Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững động thái cứng rắn của Philippines liên quan tới Biển Đông

Những động thái cứng rắn của Philippines liên quan tới Biển Đông

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần, trên chính trường Philippines có nhiều động thái đáng chú ý. Nổi bật nhất là việc hôm 02/10/2021 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông sẽ từ giã chính trường thay vì ra tranh cử Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm tới. Trước đó, liên tiếp xuất hiện những phát biểu thẳng thắn của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Philippines liên quan đến vấn đề Biển Đông trong cùng một ngày 30/9/2021. Chúng ta cùng đi phân tích những động thái này.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana có bài viết đăng trên trang mạng philstar.com ngày 30/9, tiết lộ rằng Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế những nỗ lực của Philippines và Mỹ trong việc sửa đổi Hiệp ước Phòng thủ chung 1951.

1. Sau nhiều lần trì hoãn gia hạn, trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin thăm Philippines cuối tháng 7/2021, Tổng thống Duterte bất ngờ quyết định khôi phục hoàn toàn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa Mỹ và Philippines ký năm 1998, cho phép triển khai binh sĩ và thiết bị quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Philippines.

Mặt khác, Philippines đang sốt sắng với việc chỉnh sửa lại Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) giữa nước này với Mỹ để làm rõ mức độ bảo vệ mà Mỹ có thể cung cấp cho đồng minh của mình trong trường hợp nước này phải hứng chịu một cuộc tấn công. Mục tiêu của những việc làm này của Manila nhằm đối phó với sự hung hăng ngày càng gia tăng, và các hoạt động xâm lấn vùng biển của Philippines ở Biển Đông của Bắc Kinh, do vậy Trung Quốc luôn tìm cách ngăn cản.

Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến do Viện Stratbase ADR tổ chức, Bộ trưởng Lorenzana bóng gió nói rằng mặc dù Mỹ hoan nghênh động thái này, nhưng “một bên khác ở bên ngoài thì không”; cho biết khi ông Lorenzana lần đầu tiên đưa ra ý tưởng xem xét lại MDT năm 2018, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua đã đến nói với ông rằng “đừng thay đổi gì MDT, hãy giữ nguyên nó như bây giờ”. Ông Lorenzana nói: “Điều này khiến tôi hết sức bất ngờ. Tôi đã hỏi ông ấy lý do tại sao và ông ấy nói rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm chỉnh sửa MDT đều bị chính phủ Trung Quốc coi là một hành động nhằm cản trở sự trỗi dậy của trung Quốc”.

Nỗ lực của Manila nhằm làm rõ trách nhiệm của Washington đối với an ninh Philippines diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở và lực lượng tại vùng Biển Đông tranh chấp, bao gồm cả lực lượng mà Philippines gọi là dân quân biển cải trang thành một đội đánh cá quy mô ở gần các hòn đảo nhân tạo bị Bắc Kinh quân sự hóa. Philippines đã đệ trình hàng chục công hàm ngoại giao phản đối lực lượng này.

Theo bài viết trên trang philstar.com cho biết, để tiếp tục thúc đẩy MDT có tuổi đời nhiều thập kỷ, ông Lorenzana đã đề xuất một cách tiếp cận đa phương đối với vấn đề Biển Đông với một phần trong đó là Biển Tây Philippines (tên gọi vùng biển của Philippines ở Biển Đông). Người đứng đầu ngành quốc phòng Philippines lưu ý về cách thức Bắc Kinh sử dụng các chiến thuật “vùng xám” trong khu vực, chẳng hạn như triển khai các tàu dân quân hàng hải để khẳng định cái mà họ gọi là các tuyên bố chủ quyền của mình. Ông dẫn chứng vụ việc tại đá Ba Đầu hồi đầu năm nay khi có tới hơn 200 tàu dân quân biển của Trung Quốc bị phát hiện tại đây.

Ông Lorenzana đặt câu hỏi: “Liệu các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ có hiệu quả trong việc ngăn chặn Trung Quốc theo đuổi những chiến thuật “vùng xám” của mình ở Biển Đông hay không? Có một đề xuất đang được đưa ra thảo luận là sửa đổi MDT để giải quyết tất cả hoặc hầu hết các mối quan ngại đã được nêu trên”. Hồi đầu tháng này, ông Lorenzana đã kêu gọi một sự “xem xét toàn diện” hiệp ước kéo dài nhiều thập kỷ này do những biến động về “thực tế địa chính trị”.

Về phía Washington, Đại biện lâm thời Mỹ tại Manila Heather Variava phát biểu rằng hiệp ước này “đề cao bổn phận an ninh chung của chúng ta (Mỹ và Philippines) để cùng nhau xử lý các thách thức, kể cả trong vấn đề Biển Đông. Những ai có các hành động và tuyên bố đi ngược lại luật pháp quốc tế nên hiểu rằng Mỹ và Philippines luôn kề vai sát cánh với nhau”. Trước đó, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Mỹ đã nhiều lần khẳng định mọi hành động tấn công vào lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines năm 1951.

Liên minh Philippines-Mỹ đã tồn tại nhiều thập kỷ với sự hiện diện luân phiên của các lực lượng Mỹ tại Philippines để tham gia các cuộc tập trận chung, trao đổi thông tin tình báo và chuyển giao vũ khí. Bộ trưởng Delfin Lorenzana cho biết rõ ràng là việc củng cố MDT là điều Trung Quốc không hề muốn. Ông phát biểu tại diễn đàn: “Trung Quốc biết là bất kỳ hành động hung hăng nào của họ đều có thể kích hoạt MDT”.
Việc bị vạch mặt, chỉ tên can thiệp thô bạo vào quan hệ giữa Philippines – Mỹ chắc chắn khiến Bắc Kinh hết sức tức tối, song Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ bình luận nào, kể cả Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila. Giới quan sát nhận định động thái mới này của Bộ trưởng Lorenzana và những ý kiến nêu tại diễn đàn trực tuyến của Viện Stratbase ADR là dấu hiệu cho thấy về sự khăng khít hơn trong quan hệ giữa Philippines và Mỹ trong thời gian tới.

2. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. trong ngày 30/9 đã yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này gửi ba công hàm phản đối loạt hành động trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo mạng Inquirer của Philippines hôm 30/9 cho biết, trong một tweet, Ngoại trưởng Locsin đã yêu cầu gửi các công hàm riêng biệt để phản đối “sự hiện diện liên tục” của các tàu cá Trung Quốc ở đá Khúc Giác (Iroquois Reef) thuộc quần đảo Trường Sa.

Công hàm phản đối này liên quan việc Trung Quốc duy trì sự hiện diện của hơn 100 tàu thuyền của họ ở vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Philippines ở khu vực này. Ngoại trưởng Philippines đưa ra yêu cầu nói trên sau khi Hạ nghị sĩ nước này, ông Ruffy Biazon trình bày tại Quốc hội việc Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Philippines hôm 29/9 cho biết vẫn còn khoảng 150 tàu Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.

Ba công hàm mà ông Locsin vừa chỉ đạo phản đối Trung Quốc là động thái mới nhất thêm vào số 158 công hàm khác mà Philippines đã đệ trình để phản đối Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Giới quan sát cho rằng cùng lúc Philippines có 3 công hàm liên tiếp phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là động thái hiếm thấy thể hiện rõ sự cứng rắn của Manila trên vấn đề Biển Đông.
Điều đáng chú ý là những chỉ đạo được phát đi giữa lúc ông Locsin đang công du Mỹ. Phải chăng đây là dấu hiệu về sự phối hợp chặt chẽ giữa Philippines và Mỹ trên vấn đề Biển Đông trong thời gian sắp tới?

Một động thái mới khác liên quan đến việc 3 nước Mỹ, Anh, Úc tuyên bố thành lập liên minh AUKUS, Philippines là nước bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ nhất, đồng thời hy vọng thoả thuận này có thể giúp duy trì cán cân quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong tuyên bố hôm 21/9, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho rằng: “Việc tăng cường khả năng của một đồng minh nước ngoài ở khoảng cách gần (với Biển Đông) trong việc phát huy quyền lực nên nhằm khôi phục và giữ sự cân bằng hơn là gây bất ổn”; trong bối cảnh “các quốc gia ASEAN không có đủ năng lực quân sự để duy trì hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á” ông Locsin hy vọng “việc nâng cao năng lực quân sự mới của Úc thông qua quan hệ đối tác an ninh 3 bên sẽ có lợi về lâu dài”.

Ông Locsin nhấn mạnh: “Khoảng cách gần tạo ra sự nhanh chóng trong thời gian phản ứng; từ đó giúp nâng cao năng lực quân sự của một đồng minh và là bạn gần gũi của ASEAN để đối phó mối đe dọa đối với khu vực hoặc thách thức đối với hiện trạng”. Giới quan sát nhận định mặc dù không nêu rõ mối đe dọa từ quốc gia nào, song mọi người đều hiểu rằng điều đó ám chỉ Trung Quốc bởi Trung Quốc đang ráo riết tìm cách phá vỡ nguyên trạng và trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông và trong khu vực.

3. Những động thái nêu trên diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi chỉ còn khoảng 8 tháng nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống ở Philippines, thể hiện một số điểm sau:

Một là, bộc lộ rõ những bất đồng trong nội bộ chính quyền Philippines trên vấn đề Biển Đông cũng như trong xử lý mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại trong suốt nhiệm của Tổng thống Duterte. Rõ ràng với chính sách ngả sang Trung Quốc, làm căng với Mỹ của Tổng thống Duterte trong hơn 5 năm qua đã không thu được những kết quả mong muốn trong hợp tác kinh tế, trong khi đó quyền chủ quyền và lợi ích của Philippines tiếp tục bị Trung Quốc xâm phạm ngày càng nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân xuất hiện những bất đồng ngay trong nội bộ chính quyền của Tổng thống Duterte và âm ỉ suốt những năm qua và chỉ được lộ rõ trong những tháng cuối của nhiệm kỳ.

Hai là, khẳng định một chân lý bất luận thế nào thì vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và lợi ích quốc gia là thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Có thể ở một thời điểm nào đó những tiếng nói cứng rắn tạm thời lắng xuống hay gác sang một bên để dung hòa những ý kiến, quan điểm khác nhau nhằm đạt sự đồng thuận trong một chủ trương, chính sách chung. Thế nhưng ở vào thời điểm khi mà ngay cả ông Duterte đã nhận ra sự thiếu hiệu quả trong chính sách của mình đối với Trung Quốc và trên vấn đề Biển Đông thì những tiếng nói cứng rắn bảo vệ chân lý và lẽ phải sẽ được bùng phát là chuyện đương nhiên.

Ba là, những động thái mới kể trên của cả Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy những nỗ lực ve vãn chính quyền Manila nhằm quy phục nước này sẽ không đạt được như mong muốn của Bắc Kinh.

Điều này cũng cho thấy vấn đề Biển Đông cũng như xử lý quan hệ với Trung Quốc và Mỹ là những đề tài quan trọng được các ứng cử viên sử dụng trong quá trình tranh cử nước rút sắp tới. Và rõ ràng từ dân chúng đến các quan chức cao cấp đều mong muốn chính quyền sắp tới có một chính sách rõ ràng, minh bạch trên cơ sở lợi ích quốc gia.

Cuối cùng, những động thái kể trên, nhất là việc Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana tiết lộ Bắc Kinh đã can thiệp thô bạo để ngăn việc sửa đổi Hiệp ước Phòng thủ giữa Philippines và Mỹ năm 1951 giúp cho cộng đồng quốc tế càng hiểu rõ bản chất hung hăng, thô bạo của Bắc Kinh. Để đạt được mục tiêu biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình, Bắc Kinh đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ hay chính sách ngoại giao, quốc phòng của các quốc gia.

Việc Trung Quốc can thiệp ngăn cản sửa đổi Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ không phải là điều gì mới lạ bởi Bắc Kinh đã từng nhiều lần gây sức ép, can thiệp thô bạo vào các mối quan hệ song phương hay đa phương. Chẳng hạn như Trung Quốc dùng vấn đề tài chính, hợp tác kinh tế để lôi kéo Campuchia, Lào ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông; ngăn cản quan hệ của các nước ASEAN với Mỹ; hay gây sức ép để Campuchia phá vỡ sự đoàn kết của ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Giới phân tích đã từng cảnh báo cách hành xử thô bạo của Bắc Kinh với các nước láng giềng không chỉ khiến họ mất đi sự tôn trọng mà còn làm xấu thêm hình ảnh của đất nước Trung Hoa trong con mắt cộng đồng quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới