Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ - Ấn chạy đua giành ảnh hưởng ở Sri Lanka

TQ – Ấn chạy đua giành ảnh hưởng ở Sri Lanka

Một công ty Ấn Độ đã ký thỏa thuận trị giá 700 triệu USD xây dựng một cầu cảng nước sâu ở Sri Lanka trong một động thái được cho là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 1/10 đưa tin, Cơ quan Cảng vụ Sri Lanka (SLPA) cho biết vừa ký một thỏa thuận với công ty Adani của Ấn Độ để xây dựng một cầu cảng mới ngay cạnh cầu cảng do Trung Quốc xây dựng tại cảng nước sâu ở thành phố Colombo.

“Hợp đồng trị giá hơn 700 triệu USD này là đầu tư nước ngoài lớn nhất vào lĩnh vực cảng biển của Sri Lanka”, SLPA cho biết.

Theo SLPA, Adani sẽ hợp tác với tập đoàn John Keells và SLPA trong dự án này. Tập đoàn John Keells cho biết, họ sẽ nắm 34% cổ phần, trong khi Adani nắm 51% cổ phần điều hành trong công ty liên doanh.

Cầu cảng mới dự kiến có chiều dài khoảng 1,4 km, độ sâu trước bến là 20 m và có thể xử lý 3,2 triệu container mỗi năm. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến hoàn tất trong vòng 2 năm với 600 m cầu cảng. Cầu cảng sẽ được chuyển quyền khai thác cho Sri Lanka sau 35 năm.

Dự án được coi là một trong những nỗ lực của Ấn Độ nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Sri Lanka. Colombo có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, nằm giữa các trung tâm giao thương quốc tế Dubai và Singapore.

Tháng 12/2017, do không thể hoàn trả khoản nợ lớn cho Trung Quốc, chính phủ Sri Lanka đồng ý cho công ty China Merchants Port Holdings của Trung Quốc thuê cảng Hambantota ở Colombo trong vòng 99 năm. Tọa lạc ở vị trí có tầm quan trọng chiến lược, cảng Hambantota nằm gần trung tâm tuyến vận tải biển nhộn nhịp thuộc miền Nam Sri Lanka, nhìn ra Ấn Độ Dương. Đây cũng là nơi hơn 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua.

Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Sri Lanka đã trở thành một phần của sáng kiến Một vành đai, một con đường của Bắc Kinh. Điều này khiến Ấn Độ lo ngại Trung Quốc sử dụng cảng gần bờ biển phía nam cho các mục đích chiến lược hoặc quân sự trong tương lai. Các nước như Mỹ, Ấn Độ cũng lo ngại Bắc Kinh sẽ mở rộng sự hiện diện cả về kinh tế và quân sự ở Ấn Độ Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới