Saturday, April 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNông sản khó sang TQ: Bài học từ Thái Lan

Nông sản khó sang TQ: Bài học từ Thái Lan

Khi thị trường bão hòa, Trung Quốc đã cân bằng được nguồn cung thì nhu cầu tiêu thụ chuối của Việt Nam không còn cao nữa.

Hạn chế nhập khẩu, nông sản bí đầu ra

Trung Quốc liên tục thay đổi chính sách biên mậu, khiến hàng nghìn tấn chuối, thanh long tại các tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Bình Thuận, Vĩnh Long, Long An… bị tồn đọng, chưa tìm được phương án tiêu thụ. Đây đều là những cây chủ lực trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Không quá bất ngờ trước thực trạng trên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, đây là kịch bản cũ năm nào cũng lặp lại mỗi khi vào mùa thu hoạch.

“Hầu như năm nào đến mùa vụ thu hoạch cũng xảy ra tình trạng nông sản khó sang Trung Quốc do tắc đường biên, không được thông quan… Riêng năm nay khó khăn hơn do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp và kéo dài”, ông Nguyên nói.

Tuy nhiên, phân tích sâu hơn, ông Nguyên cho rằng, việc Trung Quốc liên tục đưa ra những thay đổi về chính sách nhập khẩu chuối, thanh long của Việt Nam thời gian gần đây còn có mục đích nhằm hạn chế nhập khẩu do lo ngại dư thừa nguồn cung trong nước họ.

“Như đã cảnh báo từ lâu, Trung Quốc bên cạnh nhập khẩu chuối, thanh long tại Việt Nam cũng đã đồng thời mở rộng diện tích trồng tại các nước khác như Thái Lan, Lào..

Chính vì vậy, ngoài khó khăn do dịch bệnh, hai mặt hàng chủ lực xuất sang Trung Quốc là chuối và thanh long còn có nguy cơ dư thừa, tồn đọng lớn do bị trùng mùa vụ thu hoạch với Trung Quốc. Bài toán tồn đọng này sẽ không chỉ diễn ra trong một vài năm mà sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn về lâu dài, trong tương lai khi Trung Quốc đã chủ động được nguồn cung và ưu tiên nhập khẩu với những diện tích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia sản xuất.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu, đó là chính sách bảo vệ giá và hàng hóa do chính nông dân của họ làm ra. Đồng nghĩa sẽ khiến giá chuối, thanh long của Việt Nam có nguy cơ rớt thảm do không tìm được đầu ra.

Mặt khác, hiện vẫn đang ở thời điểm giao vụ, những sản phẩm tiêu thụ vào mùa hè tại Trung Quốc có xu hướng không ưu tiên chuối, thay vào đó là những loại hoa quả có nhiều nước, nhiều vitamin C để tăng cường sức khỏe. Vì điều này, chuối cũng không phải là sản phẩm được người dân Trung Quốc ưu tiên lựa chọn nhiều ở thời điểm này.

Trước đây, Trung Quốc nhập khẩu chuối của Việt Nam nhiều là do nguồn cung còn hạn chế, nước này chưa mở rộng diện tích trồng và cũng chưa có nhiều nước cạnh tranh. Thời điểm đó, chuối của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ ở mức từ 10-12%. Hiện nay, tỉ lệ này đã lên tới 60-80%. Khi thị trường bão hòa, Trung Quốc đã cân bằng được nguồn cung thì nhu cầu tiêu thụ chuối của Việt Nam không còn cao nữa. Vì thế, việc tạm ngừng nhập khẩu chuối, thanh long có thể xem là cách Trung Quốc hạn chế, giảm bớt dần lượng hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc để ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trong nước trước.

Còn với thanh long, hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc rất lớn, mỗi năm vẫn tiếp tục mở rộng và tăng thêm tới 10%, do đó, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc không còn cao như trước đây.

Về lâu dài, đây là bài toán mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải tính.

Ngoài việc duy trì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần phải mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới.

Điều quan trọng nhất hiện nay là áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Bài toán tiêu thụ thanh long, chuối của Việt Nam hiện không chỉ có tìm thị trường tiêu thụ mà còn phải lo cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc ở các thị trường khác cả về giá và chất lượng”, ông Nguyên nói.

Bài học gỡ khó từ Thái Lan

Để gỡ khó cho nông sản, cụ thể là chuối và thanh long, ông Nguyên cho rằng cần tập trung các giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh tiêu thụ, tăng cường chế biến.

Cụ thể, ông Nguyên nói rõ, việc trước hết là hạn chế mở rộng diện tích trồng mới trong bối cảnh nguồn cung đang dư thừa. Tiếp theo là cải tạo giống, tạo ra những loại giống tốt cho chất lượng tốt, ví dụ như loại gạo ST25 của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu và đủ sức cạnh tranh trên thị trường nhiều nước.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu.

Theo ông Nguyên, thị trường nội địa hiện đang bị đông cứng do dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu thụ. Trong khi việc xuất khẩu cũng đang gặp nhiều khó khăn khiến nông sản trong nước khó càng thêm khó.

Do đó, cần phải tính toán khơi thông dòng tiêu thụ nội tiêu (tiêu thụ trên thị trường nội địa) để gỡ khó một phần cho bà con nông dân.

Hiện nay, nông sản nhiều vùng không tiêu thụ được, phải đổ bỏ trong khi những địa phương khác trên cả nước muốn ăn vẫn không có. Ví dụ, thanh long tại Bình Thuận bán đổ với giá vài ngàn đồng một kilogam, nhưng tại TP.HCM người dân đang mua tới 60 ngàn đồng/1kg mà không có. Rõ ràng, là khâu tổ chức tiêu thụ đang có vấn đề.

Có rất nhiều hình thức bán trong nước như bán hàng online, chợ truyền thống, chợ đầu mối, siêu thị chưa được kết nối, chưa được làm tốt, ông Nguyên cho rằng có lỗi từ phía cơ quan quản lý.

Theo ông Nguyên, bài học tiêu thụ tại Thái Lan là bài học hay mà Việt Nam cần tham khảo.

Theo đó, để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước, Thái Lan thực hiện chính trợ giá cho các hoạt động tiêu thụ nội tiêu với các mặt hàng sản xuất trong nước.

Ví dụ, với các doanh nghiệp cứ bán được một tấn hàng thì sẽ được nhà nước hỗ trợ thẳng bằng bao nhiêu tiền.

Với nông dân muốn bán hàng qua các hình thức trực tuyến, online, bưu điện… đều được miễn phí.

Những địa phương, cán bộ xã, phường có khả năng bán hàng, quảng bá hàng hóa đều được nhận tiền hỗ trợ, như một hình thức trả thưởng.

Tại các điểm dừng đỗ đông người như cây xăng được khuyến khích bày bán, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đều được trả thưởng trên từng kilogam bán được.

Đối với các hoạt động xuất khẩu, Thái Lan cũng có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức cùng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Cứ mỗi doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức thực hiện xuất khẩu được bao nhiêu hàng hóa đều được nhận mức thưởng tương đương.

“Ai cũng kêu chúng ta còn nghèo, không thể thực hiện trợ giá, tuy nhiên, không ai nhìn vào chi phí trung gian trong sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ tại Việt Nam đang quá lớn, quá lãng phí.

Chỉ cần rút gọn các bước trung gian, tiết kiệm chi phí, tập trung đầu tư, khuyến khích cho các hoạt động tiêu thụ trực tiếp sẽ vừa mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, vừa kích thích nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Về phía nhà nước, vừa kích thích được hoạt động sản xuất, tiêu thụ cũng như hoạt động xuất khẩu, vừa giải quyết được bài toán giải cứu nông sản, vừa có nguồn thu từ các hoạt động mua bán, giao thương thông suốt”, ông Nguyên đề xuất.

RELATED ARTICLES

Tin mới