước, Thủ tướng, tới tân Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đều nói với “khách” những lời có cánh. Rằng: Chúng tôi cảm ơn các ngài đã hỗ trợ vaccine cũng như các trang bị, thiết bị y tế giúp ngăn ngừa COVID-19. Mong rằng các ngài tiếp tục ưu tiên hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam và tạo mọi điều kiện cho các đối tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm để công nhận vaccine.

Đương nhiên, trong đàm phán giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Phan Văn Giang còn có nhiều chuyện cụ thể về chiến lược quốc phòng, về hợp tác quân sự giữa hai nước, nhằm đối phó với việc Trung Quốc tiếp tục coi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (năm 2016) là “mớ giấy lộn”, tiếp tục làm mưa làm gió trên Biển Đông.

Mối thâm tình Việt -Mỹ có cơ tăng lên khi tháng 8 này bà Phó Tổng thống Mỹ lại có chuyến thăm Việt Nam.

Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi “đồng chí” ở bên kia biên giới còn chưa kịp sang chúc mừng, thì giới chóp bu Mỹ, vốn đối nghịch về hệ thống chính trị, lại tỏ ra vồ vập. Điều này khiến Bắc Kinh không hài lòng.

Hôm 1/8 tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn phẩm thuộc về Nhân Dân Nhật báo Trung Quốc, đã lên tiếng cảnh cáo Mỹ và cũng “xoa đầu” ông bạn vàng láng giềng phía nam Trung Hoa. Hoàn Cầu nói trắng phớ ra rằng, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, và chuyến thăm tới đây của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam chỉ là trò hề chính trị. Nó không thể nào khiến Hà Nội nhích lại gần hơn với Mỹ. Nó càng không thể làm thay đổi chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam.

Theo Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam (năm 2019), Việt Nam theo đuổi chính sách bốn không: một, không tham gia liên minh quân sự; hai, không liên kết với nước này để chống nước kia; ba, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; bốn, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Bình luận của Hoàn Cầu khá hóc hiểm, dễ làm cho Mỹ mất mặt , khi tờ báo này bình luận: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bày tỏ mong muốn với ngài Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nâng cấp quan hệ hai nước từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược. Thế nhưng, ông Phúc chỉ cười sau khẩu trang. Hà Nội đã không phát đi một tín hiệu nào về đề nghị này.

Báo Hoàn Cầu viết: “Điều này cho thấy Hà Nội miễn cưỡng nâng cấp quan hệ với Washington giữa những sự không chắc chắn trong tình hình trong và ngoài nước và trong bối cảnh không có tiến triển thật sự nào trong quan hệ song phương Mỹ – Việt Nam”; “Thực tế, Việt Nam cần sự trợ giúp của Trung Quốc để vượt qua những khó khăn về kinh tế. Sẽ không có lợi cho Hà Nội khi cùng với Washington và phương Tây gây rắc rối liên quan đến tình hình Biển Đông”.

Đúng là Hà Nội đang bị chiếu nước cờ bí. Hơn 500 ngày qua, cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam phải gồng mình chiến đầu với “giặc Covid-19”. Tháng tám này tâm dịch vẫn đang bùng lửa ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thủ đô Hà Nội cũng đang có nguy cơ bị chọc thủng phòng tuyến chống dịch nếu xao nhãng.

Trong tình thế ngặt nghèo này buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải hạ cố, mong được sự giúp đỡ của các nước lớn, trong đó có Mỹ – một quốc gia đang được coi là hàng đầu về vaccine chống virus SARS- CoVI-2. Việt Nam hy vọng từ nguồn viện trợ của Mỹ sẽ giải quyết cơ bản khó khăn về nguồn vaccine. Trung Quốc không lạ gì điều đó, bởi chính nước này là cha để của chính sách ngoại giao vaccine. Thế là, dù biết sẽ bị Bắc Kinh “lườm”, Hà Nội vẫn phải đưa bàn tay thân ái ra với Mỹ.

Xin lưu ý, trước đây Việt Nam kiên định với “chính sách ba không”. Chỉ đến gần đây mới nâng thêm một “không” nữa. Đó là “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Thì phải hiểu rằng, cái “không” thứ tư cốt giữ hòa khí, cốt để “gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc” trong khi vẫn mở rộng và thắt chặt quan hệ với Mỹ, cũng như các quốc gia, tổ chức quốc tế khác mà Trung Quốc xem là thù địch.

Thật là khó cho các nhà ngoại giao Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á, các nước có tranh chấp về biển đảo với Trung Quốc trong lúc này. Đành phải tìm cách đi giữa hai hàng, “gặp thời thế thế thời phải thế”. Nhưng cũng không thể “khôn” mãi như thế được (!). Anh không tỏ bày thái độ dứt khoát, không có những hành động cụ thể thì sẽ dần mất bạn bè, đối tác. Hoàn Cầu thời báo phát đi tín hiệu của Bắc Kinh là việc của họ, nhưng chính Bắc Kinh cũng đang lúng túng như gà mắc tóc, khi chiến lược “ngoại giao chiến lang” đã thất bại khi càng có nhiều quốc gia quay mặt với họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới