Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển ĐôngTướng TQ nêu lý do Bộ quy tắc ứng xử trên Biển...

Tướng TQ nêu lý do Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ khó đạt được trong năm 2022

Một chuyên gia về chính sách quân sự của Trung Quốc vừa đưa ra nhiều lý do để cho rằng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa nước này với ASEAN sẽ khó đạt được trong năm 2022.

Khinh hạm Type 054A là xương sống của hạm đội tàu chiến mặt nước Trung Quốc.

Ngày 27/12, tờ South China Morning Post đưa tin bà Yao Yunzhu, cựu thiếu tướng quân đội Trung Quốc và hiện là một chuyên gia về chính sách quân sự, vừa có bài viết đăng trên chuyên san World Affairs – một ấn phẩm được cho là có liên quan với Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Theo đó, bà Yao Yunzhu cho rằng COC có thể bị trì hoãn do các tranh chấp chưa được giải quyết, cũng như sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc và đại dịch Covid-19… Các lý do này bao gồm việc liệu hiệp định có ràng buộc về mặt pháp lý hay không, phạm vi hiệu lực của COC, cũng như vai trò của các cường quốc ngoài khu vực đối với COC.

Đặc biệt, chuyên gia này nêu: “Khi các cuộc đàm phán đi vào chiều sâu, việc thương lượng sẽ trở nên căng thẳng hơn và sự can thiệp từ Mỹ và các cường quốc khác ngoài khu vực, khiến việc đạt được đồng thuận trở nên khó khăn hơn”. Thời gian qua, các chuyên gia Trung Quốc và chuyên gia quốc tế có quan hệ thân thiết với nước này thường xuyên có những bài viết với luận điểm cho rằng tình hình bất ổn ở Biển Đông là do sự can dự và các hoạt động quân sự của Mỹ tại đây. Với cách ngụy biện vừa nêu, Bắc Kinh đã chối bỏ toàn bộ trách nhiệm về việc không ngừng quân sự hóa, xây dựng hạ tầng, triển khai vũ khí và điều động lực lượng gây rối ở Biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc cho đến nay đã thông qua Tuyên bố về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC, năm 2002), Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố (năm 2011), Khung cho Bộ quy tắc (năm 2017), và một “Văn bản đàm phán dự thảo duy nhất” (năm 2018). Tuy nhiên, Bộ quy tắc ứng xử cuối cùng vẫn chưa rõ ràng.

Vào năm 2017, ASEAN và Trung Quốc đạt thỏa thuận dự thảo khung của COC. Tuy nhiên, khi đó, phía Bắc Kinh cũng đã “móc” thêm ràng buộc qua lời phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị rằng việc thúc đẩy COC đi kèm với “sự ổn định và không có can thiệp từ bên ngoài”.

Chính vì thế, việc thiếu tướng về hưu Yao Yunzhu đưa ra các lý luận trên ẩn chứa khả năng Bắc Kinh sẽ lấy lý do các hoạt động của Washington nhằm tạo cớ trì hoãn quá trình đàm phán COC.

Trước đó, tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc ngày 7/6 tổ chức tại Trùng Khánh, Trung Quốc nhằm kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác đã ra tuyên bố “ASEAN và Trung Quốc cùng cam kết đẩy nhanh nối lại đàm phán văn kiện COC thông qua các hình thức trực tuyến, “hướng tới hoàn tất sớm một bộ COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Hội nghị đã khẳng định quyết tâm hoàn thành lộ trình 3 năm đàm phán COC 2018-2021 bất kể những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, theo tờ The Phnom Penh Post trong cuộc tiếp Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwina ở Phnom Penh ngày 17/12, Thủ tướng Hun Sen đưa ra tuyên bố Campuchia sẽ nỗ lực làm việc để đạt sự đồng thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) khi nước này đảm nhận chức chủ tịch ASEAN trong năm 2022.

“Lập trường của Campuchia về Biển Đông là thúc đẩy việc thực hiện nghiêm ngặt Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và chúng tôi kêu gọi các quốc gia liên quan đàm phán và nỗ lực làm việc để đạt một COC có thể cùng nhất trí”, ông Hun Sen nói.

“Tôi sẽ làm việc với các nước ASEAN khác, cùng với CHND Trung Hoa, để đàm phán cho ra COC hiệu quả và có thể chấp nhận. Việc này cũng sẽ đánh dấu tròn 20 năm ký kết Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC)”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh hôm 15/12, theo cổng thông tin Fresh News.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới