Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDấu hiệu một cuộc chiến tranh lạnh mới

Dấu hiệu một cuộc chiến tranh lạnh mới

“Những gì chúng ta đang chứng kiến về mối quan hệ giữa Nga và Mỹ về cơ bản là một cuộc chiến tranh lạnh mới”. Đó là bình luận của ông Nikola Mikovic – nhà phân tích người Serbia, chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại của Nga, Belarus và Ukraine.

Một cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc.

Trong năm 2022, căng thẳng giữa Nga và Mỹ sẽ duy trì ở mức cao độ hơn năm 2021. Trong khi đó căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang bị hâm nóng vì vấn đề cốt lõi là Ukraine.

Như bạn đọc Biendong.net đã từng theo dõi, Nga và Ukraine không muốn nhìn mặt nhau kể từ năm 2014 sau sự kiện gây bất ổn chính trị: Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Như đổ thêm dầu vào lửa, phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine nổi dậy đòi độc lập. Phe ly khai nhanh chóng lập ra hai nhà nước tự xưng ở các vùng Donetsk và Luhansk tại Donbass.

Một năm sau, năm 2015, thỏa thuận hòa bình Minsk II được ký kết. Tuy nhiên, thỏa thuận này chả mấy chốc biến thành giấy lộn bởi Kiev không muốn trao quy chế tự trị cho các khu vực ly khai. Nga cũng không vừa, quyết không trả lại quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực tại Donbas.

Theo các nguồn tin tình báo Mỹ, cuối năm 2021, Nga dồn quân gần biên giới đe dọa tấn công Ukraine. Tổng thống Putin đã bác bỏ tin này. Ông cho rằng, chính Mỹ và đồng minh phương Tây là nguồn gốc gây căng thẳng vì “chơi xấu”, lôi kéo Ukraine sát lại Liên minh châu Âu (EU).

Làm gì đây để tháo ngòi nổ chiến tranh? Nga và phương Tây đồng ý sẽ tổ chức 3 cuộc đàm phán chính thức trong các ngày 10-13/1 sắp tới. Song theo các nhà quan sát, các cuộc đàm phán sẽ không tìm được tiếng nói chung, nó chỉ là cách rút củi đáy nồi.

Trong khi đó, các huấn luyện viên quân sự từ NATO đã xuất hiện ở Ukraine để đào tạo, huấn luyện cho binh sĩ nước này, mặc dù Ukraine không phải thành viên chính thức để có thể mời lực lượng NATO tới giúp thiết lập quyền kiểm soát đối với vùng Donbass. Động thái này nhằm ngăn chặn mối đe dọa quân sự rình rập Ukraine và rộng ra là cả châu Âu.

Căng thẳng đang được đẩy lên cao, nhưng theo tính toán của các nhà quân sự, Nga nhiều khả năng sẽ không tấn công Ukraine vì sẽ tổn thất rất lớn. Không chỉ tổn thất sinh mạng, kinh tế, mà Phương Tây sẽ ra đòn trừng phạt rất nặng nề.

Nga do dự còn vì một lẽ: Ukraine có diện tích rất lớn (603.628km2) cho nên việc kiểm soát lãnh thổ sẽ không thể diễn ra chóng vánh. Thời điểm này quân đội Ukraine cũng đã được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, được đào tạo tốt hơn nhiều lần so với năm 2014.

Ấy là chưa nói sự giúp sức của siêu cường Mỹ. Trong cuộc gặp trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ, Tổng thống Biden tuyên bố, nếu Nga can thiệp quân sự, phương Tây sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho Ukraine dưới dạng trang bị và vũ khí. Thêm nữa, giao tranh xảy ra, các nước đồng minh ở Ba Lan, vùng Baltic, ở Đông và Trung Âu sẽ rất lo ngại. Họ sẽ yêu cầu NATO tăng cường hiện diện trên lãnh thổ. Nhà Trắng từng thể hiện Mỹ sẵn sàng xem xét những yêu cầu ấy theo hướng có lợi.

Vậy là, thiên chưa thời và địa chưa lợi. Nga đành tạm lùi các ý định tấn công.
Vẫn biết những xung đột căng thẳng kéo dài chỉ có thể giải quyết bằng vũ lực, nhưng giải quyết bằng cách nào có lợi nhất thì chưa rõ. Nga và Mỹ có thể dành thời gian đàm phán. Tỏ ra thiện chí nhưng Mỹ vẫn công khai cung cấp vũ khí cho Ukraine, chẳng cần giấu diếm. Đàm phán mà làm gì, điều này chỉ có thể nói bằng câu thành ngữ của người Việt Nam: “đánh bùn sang ao”.

Phương Tây nhận định, thời gian không ủng hộ Nga, cho nên các cuộc đàm phán nếu có tổ chức thì kéo càng dài càng tốt. Trong tình thế này Nga chỉ còn cách tiếp tục đưa ra những lời đe dọa đối với phương Tây, triển khai quân đội hoặc rút quân nhỏ lẻ để thể hiện “thiện chí”.

Trong một bài bình luận ngày 27/12/2021 trên Nikkei Asia, nhà bình luận Hiroyuki Akita nhận định: Mỹ khó có thể di chuyển lực lượng từ châu Âu về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một khu vực Wasinghton nhấn mạnh trong chính sách đối ngoại. Vì thế việc xoay trục sang châu Á đang tạm dừng. Chính những căng thẳng leo thang tại Ukraine và Iran cũng là một yếu tố cản trở việc xoay trục này.

Đầu năm mới, ông Joe Bidden đang đau đầu về việc xử lý các mối quan hệ với Nga, Trung Quốc. Mỹ có thể áp lệnh trừng phạt đối với Nga trong khi vẫn trao đổi nếu ông Putin muốn. Mỹ vẫn tiếp tục trừng phạt kinh tế Trung Quốc, gia tăng tuần tra bảo vệ hàng hải trên Biển Đông và vẫn sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh. Như vậy, tìm được tiếng nói chung để “hai bên cùng thắng” chỉ là cách nói mang tính ngoại giao.

Do căng thẳng với Mỹ và phương Tây mà quan hệ giữa Nga và Trung Quốc – hai quốc gia vốn một thời “cơm chẳng lành canh không ngọt”- trở nên “thắm thiết”. Không chỉ hiện tại mà xu hướng này có thể còn tiếp tục kéo dài. Tổng thống Vladimir Putin mô tả, quan hệ song phương giữa hai nước đang ở “giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”. Còn Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, đây là “quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới”.

Khi “gấu Nga” và “hổ Trung Quốc” hợp sức thì Mỹ và phương Tây phải dè chừng. Và như vậy, lựa chọn tốt nhất của năm 2022 của Wasinghton, là đối mặt với con gấu lớn (Nga) không cho nó hành động mang tính bạo lực, đồng thời tập trung ứng phó có hiệu quả với các hành vi bành trướng trên Biển Đông của Bắc Kinh.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới