Saturday, April 20, 2024
Trang chủThâm cung bí sửBáo Nga: Bắc Kinh mài dao, không chỉ riêng thời Gorbachev

Báo Nga: Bắc Kinh mài dao, không chỉ riêng thời Gorbachev

Nhân 30 năm ký thỏa thuận phân định biên giới Nga-Trung ở phía Đông, ngày 21/8//2021, tờ “Bình luận quân sự “ (Nga) đăng bài với tiêu đề trên.

Bài viết của hai tác giả Nga Alexey Chichkin và Alexey Podymov. Xin giới thiệu cùng bạn đọc để tham khảo:

Nơi “mây trôi u ám”

Mười ngày cuối cùng của tháng 8 năm 1991, đường biên giới Nga-Trung – khi đó đang còn là biên giới Xô-Trung – trong khu vực đảo Damansky trên sông Ussuri cuối cùng cũng đã được phân định xong.

Về mặt pháp lý, nó được chuyển giao cho phía Trung Quốc từ ngày 19/5 cùng năm. Nhưng tất cả đã được bắt đầu từ trước đó rất lâu, và bây giờ chúng ta sẽ cùng bàn một chút về chuyện này .

Bản thân việc ký một thỏa thuận phân định biên giới “có lợi cho Trung Quốc” như vậy- đây là bước cụ thể hóa Hiệp định “Về biên giới quốc gia giữa Liên Xô và CHND Trung Hoa ở phần phía Đông ” được hai người đứng đầu Liên Xô và CHND Trung Hoa là Gorbachev và Giang Trạch Dân ký ngày 16/5/1991 tại Matxcova. Nhưng đến năm 1992, nó mới được cả hai bên chính thức phê chuẩn.

Có nghĩa là, ngay cả trước khi văn kiện trên có hiệu lực, Bắc Kinh không chỉ đã có được đảo Damansky thấm đẫm máu của lính biên phòng Liên Xô và cả lính biên phòng Trung Quốc, mà còn một loạt các hòn đảo nhỏ hơn trên sông Ussuri.

Và sau đó, như đã biết, Trung Quốc vẫn tiếp tục thâu tóm thêm một số đảo trên các con sông biên giới với Liên Xô (Liên bang Nga) (các sông Argun, Ussuri, Amur).

Nhưng ngay từ tháng 9/1969, trên thực tế Matxcova đã cho phép Bắc Kinh sáp nhập đảo Zhenbaodao (“Trân bảo đảo” là tên tiếng Trung của Damansky) vào CHND Trung Hoa.

Nhưng dù vậy, CHND Trung Hoa cũng chưa từng bao giờ quên về những tuyên bố đòi hỏi chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ lãnh thổ rất rộng lớn khác của Liên Xô.

Không phải chỉ có mình Mao Trạch Đông mới là nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những tuyên bố yêu sách đòi chủ quyền lãnh thổ (như tại Hội nghi BCH TW ĐCS Trung Quốc, ngày 4/3/1969 tại Bắc Kinh).

Cả Đặng Tiểu Bình cũng đã từng nhắc nhở Matxcơva về những yêu sách lãnh thổ này vào tháng 2/1989 …

Các phương tiện truyền thông và giới chuyên gia Mỹ nhận định rằng- vào mùa hè năm 1991, khi thấy Liên Xô khi đó đã trên bờ vực sụp đổ, phía Trung Quốc muốn đẩy nhanh tiến trình thâu tóm một số khu vực biên giới của Liên Xô.

Bắc Kinh cho rằng vào thời điểm đó Matxcova đã không còn đủ sức để phản kháng và một “Damansky-69” nữa chắc chắn sẽ không xảy ra.

Và mọi việc đã xảy ra đúng như vậy

Ngay từ đầu tháng 2 năm 1989, khi mà tất cả các chính khách, kể cả các nhà lãnh đạo Phương Tây, vẫn chưa thể hình dung nổi kịch bản Liên Xô sụp đổ, Bắc Kinh đã khẳng định những tuyên bố đòi chủ quyền của mình không chỉ đối với các đảo trên sông của Liên Xô.

Chính xác hơn, theo biên bản tốc ký ghi lại nội dung cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadze tại Thượng Hải, Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố như sau:

“….Một số vùng đất rộng lớn (của Liên Xô hiện nay) thuộc về Trung Quốc, và tôi (Đặng Tiểu Bình) tin chắc rằng các thế hệ tương lai sẽ giải quyết được vấn đề này. Ai sẽ là người may mắn, hiện giờ không thể nói trước được.

Người Trung Quốc biết cách kiên nhẫn chờ đợi. Tôi đề nghị các vị chuyển tới Gorbachev (ý kiến của tôi- Đặng Tiểu Bình) rằng sẽ có những “khoảng trống” trong quan hệ giữa hai nước chúng ta nếu vấn đề hòn đảo (Damansky) không được giải quyết”.

Có vẻ như lập trường này của Bắc Kinh đã khiến Matxcơva thực sự lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự biên giới. Cùng với đó, Liên Xô càng suy yếu, Bắc Kinh ngày càng ráo riết đòi Matxcova phải giải quyết nhanh các vấn đề liên quan đến đảo Damansky và một số đảo biên giới khác.

Lập trường của Trung Quốc càng trở nên cứng rắn hơn khi vào năm 1990, theo Thỏa thuận Baker-Shevardnadze (hai ngoại trưởng Mỹ- Liên Xô-ND) tai tiếng, Liên Xô đã phải “nhượng” hơn 60% diện tích Biển Bering cho phía Mỹ.

Nói cách khác, cả Bắc Kinh và Washington đều đã không để phí thời gian khi một “nhà cải cách” như Gorbachev đang nắm quyền ở Liên Xô

Nhưng trên thực tế, đảo Damansky đã thực sự trở thành “Trân bảo đảo” của Trung Quốc ngay từ tháng 9 năm 1969. Về chuyện này, Đại tá nghỉ hưu Valery Sidorov, hiện đang là chủ tịch Hội các Cựu chiến binh đảo Damanski tại thành phố Sverdlovsk cho biết:

“Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch nước VNDCCH Hồ Chí Minh từ trần, Đoàn đại biểu Liên Xô dự lễ tang do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thủ tướng) Liên Xô Alexey Kosygin làm Trưởng đoàn, Đoàn đại biểu Trung Quốc do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (thủ tướng) Chu Ân Lai dẫn đầu.

Trong cuộc gặp chớp nhoáng tại Hà Nội – họ đã đồng ý sau đó sẽ hội đàm tiếp– và cuộc gặp đã diễn ra ngay tại sân bay Bắc Kinh vào ngày 11 tháng 9, khi A. Kosygin trên đường trở về Liên Xô.

Nhưng trước đó, từ ngày 10/9, Bộ đội biên phòng (Liên Xô) được lệnh ngừng bắn, và người Trung Quốc ngay lập tức chiếm đóng đảo Damansky. (Trong khi) Hai thủ tướng nhất trí rằng tất cả các vấn đề tranh chấp biên giới cần được giải quyết thông qua đàm phán”.

Sau Damansky là gì?

Cùng với đó, ngay từ năm 1971, các chuyên gia Trung Quốc đã nhận ra những dấu hiệu “mềm mỏng” ngày càng tăng trong lập trường của Matxcova trước các yêu sách đòi chủ quyền của CHND Trung Hoa đối với một số đảo biên giới tranh chấp.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, Matxcơva thực sự lo ngại khả năng CHND Trung Hoa cấu kết với Mỹ để chống Liên Xô, chính vì thế những động thái của (Liên Xô) cho thấy rằng tuy Matxcova không chấp nhận “nhún nhường” ngay lập tức, nhưng sẽ có nhượng bộ thêm về vấn đề biên giới.

Theo nhận định của những chuyên gia Trung Quốc nói trên, xu hướng “chấp nhận nhượng bộ” của Liên Xô trong các vấn đề biên giới bắt đầu thể hiện rõ hơn hơn sau các ngày 9-12 tháng 7 năm 1971 – tức sau chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger.

Trong các năm 1991-2005, trong khuôn khổ các cuộc đàm phán phân định biên giới tiếp theo và các hiệp định biên giới bổ sung với CHND Trung Hoa (trong các năm 1994, 2004), phía Nga đã “trao trả” thêm cho phía Trung Quốc 600 hòn đảo trên các con sông biên giới cùng 1.500 ha trên đất liền khác.

Nhưng có vẻ như cho đến tận bây giờ người Trung Quốc vẫn chưa quên được những yêu sách lãnh thổ khác của mình đối với Nga.

Cụ thể, vào ngày 5/11/2015, tờ “China Daily”, cơ quan ngôn luận của Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã cho đăng tải một bài báo bàn về tranh chấp lãnh thổ Nga-Trung. Trong bài báo này có đoạn khẳng định rằng: “…

Nước Nga mới chỉ trao trả lại cho Trung Quốc một phần rất nhỏ trong hơn 1 triệu 500 nghìn km2 lãnh thổ. Những khu vực lãnh thổ (1.500.000 km2) mà Nga đã tước đoạt của Trung Quốc theo các hiệp ước bất công, bắt đầu từ (hiệp ước) năm 1858”.

Điều đáng lưu ý là nội dung những yêu sách này rất trùng hợp với các điểm cốt lõi trong tuyên bố mà phía Trung Quốc đưa ra vào năm 1964 trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về biên giới với Liên Xô.

Mà đó cụ thể là: có 1.540 nghìn km2 đất của Liên Xô (lúc đó) là những vùng đất mà Nga hoàng đã “cưỡng chiếm” của Trung Quốc trước đây.

RELATED ARTICLES

Tin mới