Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCần đối phó với Covid-19 như một cuộc chiến tranh

Cần đối phó với Covid-19 như một cuộc chiến tranh

Đối với Việt Nam, cuộc chiến do dịch Covid-19 biến thể đã diễn ra khắp cả nước và đang ở trạng thái đối phó bị động và khó kiểm soát. Người đứng đầu chính phủ đã nhiều lần xác định chống dịch như chống giặc, đảm bảo mục tiêu kép.

Một điểm tiêm vaccine quy mô lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nếu coi chống dịch như chống giặc đồng nghĩa với chống dịch như đối phó với cuộc chiến tranh. Vậy đối phó với các cuộc chiến tranh, các cấp chỉ huy đều phải dự đoán được kẻ thù sẽ tấn công vào đâu, có nghĩa là phải xác định được các vùng xung yếu dễ bị đối phương tấn công để tập trung lực lượng và các biện pháp chủ động để loại trừ đối phương.

Trong cuộc chiến chống Covid hiện nay, chúng ta cũng nên xác định các vùng xung yếu dễ bị tổn thương và có sức lây lan lớn. Những gì đã diễn ra đã cho thấy các thành phố, khu đô thị lớn, các khu công nghiệp, sân bay cửa khẩu là những nơi như vậy. Dịch bệnh Covid đều phát sinh từ những vùng trọng điểm này, nên cần phải xác định đó là khu vực, địa bàn xung yếu. Khi xác định một nơi nào đó là xung yếu thì biện pháp chống dịch phải được tập trung cao độ, từ chỉ huy chỉ đạo tới việc tập trung nguồn lực nhân sự ở mức độ cao nhất và các biện pháp hành chính phù hợp để kiểm soát tình hình theo từng cấp độ khác nhau. Những nơi này các biện pháp phòng ngừa phải được thực hiện nghiêm ngặt kể cả lúc bình thường cũng như khi có dịch bệnh. Những nơi này phải được ưu tiên đầu tư nguồn lực và tài chính để chữa bệnh và triển khai các dự án xây dựng các bệnh viện dã chiến, khu cách ly với qui mô lớn để hỗ trợ kịp thời cho các bệnh viện khi dịch bệnh bùng phát.

Ở những nơi xung yếu này, việc tiêm vacxin phải được triển khai trước. Ưu tiên cho các đối tượng dễ bị lây nhiễm, các khu vực tập trung đông công nhân và khu dân cư tập trung cần tỷ lệ tiêm chủng cao nhất.

Về lực lượng phòng chống dịch, từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ đã kêu gọi mọi người dân trong nước tích cực tham gia chống dịch là rất đúng khi phải đối phó với một kẻ thù không rõ mặt. Nhưng để đối phó có hiệu quả thì cần phải có lực lượng nòng cốt chuyên nghiệp và chuyên môn hóa. Hiện nay, lực lượng quá phân tán, trùng dẫm bởi quá nhiều mệnh lệnh phát ra từ các cấp. Trong vấn đề này, tôi muốn đề cập tới hai lực lượng cần phải được huy động gấp.

Thứ nhất, lực lượng y tế bao gồm bác sỹ, y tá, điều dưỡng và cán bộ vệ sinh dịch tễ. Họ phải được trang bị tốt nhất về các điều kiện phương tiện y tế và thuốc men và quản lý vắc xin, họ phải là những người đã được miễn dịch thông qua tiêm vắc xin, họ là người trực tiếp đối mặt với dịch bệnh, phải có biện pháp bảo vệ họ không bị lây nhiễm từ nguồn bệnh. Thắng thua do họ quyết định.

Thứ hai là lực lượng vũ trang, bao gồm hai lực lượng quân đội và công an. Đây là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Trong 4 đợt chống dịch vừa qua, lực lượng quân đội và công an đã tham gia rất tích cực và hiệu quả, nhưng chỉ giữ vai trò hỗ trợ hoặc thực hiện những yêu cầu của chính quyền tỉnh hoặc Ban chỉ đạo chống dịch giao. Nay dịch bệnh Covid được nhìn nhận là một nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia thì quân đội và công an phải được huy động vào cuộc chiến này. Lực lượng này có hệ thống chỉ huy chặt chẽ và có kỷ luật mới đủ sức làm nhiệm vụ phong tỏa, cách ly ở một địa phương. Họ sẽ có đủ lực lượng, phương tiện thực hiện nhận truy vết, kiểm soát việc thực hiện các biện pháp chống dịch, bảo vệ và phục vụ các bệnh viện dã chiến và khu cách ly, bảo vệ an ninh trật tự và đảm bảo giao thông thông suốt. Các đơn vị hóa học của quân đội là lực lượng chính hiện nay thực hiện khử trùng, phòng độc ở nơi có dịch bệnh. Hoạt động của quân đội và công an được pháp luật qui định, đảm bảo yếu tố pháp lý khi tiến hành các biện pháp hành chính, ngăn chặn và xử lý tội phạm, hỗ trợ tích cực cho chính quyền địa phương và các lực lượng bán chuyên trách khác, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Quân đội và công an mới có điều kiện phát hiện tình hình và báo cáo kịp thời cho ban chỉ đạo dựa trên hệ thống thông tin chỉ huy của lực lượng vũ trang, chỉ có lực lượng quân đội và công an mới đáp ứng được tình hình khẩn cấp, các sự cố gây nguy hại về người và tài sản trong các trường hợp khẩn cấp.

Việc huy động các lực lượng khác vẫn rất cần thiết để tiến hành công tác vận động quần chúng, thông tin cho khu dân cư về tình hình bệnh dịch và làm nhiệm vụ quản lý cách ly ở từng gia đình, kiểm đếm người tiêm chủng vacxin và kiểm soát cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho các hộ và khu cách ly, vệ sinh môi trường… Nếu sử dụng lực lượng bán chuyên trách ở các phường xã để thực hiện các biện pháp kiểm soát hành chính sẽ ít hiệu quả do trình độ, điều kiện đảm bảo thiếu thốn nên dễ xảy ra những hành động tùy tiện, xung đột với người dân, những diễn biến tình hình tại chỗ không được báo cáo ngay với cơ quan chỉ huy do điều kiện phương tiện thông tin hạn chế, chưa kể thời gian hoạt động của lực lượng này phụ thuộc rất lớn vào hoàn cảnh gia đình của từng người vì ngoài bản thân, họ còn có trách nhiệm với gia đình; chưa tính đến tình huống chính lực lượng này là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng nếu không được kiểm dịch chặt chẽ.

Tuy nhiên, hiện nay lực lượng bán chuyên trách (dân phòng, đoàn thể…) vẫn là lực lượng chính kiểm soát và thực hiện các biện pháp hành chính đối với người dân ở các khu dân cư, theo nhận thức và cách làm do chính quyền cơ sở. Điều này đặt ra một vấn đề có tính nguyên tắc. Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chống dịch phải được tập huấn để nắm vững nhiệm vụ, biện pháp, quyền hạn của các lực lượng và từng người hiểu được các nguyên tắc xử lý vụ việc. Họ phải được chỉ huy, chỉ đạo và tuân thủ các qui định và ý thức chấp hành kỷ luật phải cao. Thực tế cho thấy chủ trương cấp trên huy động lực lượng bán chuyên trách là rất đúng nhưng lực lượng thực tế không đáp ứng với nhiệm vụ vì thiếu tổ chức chặt chẽ, thiếu năng lực nên kết quả công việc sẽ không theo ý muốn.

Trong khi tập trung đối phó để đẩy lùi dịch Covid, chính phủ vẫn phải duy trì và phát triển sản xuất và ổn định xã hội, phải đạt được mục tiêu kép đó là mục tiêu rất rõ ràng cho toàn đảng toàn dân phải thực hiện. Muốn thực hiện được sản xuất và đảm bảo tăng trưởng dương thì các cấp lãnh đạo cần phải có tư duy mới về quan hệ kinh tế hiện nay, điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố tác động từ ngoài nước và trong nước. Chính phủ thời gian vừa qua đã tận dụng tốt cơ hội quốc tế kêu gọi đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, nhưng chính sách hướng nội chưa chuyển biến mạnh mẽ, nhiều qui định trong qui hoạch đất đai, thuế… chưa được điều chỉnh ảnh hưởng lớn tới đầu tư cho các dự án. Điều đặc biệt phải quan tâm là các biện pháp ngăn cách, cách ly, kiểm soát dịch bệnh phải được tính toán kỹ càng, không làm ách tắc đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông phân phối, nhất thiết không để tình trạng ngăn sông cấm chợ do cách làm tùy tiện của các địa phương. Tuy nhiên, thực tế thấy rằng hối thúc đạt mục tiêu tăng trưởng cũng dẫn đến tiêu cực, vượt qua các quy định về chống dịch, nên đã dẫn đến lây lan ra cộng đồng.

Lúc này cần xác định rõ các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân là lực lượng nòng cốt để thực hiện mục tiêu kinh tế (phải coi họ là chiến binh). Họ phải chịu trách nhiệm quản lý và phòng dịch cho công nhân, tổ chức cách ly ngay tại xí nghiệp, nhà máy khi phát hiện dịch bệnh ở nhà máy. Nhà nước bằng đường lối, chính sách, mục tiêu phát triển quốc gia cần làm cho doanh nghiệp nắm được các yêu cầu của chính phủ trong điều kiện cực kỳ khó khăn hiện nay, để các doanh nghiệp tìm được cơ hội mở rộng sản xuất. Chính phủ quan tâm giải quyết được các mặc cảm cho các doanh nghiệp, nhất là việc lo sợ bị xử lý, trừng phạt về sau đối với việc làm hôm nay. Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn yêu nước, muốn phát triển đất nước để không thua kém nước ngoài, các cấp chính quyền cần động viên khích lệ tinh thần đó như động viên họ đã góp tiền của cho quĩ phòng chống Covid, đảm nhận nhiệm vụ từ chính phủ như sản xuất máy móc y tế và sản xuất vacxin.

Để làm được điều đó, vai trò chính phủ mang tính chất quyết định. Với tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp ở nước ta hiện nay, Chính phủ cần đổi mới tư duy trong chỉ đạo, không quá tập trung sự chỉ đạo từ Ủy ban Quốc gia mà phân cấp một cách rõ ràng khoa học cho từng lực lượng, từng cấp chủ động ứng phó với từng tình huống cụ thể và chủ động các phương án phòng chữa bệnh có hiệu quả nhất ở các địa bàn có dịch. Chính phủ cần huy động lực lượng vũ trang vào cuộc chiến này, song cần qui định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn, chỉ sử dụng lực lượng bán chuyên trách những công việc đơn giản, ít tiếp xúc với nhiều người vì họ sống trong cộng đồng dễ bị lây nhiễm. Với sự phân công rõ ràng cho từng cấp, từng người chỉ huy, Ủy ban Quốc gia căn cứ vào diễn biến tình hình để đưa ra những quyết sách của quốc gia, phê chuẩn những biện pháp chế tài ảnh hưởng tới kinh tế xã hội, phân bổ ngân sách, quy định các chủng loại vắc xin cần nhập và phân phối cho các địa bàn. Ủy ban Quốc gia tiến hành kiểm tra thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh của Chính phủ và chấn chỉnh những hoạt động ảnh hưởng tới chống dịch và ảnh hưởng tới cung ứng sản xuất và hàng hóa đối với người dân.

Tóm lại chúng ta cần chuyển trạng thái chống dịch như đối phó với một cuộc chiến tranh, có tiền tuyến có hậu cần đảm bảo, có lực lượng chính qui chuyên trách để tập trung phòng và diệt bệnh dưới sự điều hành của Ủy ban Quốc gia kiên quyết, linh hoạt và hiệu quả. Tuy nhiên phải thấy rằng, thế giới chưa tìm ra nguồn gốc của loại dịch bệnh và cũng chưa tìm ra được loại thuốc đặc trị và phác đồ điều trị hiệu quả. Vì vậy, đây sẽ là cuộc chiến lâu dài của thế giới và nước ta. Do đó, trong mục tiêu của quốc gia phải hướng tới và đảm bảo mạng sống con người là cao nhất. Còn người còn tất cả, còn người sẽ tiếp tục hưng thịnh quốc gia sau đại dịch.

RELATED ARTICLES

Tin mới