Sunday, November 3, 2024
Trang chủQuân sựVũ khí - Khí tàiXu hướng phát triển của pháo tự hành

Xu hướng phát triển của pháo tự hành

Có khả năng giải quyết một loạt nhiệm vụ chiến đấu và là thành tố quan trọng nhất của lực lượng mặt đất, pháo tự hành vẫn cần được cải thiện hơn nữa và các cường quốc đang tìm kiếm những giải pháp cần thiết cho vấn đề này.

Tổ hợp pháo tự hành 2S43 Malva.

Những mẫu pháo nhiều hứa hẹn

Các dự án phát triển pháo tự hành mới với tính năng chiến-kỹ thuật cao hơn đang được triển khai tại Nga, Mỹ và Đức hướng đến việc tăng tầm bắn và độ chính xác của hỏa lực, cải thiện tính cơ động… Tại Nga, pháo tự hành 2S35 “Koalitsiya-SV” hiện đang hoàn thành các cuộc thử nghiệm cuối cùng. Đây là loại pháo tự hành truyền thống với tổ hợp pháo 152 mm hoàn toàn mới, khoang chiến đấu tự động và tổ hợp điều khiển điện tử tiên tiến, sử dụng đạn tiêu chuẩn, có thể được bố trí trên khung gầm bánh xích hoặc bánh lốp.

Không kém phần thú vị là dự án Sketch, bao gồm một số phương tiện chiến đấu có cấu hình khác nhau đang được phát triển. Trong lĩnh vực pháo tự hành, đại diện cho cho dòng này có 2S43 “Malva”. Nó được chế tạo trên khung gầm bánh lốp và được trang bị hệ thống vũ khí kiểu mở. Dòng này cũng bao gồm pháo tự hành “Magnolia” và “Phlox”.

Tại Mỹ, trong vài năm qua, dự án ERCA đã được phát triển, kết quả của dự án này là pháo tự hành 155 mm XM907 và một loại pháo tự hành biến tấu từ mẫu này, được gọi là XM1299. Đặc điểm chính của tổ hợp này là chiều dài nòng pháo tăng (tương đương 58 lần cỡ nòng), giúp tăng đáng kể tầm bắn. Một thế hệ đạn mới cũng đang được phát triển, được thiết kế để tăng tầm bắn. Cho đến gần đây, có một dự án cho một tổ hợp SLRC tầm cực xa có khả năng bắn 1.600 km, nhưng đã bị hủy.

Mỹ cũng đang phát triển pháo tự hành đơn giản hóa như pháo tự hành gắn trên xe tải có nòng pháo mở và nạp đạn thủ công, nhưng được điều khiển bởi hệ thống hỏa lực tiên tiến. Một trong những mẫu vũ khí này là sản phẩm Brutus của AM General. Các hệ thống pháo hạng nhẹ hơn cũng đang được phát triển trên các khung gầm khác, bắt đầu với xe bánh lốp đa mục đích có độ cơ động cao HMMWV (High Mobility Multipurpose Wheeled Vehicle).

Trong vài năm, công ty Đức KMW đã quảng cáo trạm vũ khí pháo binh AGM, phù hợp để lắp đặt trên các khung gầm khác nhau. Hệ thống này được trang bị lựu pháo L52 155mm, cùng bộ nạp đạn tự động. Một số biến thể của pháo tự hành với mô-đun như vậy được giới thiệu; mẫu gần đây nhất có tên gọi RCH-155 và được chế tạo trên khung Boxer. Từ năm 2019, Rheinmetall đang phát triển một loại pháo 155 mm hoàn toàn mới, có nòng dài gấp 60 lần cỡ nòng, tầm bắn ước tính đạt 75-83 km. Hiện chưa rõ khi nào loại lựu pháo như vậy sẽ được thử nghiệm và khi nào thì có thể chế tạo khẩu pháo tự hành thử nghiệm đầu tiên.

Tầm bắn

Đặc điểm chung của hầu hết các dự án pháo tự hành hiện đại là mong muốn tăng tầm bắn, cho phép tấn công các mục tiêu ở độ sâu phòng thủ lớn hơn và cũng sẽ khiến việc bị trả đũa khó hơn. Các giải pháp đề xuất cho vấn đề này khá giống nhau: nòng pháo được kéo dài. Pháo tự hành 2S35 có chiều dài nòng pháo bằng 52 lần cỡ nòng khi sử dụng đạn dẫn đường phản lực tích cực 152 mm mới, tầm bắn đã đạt được 80 km. Dự án ERCA của Mỹ đã tạo ra một nòng pháo dài gấp 58 lần cỡ nòng, trong khi các kỹ sư Đức đang thiết kế một nòng pháo dài gấp 60 lần cỡ nòng.

Trong các cuộc thử nghiệm, XM907 có thể bắn đạn M982 Excalibur xa 70 km, gần gấp đôi so với M109. Đến nay, tầm bắn và độ chính xác của hỏa lực đã được nâng cao khi sử dụng đạn tiêu chuẩn. Đặc tính năng lượng của pháo có giới hạn, và để tăng thêm tầm bắn, cần phải sử dụng loại đạn đặc biệt. Các kỷ lục gần đây đã được thiết lập với các đạn phản lực tích cực được kiểm soát và dự kiến ​​sẽ có sự đột phá mới trong tương lai.

Ngành công nghiệp Mỹ tiếp tục nghiên cứu đạn phản lực tích cực 155 mm tăng tầm có kí hiệu XM1113ER. Theo các thông tin chưa được xác nhận, đạn có tầm bắn 100 km với độ chính xác vừa đủ – và đây chưa phải là giới hạn. Ở Italy, một hệ thống pháo hạm được phát triển với khẩu pháo 127 mm có nòng dài gấp 64 lần cỡ nòng, có thể đẩy đạn VULCANO đi 120 km, thậm chí xa hơn.

Tốc độ bắn và tự động hóa

Để không bị đáp trả, khẩu pháo tự hành hiện đại phải có khả năng nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ và rời khỏi vị trí, cùng với các yêu cầu khác, đòi hỏi có tốc độ bắn cao. Vì lý do này, hầu hết tất cả các loại pháo tự hành tiềm năng đều được trang bị hệ thống nạp đạn tự động, trừ các hệ thống pháo hạng nhẹ lắp súng mở.

Được biết, “Koalitsiya-SV” của Nga có một mô-đun chiến đấu tự động với khả năng cơ giới hóa nạp 70 viên đạn. Tự động hóa cung cấp tốc độ bắn từ 11-16 phát/phút. Mô-đun AGM của Đức được xây dựng theo cách tương tự. Tuy nhiên, do kích thước nhỏ hơn, nó chỉ mang được 30 quả đạn và 144 mô-đun liều phóng; tốc độ bắn 10 phát/phút. Pháo tự hành XM1299 của Mỹ cũng có một tháp pháo có người lái với bộ nạp tự động.

Ngoài ra, các phương tiện vận tải có khả năng vận chuyển đạn và chuyển chúng sang pháo tự hành, đang được phát triển. Một tổ hợp thống nhất ТЗМ kiểu 2F66-1 sẽ được sử dụng với các loại pháo tự hành tương lai của Nga. Xe có thể tự động xử lý các loại đạn có cỡ nòng từ 120-152 mm và có thể cũng sẽ hoạt động cùng với Malva.

Độ chính xác

Đối với pháo tự hành, tính hiệu quả cao, một số tính năng và khả năng đặc trưng đang được phát triển. Trước hết, chúng phải hoạt động nhanh và có khả năng thu thập thông tin ban đầu trong thời gian ngắn nhất có thể, tạo dữ liệu để bắn, điều khiển hướng ngắm của súng và nhập số liệu vào đạn. Để làm việc này, tất cả các pháo tự hành mới đều được trang bị máy tính điều khiển chính thức với tất cả các chức năng cần thiết.

Giao tiếp và tích hợp vào các hệ thống chỉ huy và kiểm soát lực lượng có tầm quan trọng đặc biệt. Do đó, thời gian chuyển dữ liệu từ người chỉ huy hoặc phương tiện trinh sát sang pháo phải rút ngắn. Trong những năm gần đây, sự tương tác của pháo binh với các UAV chiến thuật đã được phát triển và sử dụng rộng rãi. UAV cung cấp số liệu trinh sát và hiệu chỉnh thời gian thực, bao gồm cả những khu vực khó tiếp cận.

Một đóng góp quyết định vào độ chính xác khi bắn của các hệ thống mới sẽ được thực hiện bởi đạn phản lực tích cực dẫn đường. Khi bắn ở khoảng cách xa, chỉ loại đạn mới này cho phép có được độ chính xác và chỉ số tiêu hao ở mức chấp nhận được. Các mẫu hiện đại này của Nga và nước ngoài, phần lớn sử dụng hướng dẫn vệ tinh và có sai số vòng tròn không quá vài mét.

Đồng thời, cách đây ít năm, người ta đã đưa tin về một dự án của Nga về mô-đun dẫn đường tương thích với các loại đạn pháo thông thường. Một sản phẩm như vậy sẽ giảm đáng kể chi phí sản xuất đạn dược dẫn đường và cải thiện hơn nữa tính kinh tế của một cuộc tấn công bằng pháo binh.

Hướng phát triển

Hiện nay, sự phát triển của pháo tự hành đang đi theo hai hướng. Đầu tiên là sử dụng những ý tưởng và giải pháp táo bạo nhất để đạt được các đặc tính kỹ-chiến thuật tối đa, điển hình là dự án “Koalitsiya-SV” của Nga, chương trình ERCA của Mỹ và một số dự án khác.

Hướng thứ hai – nâng cao khả năng cơ động và một số đặc tính chiến đấu mà không sử dụng các cải tiến cơ bản có thể dẫn đến sự phức tạp và tăng đáng kể chi phí thiết kế. Ví dụ điển hình của hướng này là các dự án Brutus, Malva và một số dự án khác. Mặc dù chưa có những đột phá đáng kể, nhưng hướng đi này cũng được các khách hàng tiềm năng quan tâm.

Rất có thể, trong vài năm tới, pháo tự hành của hai hướng này sẽ được sử dụng phổ biến. Chúng sẽ được vận hành song song trong các đơn vị khác nhau và dùng để giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Vì vậy, pháo tự hành sẽ tự mình tiêu diệt các mục tiêu từ xa mà các loại pháo có nòng khác không thể tiếp cận, và “xe tải gắn pháo” đơn giản hóa sẽ hỗ trợ pháo tự hành hiện có thực hiện vai trò của chúng.

Như vậy, việc phát triển đồng thời hai hướng có thể thu được các hệ thống vũ khí có khả năng tác chiến, đặc tính kỹ thuật và kinh tế có lợi. Tuy nhiên, tất cả các dự án đầy hứa hẹn vẫn đang trong giai đoạn phát triển, và các mẫu pháo mới sẽ chỉ xuất hiện trong một vài năm tới. Sau đó, tương lai của các loại pháo tự hành mới trở nên rõ ràng hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới