Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAi “ức hiếp” ai?

Ai “ức hiếp” ai?

Trong khi tại Hội nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói những điều trơn tru về hòa bình, hữu nghị, không gây ra những hành động bất ổn trên Biển Đông thì quân đội nước này đã làm ngược lại những lời nói hoa mĩ đó.

Theo thông tin mới nhất từ nguồn tin của Trung Quốc, hôm 18/9, tờ Thời báo Hoàn Cầu và tài khoản WeChat của Trung Quốc công bố, quân đội nước này đã đưa máy bay vận tải Y-20 hạ cánh xuống các đảo Chữ Thập, Su Bi và Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Điều ngạc nhiên nhất là loại máy bay hiện đại này vốn chỉ dùng chở hàng hóa, vũ khí, binh sĩ ốm yếu cần được điều trị, thì nay dùng chở lính. Con “quái vật” này đã đáp xuống các đảo để chở những người lính hết hạn đồn trú tại các đảo và đá ngầm trở về Đại lục.

Không hề giấu diếm những thông tin được hiểu là “cơ mật” này, WeChat đăng ảnh những người lính Trung Quốc đợi máy bay tới và đang lên máy bay để trở về đất liền. Cư dân mạng Wula bình luận: “Các chiến sĩ ưu tú thật vinh dự khi được trở về đất liền bằng Y-20”. Nhiều khả năng Y-20 đã hạ cánh xuống cả ba sân bay trên ba đảo trong cùng một ngày.                         

Lần giở lại sự kiện không quân Trung Quốc ra đảo Trường Sa, vào cuối năm 2020, trang South China Morning Post của Hồng Kông đăng lại hình ảnh vệ tinh cho thấy, ngày 25/12/2020, một máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 do Trung Quốc sản xuất đã xuất hiện trên đường băng sân bay ở đá Chữ Thập.

Trong một diễn biến khác, ngày 31/5/2021, một đội hình gồm 16 máy bay quân sự của Không quân Trung Quốc, trong đó có loại Y-20 đã bay tuần tra Biển Đông. Hành động này đã bị Malaysia lên án vì xâm nhập vùng trời của nước này. Thế nhưng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thản nhiên nói rằng: “Đây là hoạt động bay huấn luyện thường kỳ do Không quân Trung Quốc thực hiện ở vùng biển phía nam Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam). Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật pháp quốc tế và không đi vào vùng trời của các quốc gia khác”. Ô hay, anh dám bay vào vùng trời của tôi, ngang nhiên như vào bãi trống mà lại xưng xưng nói rằng “tuân thủ nghiêm ngặt”. Thật là giọng điệu dối trá của kẻ cướp!

Tờ Thời báo Hoàn cầu, dẫn lời chuyên gia quân sự Trương Học Phong: Việc máy bay vận tải Y-20 xuất hiện tại đây cho thấy các sân bay trên các bãi đá ngầm ở Trường Sa hoàn toàn có thể đáp ứng các điều kiện cho máy bay cỡ lớn cất và hạ cánh. Ông Trương ngầm ý nói rằng, quân đội nước này có khả năng nhanh chóng phản ứng tại các đảo và đá ngầm trên Biển Đông. Vì thế việc triển khai lực lượng chiến đấu tại các đảo và đá ngầm họ đang chiếm giữ là dễ như trở bàn tay.

Một tờ báo khác, theo trang tin Sina, 18/9 là một ngày đặc biệt, kỷ niệm 90 năm xảy ra “Sự biến 18/9”. Vào ngày này năm 1931, quân đội Nhật Bản đã nổ súng tấn công chiếm các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Rạng sáng thứ bảy tuần trước, 18/9/2021, Trung Quốc đã cho kéo còi báo động phòng không trên khắp đất nước. Theo Sina đó là tiếng còi nhắc nhở người dân không được quên thảm kịch này, không được để lịch sử lặp lại.

Báo chí Trung Quốc ngang ngược tuyên bố, sức mạnh dân tộc của họ đang dâng lên mạnh mẽ. Sự kiện máy bay vận tải lớn tầm xa trong nước có thể vươn tới cực nam của đất nước và đáp xuống các đảo ở Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) để đón lính xuất ngũ, cho thấy thời Trung Quốc bị “ức hiếp” đã vĩnh viễn qua đi (!).

Không còn nghi ngờ hay băn khoăn gì nữa. Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa máy bay vận tải hạng nặng lớn nhất tới sân bay trên đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép, đã khiến tình hình Biển Đông càng thêm căng thẳng. Phải khẳng định, đây là bước leo thang quân sự hóa nguy hiểm của Trung Quốc.

Theo các nguồn tin quân sự, máy bay vận tải Y-20 do Tập đoàn Tây An của Trung Quốc hợp tác với Hãng Antonov của Ukraine phát triển, chế tạo. Máy bay Y-20 cất cánh bay thử nghiệm lần đầu vào tháng 1-2013 và đưa vào biên chế của quân đội Trung Quốc từ tháng 7-2016. Hiện quân đội Trung Quốc có 26 chiếc máy bay vận tải hạng nặng này.

Y-20 có khả năng chở tới 55 tấn hàng, tốc độ tối đa hơn 900km/giờ, trần bay 13.000m. Trước đó, vào tháng 1-2018, Quân đội Trung Quốc đã đưa máy bay Y-8  tới sân bay trên đá Chữ Thập. Tháng 5-2020, triển khai cùng lúc máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay tuần tra săn ngầm KQ-200 cũng trên đá Chữ Thập.

Nay Trung Quốc đưa máy bay Y-20 được cho là hiện đại nhất ra Trường Sa là sự tiếp nối của hành động quân sự  hóa, là bước leo thang mới nguy hiểm, khẳng định bản chất ngoan cố và đầy hiếu chiến của Bắc Kinh. Mục tiêu của Quân đội Trung Quốc là, tiến thêm một bước trong việc biến thực thể chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa thành một căn cứ quân sự, bàn đạp quân sự quy mô lớn nhằm thực hiện tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ sau khi phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh về đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không trên các đá Subi, Vành khăn Chữ Thập đã cho rằng, việc Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một chuỗi toan tính rất bài bản, trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế.

Họ đã và đang xây dựng nơi đây thành các căn cứ không quân và hải quân, kết nối chúng thành một hệ thống căn cứ quân sự trở thành bàn đạp phục vụ cho mục tiêu đòi chủ quyền phi pháp theo yêu sách “Đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ Sa”.

Với việc xuất hiện “quái vật” Y-20 ở Trường Sa để đưa những người lính “hoàn thành nhiệm vụ” trở về, Trung Quốc dù có nói  bao nhiêu điều ngụy biện cũng không thể che giấu nổi hành động ngày càng hiếu chiến, bất chấp pháp luật quốc tế, lấn lướt, bắt nạt các nước yếu thế hơn trong khu vực. Vậy mà họ vẫn leo lẻo nói rằng, Mỹ và các “tiểu bá” đang tìm cách vấy bẩn, giở trò “ức hiếp” Trung Quốc. Họ cố gắng làm mọi điều cũng là “cuộc chiến đấu”… tự bảo vệ (!).

RELATED ARTICLES

Tin mới