Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiManila và cuộc chiến công hàm

Manila và cuộc chiến công hàm

“Cuộc chiến công hàm” về Biển Đông được nói nhiều từ những tháng cuối năm 2020. Thời điểm này, Philippines – quốc gia từng tham gia “cuộc chiến công hàm” năm ngoái, tiếp tục cho thấy, họ sẽ kiên trì cuộc chiến công hàm của riêng mình.

Tàu chiến Malaysia trong một cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông

Còn nhớ, cuối năm ngoái, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến “cuộc chiến công hàm” liên quan đến vấn đề Biển Đông khi một loạt nước gửi công thư, công hàm lên Liên Hợp Quốc về vấn đề này. Các chuyên gia “đếm” rằng, có tới 10 quốc gia, gồm: Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Đức, muộn hơn chút là Nhật Bản, đã gửi công hàm tới LHQ thể hiện quan điểm, đồng thời đề nghị tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này xem xét, hối thúc các bên liên quan giải quyết vấn đề Biển Đông một cách thiện chí, hòa bình, dựa trên cơ sở công pháp quốc tế, trong đó có Phán quyết của Tòa trọng tài (PCA), thay vì những hành động đối đầu căng thẳng.

Trung Quốc cũng có nhiều công hàm trả đũa đệ trình lên LHQ. Dĩ nhiên, họ một mình một phe, vì trong vấn đề Biển Đông, cường quốc này luôn đối đầu với các bên còn lại với cái “lưỡi bò” tham lam nuốt hầu hết Biển Đông mà họ đơn phương đưa ra và áp đặt.

Trong các bên liên quan yêu sách chủ quyền Biển Đông, Philippines, được coi là quốc gia sử dụng vũ khí công hàm để phản ứng Trung Quốc nhiều nhất. Đây không phải một nhận định tù mù. Nó được chính Ivy Banzon-Abalos, phụ trách về truyền thông chiến lược của Bộ Ngoại giao Philippines, khẳng định trước báo chí, hồi tháng 5/2021. Cụ thể, quan chức này cho biết: “Chúng tôi đã nộp 99 công hàm phản đối (Trung Quốc), tính đến ngày 28/5/2021″.

Con số đó khiến dư luận ngỡ ngàng. Nó cho thấy, Manila không nói suông. Không nói suông bởi trước đó non một tháng, vào ngày 7/4, trên tài khoản cá nhân mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Philippines, ông Teodoro Locsin, cùng với thông báo việc nước này vừa gửi một công hàm tới phía Trung Quốc để phản đối tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Philippines, đã cảnh báo, việc phản đối bằng công hàm này sẽ được Philippines “thực hiện hàng ngày” nếu như những tàu thuyền Trung Quốc thực sự đang có hoạt động đánh bắt.

Thời điểm này, dư luận và cộng đồng quốc tế chưa chứng kiến một “cuộc chiến công hàm” rầm rộ tái diễn với sự góp mặt của nhiều quốc gia, nhưng đang tiếp tục chứng kiến sự bền bỉ của Philippines trong việc sử dụng hình thức công hàm để phản đối những hành động quấy nhiễu, gây hấn của Trung Quốc.

Biểu tượng cho tinh thần này, vẫn là Ngoại trưởng Philippines, ông Teodoro Locsin Jr. Hôm 30/9 vừa qua, khi đang tại Mỹ trong chuyến công du, vẫn là ông, qua mạng xã hội Twitter, đã yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này tiếp tục trao công hàm phản đối mới đến Bắc Kinh khi nhận được báo cáo liên quan việc Trung Quốc duy trì sự hiện diện của hơn 100 tàu thuyền của họ ở vùng lãnh hải mà Manila tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Teodoro Locsin Jr còn yêu cầu Bộ Ngoại giao Philippines trao công hàm phản đối việc Trung Quốc phát tín hiệu radio thách thức hoạt động tuần tra hàng hải của Philippines và phản đối sự hiện diện kéo dài của các tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc ở đá Khúc Giác thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) – điều mà ông phẫn nộ gọi là phi pháp.

Năm ngoái, công hàm mở đầu của Malaysia đã mở màn “cuộc chiến công hàm” kéo theo sự tham gia của 8 quốc gia trong và ngoài khu vực. Năm nay, sự kiên trì của Philippines – quốc gia láng giềng của Malaysia – liệu có kéo thêm một quốc gia nào khác vào cuộc?

RELATED ARTICLES

Tin mới