Thursday, March 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao du khách quốc tế chưa mặn mà đến Việt Nam?

Vì sao du khách quốc tế chưa mặn mà đến Việt Nam?

Sau một tháng thí điểm đón khách quốc tế, vẫn chưa nhiều du khách đến Việt Nam do quy định cách ly dài ngày, thủ tục cấp phép, nhập cảnh rườm rà.

Đoàn khách Hàn Quốc gồm 204 người đến Phú Quốc hôm 20/11 là đoàn khách “hộ chiếu vaccine” đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay của đảo ngọc. 

Từ ngày 1/1/2022, Việt Nam sẽ thí điểm khôi phục 9 đường bay thương mại nối với Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles.

Đây được xem là điểm sáng cho ngành du lịch sau một thời gian chỉ được thực hiện các chuyến bay charter. Tuy nhiên, tương lai cụ thể vẫn còn bỏ ngỏ bởi hàng loạt nút thắt chưa được tháo gỡ.

Yêu cầu cách ly quá chặt

Theo các doanh nghiệp hàng không, lữ hành và điểm đến, cản trở lớn nhất lúc này là quy định cách ly.

“Khi chúng tôi đàm phán trực tiếp với phía Nga, Thụy Sĩ, thì cả 3 hãng hàng không đều nhấn mạnh bao giờ Việt Nam mở cửa, không yêu cầu cách ly với khách đã tiêm 2 mũi vaccine, thì họ mới bay”, ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Du lịch Nhật Minh, nói với Zing.

Do đó, đến nay Nhật Minh chưa đón đoàn khách quốc tế nào đến Việt Nam, dù đã sẵn sàng nguồn khách ước tính gần 2.000 người/tháng.

Còn bà B., đại diện một hệ thống lưu trú lớn cho biết hàng loạt lượt đặt phòng đang bị trì hoãn vì khách quốc tế không đồng ý cách ly dài ngày.

Thực tế, sau một tháng thí điểm đón khách “hộ chiếu vaccine” đến 5 địa phương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết tổng cộng chỉ đón 1.179 du khách, trong đó chưa ai đến Đà Nẵng và Quảng Ninh.

“Quy định này thật sự khó hiểu. Người dân trong nước đã tiêm đủ liều vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính được đi lại tự do, vậy tại sao người nhập cảnh đủ những điều kiện này lại không được tiếp xúc với ai?”, một chuyên gia giấu tên trong ngành đặt vấn đề.

Với hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, hành khách có “hộ chiếu vaccine” khi nhập cảnh Việt Nam từ ngày 1/1/2022 chỉ cần cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày, còn hành khách chưa tiêm đủ liều vaccine phải cách ly 7 ngày.

Theo TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, Việt Nam nên tham khảo cách mở cửa du lịch an toàn của các nước, đặc biệt là Thái Lan. Quốc gia này hiện mở cửa cho người đã tiêm vaccine từ 63 quốc gia với chính sách visa như trước dịch bệnh.

Thậm chí, ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác, tất cả khách quốc tế đã tiêm vaccine đều được chào đón, hoặc như Dubai chỉ yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR.

“Đã nói mở cửa thì phải mở đúng nghĩa, mở thực chất, không nên mở nhưng vẫn tạo ra hàng loạt rào cản, quy định, mở nửa vời làm khổ doanh nghiệp như hiện nay”, TS Lương Hoài Nam nói.

Thủ tục rườm rà

Bên cạnh đó, trong báo cáo sơ kết tình hình thí điểm đón khách quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng một trong những nguyên nhân gây khó khăn khi thu hút du khách là thủ tục thị thực.

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp đón khách du lịch quốc tế phải gửi văn bản đề nghị xét duyệt nhân sự nước ngoài nhập cảnh đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để được xem xét, trong khi du khách từ các thị trường trọng điểm trước đây như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga đã quen được miễn thị thực.

Thậm chí, nguồn tin của Zing tại một hãng hàng không lớn của Việt Nam cho rằng việc cấp phép bay cho các thị trường quốc tế vẫn đang giới hạn. “Hãng muốn khai thác, muốn đưa khách quốc tế tới du lịch thí điểm nhưng không thể tự quyết định lượng chuyến bay, tất cả đều phải được sự đồng ý của cơ quan chức năng”, nguồn tin chia sẻ.

Như với trường hợp của Sun Group, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh khối Sun World, cho biết đến nay hệ thống lưu trú, nghỉ dưỡng, giải trí của tập đoàn ở Phú Quốc vẫn chưa thể đón khách quốc tế vì thị trường mục tiêu là Nga chưa được cấp phép bay đến đảo ngọc.

“Khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam phải trải qua rất nhiều thủ tục và nhiều phần mềm khai báo được nhập cảnh. Trong khi đó, phần mềm quản lý xuất nhập cảnh mà Bộ Công an đang yêu cầu sử dụng là IGOVN thì không quét được điểm check-in, máy roaming không khai báo nhập cảnh được, cũng không có tiếng Hàn”, bà Trần Nguyện nói thêm.

Trong khi đó, với kinh nghiệm từng đón đoàn khách “hộ chiếu vaccine” đầu tiên đến Việt Nam, bà Nguyễn Thu Phương, Tổng giám đốc Vinpearl Luxury, lại cho rằng giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý như Bộ VHTTDL, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… cần thiết lập kênh liên lạc thường xuyên để hướng dẫn, điều chỉnh và phản ứng kịp thời cho công tác đón khách.

“Đối với mỗi đoàn khách, trong từng bước thực thi đón khách đều có rất nhiều vấn đề phát sinh cần có hướng dẫn cụ thể, tiêu chí hoạt động chuẩn… để doanh nghiệp tuân thủ và đảm bảo an toàn cùng hành trình trải nghiệm cho du khách. Đây là vấn đề không thể rút kinh nghiệm sau thí điểm mà cần được giải quyết ngay”, bà Thu Phương nhấn mạnh.

Trao đổi với Zing, một chuyên gia trong ngành du lịch nhìn nhận Việt Nam nên mạnh dạn hơn với các chuyến bay thí điểm đón khách quốc tế để không tụt lại trong cuộc đua mở cửa du lịch.

“Thí điểm đã được gần 1 tháng mà lượng chuyến bay chỉ đếm trên đầu ngón tay thì khó tạo ra hiệu quả rõ rệt và đủ tham chiếu để rút kinh nghiệm. Nếu trong thời gian tới quy định cách ly được nới lỏng, các hãng bay được phép khai thác nhiều hơn, hiệu quả thí điểm sẽ rõ ràng hơn và mở ra kỳ vọng khôi phục việc đón khách du lịch quốc tế, cạnh tranh điểm đến”, vị chuyên gia này chia sẻ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới