Thursday, March 28, 2024
Trang chủQuân sựLực lượng An ninh trên không Việt Nam và câu chuyện của...

Lực lượng An ninh trên không Việt Nam và câu chuyện của cảnh sát Mỹ

Việc Lực lượng An ninh trên không Việt Nam ra mắt khiến nhiều người muốn tìm hiểu về cảnh sát trên máy bay của nước ngoài, nhất là ở Mỹ.

Trung tá Phan Huy Văn, Trưởng phòng An ninh trên không tuyên thệ, nhận nhiệm vụ tại buổi lễ công bố quyết định.

Mới đây, ngày 15/11/2021, Bộ Công an đã tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Phòng An ninh trên không thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Việc Lực lượng An ninh trên không Việt Nam ra mắt khiến cho nhiều người băn khoăn, muốn tìm hiểu về lực lượng an ninh trên máy bay của nước ngoài, nhất là ở Mỹ, nơi lực lượng Cảnh sát hàng không rất nổi tiếng cả trong thực tế và trên phim ảnh.

Lực lượng an ninh trên không đầu tiên trên thế giới

Là một quốc gia có ngành hàng không dân dụng phát triển nhất thế giới, Hoa Kỳ đã sớm quan tâm đến việc đảm bảo an ninh trên chuyến bay, chống lại các âm mưu không tặc. Năm 1961, Tổng thống John F.Kennedy đã ra lệnh triển khai các nhân viên hành pháp liên bang để làm nhiệm vụ an ninh trên những chuyến bay có nguy cơ cao.

Cơ quan Cảnh sát Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (U.S. Federal Air Marshal Service) chính thức hoạt động ngày 02/03/1962, với khởi điểm ban đầu là 18 tình nguyện viên từ Phòng Tiêu chuẩn Hàng không của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).

Các tình nguyện viên này tham gia chương trình nhân viên vũ trang của FAA, và được lực lượng biên phòng Mỹ huấn luyện tại Texas, trở thành nòng cốt cho Phòng An ninh Hàng không dân dụng của FAA.

Các nhân viên an ninh của FAA cũng được huấn luyện bắn đạn thật và cận chiến tầm gần tại Học viện FBI, nằm trong khu thao trường huấn luyện của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Quantico, bang Virginia.

Đến năm 1963, trong một bài viết trên tạp chí Horizons của FAA, các sĩ quan an ninh trên không này được gọi là ” Cảnh sát bầu trời ” (Sky Marshal), và tên gọi này đã trở thành biệt hiệu của lực lượng này.

Bước sang thập niên 70, FAA và Hải quan Hoa Kỳ đã hợp tác triển khai chương trình “Cảnh sát Bầu trời” (Sky Marshal Program), đặt dưới sự lãnh đạo của tướng Benjamin O.Davis Jr, một cựu phi công.

Ngày 11/09/1970, để đối phó với các hành động không tặc ngày càng tăng của các phần tử Hồi giáo cực đoan, Tổng thống Richard Nixon đã ra lệnh triển khai ngay lập tức các đặc vụ liên bang có vũ trang trên máy bay thương mại Hoa Kỳ.

Ban đầu, các nhân viên được triển khai là các đặc vụ liên bang từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Sau đó, Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ đã thành lập Bộ Phận An ninh Hàng không và thiết lập vị trí Nhân viên An ninh Hải quan.

Khoảng 1.700 nhân viên an ninh hải quan đã được tuyển dụng và được đào tạo tại Virginia. Các nhân viên an ninh hải quan được triển khai trên các chuyến bay thương mại nội địa và quốc tế của Hoa Kỳ theo các nhóm 2-3 người, cũng như tham gia vào việc kiểm soát an ninh sân bay trên mặt đất.

Tuy nhiên, sau đó, FAA ban hành quy định về kiểm tra hành khách bắt buộc tại các sân bay, khiến cho lực lượng an ninh hải quan bị giải thể. Những người này không còn làm nhiệm vụ “cảnh sát bầu trời”, mà được trả về làm việc trong ngành hải quan Hoa Kỳ.

Vì lí do đó, đến năm 1974, có rất ít các sĩ quan cảnh sát trên không ở Mỹ. Mặc dù vậy, FAA vẫn duy trì một chương trình huấn luyện cho một nhóm nhỏ 10-12 sĩ quan an ninh trên máy bay.

Tình hình này chỉ thay đổi vào năm 1985, sau vụ không tặc trên chuyến bay 847 của hãng TWA, số lượng sĩ quan cảnh sát hàng không đã tăng lên đáng kể.

Chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan đã hậu thuẫn rất lớn về pháp lý cho lực lượng này thông qua Đạo luật Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế, cho phép cảnh sát hàng không mang súng của Hoa Kỳ có thể hoạt động trên toàn cầu để làm nhiệm vụ chống không tặc trên các chuyến bay quốc tế của nước Mỹ.

Ban đầu, nhiều quốc gia đã phản đối việc sĩ quan cảnh sát hàng không Mỹ mang súng trên chuyến bay vào nước họ, tuy nhiên bằng các điều ước quốc tế, mâu thuẫn này đã được hóa giải.

Năm 1992, Greg McLaughlin được bổ nhiệm làm Giám đốc Chương trình Cảnh sát Hàng không Liên bang. Với xuất thân là một cảnh sát hàng không được tuyển dụng sau vụ không tặc TWA 847, có kinh nghiệm điều tra vụ đánh bom trên chuyến bay Pan Am 103, McLaughlin đã chuyển Chương trình Cảnh sát Hàng không sang chế độ tự nguyện.

Vào thời điểm này, lực lượng cảnh sát hàng không Mỹ mặc dù có qui mô nhỏ nhưng cực kì tinh nhuệ. Theo một nghiên cứu của Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc nhiệm liên hợp (JSOC), các cảnh sát hàng không Hoa Kỳ nằm trong top 1% những tay súng chiến đấu hàng đầu thế giới.

Cảnh sát hàng không Mỹ hiện nay ra sao?

Mặc dù tinh nhuệ, nhưng điểm yếu của lực lượng cảnh sát hàng không chính là ở qui mô nhỏ. Trước khi cuộc khủng bố 11/09 xảy ra, Quốc hội Mỹ chỉ phê chuẩn 50 biên chế sĩ quan cảnh sát hàng không, và trên thực tế chỉ có 33 người đang làm nhiệm vụ. Với hàng chục ngàn chuyến bay thương mại nội địa và quốc tế mỗi ngày, con số này là quá ít ỏi.

Vì vậy, ngay sau thảm họa 11/09, Tổng thống George W.Bush đã nhanh chóng mở rộng lực lượng cảnh sát hàng không, với hàng trăm nhân viên đến từ nhiều lực lượng như biên phòng, quản lý trại giam, phòng chống ma túy, FBI, v.v… Đến tháng 08/2013, ước tính có đến 4.000 sĩ quan cảnh sát hàng không đang làm nhiệm vụ.

Ngày 16/10/2005, lực lượng cảnh sát hàng không được chuyển giao từ Cơ quan Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) sang cho Cục An ninh Vận tải (TSA) của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS).

Hiện nay, Cảnh sát Hàng không Hoa Kỳ được bố trí làm nhiệm vụ trên tất cả các chuyến bay quốc tế của Hoa Kỳ, cũng như trên một số chuyến bay nội địa có mức độ rủi ro cao.

Dù nhân lực đã được gia tăng, nhưng số sĩ quan cảnh sát hàng không vẫn là không đủ để bao quát hết 30.000 chuyến bay thương mại mỗi ngày ở Mỹ. Ước tính năm 2008 của kênh CNN cho thấy chỉ có 1% số chuyến bay nội địa có mặt sĩ quan cảnh sát hàng không.

Nhiệm vụ của các cảnh sát hàng không trên chuyến bay của Mỹ là hóa trang như một hành khách bình thường. Khi có nguy cơ khủng bố, không tặc hay mất an ninh trên máy bay, cảnh sát hàng không có thể bất ngờ can thiệp, hoặc chờ đợi để phối hợp với lực lượng ứng cứu nếu như đối phương quá áp đảo.

Mặc dù vậy, cho đến nay các cảnh sát hàng không chưa thực sự ngăn chặn được một vụ không tặc nào. Đa phần nhiệm vụ của họ là bắt giữ các hành khách say xỉn, gây gổ trên máy bay.

Công việc của cảnh sát hàng không Mỹ được mô tả là hơi nhàm chán, khi phải liên tục bay hàng ngày. Chỗ ngồi của cảnh sát hàng không cũng không khác gì các hành khách khác (đương nhiên họ khó có thể ngồi ghế hạng thương gia).

Khác với các hành khách khác có thể ngủ hay thưởng thức đồ ăn trên máy bay, cảnh sát hàng không phải liên tục cảnh giác, phải chống chọi với những cơn buồn ngủ và chênh lệch múi giờ (khi bay quốc tế).

Họ khó có thể mở bàn gấp ở trước mặt để ăn uống, vì điều này sẽ hạn chế khả năng nhanh chóng rời khỏi chỗ ngồi khi có tình huống. Họ cũng không thể cởi áo khoác, vì sẽ làm lộ ra khẩu súng ngắn của mình.

Thông thường, cảnh sát hàng không Mỹ sẽ sử dụng một khẩu súng ngắn gọn nhẹ kiểu SIG Sauer P229 hoặc SIG Sauer P339, dùi cui gấp gọn kiểu ASP 16, còng tay để khống chế tội phạm.

Nhiều người mô tả công việc của cảnh sát hàng không Mỹ là “chờ đợi nguy cơ không bao giờ đến”. Có nhiều ý kiến chỉ trích công tác quản lý của Cục An ninh vận tải đối với cảnh sát hàng không: Nhiều người phải bay liên tục, trong khi nhiều người khác chỉ ngồi ở văn phòng đọc báo cáo và chơi điện tử trên máy tính.

Việc khiếu nại của cảnh sát hàng không Mỹ là rất khó khăn vì các qui định bảo mật của ngành, trong khi nhiều người không được nghỉ ngơi đầy đủ giữa các chuyến bay.

Những áp lực tâm lý và sự phát triển quá nhanh của lực lượng cảnh sát hàng không sau vụ khủng bố 11/09 đã dẫn đến nhiều ứng viên không đạt chuẩn được tuyển dụng.

Việc huấn luyện cảnh sát hàng không cũng trở nên gấp gáp và sơ sài, đe dọa đến danh tiếng về sự chuyên nghiệp của lực lượng này trong quá khứ.

Do vậy, công đoàn của ngành cảnh sát hàng không đang vận động để các công đoàn viên của mình có thể có chế độ nghỉ ngơi tương tự như một số ngành nghề đặc thù như phi công, tiếp viên hàng không, tài xế tàu hỏa, nhân viên nhà máy điện hạt nhân, v.v…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới