Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSáu điều rút ra từ Hội thảo quốc tế về Biển Đông...

Sáu điều rút ra từ Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13

Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề “Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn” được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 18-19/11/2021.

Từ năm 2009, lần đầu tiên Hội thảo quốc tế về Biển Đông được tổ chức và được duy trì đều đặn hàng năm. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hội thảo lần thức 12 và lần này được tổ chức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần này quy tụ hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu quốc tế có uy tín (180 đại biểu tham gia trực tiếp và khoàng 400 đại biểu tham dự trực tuyến) từ 30 quốc gia trên các châu lục, trong đó có 90 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm 15 Đại sứ).

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần này quy tụ hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu quốc tế có uy tín

Tại 8 phiên thảo luận trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, đã có gần 60 diễn giả trình bày các báo cáo của mình tập trung vào các nội dung đang được quốc tế quan tâm như diễn biến liên quan đến khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng cả từ khía cạnh địa chính trị và pháp lý; vai trò và tầm nhìn của ASEAN về Biển Đông; các vấn đề an ninh biển truyền thống và phi truyền thống nổi lên hiện nay. Qua các tham luận và ý kiến thảo luận tại Hội thảo lần này, có thể rút ra một số điểm sau:

Một là, tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp và cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường ngày càng gay gắt quyết liệt. Một số ý kiến chỉ ra rằng, năm 2021 Trung Quốc tiếp tục lợi dụng đại dịch Covid-19 gia tăng các hoạt động hung hăng ở Biển Đông, mở rộng các hoạt động xâm lấn xuống phía Nam Biển Đông, sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Indonesia. Cùng với đó, Trung Quốc đơn phương đưa ra những bộ luật trái với các quy định của luật pháp quốc tế. Trung Quốc cũng tiến hành hàng chục cuộc tập trận ở Biển Đông, bao gồm bắn đạn thật, đổ bộ tấn công….

Đáp trả lại các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh cũng gia tăng các hoạt động ở Biển Đông. Bên cạnh các chiến dịch tự do hàng hải của hải quân Mỹ, các nước đồng minh, đối tác của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Canada, Úc, Nhật, Ấn Độ đã đưa tàu chiến đến hoạt động ở Biển Đông. Mỹ và các đồng minh cũng nhiều lần tiến hành tập trận song phương và đa phương ở Biển Đông.

Việc một bên là Trung Quốc và một bên là Mỹ cùng các đồng minh, đối tác tăng cường hoạt động ở Biển Đông khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp. Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới. Cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN.

Khi đánh giá về tình hình Biển Đông, Tiến sĩ Vannarith Chheang, Viện trưởng Viện Tầm nhìn châu Á của Campuchia đã sử dụng 8 chữ “biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ”, đồng thời cho rằng có 3 nguyên nhân gốc rễ gây ra căng thẳng và xung đột trong khu vực Biển Đông, bao gồm cạnh tranh Mỹ – Trung, quá trình quân sự hóa và chính trị đối nội.

Hai là, trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, các ý kiến đều đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Xuyên suốt Hội thảo, vai trò của UNCLOS 1982 trong giải quyết tranh chấp Biển Đông được các diễn giả và đại biểu liên tục nhấn mạnh.

Các ý kiến đều cho rằng UNCLOS đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp quy chế pháp lý để giải quyết bất đồng tại khu vực; khẳng định UNCLOS là cơ sở để giải quyết các tranh chấp, duy trì cục diện dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Một số chuyên gia đã vạch trần mưu đồ của Trung Quốc tìm cách giảm vai trò của UNCLOS như trong công hàm ngày 18/9/2020 đáp trả Anh, Pháp và Đức, Trung Quốc khẳng định “UNCLOS không bao hàm mọi vấn đề về trật tự hàng hải” hay việc Trung Quốc đơn phương ban hành các luật lệ trái với quy định của UNCLOS nhằm phá vỡ trật tự dựa trên pháp luật quốc tế ở Biển Đông.

Bà Amanda Milling, Bộ trưởng Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của Anh và ông Igor Driesmans, Đại sứ Liên minh châu Âu tại ASEAN nhấn mạnh các hành vi trên biển phải được điều chỉnh bởi UNCLOS.

Giáo sư luật quốc tế Kentaro Nishimoto từ Đại học Tohoku (Nhật Bản) cho rằng “UNCLOS có quy tắc rõ ràng về các quyền hàng hải” và “đó cũng là kết quả của phán quyết trọng tài mà UNCLOS cung cấp cơ chế pháp lý toàn diện cho vùng đặc quyền kinh tế, thay thế mọi tuyên bố về quyền lịch sử”. Trong khi đó, giáo sư Jay Batongbacal của Đại học Philippines nhận định các bên liên quan tranh chấp Biển Đông không nên áp đặt cách hiểu của riêng mình về quyền, mà nên tìm cách giải quyết các tranh chấp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Ba là, Trung Quốc ngày càng đơn độc, nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ các yêu sách và hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Các chuyên gia Trung Quốc bị phản bác ngay tại Hội thảo. Bà Bộ trưởng Amanda Milling phát biểu: “Chúng tôi phản đối yêu sách của Trung Quốc dựa trên cái gọi là ‘đường 9 đoạn’, vì chúng không được dựa trên UNCLOS”.

Các học giả Nhật Bản và Mỹ phản đối việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài cùng ý định muốn đẩy EU, Mỹ, Nhật Bản khỏi vấn đề Biển Đông. Ông Dereck Grossman, Chuyên gia phân tích Quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn RAND của Mỹ nhấn mạnh: “Thật kỳ lạ khi Trung Quốc tuyên bố ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ, trong khi chính họ không tuân thủ phán quyết năm 2016” và cho rằng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra nhiều hậu quả đối với uy tín của chính nước này trong khu vực cũng như thế giới.

Khi chuyên gia Trung Quốc chỉ trích sự tham gia của các lực lượng bên ngoài vào giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối và thẳng thừng bác bỏ. ông Yoji Koda, cựu Phó Đô đốc Hải quân Nhật Bản nhấn mạnh Nhật, Mỹ và EU không đứng ngoài cuộc trong vấn đề Biển Đông vì vùng biển này không chỉ của các quốc gia ven biển, mà còn của nhiều quốc gia khác, miễn là vùng hoạt động trên Biển Đông nằm ở hải phận quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh “việc Mỹ, Nhật Bản và EU hiện diện tại vùng biển này cũng không phải vấn đề mới, thậm chí xảy ra cách đây hơn 100 năm”.

Giáo sư Stephen Nagy thuộc khoa Nghiên cứu Chính trị và quốc tế, Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế tại Tokyo, cho rằng khi xuất hiện các bên khác tại Biển Đông, các nước Đông Nam Á sẽ có thêm đối tác để phối hợp và tăng cường sự tự chủ chiến lược. Điều này có thể giúp đem lại nhiều lựa chọn và nhiều nguồn lực hơn cho các nước có năng lực hạn chế, nhằm ứng phó sự bất cân xứng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.

Bốn là, hợp tác khoa học biển là biện pháp quan trọng để giảm căng thẳng và bảo vệ các lợi ích chung ở Biển Đông. Các ý kiến cho rằng Biển Đông có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, giàu tài nguyên thiên nhiên và bao gồm những lợi ích đan xen. Nếu không được giải quyết, căng thẳng có thể hủy hoại lòng tin chiến lược trong khu vực, đặt hòa bình, sự hợp tác và phát triển gặp rủi ro.

Trong bối cảnh đó, việc nâng cao hợp tác khoa học biển ở Biển Đông có ý nghĩa cấp bách, giúp xây dựng lòng tin, góp phần làm giảm căng thẳng, ứng phó với rủi ro và bảo vệ các lợi ích chung ở Biển Đông. Sự hợp tác khoa học biển ở Biển Đông được xác định là vấn đề ít nhạy cảm hơn, được khuyến khích trong UNCLOS 1982 nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển.

Tuy nhiên, hiện hợp tác khoa học ở Biển Đông đang đối mặt với những khó khăn và thách thức căn bản như: Sự khác biệt về nhận thức chung và ý chí chính trị của các bên; thiếu cơ chế khu vực để thúc đẩy hợp tác về khoa học biển; sự không rõ ràng trong mục đích dân sự và quân sự của các nghiên cứu trên biển; việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết….

Để thúc đẩy sự hợp tác khoa học biển ở Biển Đông đạt hiệu quả, góp phần duy trì hòa bình ổn định, thịnh vượng và bảo vệ môi trường ở Biển Đông, khoa học biển, các bên cần tuân thủ các nguyên tắc hợp tác sau: bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp khu vực và quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Năm là, khía cạnh lịch sử liên quan đến tranh chấp Biển Đông được các học giả trao đổi thẳng thắn, thực chất. Đáng chú ý có những tài liệu lịch sử mới bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được công bố. Các chuyên gia Trung Quốc, Anh, Pháp và Việt Nam đã thảo luận sôi nổi về các sự kiện và bằng chứng lịch sử liên quan đến tranh chấp Biển Đông, cũng như ý nghĩa của các dữ kiện lịch sử này với chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa.

Tài liệu mới được công bố tại Hội thảo chứng minh cho đến cuối Thế kỷ 19 năm 1899, triều đình phong kiến Trung Quốc vẫn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc phạm vi quản lý của nước này. Ghi chép của thiền sư nổi tiếng Trung Quốc Xu Shillun khẳng định Trường Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của triều Nguyễn Việt Nam là một tài liệu lịch sử có giá trị chứng minh rất cao liên quan vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Các học giả đã trao đổi về văn kiện Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951 nhân tròn 70 năm ký kết, mà tại Hội nghị San Francisco khi đó, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam – Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các học giả đã chia sẻ những nghiên cứu khẳng định Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951 không làm thay đổi hay tác động tiêu cực đến chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Sáu là, cần phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong duy trì hòa bình và tự do an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Trong bối cảnh tình hình khu vực diễn biến phức tạp, cạnh tranh Trung – Mỹ ngày càng gay gắt, các cấu trúc mới đang được hình thành, các bên đều cần tranh thủ ASEAN; các nước lớn đều nói đến vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng tìm cách khai thác nó có lợi cho mình thì việc các nước ASEAN duy trì sự đoàn kết là hết sức cần thiết, được coi là chìa khóa để ASEAN phát huy vai trò trung tâm của mình trên các vấn đề khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty M. Natalegawa thẳng thắn chỉ ra rằng, ASEAN chưa có tiếng nói chung về tranh chấp Biển Đông; một số nước tỏ ra lo ngại, quan tâm, còn số khác thì không. Điều này có thể ảnh hưởng đến vai trò trung tâm của ASEAN.

Phát biểu tại Hội thảo, các chuyên gia nhận định Biển Đông nằm ở vị trí trung tâm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Diễn biến ở đây dễ trở thành tiền lệ được nhân lên trong toàn bộ khu vực và các khu vực khác. Cạnh tranh giữa các nước lớn tác động thuận và ngược chiều đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Các nước ASEAN đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp toàn diện, cố gắng quản lý, kiểm soát xung đột, không làm leo thang căng thẳng, tránh bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh nước lớn.

Các ý kiến tại Hội thảo đều nhấn mạnh các quốc gia ASEAN cần phối hợp, đoàn kết, có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn, định hướng chính sách rõ ràng, để tăng cường lập trường nội khối, khẳng định vai trò trung tâm trong quan hệ với các nước lớn; duy trì lập trường thống nhất trên vấn đề Biển Đông bảo đảm tuân thủ và thực thi đầy đủ công cụ luật pháp quốc tế, mang lại tương lai bền vững, ổn định trong khu vực. Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 đã khép lại, song dư âm của nó còn tiếp tục vang xa. Với những điều rút ra từ Hội thảo lần này cho thấy đây là diễn đàn uy tín hàng đầu ở khu vực để thảo luận về hợp tác và phát triển ở Biển Đông cũng như đóng góp vào việc giải quyết hòa bình tranh chấp, duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

Thực Nguyễn

RELATED ARTICLES

Tin mới