Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhân tích việc TQ chủ động thúc đẩy quan hệ đối tác...

Phân tích việc TQ chủ động thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN

Từ tháng 7/2020, tại Hội nghị tham vấn quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông đã đưa đề xuất nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong năm 2021. Đề xuất này được các nước ASEAN nhất trí thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 – 39 cuối tháng 10 vừa qua.

Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN năm 2021 (Brunei) sau Hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN lần thứ 24 được đăng trên trang web chính thức của ASEAN ngày 28/10 nêu rõ: “Chúng tôi (ASEAN) nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc một cách có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi”. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc đặc biệt để kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc tổ chức hôm 22/11/2021 theo hình thức trực tuyến, hai bên đã chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ ASEAN – Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được coi là cấp độ cao nhất của thỏa thuận song phương nhưng không phải là đồng minh hiệp ước, ngụ ý một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn. Giới quan sát nhận định nhằm thực hiện mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa” mà Tập Cận Bình đề ra, Trung Quốc tranh thủ kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc để nâng cấp quan hệ hai bên với nhiều toan tính sâu xa:

Thứ nhất, vị thế của khối này trong bàn cờ địa chính trị quốc tế, với việc các bên đều muốn nhận được sự ủng hộ và đồng hành của các nước thành viên ASEAN trong nhiều chương trình nghị sự ở khu vực. Với vị trí nằm ở trung tâm khu vực, trong đó có Biển Đông là nơi đang diễn ra cạnh tranh quyết liệt giữa một bên là Mỹ và các đồng minh với một bên là Trung Quốc. Thời gian gần đây, nhất là sau khi Tổng thống Joe Biden bước vào Nhà Trắng, Mỹ và các đồng minh đều khẳng định coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thực tế đã hành động quyết liệt để kiềm chế, ngăn cản Trung Quốc, nhất là ở Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, giới chức trách ở Bắc Kinh thấy rằng cần phải gia cố quan hệ với các nước ASEAN để không bị thất thế trước Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Giới cầm quyền Bắc Kinh tính toán rằng việc nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ giúp họ đi trước một bước trong việc “cột chặt” hơn ASEAN trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, không để ASEAN có cơ hội ngả hẳn sang Mỹ. Một số nhà phân tích còn cho rằng Trung Quốc muốn thông qua việc nâng cấp quan hệ với ASEAN để đẩy Mỹ ra ngoài, tuy nhiên ý đồ này khó có thể đạt được bởi các nước ASEAN đã nhận thức rõ việc cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ là “chìa khóa” để ASEAN phát huy vai trò trung tâm trên các vấn đề khu vực, bao gồm Biển Đông.

Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh đến khía cạnh hợp tác kinh tế là vấn đề mà các nước ASEAN đang có nhu cầu để phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 26/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi ASEAN và Trung Quốc hội nhập kinh tế sâu rộng và khởi động Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) càng sớm càng tốt.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đang tranh thủ khai thác khía cạnh còn thiếu của chính quyền Tổng thống trong chiến lược đối với khu vực là chưa có được một chính sách kinh tế rõ ràng đối với khu vực, bao gồm đối với Đông Nam Á để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực trọng yếu này. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ hôm 26/10/2021, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ khởi động đối thoại với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để phát triển một khuôn khổ kinh tế khu vực, song Washington chưa đưa ra được những kế hoạch và nội dung cụ thể.

Nếu như Washington đã phát huy vai trò trong khía cạnh an ninh ở khu vực thì Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế nhất là trong việc cung cấp các khoản hỗ trợ kinh tế mà các nước Đông Nam Á nghèo khó hơn vẫn đang cần. Nắm rõ điểm yếu trong chiến lược của chính quyền Biden đối với khu vực, Bắc Kinh đã đánh trúng vào những quan tâm hàng đầu của các nước ASEAN hiện nay là đẩy mạnh hợp tác kinh tế để vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế phát triển. Do vậy, đề xuất nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện với những cam kết về tăng cường hợp tác quốc tế đã được các nước ASEAN hưởng ứng tích cực.

Sau khi nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), những phát biểu của giới chức Trung Quốc nhấn mạnh khía cạnh “hội nhập kinh tế” trong quá trình thúc đẩy nâng cấp quan hệ ASEAN-Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện, ám chỉ một trong những mục tiêu của Bắc Kinh là tham gia CPTPP. Giữa lúc một số nước như Úc, Canada, Nhật chưa tỏ thái độ ủng hộ Trung Quốc CPTPP thì việc lôi kéo các quốc gia thành viên CPTPP trong ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei là điều cần thiết để Bắc Kinh tìm đường trở thành thành viên hiệp định. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp Trung Quốc từng bước vô hiệu hóa sự phản đối đối với nỗ lực của Bắc Kinh gia nhập CPTPP.

Thứ ba, yếu tố quan trọng nhất khiến Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy nâng cấp quan hệ với ASEAN là vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh của Mỹ phản ứng quyết liệt trước các hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông với những bước đi cụ thể cả về mặt pháp lý (gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông) lẫn trên thực địa (liên tiếp đưa tàu chiến các loại vào tiến hành hoạt động tự do hàng hải và diễn tập quân sự ở Biển Đông) tạo sức ép lớn đối với Bắc Kinh. Hơn thế nữa, việc can dự sâu thêm của Mỹ và các đồng minh vào Biển Đông nhận được sự hưởng ứng của các nước ven Biển Đông. Điều này phá vỡ mưu toan của Trung Quốc đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra để độc chiếm Biển Đông.

Bắc Kinh tính toán rằng việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện có thể giúp Trung Quốc sớm đạt được COC theo yêu cầu của Bắc Kinh. Một số chuyên gia cảnh báo rằng, trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc, Bắc Kinh có thể gia tăng sức ép lên ASEAN trong đàm phán về COC và các nước ven Biển Đông cần hết sức tỉnh táo không để Bắc Kinh sử dụng mối quan hệ mới được nâng cấp này thao túng tiến trình đàm phán sắp tới, nhất là trong năm Campuchia làm Chủ tịch luân phiên của ASEAN 2022. Mặt khác, đưa mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo ràng buộc các nước ven Biển Đông trong ASEAN không thể liên kết với bên ngoài để chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc có thể coi việc thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN như một dấu hiệu của “sự ổn định” ở châu Á nói chung và ở Biển Đông nói riêng để chứng minh cho giọng điệu lâu nay của giới chức Bắc Kinh rằng “tình hình Biển Đông cơ bản ổn định và các nước trong khu vực đủ năng lực giải quyết các bất đồng” xung quanh vấn đề Biển Đông nhằm đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ ra khỏi cuộc chơi.

Sau khi thua cuộc trong vụ kiện về tính hợp pháp của các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông tại Tòa Trọng tài ở La Haye và liên tiếp bị các nước ngoài khu vực gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách, Trung Quốc đã tăng cường viện trợ và đầu tư ở các nước Đông Nam Á nhằm tìm cách tranh thủ các nước này, kể cả đối với Philippines – nước đứng ra khởi kiện Trung Quốc hòng làm lu mờ giá trị của Phán quyết của Tòa Trọng tài. Trung Quốc chủ động thúc đẩy việc nâng cấp quan hệ với ASEAN nhằm mục tiêu “buộc chặt” không cho các nước ven Biển Đông có cơ hội theo chân Philippines đứng ra khởi kiện Trung Quốc một lần nữa. Đây là toan tính hết sức nguy hiểm của giới cầm quyền Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông.

Nhiều nước ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông đã hiểu rõ bản chất của Bắc Kinh qua cách hành xử hung hăng của họ ở Biển Đông. Tuy nhiên các nước này đều hoan nghênh đề xuất nâng cấp quan hệ ASEAN-Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện bởi trên thực tế, các nước ven Biển Đông đều mong muốn giữ quan hệ ổn định để tranh thủ hợp tác kinh tế, đồng thời không muốn xảy ra xung đột với Bắc Kinh. Bắc Kinh cũng hiểu rõ mối quan tâm cũng như quan ngại của các nước ven Biển Đông trong ASEAN nên đã nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-ASEAN tập trung vào lĩnh vực kinh tế nhằm làm “yên lòng” các nước ven Biển Đông.

Bản chất của bất kỳ mối quan hệ đối tác nào cũng phụ thuộc vào các hành động sau đó của các bên ký kết. Vì vậy, kết quả của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có được như kỳ vọng của các nước ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông, hay bị lôi vào “vòng xoáy” của Bắc Kinh, chúng ta cùng chờ xem.

Sơn Hà

RELATED ARTICLES

Tin mới