Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCampuchia: biển một bên, tiền một bên

Campuchia: biển một bên, tiền một bên

Để ra được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cần phải có sự quyết tâm cao của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt là các nước xảy ra tranh chấp.

Căn cứ hải quân Ream của Campuchia đang được Trung Quốc xây dựng.

Đó là lời ông Hun Sen – Thủ tướng Campuchia – trước thềm năm 2022 – năm mà Campuchia đảm nhận vai trò Chủ tịch Asean.

Tuyên bố của ông Hun Sen thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Quan tâm vì Biển Đông lâu nay quá phức tạp. Bất chấp những nỗ lực, sự kiềm chế, vùng biển này ngày một nóng bỏng. Ngoài sự đối đầu do tranh chấp chủ quyền, lợi ích giữa một bên là Trung Quốc, bên kia là các nước liên quan trực tiếp, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia…, Biển Đông đang ngày một tập trung, tích tụ những yếu tố tạo nên xung đột căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và nhiều cường quốc phương Tây khác.

Nhiều người không thể không đặt câu hỏi: Vì sao, thời điểm này, ông Hun Sen lại bỗng tỏ ra nhiệt tình và quả quyết đến như vậy? Campuchia thực lòng trách nhiệm? Hay Campuchia nói để mà nói, để ra vẻ xứng với trọng trách liên quan đến ổn định, hòa bình của cả khu vực, mà chỉ vài ngày nữa, họ đảm nhận, chính thức điều hành?

Đừng vội đổ tội cho dư luận. Ấn tượng về Campuchia với kỳ quan Angkor Wat đẹp đến kinh ngạc, ngỡ ngàng và người dân Campuchia hiền hòa, nhân hậu, vẫn còn nguyên vẹn, không thể phai mờ trong hàng triệu người. Nhưng, liên quan câu chuyện Biển Đông, hàng triệụ người cũng chưa thể quên, không thể không lật lại những gì mà Phnompenh đã thể hiện.

Ngược thời gian, 10 năm trước, ngày 13/7/2012, ngay trước lễ bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, bất chấp các nỗ lực vận động của nhiều nước thành viên, chính Campuchia đã kiên quyết gạt vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc ở biển Đông vào tuyên bố chung của Hội nghị. Campuchia làm điều đó bằng mọi giá. Đặc biệt, họ tận dụng triệt để vai trò, vị thế của nước chủ nhà. Và dù “kín như bưng”, nhưng dư luận thừa hiểu, Phnompenh đi ngược dòng, xả thân vì Bắc Kinh, hay đúng hơn, vì những ánh kim tiền lấp lánh đến hoa mắt mà Trung Nam Hải đã và đang giơ ra. Về chuyện tiền bạc, nhiều người biết rằng, có tới 90% đầu tư trực tiếp nước ngoài của Campuchia, là đến từ Trung Quốc – quốc gia mà nhiều năm nay, họ luôn coi như đồng minh lớn.

4 năm sau, vào tháng 7/2016, Asean có kỳ họp quan chức cấp cao (SOM) đầu tiên tại Lào kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, cũng Campuchia gây khó dễ. Sự ngăn cản của họ khiến Thông báo chung của Hội nghị đã phải bỏ trống đoạn nói về Biển Đông. Bình luận về điều tệ hại này, khi đó, một quan chức nước thành viên phải cay đắng thốt lên rằng: “Rất u ám. Campuchia phản đối hầu như mọi thứ, kể cả việc đề cập tới chuyện tôn trọng tiến trình pháp lý và ngoại giao vốn đã xuất hiện trong các tuyên bố trước đây”. Nhận định trên của nhà ngoại giao giấu tên, trong thực tế, như cái vỗ vào mặt ông Hun Sen khi ông này lấy làm tức giận, phản ứng lại cáo buộc “Campuchia gây chia rẽ Asean” trước thời điểm đó vài tháng. Thậm chí, bức xúc hơn, có người còn phê phán Campuchia là đã bán đứng COC để đổi lấy việc được Bắc Kinh chu cấp tiền bạc.

Bởi vậy, lúc này, khi ông Hun Sen quả quyết trách nhiệm của nước này thúc đẩy tiến trình COC trong vai trò Chủ tịch Asean năm 2022, thì thật khó để lấy được lòng tin của các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế và dư luận.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới